TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA I

Khu nhượng địa ở Hà Nội thời Pháp thuộc

Ha Noi

Từ “nhượng địa” xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc vào năm 1874, trong hiệp ước về việc Pháp thỏa thuận rút quân khỏi Hà Nội, giao trả lại thành cho triều đình nhà Nguyễn do Philastre, đại diện của Soái phủ Sài Gòn ký với đại diện triều đình là Nguyễn Văn Tường ngày 6-2-1874.

Hiệp ước Philastre - Nguyễn Văn Tường

Philastre là một gương mặt khá đặc biệt. Vốn là một sĩ quan hải quân, rồi làm Thanh tra các công việc của người bản xứ (Inspecteur des affaires indigènes) ở Nam Kỳ nhưng Philastre lại chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ, rất thông thạo tiếng Việt và chữ Hán và đã từng dịch Bộ luật Gia Long ra tiếng Pháp [1]. Bởi vậy, những từ ngữ trong hiệp ước này hoàn toàn có lợi cho phía Pháp.


**Phố Nhượng địa (Rue de la Concession)

Hiệp ước gồm 14 điều khoản, trong đó điều 9 quy định: “Chính phủ An-nam sẽ nhường một khoảng đất trên bờ sông để xây dựng một chỗ ở cho vị Công sứ Pháp và cho binh lính đội hộ vệ của ông ta. Khoảng đất này sẽ gần nơi mà sau khi ký kết hiệp ước, người ta sẽ cho phép các thương nhân Pháp đến mở cơ sở ở đó…”[2].

Trong điều khoản phụ kèm theo hiệp ước, triều đình Huế phải nhượng cho Pháp một khu đất trên bờ sông Hồng ở phía đông-đông nam Thành phố Hà Nội để Pháp lập Toà Công sứ và xây doanh trại cho binh lính. Khu đất nhượng này được quy định là 5 mẫu (2,5ha). Theo dự định ban đầu của thanh tra Rheinart, khu nhượng địa (laConcession française) được xác định là ở khoảng giữa hồ Hoàn Kiếm và sông Hồng nhưng đã bị lùi về mạn hạ lưu, chỗ địa điểm của pháo đài phía nam (cửa ô Tây Long tức ô Tràng Tiền).

Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, hiệp ước Philastre - Nguyễn Văn Tường đã tạo cơ sở để nhanh chóng tiến đến việc ký kết một hiệp ước mới có lợi cho Pháp, đó là hiệp ước ngày 15-3-1874. Phụ lục đính kèm của hiệp ước này quy định rõ là những khoảng đất cần thiết để xây dựng nhà ở cho các vị Lãnh sự và đội quân hộ vệ sẽ được Chính phủ An-nam “nhượng miễn phí” cho Chính phủ Pháp. Diện tích của khoảng đất đó sẽ có thể là 5 mẫu, tức khoảng 2,5ha.

*Cổng vào Khu nhượng địa tức Cổng Pháp quốc [3], phía trước là phố Hàng Khay

Rheinart là viên Công sứ—Lãnh sự Pháp đầu tiên ở Hà Nội, nhậm chức sau ngày ký hiệp ước. Ông ta đòi được một khoảng đất dài hình chữ nhật phía đông hồ Hoàn Kiếm “từ con đê trong đến bờ sông, mặt khác từ phố Hàng Cau [phố Hàng Bè] đến thôn Thạch Thị [phố Hàng Vôi], nghĩa là từ đường bờ sông Clémenceau [đường Trần Nhật Duật—Trần Quang Khải] tới phố Amiral Courbet [phố Lý Thái Tổ] một bên và bên khác là từ phố Fellonneau [phố Lò Sũ] tới phố Pháp Quốc [phố Tràng Tiền]” [4]. Tuy nhiên, Tổng đốc Hà Nội lúc đó là Trần Đình Túc đã từ chối với nhiều lý do và đề nghị thay thế bằng một khu đất lui xuống dưới hạ lưu khu pháo đài phía nam, tức khu Đồn Thủy lúc đó đã không còn tác dụng về mặt quân sự nữa.

