ĐIỂM SÁCH “LỊCH SỬ NƯỚC NAM VIỆT”

THÀNH LẬP NƯỚC NAM VIỆT

TS Nguyễn Hải Hoành

Nguyễn Hải Hoành

Lưu ý: do bài gốc đăng trên FB gồm nhiều kỳ khá dài nên BBT Đông Tác xin thêm vào một số tiêu đề nhỏ và cập nhật để bạn đọc tiện theo dõi
Ảnh trên: sử gia Pháp Henry Maspéro [1]

DẪN NHẬP

Năm 214 BC, Lĩnh Nam bị Tần Thủy Hoàng “thống nhất” vào bản đồ nước Tần, rồi bị chia làm ba quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng; trong đó quận Tượng là Bắc bộ và Trung bộ Việt Nam (theo sách “LỊCH SỬ NƯỚC NAM VIỆT”). Từ đó trở đi các tộc dân Lĩnh Nam chuyển sang sống dưới chế độ phong kiến, tiên tiến hơn chế độ bộ lạc cũ, tạo điều kiện phát triển kinh tế—xã hội vùng này.

Nhưng vương triều nhà Tần vẫn tiếp tục thi hành chính sách cai trị hà khắc tàn bạo trong cả nước, khiến cho dân chúng oán ghét và chống lại. Hai cuộc khởi nghĩa lớn do Trần Thắng và Ngô Quảng cầm đầu đã làm cho hệ thống chính quyền ở Trung Nguyên rối loạn, nhân cơ hội đó các anh hùng hào kiệt nhảy ra tranh giành quyền lực. Cuối cùng nhà Tần sụp đổ.

Tại vùng Lĩnh Nam xa xôi cách trở, quận úy Nhâm Hiêu khi ốm sắp chết đã đưa Triệu Đà lên thay mình và dặn dò Đà nên tranh thủ thời cơ Trung Nguyên loạn lạc để lập vương quốc riêng, cát cứ vùng Lĩnh Nam. Đà nghe theo, cho phong tỏa mọi đường giao thông với Trung Nguyên, giết các quan lại tay chân nhà Tần, đưa người của mình nắm hết chính quyền địa phương. Năm 204 BC Triệu Đà thành lập nước Nam Việt, định đô tại Phiên Ngu (Quảng Châu ngày nay), lãnh thổ của Nam Việt quốc ngoài 3 quận cũ lại có mở rộng thêm.

TÌNH HÌNH TRUNG NGUYÊN CUỐI ĐỜI TẦN

Nhà Tần thi hành sự thống trị dã man tàn bạo, sưu cao thuế nặng khiến dân chúng đói khổ không còn lối thoát, ngoài ra còn thực hiện chế độ bắt lính hà khắc, trai tráng tròn 15 tuổi đều phải đi lính, làm lao dịch. Sức lao động của dân bị vắt kiệt vào việc xây dựng các công trình to lớn như thành lũy, cung điện (cung A Phòng làm nơi ở cho các cung nữ)…Luật pháp vô cùng hà khắc, không khí sợ hãi bao trùm cả nước.

Năm 210 BC, Tần Thủy Hoàng chết; Hồ Hợi [Hú Hai] lên thay, gọi là Nhị Thế. Vừa lên ngôi, Nhị Thế đã ra lệnh giết tất cả các phi tần chưa từng có con trai với vua cha. Toàn bộ thợ xây lăng Tần Thủy Hoàng sau khi xong việc cũng đều bị giết. Dân chúng khắp nơi căm giận chỉ chờ dịp nổi dậy chống lại chính quyền.

Năm 209 BC binh lính đồn trú ở nước Sở do Trần Thắng, Ngô Quảng cầm đầu khởi nghĩa, đông đảo nông dân đi theo, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh lật đổ nhà Tần. Cả nước Tần rơi vào tình trạng loạn lạc. Một số đầu lĩnh ở các địa phương nhân dịp này phất cờ tổ chức cướp chính quyền. Điển hình là Hạng Vũ và Lưu Bang.

