Felix Mendelssohn (1809 - 1847)

Nguyễn Như Dũng

Nguyễn Như Dũng

Felix Mendelssohn sinh ngày 3/2/1809 tại Hamburg, mất ngày 4/11/1847 tại Leipzig là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano, nhạc trưởng, nhà sư phạm âm nhạc thiên tài người Đức gốc Do Thái, một trong những đại diện lớn nhất của Trường phái Lãng mạn, người đứng đầu trường phái Leipzig trong âm nhạc Đức, người sáng lập Nhạc viện Leipzig.

Ông nội của Mendelssohn là triết gia Đức nổi tiếng Moses Mendelssohn còn cha Mendelssohn là chủ nhà băng thành đạt Abraham Mendelssohn. Mẹ Mendelssohn là bà Lea Salomon. Nhà Mendelssohn thường xuyên có khách quý là những gương mặt xuất chúng của nước Đức thời bấy giờ như triết gia Friedrich Hegel và nhà soạn nhạc, nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng thời đó là Carl Zelter… Chính Zelter đã phát hiện năng khiếu âm nhạc của Mendelssohn và đã dạy lý thuyết âm nhạc cho anh. Mendelssohn đồng thời học piano với thầy Ludwig Berger và học violin với thầy Karl Henning rồi thầy Eduar Ritz (người mà cậu bé Mendelssohn đã đề tặng Concerto D minor của mình vào năm 1822).

Chín tuổi, Mendelssohn đã biểu diễn piano thành công và một năm sau tại Berlin, anh đã ra mắt thành công một đêm hát (Mendelssohn có giọng Alto rất tốt). Cũng thời gian này, Mendelssohn đã chứng tỏ mình có kỹ năng sáng tác với nhiều tác phẩm như sonata cho violin và piano, piano trio, 2 sonata cho piano, hàng loạt tác phẩm cho đàn organ. Năm 1821, Zelter đã giới thiệu Mendelssohn cho Goethe, người đã dành cho Mendelssohn nhiều thiện cảm như một nhạc sĩ 12 tuổi có tài. Nhanh chóng sau đó, Mendelssohn được làm quen với Weber, một nhạc sĩ lớn đương thời.

Thời kỳ này, Mendelssohn đã bắt đầu tích cực hoạt động âm nhạc như một pianist và nhạc trưởng. Các tác phẩm chính của Mendelssohn khi đó gồm Symphony No.1 C minor, Piano Concerto A minor, Quintet (Ngũ tấu) piano, Sextet (Lục tấu) piano. Năm 1824, opera “Hai người cháu” của Mendelssohn ra mắt. Việc làm quen với pianist nổi tiếng đương thời Ignaz Moscheles đem lại cho Mendelssohn một tình bạn và hợp tác sáng tạo lâu dài.

Năm 1825, Abraham Mendelssohn đi Paris, cho Mendelssohn đi theo. Paris thời đó đã là một trong những trung tâm âm nhạc của châu Âu, nơi có những nhạc sĩ lớn nhất đương thời sống và làm việc như Gioachino Rossini và Giacomo Meyerbeer. Mendelssohn gặp được Giám đốc Nhạc viện Paris Luigi Cherubini, người đã có những đánh giá rất cao năng khiếu của Mendelssohn. Theo các thư từ của Mendelssohn thuở này, trường phái sáng tác Paris không để lại cho Mendelssohn những ấn tượng đáng kể nhưng cũng không cản trở anh, hơn nữa còn mang lại cho Mendelssohn hàng loạt cuộc làm quen mở rộng quan hệ cho anh trong giới âm nhạc Pháp.

Tháng 5/1825, nhà Mendelssohn về lại Berlin. Tại đây, Mendelssohn gặp Goethe lần thứ hai. Tại nhà của văn hào, bản tứ tấu piano đề tặng ông của Mendelssohn đã được biểu diễn lần đầu. Tháng 8/1825, Mendelssohn hoàn tất vở opera 2 màn “Đám cưới Camacho” theo một cốt truyện trong tác phẩm Don Quixote của văn hào Cervantes. Gia đình Mendelssohn dọn về ngôi nhà cổ rộng mênh mông ở Leipziger Straße 3, nơi có cả một phòng hoà nhạc lớn. Các buổi hoà nhạc thứ bảy của gia đình Mendelssohn với sự tham dự của hàng trăm khán thính giả đã trở thành truyền thống.

