Pierre Barrelon

Nam Kỳ 1859- Cuộc đánh chiếm Sài Gòn

Biên dịch: Lý Thế Dân

Ngày 9 tháng 2 vừa rồi chúng tôi đã đến cửa sông Saigon cùng chiến hạm Le Phlégéton treo cờ hiệu của phó đô đốc Rigault de Genouilly, Le Primauguet, ba pháo thuyền, nhiều tàu vận tải đa chủng loại và một pháo thuyền hơi nước (steam-aviso) của Tây Ban Nha, chiếc El Cano nếu tôi nhớ không lầm. Chúng tôi kiên quyết tiến lên băng qua một mê cung sông rạch, đan xen chằng chịt theo kiểu cách kỳ lạ nhất trên đời, mực nước đo chỗ nào cũng chỉ được có 5 hay 6 fathom (10-12m), lèo mũi chỉnh liên tục. Chiều rộng dòng chạy hiếm khi nào lớn hơn 100 mét. Nó được phòng thủ bởi một tá pháo đài gỗ vũ trang đầy đủ và 3 thủy đội. Tất cả bị hạ thật mau chóng; chỉ có hai cái cuối cùng, ở nơi gần thành phố nhất, là trụ được lâu. Chúng bắn vào sườn chúng tôi, còn các pháo thuyền của ta, bơi sát nhau, chỉ có thể bắn trả bằng hai khẩu pháo mũi. Tuy nhiên chúng tôi chỉ cần một giờ để kết liễu chúng. Chúng tôi đã tới Sài Gòn.

Giờ đây, cố gắng vắt óc tưởng tượng, tôi không thể nói đó là một thành phố như chúng ta có ở Châu Âu, mà là một khu rừng nhiệt đới đây đó ló lên những ngôi nhà; khắp nơi xanh ngắt, tươi tắn, xen lẫn các con suối chảy vòng vèo rồi lại lẫn vào đám cây rậm rạp. Giữa đám thực vật đó, ẩn khuất giữa các tán cây, là một pháo đài (fort) rộng lớn có các đồn phòng thủ (bastion) làm bằng đá cỡ lớn: đó là Sài Gòn và tòa thành của nó. Sài Gòn thì ta đã chiếm, còn tòa thành thì sẽ sớm thôi, dù đứng từ phía sông thì không thể thấy nó và chúng tôi buộc phải bắn phá dò dẫm. Sau khi dập tắt các hỏa điểm của nó, chúng tôi leo lên thành bằng thang tre và dự trù sẽ tìm thấy bọn pháo thủ còn ngồi bên pháo của chúng như ở Đà Nẵng; nhưng lần này chúng đã bỏ chạy.

Tuy nhiên, chúng tôi chiếm được cả lượng lớn kho tàng, trọn vẹn kho khí giới, 85.000 kilogram thuốc súng đóng thùng hoặc trong hộp, diêm tiêu, lưu huỳnh, chì, trang bị quân sự, lượng gạo đủ nuôi 8.000 người và 130.000 franc tiền bản xứ, tức là đồng kẽm. Tỷ giá 3.000 đồng ăn 5 franc, tức là lượng đồng kẽm trong các rương này lên tới 78 triệu đồng.

Tôi thu xếp vào một ngôi chùa để nghỉ qua đêm ở đây và tìm được một nơi khó mà tốt hơn được. Các ngôi chùa vẫn là nơi trú cho khách ở Trung Hoa và Đông Dương; người ta ăn ở đây, uống ở đây, ngủ ở đây nếu được cho phép, thậm ký ký kết các thỏa ước ở đây như ở Thiên Tân mà không bị coi là làm chuyện phạm thánh; Phật giáo vốn khoan dung. Nó hơi giống các nhà thờ Hy Lạp ở Cairo, nơi các thầy tu sống cùng gia đình mình, bầy con thì chơi đùa trước bàn thờ còn bà vợ đứng nấu ăn trong gian nguyện. Tóm lại, nghỉ lại đây tốt hơn hẳn một vài khách sạn khác mà tôi từng ở, ví dụ Hotel du Prince de Galles ở Aden chẳng hạn. Và tôi thiếp đi trong khi suy nghĩ về cái nghiệp phiêu lưu đã đưa tôi đi quá xa khỏi nước Pháp, dù là đến một đất nước đầy chất Pháp, ở trong cái pháo đài được xây bởi người Pháp và vừa bị người Pháp chiếm được. Thật hay mơ khi chúng ta có mặt ở khắp nơi còn Châu Á lại không phải là nhà.