Hạng Vũ (232—202 BC) người nước Sở, có tài về quân sự, năm 208 BC dẫn quân khởi nghĩa đánh thắng quân Tần trong trận Cự Lộc nổi tiếng, báo hiệu nhà Tần diệt vong. Năm sau Hạng Vũ kéo quân vào kinh thành, giết vua Tần là Tử Anh, đốt Hoàng cung, tiêu diệt vương triều nhà Tần.

Nhưng sau đó Hạng Vũ không lo việc thống nhất đất nước mà tự xưng Bá vương Tây Sở và phạm sai lầm phục hồi tình trạng phân phong chư hầu của thời Chiến quốc.

Lưu Bang (256—195 BC) vốn chỉ là một quan chức nhỏ cấp Đình trưởng, khi Hạng Vũ thi hành chế độ phân phong, Lưu Bang được phong làm Hán Vương cai trị đất Hán Trung, Ba Thục. Vốn có chí lớn thống nhất TQ, Lưu Bang ra sức chuẩn bị lực lượng chờ thời.

Năm 206 BC, Hạng Vũ dẫn quân đi Sơn Đông đàn áp một cuộc khởi nghĩa vũ trang, Lưu Bang thừa dịp đó cướp Quan Trung (nơi có kinh đô Hàm Dương của nhà Tần) .

Cuộc chiến tranh Sở—Hán (Hạng Vũ—Lưu Bang) bùng nổ.

Mới đầu Lưu Bang tiến triển thuận lợi, chiếm được kinh đô nước Sở là Bành Thành. Hạng Vũ đem quân quay lại đánh Bành Thành, quân Hán thua to phải rút chạy. Quân Sở bắt được cả cha mẹ vợ con Lưu Bang làm con tin.

Về sau Hạng Vũ gặp khó khăn, hậu phương bị quân Hán do Hàn Tín, Bành Việt chỉ huy quấy rối, cắt đường tiếp tế. Hai bên đành giảng hòa với nhau, chia đôi thiên hạ. Nhưng sau khi được Hạng Vũ trả lại con tin là cha mẹ vợ con của mình, Lưu Bang liền trở mặt, tập trung quân vây đánh quân Sở ở Cai Hạ. Hạng Vũ thua to, chạy dài. Đến sông Ô Giang, Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ tự đâm cổ chết.

Chiến tranh Sở—Hán chấm dứt. Cùng năm đó (202 BC), Lưu Bang lập vương triều nhà Hán (sách sử gọi là Tây Hán), lên ngôi Hoàng Đế, gọi là Hán Cao Tổ. Vùng Trung Nguyên sau 7 năm loạn lạc mấy lần đổi bá chủ, nay mới lập được một vương triều thống nhất. Tình hình đó không thể không ảnh hưởng tới vùng Lĩnh Nam.

Ý ĐỒ CỦA NHÂM HIÊU

Lĩnh Nam thời ấy đặt dưới sự cai trị của Nam Hải Úy Nhâm Hiêu [Renxiao], người Trung Nguyên. Trong thời gian chỉ huy quân Tần đánh chiếm Lĩnh Nam, Nhâm Hiêu đã nảy sinh ý tưởng cát cứ vùng này. Giờ đây khi một mình độc quyền thống trị Lĩnh Nam cả về chính trị và quân sự, Nhâm Hiêu càng nóng lòng thực hiện ý tưởng đó.

Tình hình cho thấy cuộc nổi dậy của Trần Thắng và Ngô Quảng (209 BC) làm Trung Nguyên rối loạn, khiến cho nhà Tần cũng như các thủ lĩnh nổi dậy chống Tần chẳng ai còn bụng dạ nào quan tâm tới vùng Lĩnh Nam xa xôi cách trở này. Nhâm Hiêu hiểu rằng tại đây lực lượng người Bách Việt còn khá mạnh, nếu thi hành chính sách “Hòa tập Bách Việt” thì sẽ được lòng dân bản địa, nhờ thế càng thuận lợi cho việc cát cứ.