Năm 1826, Mendelssohn sáng tác một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình là Ouverture “Giấc mộng đêm hè” theo vở hài kịch cùng tên của đại văn hào William Shakespear và Mendelssohn thường xuyên chỉ huy bản này trong các buổi hoà nhạc của mình. Năm 1827, vở opera “Đám cưới Camacho” được dàn dựng. Gaspare Spontini chỉ huy dàn nhạc trong buổi biểu diễn đầu tiên. Công chúng tiếp nhận opera rất tốt nhưng do nhiều tiểu tiết chung quanh vở opera, đêm diễn thứ hai đã thất bại. Vì thế, Mendelssohn thất vọng, không viết thêm một opera nào nữa để tập trung vào khí nhạc và oratorio. Cùng năm, Mendelssohn vào Đại học Tổng hợp Berlin, dự các giờ giảng của Friedrich Hegel.

Mendelssohn đặc biệt quan tâm tới nhạc của Bach, người mà vào thời gian đó đã hầu như hoàn toàn bị lãng quên. Ngay từ năm 1823, Mendelssohn đã được người bà tặng bản sao vở hợp xướng St Matthew Passion (BWV 244). Những bản hợp xướng của Bach cũng được thầy Zelter cho Mendelssohn nhưng chỉ như là tài liệu học tập mà thôi. Năm 1829, cùng với ca sĩ kiêm đạo diễn Eduard Devrient, Mendelssohn đã có ý định dựng vở St Matthew Passion nhưng thầy Zelter phản đối dữ dội. Tuy nhiên, vở diễn vẫn diễn ra thành công và đây là lần đầu St Matthew Passion được diễn lại từ sau khi Bach qua đời.

Sau vở St Matthew Passion ít lâu, theo lời mời của Moscheles, Mendelssohn đi London biểu diễn. Tại đây, Mendelssohn biểu diễn các tác phẩm của mình như Symphony C minor, Ouverture “Giấc mộng đêm hè” và biểu diễn đàn piano các tác phẩm của Weber và Beethoven. Một trong các đêm diễn khác, Mendelssohn cùng Moscheles biểu diễn bản concerto cho 2 đàn piano cùng dàn nhạc. Các buổi biểu diễn của Mendelssohn thành công vang dội. Năm 1829, Mendelssohn thực hiện tua diễn dọc Scotland và trở về Berlin với danh tiếng phủ khắp châu Âu. Từ cảm hứng của tua diễn này, Mendelssohn sáng tác Symphony Scotland (hoàn tất vào năm 1842) và Ouverture “Hebrides”.

Năm 1830, Mendelssohn được đề nghị phong danh hiệu Giáo sư ở Berlin nhưng anh từ chối để tiếp tục đi biểu diễn, lần này là đi Ý, dọc đường ghé qua Weimar và ghé thăm Goethe lúc đó đang ở đây. Sau khi từ Ý về, Mendelssohn biểu diễn nhiều buổi ở Munchen (anh sáng tác và biểu diễn ra mắt Concerto G minor ở đây), Stuttgart, Frankfurt và tháng 12/1831 thì đến Paris. Ở lại Paris 4 tháng, Mendelssohn làm quen với Chopin và Liszt. Tuy nhiên, công chúng Paris bất ngờ lạnh lẽo với các sáng tác mới của Mendelssohn. Tháng 3/1832, Mendelssohn bị tả, phải huỷ những buổi biểu diễn còn lại. Tháng 4/1832, Mendelssohn lại đi London biểu diễn như một nhạc trưởng và organist đồng thời xuất bản cuốn sách đầu tiên “(Những) Bài ca không lời” nổi tiếng.

