THẲNG THẮN VỚI PUTIN VỀ DỊCH COVID-19

Nga

Diễn biến dịch Covid-19 ở Nga

Nước Nga có khởi đầu “như mơ” trong chuyện chống dịch viêm phổi Vũ Hán: là nước đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào loại sớm nhất, trong khi Tây Âu như Ý, Đức, Anh, Tây Ban Nha dịch bùng phát dữ dội thì số ca bị ở Nga còn lác đác, mãi chả có ca tử vong nào, các con số còn khả quan hơn nước ta nhiều. Chính phủ Nga (khi đó giao cho Dmitry Medvedev – thủ tướng vừa từ chức 15/1/2020 cầm đầu việc chống dịch bệnh) đã tiến hành một chính sách tuyên truyền rất sai lầm: nào là dịch cúm này chỉ nhằm vào người có gen châu Á, nào là người Slavơ có hệ miễn dịch đặc biệt, nào là màu mắt màu tóc cũng làm con virus “sợ” – cả một bộ máy media đứng đầu là những tên tuổi lâu năm ngành y như Roshal (bác sỹ phẫu thuật cấp cứu đại tài) hay Myasnikov (trưởng phụ trách y tế của thủ đô). Chợ búa vẫn hoạt động, máy bay tàu hỏa vẫn vô tư, khoảng 1 triệu người Nga đã từ nước ngoài quay về trong thời gian quý 1 năm 2020 mà làm gì có cách ly bắt buộc…

Cho đến giữa tháng 3 dịch bắt đầu bùng phát dữ dội, đặc biệt là ở thủ đô, và Nga nhanh chóng rơi vào số các nước châu Âu thiệt hai nặng nề vì dịch: đến 25/4 có 70 nghìn người bị nhiễm, và 615 người đã mất, mỗi ngày bị lây nhiễm thêm (phát hiện được tầm 5-6000 người!), trong đó quá nửa là ở vùng Matxcơva. Người Việt ở “Mát” cũng hàng trăm người bị lây nhiễm, có 5 ca tử vong cho tới nay. Nga lập tức phải thay đổi chiến thuật chống dịch: Putin đích thân lãnh đạo việc chống dịch trên toàn quốc, cấm tất cả chợ búa, rồi hạn chế tối đa ra đường (phải có thẻ cho phép, chặt hơn Hà Nội nhiều), bắt buộc khẩu trang... Phải nói hệ thống y tế ở Mátxcơva cũng như y đức của y bác sỹ Nga rất tốt, cũng không có mấy sự phân biệt giữa chữa cho người Nga hay ngoại quốc – điều này đều được người Việt ở đấy ghi nhận, tuy vậy độ lây lan quá nhanh, và nguy hiểm nhất là nếu dịch lan mạnh về các vùng miền xa thủ đô, ở đó không có điều kiện y tế như vậy đâu, thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp!

Để chống dịch cần phải hiểu rõ về nó, đầu tiên là người lãnh đạo. Putin cho mời ông Chuchalin tới nói chuyện với Ban chỉ đạo chống dịch. Chuchalin là nhà khoa học có uy tín nhất của nước Nga về khoa hô hấp (pulmonology) – viện sỹ và Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Liên Xô từ 1986. Viện sĩ giảng giải thẳng thắn về coronavirus cho Putin và bộ sậu, có hiểu ra được hay không hoặc hiểu ra xong cần điều hành tiếp như thế nào, khả năng đến đâu thì lại là chuyện khác – nhưng những điều ông nói ra rất đáng quý!
https://www.youtube.com/watch?v=w8HrNWsvvsc

Viện sỹ Chuchalin

Cuộc trao đổi giữa Putin và Chuchalin

Putin: Xin mời ông Chuchalin Aleksandr Grigorievich, trưởng khoa của Viện nghiên cứu quốc gia mang tên Pirogov.

Chuchalin: Kính thưa Vladimir Vladimirovich, thưa các đồng nghiệp, tôi xin trả lời các câu hỏi của tổng thống là chúng ta có thể làm gì để giảm số ca nặng và tỷ lệ tử vong. Mỗi ca tử vong là một bi kịch. Không thể dựa vào những con số. Tôi sẽ chọn cách khác.

Chúng ta cần nghiên cứu nhanh chóng. Mỗi ngày có khoảng 50 bài khoa học về chủ đề này được đăng tải. Chúng ta cần nghiên cứu những thông tin đó, chọn lọc những điều quan trọng nhất có thể áp dụng ngay bây giờ. Và trong 7-9 ngày gần đây đã hình thành khái niệm viêm phổi hóa học. Viêm phổi hóa học không phải là viêm phổi thông thường. Viêm phổi hóa học là khi virus xâm nhập vào phần dưới của đường hô hấp và lan tỏa tổn thương của phế nang, tạo ra axit hyaluronic lấp đầy không gian của phế nang và gây ra thiếu oxy. Do đó các mạch máu bị co thắt và tạo ra các cục máu đông. Khi bác sĩ bệnh lý được hỏi phổi trông thế nào, thì bác sĩ trả lời là “không có phổi”. Điều đó nghĩa là gì? Nghĩa là không có phế nang. Tại sao không có, tại sao lại thiếu bộ phận thực hiện trao đổi khí? Nó bị thiếu chính vì các cục máu đông. Vì vậy máy hô hấp nhân tạo kém hiệu quả và các phương pháp hồi sức cho các bệnh nhân rất phức tạp. Vậy có phương pháp nào thực sự hiệu quả?