Trong tay Nhâm Hiêu lúc ấy có 50 vạn quân phòng thủ Lĩnh Nam và hàng chục vạn dân Trung Nguyên di cư tới đây. Số người Hán này [đúng ra phải gọi là người Hoa Hạ] khi ở Trung Nguyên đã vô cùng chán ghét sự cai trị tàn bạo của nhà Tần, sau khi đến Lĩnh Nam họ đều quyết chí an cư lạc nghiệp ở đây, lập gia đình, sinh con đẻ cái không bao giờ trở về Trung Nguyên. Hơn nữa sự cai trị dễ chịu hơn của Nhâm Hiêu khiến họ không muốn trở lại quê cũ.

Xét về địa lý, vùng Lĩnh Nam rất thuận tiện cho việc cát cứ. Dãy Ngũ Lĩnh là rào chắn thiên nhiên phía tây bắc, khiến cho Lĩnh Nam dễ phòng thủ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài. Sông ngòi nhiều và nước chảy xiết cũng tạo thuận lợi cho phòng ngự.

Nhâm Hiêu đã xem xét các điều kiện có lợi cho việc cát cứ Lĩnh Nam. Khi Trần Thắng, Ngô Quảng nổi dậy chống nhà Tần (209 BC), Nhâm Hiêu đã chuẩn bị tiến hành cát cứ. Nhưng sau đó Nhâm Hiêu ốm nặng. Khi biết mình sắp chết, Nhâm Hiêu đã gọi Triệu Đà đến trao đổi kế hoạch cát cứ Lĩnh Nam và ủy quyền cho Triệu Đà làm quyền Nam Hải Úy. Sau khi Nhâm Hiêu chết, Triệu Đà đã từng bước thực thi kế hoạch cát cứ đó.

TRIỆU ĐÀ LẬP NƯỚC NAM VIỆT

Để thành lập nước Nam Việt, Triệu Đà đã thực thi các bước sau:

  • Cắt đứt các tuyến đường thông thương ra ngoài vùng, ngăn chặn mọi khả năng tiến quân từ bên ngoài vào Lĩnh Nam.
  • Trừ khử hết những quan chức không thuộc phe cánh của Triệu Đà, đề bạt tay chân của mình thay vào các chức vụ đó.
  • Tấn công các bộ tộc người Việt không theo Triệu Đà. Cuối đời Tần, vùng Trung Nguyên đại loạn, một số bộ tộc người Việt [?] ở các quận Quế Lâm và quận Tượng giành quyền độc lập, như Hoàng tử Hậu Thục [Thục Phán?] lập “Tây Âu Lạc Lõa Quốc” (xem: Sử Ký—Nam Việt liệt truyện), không chịu sự điều khiển của Nam Hải Úy nữa. Triệu Đà tuy mang danh là “Đông nam nhất úy” nhưng thực tế chỉ khống chế được mỗi một quận Nam Hải; lực lượng của Đà tại quận Quế Lâm và quận Tượng yếu, vì thế các bộ tộc người Việt ở hai quận này có thể thừa dịp nổi dậy độc lập với chính quyền. Tình hình đó sẽ làm cho kế hoạch cát cứ Lĩnh Nam tan thành mây khói, vì thế Triệu Đà đã hạ lệnh tấn công các bộ tộc người Việt ở hai quận nói trên.

Cuộc tấn công bắt đầu vào năm 205 BC. “Giao Châu ngoại vực ký” chép: “Khi Giao Chỉ còn chưa có quận huyện”, Vương tử hậu Thục [Thục Phán?] dẫn 3 vạn quân chinh phục Giao Chỉ, “vì thế xưng An Dương Vương”. Vua An Dương có “vị thần tên là Cao Thông xuống giúp, chế tạo cho nhà vua một chiếc nỏ thần bắn mỗi phát giết 300 người”, khiến quân của Triệu Đà liên tục bại trận. Về sau Triệu Đà áp dụng “Mỹ nam kế” của Thái tử Thủy [Trọng Thủy?], bí mật cài người vào kinh đô nước An Dương phá nỏ thần, nhờ thế mới đánh bại được An Dương Vương.

