Giai đoạn đầu của khoa học và giáo dục kiểu Pháp ở Việt Nam
Việt NamPhápViệc hình thành các cơ quan nghiên cứu ở Đông Dương và đặc biệt ở Bắc Kỳ đã được Paul Bert, Tổng trú sứ đầu tiên của Trung Bắc Kỳ, chủ trương thực hiện ngay từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX
Bắc Kỳ Hàn lâm viện
Ngày 3 tháng 7 năm 1886, Paul Bert lập “Bắc Kỳ Hàn lâm viện” (Académie Tonkinoise), với 40 nhà nho người Việt Nam và 10 người Pháp do chính Paul Bert làm chủ tịch và một đại diện của Triều đình nhà Nguyễn làm Phó chủ tịch.
Mục tiêu của Viện Hàn lâm Bắc Kỳ là:
- "Nghiên cứu và thu thập các di sản văn hóa ở vùng Bắc Kỳ;
- Giới thiệu kiến thức khoa học hiện đại và tiến bộ của văn minh phương Tây, giới thiệu cuộc sống của người châu Âu bằng cách dịch và xuất bản sách bằng tiếng Việt, đồng thời dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp những bộ biên niên sử quan trọng nhất của các triều đại ở Bắc Kỳ. Một ủy ban nghiên cứu được thành lập để thực hiện những hoạt động này. Ở các thành phố lớn cần mở các thư viện và một thư viện Quốc gia tại Hà Nội” (Nghị định lập Bắc Kỳ Hàn lâm viện do Paul Bert ký ngày 3/7/1886).
Một trợ thủ đắc lực của Paul Bert là Gustave Dumoutier, một nhà Đông phương học đã nỗ lực nghiên cứu và công bố nhiều công trình về văn hoá xã hội truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, định hướng nghiên cứu “phương Đông” của Dumoutier không được Paul Doumer, người đã tốt nghiệp trường CNAM (Conservatoire National des Arts et Métiers: trường quốc gia nổi tiếng về đào tạo kỹ sư tại chức của Pháp) nhiệt tình ủng hộ. Theo chủ nghĩa kỹ trị, Paul Doumer chú trọng tới khoa học ứng dụng và đào tạo thực nghiệp. Sau khi lên nắm quyền, Doumer đã lập ra một loạt các cơ sở khoa học và cam kết hỗ trợ các cơ sở đã được hình thành từ trước, trong đó có:
- Viện Viễn đông Bác cổ (1898), chú trọng tới nghiên cứu lịch sử, văn hoá ngôn ngữ thông qua các phương pháp khoa học tiên tiến, đặc biệt là khai quật khảo cổ học
- Nha Khí tượng Đông Dương (1898)
- Nha Địa lý Đông Dương (1899)
- Nha bản đồ địa chất (1897)
- Viện Pasteur Nha Trang (do Yersin thành lập năm 1895)
- Viện vi trùng Sài Gòn (1891)
- Phòng thí nghiệm vi trùng Hà Nội
- Trường Y Hà Nội (1902), do Yersin làm hiệu trưởng
Doumer đã chỉ ra mục đích chính của trường Y, “là một cơ sở khoa học và thực hành ứng dụng. Mục tiêu đầu tiên của trường là đào tạo ra các bác sĩ châu Á, cùng làm việc và dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ Pháp, thực hiện các dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ ở Đông Dương; mục tiêu thứ hai là góp phần nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị các loại bệnh mà người Âu và người bản xứ mắc phải ở Viễn Đông”.
Trường Y là thành viên đầu tiên đồng thời cũng là cốt lõi của Đại học Đông Dương và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của trường.
Đại học Đông Dương
Có ít nhất ba lý do giải thích động cơ dẫn tới việc ngày 15/6/1906 Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký quyết định thành lập Đại học Đông Dương.
- Nguyễn Hiến Lê cho rằng quyết định của Toàn quyền Beau là một hành động mang tính thoả hiệp của nhà cầm quyền Pháp nhằm lấy lòng các nho sĩ Việt Nam. Theo ông Lê, các nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục trong đó có cụ Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm và Chân Thiết đã viết thư yêu cầu Thống sứ Bắc Kỳ bãi bỏ thi cử kiểu cũ và thiết lập trường Cao đẳng đại học. Việc Paul Beau mở đại học là “kết quả cho sự vận động này”.
- Một số nhà sử học khác cho rằng việc Pháp mở trường đại học là nhằm thu hút giới nho sĩ Việt Nam, hạn chế học sinh Việt Nam sang Nhật theo trào lưu Đông Du đang nổi lên do Phan Bội Châu lãnh đạo.
- Còn Gail Kelly, một chuyên gia về giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc đã không nhìn thấy động cơ học vấn trong việc thành lập Đại học Đông Dương và chỉ coi đây là một hành động mang tính hành chính khi nhận định “Beau và người tiền nhiệm của ông ta là Doumer coi trường đại học cũng như các công trình thuỷ lợi ở đồng bằng sông Cửu Long, như hệ thống đường sắt, cầu cống, đường xá mà họ xây dựng ở vào thời điểm giao nhau của thế kỷ XIX và XX”.