Hè 1832, Mendelssohn về lại Berlin. Năm 1833, Mendelssohn đến London lần thứ ba, biểu diễn Symphony A-dur, sau này nổi tiếng với tên gọi Symphony Ý – Symphony No.4 in A major “Italienische”. Năm 1837, Mendelssohn cưới Cecilia Jean-Renault, người mà anh quen từ hồi ở Frankfurt và có với Cecilia 5 mặt con.
Năm 1841, vua Phổ Friedrich Wilheim IV cho Mendelssohn chức Giám đốc dàn nhạc cung đình ở Berlin. Nhà vua muốn biến thành phố này thành một trung tâm lớn của nước Đức. Mendelssohn được giao nhiệm vụ cải cách Viện hàn lâm nghệ thuật Hoàng gia và lãnh đạo Dàn đồng ca Nhà thờ. Tuy nhiên, hoạt động cải cách của Mendelssohn ở Berlin đã vấp phải sự chống đối quyết liệt và ông đã phải trở về với hoạt động biểu diễn. Năm 1842, Mendelssohn và vợ lại đi Anh và lại có những buổi biểu diễn thành công lớn.

Năm 1843, với sự tham gia tích cực của Mendelssohn, Nhạc viện Leipzig đã ra đời. Đây là cơ sở đào tạo âm nhạc ở bậc đại học đầu tiên của nước Đức. Các giáo sư được mời có Schumann, David, Moscheles và các nhạc sĩ lớn khác của thời đó. Một năm sau, Mendelssohn lại đi Anh biểu diễn. Sau đó, trở về, ông xin nhà vua cho thôi chức Giám đốc dàn nhạc cung đình Berlin. Năm 1845, Mendelssohn trở lại Leipzig giảng dạy ở Nhạc viện và viết Oratorio Elijah. Tác phẩm được hoàn thành năm 1846. Năm 1847, Mendelssohn đến Anh lần cuối, chỉ huy Oratorio Elijah ở Manchester và Birmingham.

Trong những năm cuối đời, Mendelssohn đã trải qua một mối tình sống động với ca sĩ opera người Thụy Điển Jenny Lind (1820 - 1887), người mà ông theo đuổi từ năm 1844. Nhà soạn nhạc hứa sẽ từ bỏ gia đình vì cô, để cùng cô chạy sang Mỹ, dọa tự tử…, nhưng nữ ca sĩ từ chối.

Ngày 14/5/1847, chị Fanny của Mendelssohn mất khi mới được 42 tuổi, ảnh hưởng lớn đến Mendelssohn. Ngày 28/10/1847, Mendelssohn bị đột quỵ ở Leipzig và ngày 3/11 bị đột quỵ lần 2. Sang ngày hôm sau, Mendelssohn mất. Ngôi nhà 12 trên phố Goldshmidt, nơi nhà soạn nhạc qua đời ngày nay là Bảo tàng Mendelssohn. Không lâu sau cái chết của nhà soạn nhạc, Jenny Lind đã thành lập Quỹ Felix Mendelssohn (1849).

Violin Concerto in E minor Op.64

Concerto là tác phẩm âm nhạc soạn cho một (vài) nhạc cụ cụ thể và dàn nhạc thính phòng hay dàn nhạc giao hưởng. Nó thường có 3 chương: nhanh, chậm, nhanh. Trong đó, nhạc cụ cụ thể chơi độc tấu bè của mình với sự thi đua (cạnh tranh) hay đơn giản chỉ là đệm bởi dàn nhạc gồm nhiều nhạc cụ thành phần lúc độc tấu, lúc hoà tấu. Concerto thường là tác phẩm dành cho nghệ sĩ điêu luyện và phần trình diễn một concerto lớn thường chiếm trọn một nửa đêm hoà nhạc, nơi các nghệ sĩ tự hào giới thiệu nghệ sĩ (độc tấu) xuất sắc của mình. Khi sáng tác concerto, nhà soạn nhạc thường để dành phần cadenza cho nghệ sĩ ứng tác, điều đó thể hiện nghệ sĩ độc tấu là người có trình độ âm nhạc đáng khâm phục.

Violin Concerto in E minor Op.64 của Mendelssohn được biểu diễn lần đầu vào năm 1845. Đây là một trong những concerto nổi tiếng nhất trong danh mục nhạc đàn cho violin. Concerto này được viết cho violin độc tấu cùng dàn nhạc bao gồm 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 corno, 2 trumpet, kettle drums và dàn dây. Concerto có 3 chương: Allegro molto appassionato (E minor); Andante (C major) và Alegretto non troppo – Allegro molto vivace (E major). Concerto này cuốn hút người nghe từ đầu đến cuối, đặc biệt, nó khiến người nghe có cảm tình ngay từ ô nhịp đầu tiên đến những nốt nhạc cuối.