Sách “Quảng Châu ký” ra đời sau “Giao Châu Ngoại vực ký” cũng có ghi chép tương tự về sự việc này.

“Nam Việt Quốc sử” cho rằng các ghi chép ở hai sách trên do người Tấn [?] viết dựa vào truyền thuyết; tính tin cậy lịch sử phải trừ hao nhiều, chớ nên tin hết. Tuy thế nó cũng có thể cho biết một số manh mối lịch sử: Sau khi đóng cửa các quan ải, chuyển sang phòng thủ, Triệu Đà từng phái quân đội đi đàn áp các thế lực địa phương bất phục tùng Đà trong vùng Lĩnh Nam. “An Dương Vương” đang ở giai đoạn tù trưởng quân sự là một thế lực bị Đà trấn áp, đánh bại. Quận Quế Lâm và quận Tượng bị Triệu Đà thâu tóm.

Do thế lực bộ tộc người Việt ở quận Tượng sau khi bị đàn áp vẫn còn rất mạnh, cho nên Triệu Đà phải áp dụng chính sách đặc biệt, như tách quận Tượng làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân rồi cử hai sứ giả đến cai trị dân hai quận này [Thủy Kinh Chú, quyển 37, dẫn “Giao Châu Ngoại vực ký”], dưới tiền đề bảo lưu thế lực bộ tộc người Việt vốn có, phần đất còn lại quy vào bản đồ chính trị. Do cai trị người Việt đã nhiều năm nên Đà tương đối có uy tín, vì thế đa số bộ tộc người Việt chịu nghe lời Đà; thư tịch cổ viết Triệu Đà có năng lực “Hòa tập Bách Việt”.

Tóm lại, bằng cách dùng vũ lực trấn áp, về cơ bản Triệu Đà thực hiện được việc thống nhất Lĩnh Nam. Sự thống nhất một vùng cục bộ này tuy là để về sau Đà cát cứ và làm vua xứ Lĩnh Nam, nhưng về khách quan việc đó đã bảo đảm xứ này tránh rơi vào biển lửa chiến tranh Hán—Sở, kinh tế—xã hội không bị phá hoại, vì thế sự thống nhất cục bộ ấy có tác dụng tiến bộ nhất định – tác giả “Nam Việt Quốc sử” nhận định.

CƯƠNG VỰC CỦA NƯỚC NAM VIỆT

Năm 206 BC, Lưu Bang (256—195 BC) diệt nhà Tần. Năm 202 BC, sau khi thắng Hạng Vũ trong cuộc chiến tranh Sở—Hán, Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế, tức Hán Cao tổ, lập vương triều nhà Hán, định đô tại Trường An; sách sử gọi là nhà Tây Hán.

Tại vùng Lĩnh Nam xa xôi, năm 204 BC Triệu Đà chiếm được hai quận Quế Lâm và Tượng rồi thành lập nước Nam Việt, tự xưng Nam Việt Vũ Vương, chọn Phiên Ngu (Quảng Châu hiện nay) làm kinh đô.

Thời gian đầu nhà Hán chưa quan tâm đến nước Nam Việt của Triệu Đà. Mãi đến năm 196 BC Hán Cao Tổ mới cử Lục Giả đến Phiên Ngu thuyết phục Triệu Đà đồng ý thần phục nhà Hán.

Lãnh thổ nước Nam Việt hồi đó gồm 3 quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng tại vùng Lĩnh Nam, được xác lập từ đời Tần.

Trong thời gian Lã Hậu cầm quyền nhà Hán (195—180 BC), Triệu Đà từng mấy lần cho quân xâm phạm nước Trường Sa (ở phía bắc dãy Ngũ Lĩnh), nhưng chỉ quấy rối chứ không chiếm đất.