Ngày hôm sau tôi thức dậy với thiên nhiên tráng lệ bao quanh như cả một đại dương xanh rì. Bảy giờ sáng, tôi thấy hai lính dưới quyền đưa tới chỗ tôi một gã quỷ khốn khổ ăn bận khá kỳ quái lố lăng. Tối hôm trước khi đang đánh nhau, gã đã nấp trên một cây sung; gã ngồi đó suốt đêm và mãi khi có tia nắng đầu tiên thì đám lính thủy của tôi mới phát hiện ra gã. Phải rất mất công mới thuyết phục gã leo xuống được. Các bạn có thể hình dung ra nỗi sửng sốt của tôi khi tôi nghe hắn thốt lên bằng một giọng hết sức tội nghiệp nhưng mang vẻ thanh nhã mà ngay Cicero hẳn cũng phải ghen tị: Parce! Domine! Non hostis sum, christianus Cambodjanus! Tôi phải xấu hổ thừa nhận rằng gã tù nhân này giỏi tiếng Latin hơn mình; nhưng bác sĩ D*** tốt bụng đã tới giúp tôi và chẳng mấy chốc chúng tôi đã hiểu nhau.

Tên hắn là Li-Kouan. Hắn là một thanh niên 27 tới 28 tuổi, lùn, mũi tẹt, gò má cao, mặt bẹt, tóc đen, da màu trắng bẩn hơi ngả vàng và dáng oai vệ trước tuổi. Hắn mặc quần dài, hơi rách do leo trèo và một kiểu áo khoác ngắn tà dài tới đầu gối. Theo lời hắn khéo léo cho tôi hay, hắn là Ki-tô hữu sống ở Cambodia, dù gốc là người Hoa. Hai ngày trước, hắn đã hoài công cố gắng tìm đến thủy đội ta trên sông cùng với Giám mục Sài Gòn là Mgr. Lefebvre, và sang hôm sau hắn phải chứng kiến một thừa sai (missionary) bị sát hại.

Li-Kouan và tôi sớm trở thành bạn thân nhất trên đời. Hắn nói tôi hay rằng có khoảng 500.000 Ki-tô hữu ở Nam Kỳ và cho tôi biết những chi tiết khá đáng lưu ý về vương quốc nhỏ Cambodia. Tôi đã kể cho các bạn việc người An Nam chỉ chiếm được các tỉnh ven biển biên giới cách Sài Gòn sâu nhất là khoảng 20 dặm. Ngoài phạm vi đó bắt đầu thuộc quyền của vua Duong lừng lẫy, illustris rex Duong, như lời gã cải giáo của tôi gọi ông ta, một chúa thượng đã từng trải qua nghịch cảnh. Từng là tù nhân của người Xiêm một thời gian dài, ông buộc phải làm thợ đồng hồ để kiếm sống. Người ta nói ông lùn và béo, mặt rỗ chằng chịt, rất sùng mộ người Châu Âu. Ông cũng thích cho rằng mình biết tiếng Latin, nếu tin lời Li-Kouan, và ông trang trí phòng ăn của mình bằng dòng chữ kiểu như sau: domus manducare bubere que. Tay thái giám đầu tiên của ông cũng là bầu bếp đầu tiên của ông và tôi có thể hình dung ra vị tư lệnh vĩ đại của pháo binh Cambodia, kẻ mà gã tù của tôi chỉ dành cho những lời kính trọng nhất, với quan tâm trên hết của mình hẳn là một số chuyện nhà đại loại như vậy. Về mặt vương vị, Duong chỉ có một cái áo ngắn lụa vàng, đính một chiếc đai lưng vàng; còn ngoài ra, ông hẳn là một tư sản đường hoàng từ Paris hay London, bị lạc giữa đồng bằng Châu Á, thân mật bắt tay và mời ta xức Eau de Cologne vào cuối bữa ăn, chỉ thiếu không thể mời ta dùng sâm banh nữa mà thôi.