Tôi muốn nhắc về các bài nghiên cứu của các nhà khoa học đạt giải Nobel của nước ta, đó là Pyotr Kapitsa và học trò của ông ta là Landau. Họ đã làm gì, vì sao được nhận giải Nobel? Họ đã mô tả tính chất vật lý – hóa học của heli. Heli có thể đi qua bất kì mạch máu nào, bất kì khe hở nào. Và Rutherford đã rất hài lòng với bài nghiên cứu của họ. Kapitsa đã cho thấy, với điều kiện nhiệt độ khác nhau, heli có thêm một số tính chất mới. Hàng ngày tôi nhận được rất nhiều tài liệu. Hiện nay trên thế giới đang bùng nổ các bài viết về chủ đề này từ Mỹ, Berlin, Lausanne, Bắc Kinh, Seoul v.v… Heli thực sự có thể giải quyết việc thiếu oxy và có thể giúp ở giai đoạn chẩn đoán sớm khi chưa bị viêm phổi. Chụp cắt lớp vi tính rất quan trọng. Và lần đầu tiên trong lịch sử, khi bác sĩ X-quang hay tim mạch viết cho chúng ta “kính mờ” thì chúng ta biết đó chính là axit hyaluronic được tạo ra khi phế nang bị tổn thương. Tôi cảm ơn Tatiana Alekseevna (Gorlikova – phó thủ tướng phụ trách các chính sách xã hội), chúng tôi đã trao đổi, và bà ấy hỏi tôi về các ý tưởng. Tôi nói là bước thứ 2 là oxit nitric (N2O). Oxit nitric sẽ giải quyết vấn đề co thắt và sẽ chống lại các cục máu đông trong mạch máu. Sarov đã làm việc 36 tiếng, tôi rất ngạc nhiên. Cảm ơn Tatiana Alekseeva, đó là câu trả lời rất nhanh.

Vậy là Nga có thứ mà cả thế giới không có. Nga có những nhà khoa học thiên tài. Họ đã cho thấy heli, đặc biệt là heli nóng, có thể làm những gì trong các trường hợp nguy kịch. Với nhiệt độ 60-70°C, áp lực của virus giảm đi 70%. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu tại Matxcơva ở Viện mang tên Sklifosovskiy. Chúng tôi đã lập nhóm chuyên gia để nghiên cứu cách áp dụng nó. Đó là một lý thuyết mới, nội dung tóm tắt là: vấn đề chính là viêm phổi hóa học. Viêm phổi hóa học là hậu quả của lan tỏa tổn thương phế nang.

Hãy quay lại năm 2009, năm đó xảy ra đại dịch cúm. Lúc đó ai cũng lo lắng. Krasnoyarsk đứng đầu bảng với 1400 ca tử vong. Giờ chúng ta đã quên những con số đó. Điều cần làm là những gì ta làm khi bị hội chứng mạch vành cấp tính. Bác sĩ tuyến đầu, bác sĩ cấp cứu, bác sĩ phòng tiếp đón, bác sĩ hồi sức sẽ quyết định bệnh nhân sẽ được chuyển đi đâu – khoa hồi sức hay khoa thường. Cần hiểu là viêm phổi đòi hỏi cách xử lý đặc biệt. Và năm 2009 trong thời gian ngắn dịch viêm phổi đã biến mất. Năm 2016, Nga có tỷ lệ tử vong do viêm phổi tốt nhất. Tại một số vùng như Krasnoyarsk, Amur, Khabarovsk đã áp dụng điều đó, vì đó là điểm yếu của các vùng đó. Không được chuyển bệnh nhân viêm phổi cho bác sĩ thường. Như chúng tôi đã làm ở vùng Krasnoyarskiy, có 3 bác sĩ: bác sĩ hồi sức, bác sĩ phổi và chuyên gia chẩn đoán HIV đã gọi điện khắp nơi: Norilsk, có bao nhiêu bệnh nhân, hãy báo cáo; Eniseisk, có bao nhiêu bệnh nhân, v.v...

Và bây giờ, nếu chúng ta muốn cải thiện tình hình có 2 hướng: phần lâm sàng thì tôi không nói, và phần các biện pháp cách ly đã được áp dụng. Có thể nói Matxcơva là ví dụ điển hình về phòng chống bệnh dịch. Tôi đã từng làm việc ở các cơ sở của Đức, Pháp, Mỹ, nhưng tôi cho rằng bệnh viện Komunarka ở Matxcova là một trong những bệnh viện tốt nhất Châu Âu. Matxcova có Trung tâm phòng chống coronavirus cho phụ nữ mang thai, và lãnh đạo của trung tâm đó thể hiện mức độ tổ chức đáng kinh ngạc. Vì vậy Matxcơva cần phải chia sẻ, hướng dẫn cho các vùng khác.