Các nước Mân Việt, Dạ Lang… cũng như Nam Việt, đều là chư hầu của nhà Hán, nghĩa là được nhà Hán sắc phong. Từng có thời các nước này do được Triệu Đà hối lộ mà lệ thuộc [“dịch thuộc”] vào Nam Việt, nhưng Triệu Đà chưa hề chiếm đất các nước đó. Vì thế lãnh thổ của nước Nam Việt là 3 quận kể trên vẫn giữ nguyên từ đời Tần.

Cương vực phía bắc của nước Nam Việt không thể vượt quá dãy Ngũ Lĩnh, tức Nam Việt giáp giới với nước Trường Sa.

Phía tây, biên giới nước Nam Việt kéo dài tới vùng Bách Sắc, Đức Bảo… của Quảng Tây hiện nay, tức giáp giới với các nước Dạ Lang, Vô Liễm và Câu Đinh.

Phía đông giáp giới với nước Mân Việt (tây Phúc Kiến hiện nay).

Phía nam chiếm hết Bắc và Trung bộ Việt Nam – đây là phần người viết bài này quan tâm nhất và cho rằng sách “Nam Việt Quốc sử” chưa đưa ra nhận định có căn cứ.

Sách không nói gì về cương vực của các nước cổ đại Mân Việt, Dạ Lang, Câu Đinh, Vô Liễm… kể trên, thậm chí cả cuốn sách hơn 500 trang mà không có bất cứ một bản đồ địa lý nào. Cho nên người đọc có quyền nghi ngờ về sự chính xác của phần nói về cương vực phía nam của nước Nam Việt.

Sách "Nam Việt quốc sử" viết: Vương quốc của Triệu Đà chiếm hữu quận Tượng—một trong 3 quận do nhà Tần phân định trước đây (Quế Lâm, Nam Hải và Tượng).

Sau này, năm 111 BC nước Nam Việt bị nhà Hán diệt, Hán Vũ Đế chia Lĩnh Nam làm 7 quận [Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam], trong đó 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam nằm trên đất Việt Nam. Đây là cương vực thời kỳ cuối của nước Nam Việt.

Cho tới nay giới sử học TQ vẫn chưa nhất trí về vấn đề cương vực thời kỳ đầu của nước Nam Việt có bao gồm Bắc và Trung bộ của Việt Nam hay không – đây cũng là vấn đề người Việt Nam chúng ta rất quan tâm, bởi lẽ nó trả lời câu hỏi: Triệu Đà có chiếm và cai trị Việt Nam hay không? Trên vấn đề này, giới sử học TQ có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm truyền thống của sử học TQ tán thành cái gọi là “Thuyết Ba quận”; cho rằng cái tên quận Tượng do nhà Tần hoạch định đã biến mất sau khi nhà Tần bị diệt, nhưng nước Nam Việt của Triệu Đà thời kỳ đầu (thời Hán sơ) vẫn chiếm hữu 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam [nghĩa là có chiếm đất Việt Nam].

Năm 1916 Henry Maspéro công bố bài “Quận Tượng” [chúng tôi chưa tìm thấy bài này]. Từ đó trở đi trên vấn đề vị trí của quận Tượng xuất hiện “Thuyết Hai quận”, cho rằng quận Tượng sau khi được nhà Tần hoạch định vẫn tiếp tục tồn tại cho tới giữa đời Hán (76 BC) mới bị hủy bỏ. Vị trí địa lý của quận Tượng tương đương với đất của hai quận Uất Lâm (Yulin) và Tang Kha (Zangke) – [nghĩa là không phải là đất của Việt Nam?]. Nói cách khác, có phải Triệu Đà chưa chiếm Việt Nam?

Sử gia Việt Nam Đào Duy Anh và một số sử gia TQ tán thành Thuyết Hai quận.