Các bạn nghĩ gì về Li-Kouan và chúa thượng của hắn ta? Tôi thừa nhận rằng gã đầu đã ghi dấu trong trí nhớ tôi tới ngày nay và rằng gã sau đã khiến tôi vui trong lúc tiêu khiển ở Sài Gòn. Thật là một đất nước Châu Á độc đáo nơi ta có thể thấy những tương phản đến như vậy! Ở vùng cực viễn của phương Đông, giữa một doanh trại, trong lòng Sài Gòn, được nghe tiếng La-tinh và tái khám phá ký ức về thời đi học tại cái nơi bí ẩn xa xôi này! Thật là một ấn tượng kỳ quặc khi Châu Âu trẻ trung của ta có mặt ở nơi cựu thế giới này và những cuộc cách mạng chấn động đang diễn ra trước mắt ngày hôm nay, khi con tàu hơi nước kia khuất phục được các cách trở xa xôi, giống như một cây cầu di động nối kết được tới những nơi tận cùng thế giới!

Hơn nữa Sài Gòn đem lại các lợi thế thương mại to lớn; xét từ góc độ này thì đây là vị trí quan trọng nhất của Nam Kỳ. Trên sông có thể đi lại được những con tàu lớn nhất, kể cả tàu vận tải biển (liner), và tôi chưa từng gặp con sông nào lặng và dễ đi như vậy. Chỉ cần một đợt triều – ở đây chúng kéo dài 12 giờ – là đủ để ngược sông lên tới thành phố, với một cơn gió nhẹ, dễ chịu. Địa hình bằng phẳng, thóc gạo dồi dào, tươi đẹp hơn nhiều so với Xiêm La. Tôi được xem thứ đường cát rất tốt, gần như trắng mịn, cũng như vài loại mía đường. Cây gỗ nhuộm rất nhiều, sáp ong rất trong và cũng như quế, tôi thấy chúng có chất lượng vượt trội sản phẩm từ Trung Hoa hay của các vùng khác ở Nam Kỳ. Tôi không nghi ngờ gì, theo ý chủ quan của tôi, với một chút kiên trì và một tinh thần vượt khó, chúng ta sẽ biến cái cảng đầy ưu đãi này thành cảng biển đẹp nhất thế giới. Cư dân là người Đông Dương và, cho dù không nhiều cảm tình, họ rõ ràng ít thù địch hơn hẳn dân Quảng Châu. Hơn nữa, Sài Gòn chỉ cách Cambodia có vài dặm và ở đó là một chủng tộc khác hẳn, rất dễ để đồng hóa. Các bạn có thể tự phán xét dựa trên những gì tôi đã kể về vua Duong. Cho dù có vẻ kỳ lạ, mọi chi tiết đều rất chính xác. Bổ sung là chúng được xác nhận bởi một thừa sai từng sống ba năm tại xứ này. Cuối cùng, xin nói thêm là trên quan điểm quân sự, địa điểm này có thể xem là tuyệt đối không thể công phá được. Nếu bố trí một số pháo đội dọc dòng sông lộng gió này, tôi không biết liệu có hải đoàn nào dám nghĩ đến chuyện xâm nhập thôi chứ chưa nói đến gì khác, bởi chúng sẽ phải đối đầu với người Âu.

