Phỏng vấn dịch giả Bằng Việt

Về một bản dịch "Kim Vân Kiều truyện"

Nguyễn Du

Lần đầu tiên chúng ta có một bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở dạng phổ thông cho đông đảo công chúng. Người biên soạn là nhà thơ, dịch giả Bằng Việt, chứ không phải là một học giả uyên thâm về Kiều học. Nhân dịp này ông có cuộc trò chuyện sau:

* Vì sao ông nhận lời biên soạn Kim Vân Kiều truyện cho một công ty tư nhân ? Đơn giản chỉ vì được trả thù lao cao?

- Đấy là một chuyện. Thù lao cao gấp hai lần NXB Nhà nước. Chuyện quan trọng hơn là tôi thấy sức lao động được đền bù xứng đáng. Hơn nữa, tôi thấy, dù yêu mến Nguyễn Du song lâu nay các cơ sở NXB chính quy chưa nhà nào đứng ra, ngay UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng vậy, để phát hành một bản Kim Vân Kiều truyện phổ biến rộng rãi đến độc giả. Có một thực tế là trong khi các NXB bao cấp đang trở nên trì trệ, mất dần vai trò định hướng văn hóa đọc, không chú trọng tới các tinh hoa văn hóa thì tư nhân lại năng động hơn rất nhiều. Gần đây những bộ sách văn học gây xôn xao dư luận đều là do tư nhân làm. Thậm chí, tư nhân còn lôi kéo được các nhà văn có tên tuổi làm việc cho mình, cái mà đáng lẽ ra các NXB Nhà nước phải làm được.

Việc xuất bản ba cuốn sách kể trên, về danh nghĩa là sách của NXB Văn học, nhưng về thực chất chúng tôi chỉ lấy giấy phép của NXB, trả % rồi làm tất tật mọi việc từ đầu đến cuối. Tất nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Làm sách cho tư nhân, bên cạnh nhiều ưu điểm, cũng có nhiều nhược điểm. Nhưng suy cho cùng, cái được nhất vẫn là nhạy bén với thị trường và độc giả.

* Kỷ niệm 240 năm ngày sinh Nguyễn Du, rất nhiều nơi chạy đua xuất bản, nghiên cứu Truyện Kiều, rất nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cũng bỏ công bỏ sức cày xới vừa để "định vị" và "cắm mốc" vừa để tiếp cận thị trường. Giữa "rừng" Kiều ấy, ông có tin Kim Vân Kiều truyện sẽ được đón nhận?

- Tôi tin là sẽ bán được. Mục đích của chúng tôi là bán sách cho độc giả bình dân chứ không phải cho các nhà nghiên cứu. Vì thế, sách không có những chú thích dày đặc, khó hiểu, mà văn phong mạch lạc, trình bày đẹp, giá rẻ chỉ khoảng 10-30 nghìn/cuốn. Tôi dự định phát hành khoảng 5-6 nghìn cuốn để phổ cập!

* Không phải là một nhà nghiên cứu Truyện Kiều, mà lại đảm nhận vai trò cố vấn rồi viết lời tựa sách về Kim Vân Kiều truyện, có "mạo hiểm " quá không?

- Tôi muốn viết lời tựa cho Kim Vân Kiều truyện, vì đây là lần đầu tiên tính đến thời điểm này, chưa học giả lớn nào của Việt Nam ngó ngàng tới mà họ chỉ chăm bẵm vào cày xới Truyện Kiều. Mặt khác, tôi cũng muốn góp phần nhìn nhận lại một cách khách quan Kim Vân Kiều truyện . Bởi xưa nay cũng đã có rất nhiều quan điểm "hạ bệ" Kim Vân Kiều truyện, cho rằng nhờ cụ Nguyễn Du thì Thanh Tâm Tài Nhân mới được biết đến, hoặc ngược lại, cực đoan đến mức ca ngợi Kim Vân Kiều truyện hết lời và phủ nhận sạch trơn vai trò sáng tạo của cụ Nguyễn Du.

* Ở Việt Nam từ xưa đã có không ít bản chữ Hán Kim Vân Kiều truyện đưa từ Trung Quốc sang và một số bản khắc in lại. Bằng tiếng Việt cũng đã có ba bản dịch của các cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung, Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân, Tô Nam Nguyễn Đình Diệm. Vì sao ông lại chọn bản của cụ Nguyễn Duy Ngung, là bản "sai lạc" nhiều nhất so với nguyên tác, vì soạn giả đã dựa theo Truyện Kiều của Nguyễn Du mà phỏng dịch Kim Vân Kiều truyện?

- Tôi muốn tìm một bản Kim Vân Kiều truyện hay nhất, chứ không phải là gần nguyên tác nhất. Bản của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung là bản cổ nhất (in lần đầu năm 1925, tái bản các năm 1928 và 1929), giữ được sự chuẩn mực của văn phong cổ, lời lẽ lại trau chuốt, óng ả. Còn bản của cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm và Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân thì ngôn ngữ hiện đại quá, lời văn lại hơi tẻ. Vì thế, cho dù cụ Ngung đã phỏng dịch Kim Vân Kiều truyện và lấy Truyện Kiều để dịch, nhưng theo tôi, với tư cách dịch giả, tôi thấy chả sao cả, đôi lúc cũng nên cho phép phỏng dịch để tác phẩm hay hơn và hợp với lòng yêu thích của người đọc. Thực tế so sánh các bản dịch mới với bản dịch năm 1925 của cụ Ngung (từ năm 1929 đến nay bản dịch này chưa từng được tái bản) thì những bản dịch mới cũng không đến được với người đọc, vứt lăn lóc trong kho.

Trong bản dịch này, thay vì dịch tên các đầu đề mỗi chương một cách rối rắm, không dễ nhớ, dễ thuộc như bản của các cụ Hanh, Vân, Diệm, cụ Ngung đã thay bằng một bài thơ của Chu Mạnh Trinh, 20 hồi là 20 bài thơ rất toàn bích. Kèm theo đó là lời bình của Kim Thánh Thán chứ không phải lời bình của Quán Hoa đường chủ nhân so với nguyên tác.

* Nhưng hiện nay giới dịch thuật trong nước cũng không mấy người ủng hộ phong trào "Việt hóa" tác phẩm dịch thuật và rất khó chấp nhận một bản dịch không sát nguyên tác?

- Đấy là chuyện của họ. Theo tôi, "Việt hóa" là cách làm "khôn ngoan" để sách đến được với công chúng bình dân. Một tác phẩm muốn đến được với độc giả thì nó phải gần gũi nhất với họ. Thời gian của độc giả cũng có hạn nên rất ngại đọc các văn bản khô khan, khó hiểu. Bây giờ các bộ tiểu thuyết đồ sộ như Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm... người ta cũng phải tóm tắt thành những quyển sách bỏ túi, tóm tắt nội dung nữa là...

* Về bản quyền của cụ Nguyễn Duy Ngung, ông đã giải quyết thế nào?

- Tôi không biết cụ ấy ở đâu, đã mất năm nào. Thậm chí đấy là tên thật hay bút danh của cụ tôi cũng không biết.

Nguồn: Nhân dân