Tác giả “Nam Việt Quốc sử” cho rằng Thuyết Ba quận hợp lý hơn, có nhiều ghi chép trong thư tịch cổ TQ. “Hán Thư—Địa lý chí” ghi rõ quận Tượng đời Tần gồm có đất của quận Nhật Nam đời Hán. Khi chú dẫn “Hán thư—Địa lý chí”, Lý Hiền viết: “Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam đều là đất Việt, cũng đều là 7 quận”. Điều đó cho thấy người đời Hán cho rằng 3 quận đời Tần là 7 quận đời Hán. “Thông Điển” của Đường Đỗ Hữu cũng cho rằng quận Tượng đời Tần nên có đất của ba quận đời Hán.

“Nam Việt Quốc sử” viết: nếu phân tích mối quan hệ với Lĩnh Nam ở đời Tần, có thể chứng minh quân nhà Tần từng đến Trung—Bắc bộ Việt Nam và cuối cùng đặt quận ở đây.

“Hoài Nam Tử—Nhân gian huấn” chép:…. Cuối cùng quân Tần “giết được Dịch Dụ Tống [Yi Yusong] vua nước Tây Âu, người Việt không chịu để bị quân Tần bắt mà chạy vào rừng sống chung với cầm thú... đêm đêm phục kích quân Tần, hạ sát Đồ Tuy, giết mấy chục vạn lính nhà Tần…”. Nghĩa là quân Tần đã vào đất Việt, giết vua nước Tây Âu. [về địa lý, khái niệm "đất Việt" rất không xác định; có thể là Lĩnh Nam, trong đó có Việt Nam].

Tác giả “Nam Việt Quốc sử” kết luận (trang 86): “Các ghi chép lịch sử cho thấy quân Tần đã thâm nhập đất Trung—Bắc bộ Việt Nam và đặt quận Tượng, điều đó cung cấp khả năng lịch sử cho Thuyết Ba quận”.

Theo người viết bài này, nhận định “quận Tượng là đất Việt Nam” chưa có căn cứ xác đáng, bởi lẽ tác giả chưa xác định rõ nước Tây Âu có phải là Việt Nam hay không. Trong bài “Giải mật Tây Âu quốc—nước thứ tư của 10 đại cổ quốc của Quảng Tây thời cổ” lấy từ mạng Baidu, thì Tây Âu (còn gọi là Tây Việt) là nước bộ lạc, phương quốc, bộ tộc cổ đại hoạt động ở vùng lưu vực sông Quế Giang, Tầm Giang [Xunjiang] thuộc Lĩnh Nam – nghĩa là nước Tây Âu ở trong tỉnh Quảng Tây hiện nay, không phải là Việt Nam (như nhận định của “Nam Việt Quốc sử”). Các tư liệu chúng tôi tra từ mạng baidu cũng cho thấy Tây Âu ở Quảng Tây.

Sách “Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt” viết khi bị quân Tần tấn công, người Lạc Việt ở Quảng Tây [chứ không phải người Việt Nam] đã vào rừng đánh du kích, hạ sát Đồ Tuy… Sách sử Việt Nam cổ đại chưa từng nhắc tới cái tên “Dịch Dụ Tống vua nước Tây Âu”. Việc “Nam Việt Quốc sử” cho rằng người Lạc Việt chính là người Việt Nam cũng chưa có căn cứ thuyết minh.

Theo “Nam Việt Quốc sử”, nhiều di vật khảo cổ khai quật được tại Việt Nam cũng chứng minh các lực lượng chính trị đời Tần đã vào đến Trung—Bắc bộ Việt Nam và phân định vùng này là quận Tượng.