Trên thực tế, Đại học Đông Dương được thành lập là nhằm hoàn thiện hệ thống giáo dục Pháp-Việt, nhân tố cốt lõi cho giáo dục Đông Dương. Hệ thống Pháp-Việt mà Paul Beau đưa ra gồm có:
- trường dự bị (preparatoire),
- trường tiểu học (primaire),
- trung học (complementaire),
- đại học Đông Dương.
Theo chủ trương của Paul Beau viết trong báo cáo năm 1908 thì “ở đỉnh cao của giáo dục Pháp-Việt là trường Đại học Đông Dương” . Hệ thống này năm 1917 được Albert Sarraut điều chỉnh trong “Học chính Tổng quy” thành ba bậc:
- Bậc I (Tiểu học);
- Bậc II (Trung học);
- Bậc III (Cao đẳng, Đại học).
Năm 1906, Đại học Đông Dương được xây dựng trên nền tảng một dự án đầy tham vọng. Theo quyết định ngày 15/6/1907 của Toàn quyền Beau, đại học Đông Dương gồm năm trường thành viên là trường Luật và Hành chính, trường Khoa học, trường Y, trường Công chính, trường Văn khoa. Nghị định ngày 24/9/1907 quy định 22 khoá học với 3 ban:
- Ban khoa học: toán, cơ khí và vũ trụ, vật lý và hoá học đại cương, hoá công nghệ, động vật học, địa chất, sinh lý học và vệ sinh;
- Ban văn chương: tiếng Pháp và văn học Pháp, lịch sử đại cương, địa lý đại cương, lịch sử Đông Dương và Viễn Đông, khoa học giáo dục, thực hành giáo dục;
- Ban pháp lý: luật của nước Pháp, luật và hành chính Việt Nam, kinh tế chính trị và luật thương mại.
Ở vào thời điểm khai giảng, trường đang xây dựng ba phòng thí nghiệm vật lý, hoá học và vạn vật học. Tất cả các khoá học được giảng dạy bằng tiếng Pháp.
Tuy nhiên, dường như sự chuẩn bị vẫn chưa thực sự kỹ lưỡng, đặc biệt trường thiếu giảng viên. Báo cáo của Paul Beau mô tả “Trường khai giảng ngày 4/11/1907 với 94 sinh viên và chính thức và 74 dự thính, gồm cả 37 sinh viên trường Y… các khoá học đầu tiên có 15 giảng viên đảm nhiệm, đa phần được lựa chọn trong số giám đốc các nha, các quan toà, kỹ sư công chính, bác sĩ quân y…Để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường tổ chức các lớp học buổi tối để giảng viên và sinh viên thu xếp được thời gian phù hợp với công việc mà họ vẫn đương nhiệm”.
Về việc tuyển sinh, Đại học nhận sinh viên thoả mãn các điều kiện sau: tốt nghiệp trường Chasseloup Laubat, hoặc có bằng Bổ túc Trung học (Complémentaire), hoặc Cử nhân, Tú tài biết thành thạo tiếng Pháp. Ứng cử viên không có bằng cấp gì nhưng nếu được Hội đồng trường đại học thông qua cũng có thể được nhận.
Khi Đại học Đông Dương mở năm 1907, chỉ duy nhất có trường Y đang hoạt động (mở từ năm 1902). Nguyễn Hiến Lê có mô tả lại quang cảnh khai trường năm 1907 như sau “Trường đại học mở thật, không rõ là văn khoa hay luật khoa, y khoa, chỉ biết hôm khai trường, một số nhà tân học và cựu học Đông Kinh nghĩa thục lại nghe, nhưng may lắm chỉ có cụ Tốn, cụ Vĩnh là hiểu lõm bõm được ít, còn thì ù ù cạc cạc cả”.
Trường Đại học đã đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động do nhiều nguyên nhân. Ảnh hưởng của vụ Hà thành đầu độc là một trong những lý do chính trị khiến thực dân Pháp xiết chặt các chính sách xã hội, trong đó có giáo dục đại học.
Ngoài ra, ở vào thời điểm Đại học Đông Dương khai giảng, hệ thống trường Pháp-Việt còn chưa hoàn thiện, Nho học chiếm ưu thế, nhất là ở Bắc Kỳ. Đây là thời kỳ cải cách các trường Nho học nhằm dần chuyển đổi các trường này thành trường Pháp-Việt. Phương thức chuyển đổi chủ yếu thông qua nội dung giảng dạy và thi cử, theo đó, kể từ năm 1909, môn thi quốc ngữ là bắt buộc trong kỳ thi Hương, kể từ năm 1912, các thí sinh mới bắt buộc phải thi môn tiếng Pháp. Năm 1909 vẫn có 3.968 thí sinh đến dự kỳ thi Hương đầu tiên là văn sách, trong khi đó ở Bắc Kỳ trường Trung học Pháp-Việt duy nhất là trường Bảo hộ mới được lập năm 1908 và chỉ có đến bậc cao đẳng tiểu học. Năm 1909 trường mở kỳ thi tốt nghiệp Complémentaire đầu tiên, chỉ có 17 người tham dự và lấy đỗ 16. Các sĩ tử vẫn tập trung vào các kỳ thi Hương hơn là vào trường đại học mới mở.
̣TS. Trần Thị Phương Hoa - Viện nghiên cứu châu Âu