Ảnh sửa (retouche) lấn ảnh thực

Khoảng 30 trong số 343 tác phẩm được chọn treo tại Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc là ảnh kỹ xảo nhưng bị "chấm nhầm" sang ảnh chụp trực tiếp. Con số được đưa ra tại hội thảo "hậu triển lãm" đã khiến cho cuộc thảo luận trong giới nhiếp ảnh sôi nổi hơn dự kiến của Ban tổ chức.

Sân golf

Thảm xanh Tam Đảo - Huy chương đồng (Võ Huy Cát, Vĩnh Phúc)

Sau khi triển lãm, công bố giải thưởng tại Hà Nội và tiếp tục trưng bày tại TP HCM, Bộ Văn hoá Thông tin kết hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tổ chức Hội thảo về Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc lần 24. Đây là dịp để các nhà quản lý, phê bình, nghệ sĩ... đánh giá và rút kinh nghiệm cho những triển lãm sau. Khác với không khí đìu hiu "lần lượt độc thoại" như thường thấy trong các hội thảo, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có một cuộc tranh luận ra trò về nhiều vấn đề, đặc biệt là những lấn cấn của Ban giám khảo trong việc phân chia, đánh giá và chấm giải đối với hai loại ảnh: Ảnh chụp trực tiếp (loại A) và ảnh kỹ xảo, sử dụng PhotoShop (loại B).

Sau một số ý kiến điểm qua những ưu điểm và hạn chế chung của triển lãm, phát biểu của nghệ sĩ Đinh Quang Thành đã mở đầu cuộc tranh luận khi ông khẳng định: Ban giám khảo đã không phát hiện được khoảng 30 tác phẩm thực chất là loại B nhưng đã được vô tình hoặc cố ý gửi sang tranh giải ở loại A.

Quà của biển - HC vàng (Phạm Hữu Tiến, Tiền Giang)

Thực tế, những tác phẩm loại B tham dự triển lãm năm nay được đánh giá là thiếu sáng tạo, không có nhiều ý tưởng mới, trình độ sử dụng kỹ thuật PhotoShop của các nghệ sĩ chỉ đủ để "qua mặt" Ban giám khảo chứ chưa tạo ra được những bức ảnh đẹp. Chia sẻ với nghệ sĩ Đinh Quang Thành, nhà nhiếp ảnh Mạnh Thường cho rằng, sử dụng kỹ xảo cũng là một phương pháp sáng tác nhằm tạo ra những tác phẩm có chất lượng. Nhưng trong quá trình cắt ghép, người nghệ sĩ phải tôn trọng logic tự nhiên của cuộc sống. Ông đã dẫn ra không ít tác phẩm cắt ghép một cách phi logic nhưng vẫn đoạt giải.

Tác phẩm đầu tiên được mổ xẻ là Thảm xanh Tam Đảo (Võ Huy Cát) - Huy chương đồng loại A. Theo ông Cường, trong bức ảnh này có đến 3 lớp ánh sáng: 4 người điều khiển máy ở tiền cảnh bóng đổ ngang dài sang trái; 2 người ở trung cảnh, bóng đổ dài thẳng hàng với người. Còn hậu cảnh không có bóng hoặc bóng đổ lờ mờ vì cảnh này chụp vào lúc ánh sáng tản. Nghệ sĩ Vũ Huyến nói đùa rằng, với bức ảnh này, sẽ không có ông chủ sân golf nào thừa nhận đây là sân golf của mình cả. Có mặt tại buổi hội thảo nhưng nghệ sĩ Võ Huy Cát đã không bảo vệ được đứa con tinh thần của mình.