Ví dụ trước cách mạng 1945, tại huyện Đông Sơn ở Bắc bộ một nhân viên thuế quan Pháp đã khai quật được các di vật như trống đồng, gương đồng, rìu đồng, trong đó có thứ thuộc đời Hán cũng có một số thứ thuộc đời Tần (Lê Văn Lan: “Di chỉ đợt 1 thời đại đồng thau VN”, Nxb Khoa học, Hà Nội 1963). Sau đó tại Đông Sơn còn khai quật được các vật làm bằng đồng thau như giáo mác… hình dạng hoàn toàn như các đồ đồng cùng loại khai quật được tại Trường sa Hồ Nam, Thọ Xuân An Huy ở TQ và Lạc Lãng ở Triều Tiên; các vật này có khắc chữ chứng minh rõ là di vật đời Tần (Đào Duy Anh: “Lịch sử cổ đại VN”, bản tiếng TQ năm 1957, tr. 181). Tại Việt Khê Hải Phòng cũng khai quật được nhiều di vật như đỉnh đồng, hũ đồng, dao đồng…trong một ngôi mộ, được cho là những vật dụng của quý tộc TQ thời Chiến quốc. Tác giả “Nam Việt Quốc sử” cho rằng đây là di vật của đời Tần.

Tại di chỉ thành Cổ Loa mà giới sử gia Việt Nam cho là kinh đô của “nước Âu Lạc” cũng khai quật được nhiều di vật đời Tần, như hơn chục nghìn mũi tên đồng. Giới sử học Việt Nam nói đấy là những thứ trong “kho tên” của “An Dương Vương”, do người địa phương làm, bắt chước tên đồng của nhà Tần, chúng “giống hệt mũi tên của TQ” (Edmond Solan “Văn hóa tiền sử xứ Đông Dương”, “Phương đông cổ đại”, 1974).

Ngoài ra tại lưu vực sông Linh, sông Nhật Lệ ở Trung bộ Việt Nam cũng phát hiện thấy các di vật đồ đồng như giáo, kiếm, mũi tên, “Tất cả những thứ đó đều là chứng cứ cho thấy quân nhà Tần đã thâm nhập vào đất Việt Nam” (“Cổ Nam Việt quốc sử”, Nxb Quảng Tây 1988). [Phải chăng tác giả muốn nói quân Tần đã mang các thứ đồ đồng TQ vào Việt Nam và chôn tại những nơi chúng chiếm được để đánh dấu đây là lãnh thổ TQ].

“Nam Việt Quốc sử” nhận định : việc quân Tần chiếm Trung—Bắc bộ Việt Nam và xác lập quận Tượng là chuyện có ghi chép trong các thư tịch cổ, và các sách sử TQ về sau đều kế thừa quan điểm đó, cho nên “Thuyết Ba quận” là phù hợp thực tế lịch sử.

Thuyết hai quận do Maspero đưa ra năm 1916 cho rằng quận Tượng đời Tần thì ở giữa hai quận Uất Lâm [Yulin] và Tang Kha [Zangke] đời Hán [nghĩa là quận Tượng ở trên đất Quảng Tây chứ không phải trên đất Việt Nam], Lâm Trần [Linchen] nơi đóng trụ sở chính quyền quận Tượng thì thuộc quận Uất Lâm. Maspéro có tham khảo các thư tịch cổ như “Hán thư – Chiêu đế kỷ”, “Hán thư – Cao đế kỷ”, “Giao châu Ngoại vực ký”… Ông nói đất Giao Chỉ (lưu vực sông Hồng) nằm ở phía nam quận Tượng, vốn là địa bàn của nước An Dương của Hoàng tử Thục [Thục Phán?]. Thời Lã Hậu (195—180 BC), Văn Đế (137—124 BC), nước Nam Việt rất mạnh, từng đem quân đánh và diệt nước An Dương ở phía nam quận Tượng rồi đặt hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, làm cho nước Nam Việt đông sang tây rộng hơn vạn dặm.

Tác giả “Nam Việt Quốc sử” bác bỏ Thuyết Hai quận chủ yếu với lý do: các thư tịch cổ mà Maspéro trích dẫn là không tin cậy. “Nam Việt Quốc sử” cho rằng chuyện An Dương Vương dùng nỏ thần chống lại sự xâm lược của Triệu Đà cũng như chuyện Mỵ Châu—Trọng Thủy… đều là chuyện thần thoại.