Qua bài phát biểu ngắn này, tôi muốn kêu gọi cộng đồng bác sĩ là cần thay đổi quy trình. Quy trình để đánh giá đúng các giai đoạn đầu của bệnh. Và ở các giai đoạn đầu thì Nga có thứ mà các nước khác không có, đó là có thể điều trị kết hợp giữa heli và oxit nitric. Phương Tây tìm kiếm thông tin khoa học đó rồi làm theo. Tôi cho rằng để điều trị viêm phổi, họ sao chép chiến lược điều trị nhồi máu cơ tim của chúng ta. Nhưng khoảng thời gian khác, không cần chụp điện tâm đồ, bắt buộc phải theo dõi sự thiếu oxy. Và đêm là giai đoạn nguy hiểm nhất đối với người bị viêm phổi. Vì ban đêm oxy trong máu giảm, và đó là thời điểm gây ra tổn thương. Vì vậy cần theo dõi cung cấp oxy cho cơ thể vào ban đêm. Đến 90% là phải có báo động ngay, không được để phổi bị sốc. Đó là những thứ thực tế xảy ra. Tôi cho rằng điều đó rất quan trọng, chúng ta sẽ thay đổi nhiều thứ, vấn đề chúng ta đang bàn luận sẽ ảnh hưởng đến đào tạo y học, đến cơ cấu tổ chức. Như một bác sĩ phụ khoa nổi tiếng của chúng ta nói: “Tôi là bác sĩ phụ khoa, nhưng tôi phải biết các bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học, hồi sức phổi và tim, v.v...”. Đó là mô hình mới của một bác sĩ.

Còn người Mỹ thì làm gì? Người Mỹ thì tất nhiên là bàn tán sôi nổi, họ tiến hành các chương trình đào tạo chất lượng. Tôi đã hoàn thành vài khóa đào tạo tại các trung tâm trong khi chuẩn bị các bài phát biểu. Có thể so sánh với bệnh nhân tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường mỗi buổi sáng lấy một giọt máu, đưa vào thiết bị chẩn đoán và nó hiện lên con số mức đường trong máu. Giờ công nghệ đó đã được chuyển sang coronavirus. Cũng lấy một giọt máu và cho vào thiết bị chẩn đoán và người đó ở nhà và không phải ra ngoài. Đó là điều các nhà khoa học của chúng ta cần làm. Không phải các xét nghiệm nhanh, mà cần phải có phương pháp hiện đại, các thành tích khoa học thực sự hiệu quả.

Tất nhiên là các vị quan tâm về thời gian để thực hiện. Hãy nhớ lại năm 2002. Thời gian diễn ra dịch là bao lâu? 3 tháng rưỡi. Hoặc là năm 2012 - 3,5 đến 4 tháng. Nếu tính là Nga có dịch từ cuối hoặc giữa tháng 2, thì đó là quy luật của làn sóng dịch bệnh, sau khoảng đó dịch thường kết thúc. Điều mà tôi lo sợ là giờ là thời điểm của các bệnh dị ứng. Đặc biệt là nửa đầu tháng 5. Chẳng hạn như ở Matxcova, khoảng 20-30% dân sẽ bị các bệnh dị ứng. Mà triệu chứng thì lại giống coronavirus. Vì vậy cần đào tạo khẩn cấp cho các bác sĩ để họ không nhầm lẫn và không chẩn đoán sai. Các chuyên gia hàng đầu đóng vai trò quan trọng, họ phải hàng ngày xem tất cả các bệnh án, mọi bệnh nhân phải được chuyên gia kiểm định. Nếu chúng ta làm được điều đó, thì tôi nghĩ chúng ta chỉ cần 3-4 tuần để có thể tối thiểu hóa các ca nặng và tỷ lệ tử vong. Xin cảm ơn.

Putin: Cảm ơn ông Aleksandr Grigorievich. Nhưng có đúng là việc xét nghiệm máu có thể cho thấy coronavirus?

Chuchalin: Không cho thấy coronavirus nhưng cho thấy các kháng thể, immunoglobulin G. Có những nghiên cứu thú vị, tôi sẽ nói thêm về chủ đề này. Ở Izmailovo, tại phố Parkovaya, số nhà 15, trung tâm mang tên Pirogov nằm ở đó. Họ đã tiến hành nghiên cứu trên các nhân viên y tế đang làm việc không mắc các bệnh đường hô hấp. Kết quả là 35% nhân viên y tế có các kháng thể đó. Tôi nghĩ chúng ta cần thay đổi, chúng ta phản ứng hơi quá đà khi tạo thêm bi kịch cho tình hình hiện tại. Con người bị nhiễm coronavirus từ khi mới sinh ra được vài tháng, và suốt cuộc đời con người sống cùng coronavirus. Đó là loại virus phổ biến nhất của con người. Tất nhiên SARS, MERS, COVID thì có chút khác biệt, tôi sẽ không đi sâu vào. Nhưng con người sống chung với nó. Đó là thế giới của con người.

FB Nam Nguyen