Năm 2007, một đoạn bờ kênh ở Leipzig cách không xa Gewandhaus – Phòng hoà nhạc (của hội khuyến nhạc) thành phố – đã được cải tạo và đặt tên là Bờ Mendelssohn. Kè bờ được cách điệu thành các dòng kẻ nhạc. Các ghế ngồi bằng gỗ được kê như các nốt nhạc, tạo thành phần mở đầu Chương I của bản Violin Concerto của Mendelssohn.

Người ta nói, nước Đức có 4 violin concerto đáng kể nhất (của Beethoven, Mendelssohn, Brahms, Bruch), trong đó Violin Concerto của Mendelssohn đặc biệt trữ tình, duyên dáng và trong sáng hơn cả. Ngày nay, Violin Concerto in E minor của Mendelssohn đã trở thành hành trang của mỗi người yêu nhạc, “bài tủ” của mỗi nghệ sĩ vĩ cầm xuất sắc và của các dàn nhạc giao hưởng trên toàn thế giới.

Nhà soạn nhạc nổi tiếng Mendelssohn: Felix hay Fanny?

Fanny Mendelssohn là một nhà soạn nhạc thực sự tuyệt vời nhưng cô phải đối mặt với một loạt trở ngại gần như không thể vượt qua để xuất bản các tác phẩm. Fanny sinh ra ở Hamburg vào ngày 14/11/1805 và học chơi piano từ khi còn nhỏ. Cô là một nhạc sĩ trẻ ấn tượng đến nỗi nhà soạn nhạc Carl Friedrich Zelter đã nói về cô ấy: “Một đứa trẻ thực sự đặc biệt”. Nhưng Fanny không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc, cô ấy còn là một nhà soạn nhạc giống như em trai của cô - Felix.

Bạn có thể nhận thấy rằng lịch sử âm nhạc cổ điển bị chi phối bởi các nhà soạn nhạc nam - và cha Fanny là một người tin tưởng rằng sáng tác không phải là một sự nghiệp dành cho phụ nữ. Ông nói với con gái mình: “Âm nhạc có lẽ sẽ trở thành nghề, nhưng đối với con, nó có thể và chỉ nên là một vật trang trí”.

Nhưng Fanny tràn ngập ý tưởng âm nhạc và tiếp tục sáng tác. Trong khi em trai cô ủng hộ, cậu ấy cũng không nghĩ rằng Fanny nên xuất bản nhạc của chị. Cậu từng nói: “Từ hiểu biết của tôi về Fanny, tôi nên nói rằng cô ấy không có thiên hướng về quyền tác giả”. Vì vậy, cậu đã xuất bản một số tác phẩm của chị mình dưới tên của cậu. Một trong số những ca khúc cậu xuất bản có tên là Italien.

Một thời gian ngắn sau, Felix được mời biểu diễn một số bản nhạc của mình cho Nữ hoàng Victoria trong Cung điện Buckingham. Bà đưa ra một yêu cầu đặc biệt: “Nhạc sĩ có thể chơi một trong những bài hát mà ta yêu thích không?”. Tất nhiên là anh có thể: “Lệnh Bà yêu cầu bài nào?”. “Italien!”, Nữ hoàng trả lời. Felix (có lẽ hơi lúng túng) trả lời rằng bài hát hay này thực ra là tác phẩm của chị gái Fanny.

Nhìn chung, Fanny đã viết 460 bản nhạc bao gồm nhiều Bài ca không lời, một thể loại cho piano mà nhờ đó em trai cô đã trở nên nổi tiếng. Các nhà âm nhạc học tin rằng Fanny đã đi tiên phong trong thể loại âm nhạc này. Nhưng, mặc dù có thể làm việc ấn tượng đó, Fanny chỉ xuất bản tác phẩm đầu tiên của mình dưới tên riêng của mình vào năm 1846, khi bà đã 41 tuổi. Ngay cả những tác phẩm ngày nay được cho là do Felix viết cũng đang được gán lại cho tác giả thực sự: Fanny Mendelssohn vĩ đại.

N.N.D