Li-Kouan đã lên đường đi Phnom-Penh, tức Namwang trong tiếng Nam Kỳ, nơi thường trú của hắn, cách Udon vài dặm và là thủ đô của Cambodia. Hắn phải ngược sông Mekong, nấp dưới chiếc ghe của một Ki-tô hữu. Tòa thành Sài Gòn, được một đại tá công binh Pháp xây cho Gia Long, nay không còn tồn tại; nó đã bị cho nổ tung. Chúng tôi chỉ giữ lại các pháo đài gần bờ sông hiện được gác bởi lính của Thiếu tá Jaurreguiberry. Chúng đang nằm trong những tay cứng cựa. Hãy yên tâm là hòn ngọc của An Nam như họ gọi Sài Gòn và các tỉnh xung quanh, được thiên nhiên ưu đãi với đất đai, khí hậu và nước ngọt, sẽ hướng tới một tương lai tươi sáng dưới sự cai trị của người Pháp. Những tín đồ Công giáo, vốn rất đông ở vùng này, bắt đầu đến gặp chúng tôi từ mọi hướng. Nhờ sự hỗ trợ hết lòng của họ, Đức cha Lefebvre, Giám mục Isaroopolis và là đại diện tông đồ (vica-apostolic) đầu tiên của các vùng này, đã đặt nền móng cho một ngôi trường, một bệnh viện và thậm chí một nhà thờ mà không nghi ngờ gì trong một thời gian dài nữa sẽ là nhà thờ đẹp nhất Đông Dương.

Tôi quên kể cho các bạn là khi đoàn tàu chúng tôi phát tín hiệu trên bờ biển Cambodia, một đoàn thuyền chiến An Nam, đang đóng ở đây, giống như hồi xưa khi hải đoàn La Mã ở Mũi Micena, vội quay đầu ẩn nấp vào một trong hàng ngàn con kênh cắt qua vùng chồng giữa châu thổ sông Mekong và sông Sài Gòn. Chúng tôi không thể truy kích chúng bởi nước nông và con kênh đã bị xích chắn và các tàu Nam Kỳ, sau 3 tháng phong tỏa, đã xuống cấp đến mức viên quan Kiemsin người chỉ huy chúng đã phải cho đốt bỏ chúng và giải tán số thủy thủ. Những kẻ bất hạnh ấy, sau khi lang thang suốt 10 ngày, trong tình trạng khốn quẫn khủng khiếp, đã tới Sài Gòn và ở đó, tựa một bầy khốn khổ, họ vô cùng vui sướng và bất ngờ khi được chúng tôi tiếp nhận và giúp đỡ.

Hải đoàn vừa bị phá hủy bao gồm 8 ghe chiến (junk) loại một và 5 ghe chiến loại hai. Viên đô đốc Nam Kỳ ban đầu trốn ở Campot, bên bờ Vịnh Xiêm La. Nhưng tại đấy, khiếp hãi cơn giận của hoàng đế, ông ta đã tự mổ bụng trước mặt các sĩ quan trong ban tham mưu của mình, giống như đô đốc La Mã ở Mũi Micena không tránh khỏi khi làm nhơ vinh quang của Nero hay Domitianus vậy.

Tuy vậy không nên tin rằng mọi quan lại An Nam đều quyết định tự sát vì lòng anh dũng hay vì khiếp sợ theo lối cổ điển. Vài tuần sau tôi có may mắn được chứng kiến tận mắt một vị quan lục quân mang tinh thần thực dụng hơn vị đồng nghiệp hải quân của mình, tìm đến Sài Gòn. Ông ta có cấp bậc không dưới một quan đầu tỉnh[1]. Lúc xuất hiện, con người danh giá này, đệ tử chân chính của Triptolemus[2], đã lấy cớ vì yêu cầu của nhà nông để bước ra đàm phán với chúng tôi và đảm bảo về phần mình vừa giải quyết được việc nước vừa được gặp mặt những con người đã thay thế vị trí của ông ta tại dinh thự cũ của ông ta.

