Thoát Trung ?

Rất nhiều nước bị ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa đều có tâm lý thoát Trung. Nhưng nói thì dễ, còn làm không dễ - một nước lớn như Ý đang chịu ảnh hưởng tâm lý gần Trung, đi ngược với xu thế của cả nhóm G7. Một nước G7 khác là Nhật Bản thì thế nào?

Nhật Bản đang chuẩn bị kết thúc thời đại Heisei - Bình Thành để bước vào thời đại mới, một khi thái tử Naruhito sẽ lên ngôi vào ngày đầu tiên của tháng 5-2019. Sau đúng 30 năm trị vì, hoàng đế Akihito, 85 tuổi, sẽ thoái vị vào ngày cuối cùng của tháng 4-2019, nhường ngôi lại cho con trai.

Đông cung thái tử Naruhito sẽ trở thành vị hoàng đế thứ 126 của một triều đại với 2.600 năm lịch sử. Khác với các đời tiên đế, niên hiệu REIWA (令 和 - LỆNH HÒA) của hoàng đế thứ 126 của xứ hoa anh đào được chọn từ một bài thơ cổ của Nhật, chứ không được trích từ điển tích của Trung Hoa. Đó là kết quả thực hiện công việc kéo dài trong nhiều tháng qua theo một quy trình nghiêm ngặt của các nhà chuyên môn và những người có trách nhiệm. Tất cả chỉ để xác định khẩu hiệu hành động và triết lý đặc trưng cho nước Nhật trong thời đại mới.

Reiwa được chọn ra từ hàng ngàn đề xuất với những thuyết minh chi tiết nhưng đã không nằm trong 11 đề xuất được ưa chuộng nhất của công chúng Nhật. Hai chữ này có trong bốn câu thơ từ thế kỷ thứ VIII và in ở quyển thứ 32 của bộ sách Vạn Diệp Tập (万 葉 集 - Manyoshu). Đây là tuyển tập thơ cổ xưa nhất của Nhật, gồm hàng vạn những tác phẩm của các Thiên Hoàng, cung phi, quan chức, binh sĩ, dân thường và thậm chí là cả thơ của người ăn mày nữa, được làm trong khoảng 350 năm.

Bài thơ bằng chữ Hán được phiên âm như sau:
Sơ xuân Lệnh nguyệt,
Khí thục phong Hòa,
Mai kình tiền phấn bạt,
Lan bội hậu hương huân

Dịch ý:
Tiết đầu Xuân làm cho trăng trong, khí thuận
Hoa mai nẩy mầm vươn chồi,
Hoa lan tựa như ngọc sáng,
Kiêu hãnh ngát hương thơm".

Câu trên được các nhà nghiên cứu giải nghĩa như sau: Trong bài thơ, REI (令, Lệnh) được lấy từ cụm từ 令月 “Trăng đẹp”, “Trăng đáng yêu”. Nghĩa cổ của 令 là tốt đẹp, ưa thích, nghĩa thường dùng là LỆNH trong Mệnh Lệnh (命令), Pháp Lệnh (法令), Chỉ Lệnh (指令), v.v. Còn WA (和, Hòa) được lấy từ cụm từ 風和ぎ “Gió mềm mại”, “Gió thoảng nhẹ”. Nghĩa của 和 là Nhật, là Hòa bình, Hài hòa, mềm mại. Vậy REIWA vừa là “Nhật Bản đẹp đẽ” vừa là “Hòa Bình yên ả”.

Giải thích hay nhất cho công chúng đã được thủ tướng Shinzo Abe đưa ra. Ông nói: "Văn hóa được nuôi dưỡng khi mọi người đối xử với nhau bằng tình cảm đẹp xuất phát từ trái tim. Đó chính là ý nghĩa của niên hiệu mới, hy vọng muôn dân đạt được những khát vọng của mình như những bông hoa nở rộ sau một mùa đông khắc nghiệt".

Trước đây các niên hiệu luôn được chọn từ những quyển Kinh Thi của Trung Hoa. Nhưng qua việc chọn lựa này, ta có thể hiểu rằng Nhật Bản muốn thoát dần ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung Hoa. Thủ tướng Abe lưu ý: "Tôi hy vọng lịch sử, truyền thống, văn hóa và thiên nhiên của đất nước Nhật Bản sẽ được trao lại cho các thế hệ kế tiếp".

Một cuộc thăm dò sau đó của một tờ báo lớn tại Tokyo cho biết 88% người Nhật thích lựa chọn này. Một “thầy” còn lên truyền hình nói chữ 令 có 5 nét và chữ 和 8 nét tạo thành “Ngũ Phát” hoặc “Sinh Phát”, với 58 là “số rất đẹp”, cộng lại thành 13 cũng “rất đẹp”. Điều đó cho thấy, một cách gián tiếp người Nhật không muốn ảnh hưởng của Trung Hoa. Báo chí Trung Quốc cũng có những bài viết về sự “thoát Trung” lần đầu tiên của Nhật Bản, với 8/9 phiếu chọn cho phương án tạo niên hiệu từ thơ cổ văn Nhật Bản, thay vì từ cổ văn Trung Quốc như 246 lần trước đây…

Nhưng đấy là chọn niên hiệu, còn kinh tế thì khỏe như Nhật Bản còn uể - Khó lắm thay!

ĐT biên lại bài của Anchik Hoang