Giết chết sự sáng tạo ?

Xung quanh đề thi môn văn các trường đại học và cao đẳng năm 2007

Khi cầm đề thi môn văn (khối D) năm nay, nhiều cử nhân văn chương, giảng viên, giáo sư (GS) đại học giật mình vì lối ra đề xa lạ; đến lúc đọc đáp án, lại càng ngạc nhiên hơn.
Sự mâu thuẫn, phi lý lặp đi lặp lại trong cách ra đề và đáp án hiện nay đang làm đau đầu các thầy - cô giáo chấm thi đại học.
Nếu lách được theo ý mình thì tôi vẫn cố chấm thêm điểm cho học trò, nhưng càng chấm bài, càng thấy rằng học trò nào có đầu óc, biết suy nghĩ thì sẽ làm bài không đạt yêu cầu với đáp án. Nếu tôi thi, tôi cũng bị đánh rớt! Những điều này tôi đã lên tiếng nhiều lần rồi, báo chí cũng nói nhiều, nhưng vẫn không đến tai người ra đề thi" - một GS trường đại học nhận định.
Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu phân tích: Yêu cầu đề văn câu 2 (5 điểm) là phân tích vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại của bài thơ "Tràng giang" (Huy Cận). Nhưng đến đáp án thì phần này chỉ được 1 điểm (!), người ta buộc thí sinh đầu tiên phải giới thiệu tác giả tác phẩm (0,5 điểm), phân tích từng khổ thơ (3 điểm), sau đó mới đến vẻ đẹp hiện đại - cổ điển, rồi có kết luận (0,5 điểm).
Như thế thì nếu em nào phân tích theo hai luận điểm cổ điển và hiện đại thì xem như lạc đề. Rồi đến cách phân tích nhân vật theo kiểu diễn giải. Tôi dị ứng hoàn toàn với cách ra đề thi lẫn chấm thi ở ta. Thay vì đưa ra những tác giả lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, thì người ta lại loanh quanh hỏi những tác phẩm mà cả giáo viên cũng không biết chấm làm sao.
Tôi không đồng ý với cách ra đề kiểu như thế, nên cũng chấm ít bài rồi thôi. Năm ngoái có trường hợp đáp án tréo ngoe, như khi phân tích bài "Đây mùa thu tới", vị GS ra đề cho đây là tiếng reo vui, trong khi một học sinh cấp hai cũng biết đó là bài thơ buồn. Những chuyện cười không nổi ở VN khi chấm thi nay đã trở thành bình thường mới là lạ!
Tình trạng ra đề thi văn bất ổn, thiếu chính xác và đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề diễn ra nhiều năm nay. Điều này cho thấy một số cách nghĩ áp đặt không theo một nguyên tắc văn chương nào đã và đang giết chết sự sáng tạo của học sinh. Nhiều nhà nghiên cứu đã phản ánh qua những bài viết hay bài phát biểu của mình, nhưng dường như tất cả kỳ thi không thể tránh khỏi lối mòn có sẵn.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Huỳnh Như Phương lên tiếng cảnh báo: Bao nhiêu năm nay, đề văn vẫn quá cũ, và dường như không còn tác phẩm nào để ra đề. Việc trùng lặp trong đề thi hàng năm không tránh khỏi. Thử hỏi ngay một GS hay một giảng viên đại học được cho đề tài để suy nghĩ và viết 10 trang trong vòng 3 tiếng, liệu có xoay xở được không? Năm nào đáp án cũng đưa ra vài dòng giới thiệu tác giả, tác phẩm, thì còn ai sáng tạo trong phần nhập đề được?
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng trong văn chương không có đúng - sai, chỉ có hay - dở. Chỉ mấy dòng trong đáp án đã có thể giết chết một học sinh giỏi, theo cách tư duy về văn học ấu trĩ như thế. Liệu có phải các trường đang dạy văn, trang bị kiến thức khoa học xã hội nhân văn, hay dạy theo kiểu học vẹt, máy móc vậy? Câu hỏi này có lẽ còn bỏ ngỏ lâu, vì chính những người ra đề vẫn viết: "Đáp án môn văn để mở" kia mà!
Đặng Trinh - Minh Thi
(LĐ)