Được đưa tới gặp chỉ huy của chúng tôi, ông ta phủ phục trước ngài, hệt như thể trước một tượng thần không hơn không kém, và đưa ngài một bài diễn văn mà phiên dịch của chúng tôi đã dịch thoáng thành đoạn văn đặc sắc như sau: “Các ngài không như đám cướp vẫn tới vùng sông của chúng tôi để cướp bóc thành phố và làm nhục phụ nữ: các ngài khôn ngoan, bởi các ngài đến từ quốc gia vĩ đại ở phương Tây mà, vào triều đại Nguyễn Ánh, đã gửi tới cho ngài một người đức hạnh trở thành bạn ngài, và các ngài thật mạnh mẽ, bởi các ngài đến từ chính đất nước đã trao ngai báu cho cha tôi, thứ mà Tây Sơn đã cướp của ngài. Không ai có thể đánh lại các ngài, nhưng khi gặp kẻ yếu thì các ngài hạ khí giới. Hãy cho chúng tôi cày cấy và xin hãy đảm bảo với chúng tôi là các ngài không rút lại sự bảo hộ của mình trong thời gian thu gặt.”

Dù đề nghị của ông ta chân thành hay không, nó phù hợp với tình thế và ông ta được đưa trở lại chỗ chốt cảnh giới với đầy đủ nghi thức quân sự trân trọng rồi ông ta biến mất cũng bất ngờ như khi xuất hiện.

Mặc chiếc áo tà dài bằng nhiễu (damask) thêu và cái quần lụa đỏ, không đủ dài để che kín bàn chân đen đúa khá thô đi đôi dép (slippers) kiểu phương đông, vị quan uy nghi này đội cái mũ chỏm (skullcap) màu đen đằng trước có gắn vật trang trí, nom tựa chiếc nón của phu làm đường với một thẻ kim loại rộng khắc tên và huy hiệu (coat of arms) của Hoàng đế Tự Đức, hai bên sườn có gắn hai cánh diều (appendice) bằng đoạn đen (gauze), dài 25 cm và mô phỏng không quá tệ đôi cánh một con bướm đêm. Thứ phụ kiện quan phục kỳ lạ này là phù hiệu đặc biệt của một quan văn; bởi ông ta có vinh dự chỉ cầm một cái hốt (chisel), nếu không kể chiếc mũ sừng sững trên mái đầu và thân hình điển hình nhất mà vận may đưa đến chỗ tôi: một khuôn mặt vuông, màu vàng, cặp mắt đỏ ngầu chớp chớp dưới đôi lông mày rõ ràng là quá to rậm so với bộ phận mà chúng che chắn, cái miệng quá rộng, môi trễ, răng đen và mòn vì ăn trầu, thân hình lại gầy và rắn chắc và cuối cùng là tứ chi thon thả, đó là những mô tả về vị cựu trưởng quan của Sài Gòn. Với một vài biến thể, mô tả trên có thể áp dụng cho mọi đồng bào của ông ta. Ta chỉ cần thay thế, khi mô tả người dân, biểu hiện của sự giả tạo và xảo quyệt phổ biến nói chung trong giới cao cấp bằng sự thất vọng và buồn bã.

Ở đây ta nên hiểu rõ rằng người Nam Kỳ không đẹp; nếu xem họ là người em của người Hoa thì là một người em đã thoái hóa so với ông anh mình, những kẻ, tuy không đẹp như Apollo, nói chung có sức mạnh toát lên từ bộ hông và tứ chi cường tráng. Hơn nữa, họ có một phẩm chất mà người hàng xóm phương nam của họ hoàn toàn thờ ơ, đó là sự sạch sẽ.