Thực ra là Hoàng tử Thục [Thục Phán?] dẫn bộ tộc của mình di chuyển từ phía tây sang phía đông thì xung đột với bộ tộc Lạc Việt. Thục chiến thắng, trở thành thủ lĩnh bộ tộc Lạc Việt và tự xưng An Dương Vương. Thuyết Hai quận cho rằng một thời gian sau, Triệu Đà dẫn quân đánh chiếm Lĩnh Nam, bộ tộc của An Dương Vương chống lại, gây cho Đà nhiều tổn thất nhưng cuối cùng Đà thắng — chuyện đó xảy ra vào thời Lã Hậu (195—180 BC), Văn Đế (137—124 BC).

“Nam Việt Quốc sử” cho rằng nhận định đó thiếu căn cứ. Sách “Sử ký—Nam Việt liệt truyện” có chép việc Tây Âu, Lạc Việt lệ thuộc Nam Việt, nhưng đó không phải là kết quả xung đột quân sự mà là do Triệu Đà hối lộ các nước này, và sách cũng không nói rõ tộc Lạc Việt đó có phải là tộc An Dương Vương hay không. Hơn nữa Triệu Đà thi hành chính sách “Hòa tập Bách Việt”, không thể dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề dân tộc trong nước mình. Ngược lại, sách sử cho biết cuộc chiến tranh Triệu Đà tiến hành ở Lĩnh Nam xảy ra trước khi thành lập nước Nam Việt; việc Đà thâu tóm hai quận Quế Lâm và Tượng chắc là xảy ra vào năm 205 BC (năm 204 BC lập nước Nam Việt).

Thư tịch cổ TQ viết rất không rõ ràng về thành Phiên Ngu, kinh đô vương quốc Nam Việt. May sao từ sau năm 1975, tại Quảng Châu bắt đầu phát hiện một số di chỉ nằm sâu dưới mặt đất 4—8 m, như Hoàng cung, thành Phiên Ngu… Năm 1983 phát hiện khu lăng mộ bằng đá của vua Nam Việt đời thứ hai (Văn đế Triệu Mạt, cháu nội Triệu Đà, trị vì 137—124 BC), có hơn 1.000 vật tùy táng, trong đó có 15 người tuẫn táng. Sau đó đã lập nhà bảo tàng Vua Nam Việt Tây Hán có diện tích gần 18.000 m2 ở đây. [2]

Đáng chú ý là các di vật như chiếc ấn bằng vàng 98% khắc chữ “Văn Đế Hành tỷ” nặng 148,5g; Ngọc y (áo ngọc) dài 1,73 m làm bởi 2291 viên ngọc đan lại. Đây có thể là lăng mộ cổ duy nhất chưa bị khai quật trộm ở TQ, vì thế có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật rất quan trọng. Người lãnh đạo và nhà khoa học nhiều nước như Lý Quang Diệu, Chirac… từng đến tham quan nơi này (Việt Nam có Nguyễn Khoa Điềm).

Nguyễn Hải Hoành
(còn nữa)

[1Henry Maspéro sinh ngày 15 tháng 12 năm 1883 tại Paris. Bố ông, Gaston Maspéro là một nhà Ai Cập học. Từ nhỏ ông đã theo học lịch sử, văn học và tiếng Hoa tại Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông tại Paris. Năm 1908, ông đến Hà Nội theo học tại Viện Viễn Đông Bác cổ. Trong thời gian này ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam. Sau đó, ông lần lượt giữ chức Trưởng bộ môn Trung Hoa học tại Trường Quốc học Pháp và Đại học Sorbonne. Năm 1944, do có gốc Do Thái, ông và vợ ông bị bắt giữ tại Paris bởi Đức Quốc xã. Ông bị đày đi giam giữ ở trại tập trung Buchenwald và mất ở đó ngày 17 tháng 3 năm 1945.

[2西汉南越王博物馆 The Museum of the Nanyue King Mausoleum; xem: gznywmuseum.org