Những địa phương có tên Đông Tác

Có phải ngẫu nhiên khi địa danh Đông Tác luôn luôn là tên thôn làng gắn với bến thuyền và sau này gắn với sân bay của những thủ phủ quan trọng ?

Trước hết, ở ven con sông nhỏ chảy về phía sân bay Bạch Mai là ngôi làng cũ Đông Tác có từ đời Lê, đời Nguyễn đổi là Trung Tự, hiện nay thuộc thành phố Hà Nội, chỉ cách Hồ Gươm khoảng một giờ đi bộ.

Sân bay Bạch Mai thời Pháp

Sân bay Bạch Mai do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1919 với một đường băng bê-tông dài khoảng 980m, nay nằm giữa hai phố Trường Chinh và Lê Trọng Tấn. Trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, sân bay Bạch Mai bị ném bom hư hỏng nặng. Hiện một phần của sân bay đã được chuyển thành Bảo tàng Phòng không Không quân.

Sân bay Bạch Mai thời nay

Trên bản đồ Việt Nam còn có phường Đông Tác thuộc thành phố Thanh Hoá. Xin lưu ý rằng quê gốc Gia Miêu ngoại trang của dòng họ Nguyễn Đông Tác Hà Nội cũng ở tỉnh Thanh Hoá.

Bến cá Tuy Hoà

Ngoài ra, địa danh này còn chỉ tên một ngôi làng có bến cá khá lớn (ảnh trên), nay thuộc phường 6, thành phố Tuy Hòa, thủ phủ tỉnh Phú Yên. Phia nam làng này là sân bay cũ Đông Tác (tọa độ 13°03′ N, 109°20′ E), trước 1975 từng xếp hạng thứ hai của miền Trung, chỉ sau sân bay Chu Lai. Lại xin nói thêm rằng năm 1841 ông nghè Nguyễn Văn Lý đã từng làm Án sát Phú Yên và sinh được con cái với một bà vợ người địa phương, sau đó tất cả gia đình cùng về sống tại quê hương Đông Tác ở Hà Nội.

Sân bay Đông Tác, Tuy Hoà

Đông Tác cũng là tên một thôn chài nhỏ (tọa độ 20° 41’ N, 106° 42’ E), nay thuộc xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy. Thôn này nằm ở phía tây-nam thị xã Đồ Sơn, ngay bờ trái cửa sông Văn Úc. Phía bắc có sân bay quốc tế Cát Bi, chỉ cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 5km. Lại xin nói thêm rằng Kiến Thụy xưa kia vốn là nơi đóng Dương Kinh của nhà Mạc (TK 16), và bên kia sông là Đò Mè, nay được nghi vấn như tên Việt của cảng Domea trong các bản đồ Đàng Ngoài do phương Tây vẽ từ hồi thế kỷ 17-18.

Chùa Đông Tác, Kiến An
Bến thuyền Đông Tác, Kiến An
Nhà thờ Đông Tác, Kiến An

Đông Tỉnh

(ảnh: NCCong, TT, Người buôn ký ức)