Năm 1875, Kergaradec được bổ nhiệm làm lãnh sự Pháp ở Hà Nội, được giao nhiệm vụ thương thuyết với các quan chức Việt Nam về khu nhượng địa. Kergaradec là một nhà ngoại giao khôn khéo và am tường về những vấn đề kinh tế, đã từng viết những bài nghiên cứu về việc buôn bán xuyên biên giới theo tuyến sông Hồng [5]. Ông ta yêu cầu phải được cấp thêm đất để xây cất các công trình trong khu nhượng địa để đổi lại việc trả khu Trường Thi cho Hà Nội chuẩn bị cho kỳ thi Hương khoa Bính Tý (1879) vốn đang bị Pháp dùng làm doanh trại đóng quân từ khi F. Garnier tấn công ra Hà Nội.

Kết quả của sự “ngoại giao khôn khéo”của Kergaradec cộng với áp lực quân sự mà Pháp gây cho triều đình nhà Nguyễn là một hiệp ước Pháp-Việt đã được ký kết vào ngày 31-8-1875, trong đó khu nhượng địa từ 2,5ha đã tăng lên 18ha, gấp hơn 7 lần, vượt quá cả toàn bộ khu Đồn Thủy cũ, bao gồm các phường Thủy Cơ (Vạn Chài), Trúc Võng, Bến Dương và Tự nhiên của huyện Thọ Xương. Đó là một khoảng đất rộng hình chữ nhật nằm dọc, có các cạnh dài hai bên là con đê trong [6] và bờ sông Hồng; các cạnh ngắn trên dưới là các con đường được đắp cao (ngày nay là đoạn đầu phố Tràng Tiền cho đến phố Nguyễn Công Trứ), chưa kể đến một nghĩa địa Tây rộng hơn 1ha nằm sát về phía nam [7].

*Khu nhượng địa năm 1877. Từ trái sang phải: Doanh trại – Nơi ở của đại úy công binh, Bộ Tư lệnh tối cao, các sĩ quan – Lãnh sự quán – Sở Tư pháp

Việc thiết kế và xây dựng khu nhượng địa với các công trình bên trong được giao cho các sỹ quan và kỹ sư công binh Pháp được cử từ Sài Gòn ra. Nhân công là các cu-ly bản xứ, nhà thầu chính là một người Việt thân Pháp theo Công giáo. Việc thi công được tiến hành gấp rút, hoàn thành sau một năm, vào tháng 10-1876.

Hệ thống phòng vệ quân sự bao gồm 4 ụ công sự nằm theo một tuyến dọc, hướng ra phía sông Hồng. Ở phía bắc, lối ra vào có một bức tường xây gạch, trổ lỗ châu mai.

*Mặt bên của tòa nhà Lãnh sự quán Pháp trong khu nhượng địa

Theo mô tả của André Masson thì những công trình kiến trúc được xây dựng bên trong, “kể từ bắc xuống nam có dinh của viên Lãnh sự, nhà của sĩ quan bảo vệ Lãnh sự quán, dinh của viên sĩ quan chỉ huy, trại lính và các phòng làm việc… Nhà xây theo kiểu Nam Kỳ: nhà một tầng thấp, xây đơn giản, rộng mát, các nhà hai tầng chắc chắn có hàng hiên bao quanh bốn phía. Trại lính một tầng có những gian ngủ rộng làm nhà ngủ tập thể. Kho lương thực và vũ khí nằm cách biệt trên một khu đất ở xa. Có cả một nhà dùng làm câu lạc bộ quân nhân…” [8].

Những công trình này chủ yếu được nhóm sĩ quan công binh thiết kế, xây dựng vững chắc, đơn giản theo chủ nghĩa công năng duy lý, theo phong cách kiến trúc thực dân tiền kỳ.