Những người mà ở quê nhà chúng ta vẫn gọi là phái đẹp thì ở xứ này nói chung cũng không có gì ngoại lệ. Dù có nét nhìn dịu dàng và thiện ý, mái đầu có hình dáng khá đẹp với những người trẻ, chân và tay có thể khiến phụ nữ Paris ghen tỵ, mái tóc dài đen được chải không kỹ lắm và búi lên cao với một chút trang điểm ở phía sau đầu, phụ nữ Nam Kỳ không gây ra, ở cái nhìn ban đầu, ấn tượng dễ chịu hơn chồng và chủ của họ. Dù có người này người khác, họ có cùng kiểu nét mặt, cùng hình dáng trang phục, cùng hàm răng bị làm xấu xí, cùng cái miệng cứ nhóm nhém liên tục với đám nước trầu đỏ choét và cuối cùng là, luôn luôn ở khắp nơi, sự bẩn thỉu trên thân mình và trang phục. Họ thậm chí còn đoan chắc với tôi rằng cái thứ sau, vốn luôn bị chùng dãn trước khi chúng được thay thế, nằm trong tính toán ẩm thực của chủ của chúng, dù to lớn hay nhỏ bé, giàu hay nghèo, bởi không xuể côn trùng mà chúng che dấu và trong việc này đám phụ nữ không kém tham lam hơn đám đàn ông[3].

Ngoại trừ khẩu vị đặc biệt kể trên, nói chung ở mọi tầng lớp xã hội, kể cả những người ở cao nhất, người An Nam điều độ hơn nhiều so với con dân Thiên quốc (Celestial Empire – Đế quốc Trung Hoa). Họ bỏ qua mọi món ẩm thực tinh tế. Họ ăn ít, chỉ dùng cơm, khoai lang và một giống đậu đặc biệt chỉ xứ này có. Chỉ trong dịp mừng năm mới, một dịp lễ cùng lúc mang tính tôn giáo và thế tục ở Nam Kỳ, sự chừng mực ngày thường mới bị xếp qua một bên và, theo như thể hiện tại một địa phương nhưng dễ hiểu là cũng như thế ở mọi nơi khác, mỗi gia đình sẽ làm thịt con lợn nhà mình tức cắt cổ con lợn béo nhất, giết vịt, moi sạch số trứng đang ấp hoặc bị ung trong ổ (ở Nam Kỳ họ không thích món trứng tươi) và ngốn sạch trong một hai bữa mọi thứ tiết kiệm trong năm. Nhưng ngay cả trong dịp xả láng đầu năm này, giữa cơn chè chén ngắn ngủi rượu trái cây và rượu gạo (camchou), người Nam Kỳ cũng không thoát hẳn nét buồn nào đó đã thành thường lệ của họ. Cơn vui mừng bộc phát mạnh mẽ nhất của anh ta cũng không khiến anh ta nhảy múa và tôi nhớ mình chưa từng thấy ai cất tiếng hát. Nói chuyện không ồn ào, hơi dài dòng, trong bất kỳ tình huống nào cũng được giữ theo một lối nói dịu dàng (rhythmical) với giọng mũi, nếu bọn họ có những bài hát dân ca, hẳn chúng phải là loại mà người phương Tây chúng ta thường dùng khi chôn kẻ xấu. Cuối cùng, ấn tượng chung mà chúng ta có về người An Nam ở cả hai giới và mọi độ tuổi, là họ hợp thành, trên hết mọi thứ, một sắc dân u sầu; có lẽ là bởi từ thế hệ này qua thế hệ khác họ lớn lên mà không hề biết tới tự do.
 
Nghiên cứu lịch sử. Trích ghi chép “Nam Kỳ 1859” của Pierre Barrelon, 
“Cities of Nineteenth Century Colonial Vietnam – Hanoi, Saigon, Hue and the Champa Ruins”, White Lotus Press, 1999

Chú thích

[1] Theo Đại Nam thực lục, lúc này thành Gia Định (thành Phụng) do Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan, Án sát Lê Từ (quan Án sát là người phụ trách quân sự cấp tỉnh), quyền Đề đốc Trần Tri và Hộ đốc Võ Duy Ninh. Ngay sau khi thành Phụng thất thủ, Hộ đốc Võ Duy Ninh và Án sát Lê Từ thắt cổ tự tử.
[2] Nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, được nữ thần nông nghiệp Demeter nuôi lớn bằng sữa mình và truyền lại nghề nông. – ND.
[3] Tác giả không hiểu thói quen đưa chấy rận bắt được lên miệng cắn của người Việt. – ND.