Những phụ nữ có nguy cơ cao về ung thư vú

health

Ung thư vú là những khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính này tập hợp các tế bào gây bệnh có thể sản sinh rất nhanh tại các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) tới các bộ phận khác trong cơ thể. Lưu ý bạ̣n nữ giới là ngoài những dấu hiệu nhận biết thông thường thì bạn còn có thể sớm phát hiện được thiên hướng dễ mắc bệnh ung thư vú nếu thuộc một trong những đối tượng sau:

Người dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn

Dậy thì sớm

Theo ý kiến từ các chuyên gia, việc tiếp xúc lâu dài với hormone estrogen và progesterone có thể làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Bạn có thể nhận biết rõ dấu hiệu này qua những đối tượng nữ giới dậy thì sớm và những người mãn kinh muộn [1]. Đây được xem là những người có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú cao hàng đầu.

Dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai (độ tuổi chính xác vẫn còn là vấn đề tranh cãi). Dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn 10 lần so với các bé trai. Cần phân biệt dậy thì thực thụ với chứng vú phát triển sớm - một rối loạn lành tính trong đó ngực phát triển đơn thuần không kèm theo các dấu hiệu dậy thì khác.

Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này. Trong số đó phải kể đến u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp. Ở các bé gái trên 6 tuổi, những nguyên nhân kể trên thường rất hiếm gặp nhưng vẫn cần được bác sĩ cân nhắc. Một nguyên nhân khác cần được chú ý là gia tăng lượng estrogen đưa vào cơ thể từ bên ngoài qua thức ăn, đồ plastic...

Người gặp vấn đề về sinh sản

Những đối tượng nữ giới không thể sinh con hoặc có con đầu lòng sau 30 tuổi thường có nguy cơ phát triển thành ung thư vú cao hơn khoảng 40% so với đối tượng nữ giới sinh con ở độ tuổi 25. Lý giải cho điều này là do các đột biến gen trở nên phổ biến hơn khi bạn càng có tuổi, chúng sẽ tăng dần lên và phát triển trong thời kỳ bạn mang thai. Vậy nên, các bác sĩ thường khuyến cáo nữ giới nên sinh con trước 30 tuổi và hạn chế việc sinh đẻ sau 40 tuổi để hạn chế gặp phải những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Người thường xuyên thức đêm

Những đối tượng nữ giới thường làm việc đêm nhiều có khả năng phát triển thành ung thư vú cao gấp 4 lần so với những người sinh hoạt lành mạnh, ăn ngủ đúng giờ. Bởi thông thường, melatonin sẽ tăng lên vào ban đêm, nhưng ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể ngăn chặn mức độ sản sinh melatonin, từ đó kích thích đến các hormone khác gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào vú. Đó là lý do vì sao những người mắc bệnh ung thư vú thường có hàm lượng melatonin trong cơ thể thấp hơn so với đối tượng nữ giới không có bệnh.

Người hay gặp áp lực, căng thẳng

Ít ai nghĩ rằng, những người làm việc quá cần mẫn, cống hiến hết mình cho công việc lại có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú cao hơn. Cũng bởi, thời gian làm việc trải dài không khoa học, áp lực từ công việc gây ra nên làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số thói quen xấu như ăn uống không khoa học, áp lực công việc thường xuyên, căng thẳng kéo dài... đều là những tiền đề hình thành nên bệnh ung thư vú.

Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú

Nếu trong gia đình bạn có người thân mắc bệnh ung thư vú thì bạn cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn những người bình thường. Gen di truyền là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ di căn ở bệnh ung thư vú. Do đó, bạn cần chủ động đi khám tầm soát bệnh ung thư vú từ sớm nếu có người thân trong nhà mắc căn bệnh này.

(Theo Khỏe Plus 24h)

[1Theo BS Phó Đức Nhuận (Sức Khỏe & Đời Sống) tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt Nam là 48-50, nhưng cũng có người mãn kinh sớm hoặc muộn hơn. Những người trên 55 tuổi vẫn hành kinh thì được coi là mãn kinh muộn. Đây không phải là một bệnh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này hiện chưa rõ ràng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ở những phụ nữ này, việc sử dụng quỹ trứng của buồng trứng có thể đã quá tiết kiệm và sự tự tiêu của các trứng cũng ít hơn người khác. Tuy nhiên, việc hoạt động của buồng trứng kéo dài gây mãn kinh muộn cũng có thể do những bất thường của buồng trứng; thường là do có khối u tiết ra các hoóc môn. Trong trường hợp này, kinh nguyệt vẫn tồn tại ở người có tuổi hoặc đột ngột xuất hiện trở lại sau khi mãn kinh vài năm. Để có thể khẳng định tình trạng của bạn là mãn kinh muộn hay là biểu hiện của một bệnh lý nào đó, bạn cần đi khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm cần thiết.