*Nghĩa địa Tây của khu nhượng địa năm 1884

Cũng theo André Masson, trong khuôn viên khu nhượng địa có nhiều vườn tược và cây cối, trong đó có loại cây phượng vĩ có hoa đỏ rực, xuất xứ từ quần đảo Antilles (châu Mỹ) lần đầu tiên được người Pháp mang về trồng. Có một con đường đi xuyên dọc trong khu, sau này được đặt tên là phố Nhượng địa (Rue de la Concession) [9].

Đến năm 1882, khu nhượng địa đã trở thành trung tâm chính trị và căn cứ quân sự chính để Henri Rivière tiến hành tấn công thành Hà Nội lần thứ hai. Và đến năm 1888, với sức ép quân sự và chính sách “tằm ăn lá”, từng bước vừa xoa vừa đánh, vừa khôn ngoan vừa giảo quyệt của mình, Pháp đã đạt được mục đích trong việc biến Thành phố Hà Nội thành “nhượng địa” của Pháp qua việc ép Vua Đồng Khánh xuống Dụ số 576 ngày 1-10-1888 [10].

Lịch sử Hà Nội từ mốc đó đã bước sang một trang mới.

Ảnh

* Sưu tập ảnh của E.F.E.O. (Trường Viễn Đông Bác cổ). In trong Masson A., Hanoï pendant la période héroïque, IDEO, Hanoi, 1929.
** Ảnh của Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp (Archives nationales d’outre-mer - ANOM).

Tài liệu tham khảo

  • Đào Thị Diến, Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý đô thị thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954, Nxb Hà Nội, 2019.
  • Masson A., Hanoï pendant la période héroïque, IDEO, Hanoi, 1929.
  • Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (Đào Thị Diến cb), 2 tập, Nxb Hà Nội,2010.
  • Lịch sử Thăng Long-Hà Nội, Tập 2 (Phan Huy Lê cb), Nxb Hà Nội, 2012.
  • Trần Hùng và Nguyễn Quốc Thông, Hà Nội 10 thế kỷ đô thị hóa, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2000.
  • Từ điển đường phố Hà Nội (Nguyễn Viết Chức cb), Nxb Hà Nội, 2010.
    [1] Lịch sử Thăng Long-Hà Nội, tập 2 (Phan Huy Lê cb), Nxb Hà Nội, 2012, tr.37.
    [2] Romanet du Caillaud, Histoire de l’intervention française au Tonkin (1872-1874), Paris, 1880, tr. 433. Dẫn theo Lịch sử Thăng Long-Hà Nội, Tập 2 (Phan Huy Lê cb), Nxb Hà Nội, 2012, tr. 39.
    [3] Cổng Pháp quốc bị phá bỏ vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7-1886, cùng thời gian với việc phá bỏ các cọc gỗ và các ụ đất bao quanh khu Nhượng địa theo chỉ thị của Paul Bert trong phiên họp thứ hai của Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ ngày 8-6-1886.
    [4] Masson A., Hanoï pendant la période héroïque, IDEO, Hanoi, 1929, tr. 93.
    [5] Lịch sử Thăng Long—Hà Nội, Tập 2 (Phan Huy Lê cb), Nxb Hà Nội, 2012, tr. 44.
    [6] Nguyên là dải đất chạy men theo bức tường phía đông của tòa thành đất bao quanh thành Thăng Long xưa, khoảng 1890-1891 được xây dựng thành đại lộ Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông) và đại lộ Bobillot kéo dài (nay là phố Trần Thánh Tông).
    [7] Nay nằm trong khuôn viên của khu tập thể Nguyễn Công Trứ.
    [8] Masson A., Hanoï pendant la période héroïque, Sđd, tr. 492.
    [9] Năm 1919 phố Concession đổi tên thành phố Général Galliéni;năm 1933 lấy lại tên phố Concession; từ năm 1945 đến nay mang tên phố Phạm Ngũ Lão.
    [10] Dụ số 576 ngày thứ 26 tháng thứ tám năm Đồng Khánh thứ ba (mùng 1-10-1888) về việc lập thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane thành nhượng địa Pháp. Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp (Archives nationales d’outre-mer - ANOM), GGI, hs: 20.244.

TS Đào Thị Diến