Tiếp đó, các tác phẩm như Vào cuộc, Công việc của thời hiện đại, Cung đàn công nghiệp... lần lượt được đưa ra như những dẫn chứng cho sự phi logic, chắp ghép thô thiển, phi thực tế của các nghệ sĩ trong quá trình sử dụng kỹ xảo. Ngay cả những tác phẩm đoạt giải vàng cũng gặp không ít ý kiến cự nự, coi đó là sự trao thưởng chưa xứng đáng. Từ đó, nghệ sĩ Mạnh Thường cho rằng, PhotoShop "không có tội", nhưng các tác phẩm sử dụng kỹ xảo phải thật nhuần nhuyễn để người xem không còn quan tâm đến kỹ thuật nữa mà chỉ bị ám ảnh bởi cảm xúc và ý tưởng của người nghệ sĩ.

Chặn cơn sóng dữ - HC bạc (Lý Toàn, Bình Thuận)

Với chủ đề Nhịp sống mới, Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc 2006 đã gom được một bộ ảnh lớn phản ánh nhịp sống sôi động, mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ mới. Nhưng một số ý kiến cho rằng, việc ra đề bài như vậy ít nhiều làm hạn chế tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Theo nhà nhiếp ảnh Dương Tăng, đề tài chỉ nên áp dụng với các cuộc vận động sáng tác mang tính chất tuyên truyền. Còn với những triển lãm mang tính chuyên môn cao, Ban tổ chức cần tạo mọi điều kiện để các nghệ sĩ phát huy hết các thế mạnh riêng. Ông cho rằng, tại triển lãm lần này, sức sáng tạo của các nghệ sĩ còn hạn chế, thể hiện ở sự trùng lặp về chi tiết, ý tưởng với những người đi trước: có quá nhiều ruộng bậc thang khi chụp về miền núi, quá nhiều cần cẩu, giàn giáo khi chụp về công nghiệp, quá nhiều thợ lò mặt mũi lấm lem đi lên từ lòng đất với nụ cười rạng rỡ khi chụp về vùng mỏ… Và vì thế, nhiều tác phẩm Nhịp sống mới nhưng lại mang đến cho độc giả những cảm nhận đã cũ.

Trong khuôn khổ một buổi sáng, hội thảo cũng chỉ mới gợi mở chứ chưa đi sâu vào một số vấn đề như phương pháp thẩm định ảnh, khoảng cách giữa đội ngũ sáng tác trung ương và địa phương, chất lượng ảnh chân dung…

Một trong những vấn đề tuy không được chủ tịch đoàn đề nghị bàn bạc nhưng lại được thảo luận sôi nổi là “chất lượng Ban giám khảo”. Một đại biểu dẫn ý kiến của những người trong giới rằng, triển lãm không phải là cuộc thi của các thí sinh mà là một dịp thử thách Ban giám khảo.

Cung đàn công nghiệp - HC bạc (Ngọc Bảo, tp HCM)

Tuy được trao Huy chương bạc, nhưng bức ảnh Cung đàn công nghiệp bị các nghệ sĩ nhiếp ảnh đổ xô vào chỉ trích vì sự phi logic của nó dưới bàn tay lắp ghép của tác giả. Ông Đinh Quang Thành dẫn lời vị phó tổng giám đốc công ty trực tiếp xây dựng cây cầu được chụp trong bức ảnh này: "Tôi không hiểu nổi tại sao một bức ảnh phi lý như thế lại được giải".

Từ bức ảnh Dũng sĩ bắt voi từng đoạt bằng tưởng lệ tại cuộc thi ảnh TP HCM lần 27, tác giả C.H. mượn lại người mẫu Y Prông Êban để cắt ghép vào tác phẩm Vào cuộc trong triển lãm lần này. Do sơ xuất trong quá trình cắt ghép nên người ta phát hiện ra, trong Dũng sĩ bắt voi, Y Prông Êban cầm tù và ở tay trái, còn trong Vào cuộc, ông cầm tù và bên tay phải.

Các nghệ sĩ “cự nự” rằng tranh của nhiều vị giám khảo treo trong triển lãm “không đạt chất lượng”.

Lưu Hà (VE)