Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Chùa Dâu (Pháp Vân Tự)
0721 Dâu village pagoda
Chùa Dâu (Pháp Vân Tự)
法 雲 寺
Chủ Nhật 24, Tháng Sáu 2007, bởi
Chùa Dâu còn gọi chùa Cả, có từ năm 226. Tên chữ: Pháp Vân Tự 法 雲 寺, Diên Ứng Tự 延 應 寺, Cổ Châu Tự 古 州 寺. Lễ hội: 8 tháng Tư âl. Xếp hạng: di tích quốc gia đặc biệt (2013). Vị trí: đường Lạc Long Quân, 22PV+62, Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 26 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: KDL Hapro trên QL17.
Lược sử
Chùa Dâu còn gọi chùa Cả, là một trung tâm cổ xưa của Phật giáo Bắc Việt có từ thời Tam Quốc. Chùa nằm ở phía nam sông Đuống, tại vùng Dâu, thành Luy Lâu, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Trước đây vùng Dâu có 4 ngôi chùa cổ thờ tượng của 4 nữ thần “Tứ Pháp” phù hộ nghề trồng lúa nước: Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Dàn, Bà Tướng [1]. Bộ tượng tạc vào thế kỷ XVIII và đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017, trong đó tượng Pháp Vũ hiện đặt ở chùa Dâu.
Trong tháp Hòa Phong. Panorama NCCong ©2017
Chùa Dâu được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226. Các vị sư Ấn Độ đầu tiên vào Việt Nam đã từng du giảng ở chùa này. Vào cuối thế kỷ VI, nhà sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) từ Trung Quốc cũng đến đây, lập nên một phái Thiền. Chùa gắn liền với sự tích sư Khâu đà la (Ksucha) giác ngộ cô gái Man Nương có ghi lại vào đời nhà Trần trong sách Lĩnh Nam Chích Quái 嶺 南 摭 怪, sau cô được tôn thành Phật Mẫu và thờ tại chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự) ở làng Mèn (Hà Mãn), cách chùa Dâu khoảng 1km về phía tây.
- Trước chùa Dâu. Photo NCCong ©2017
Chùa Dâu được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông từng sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại ngôi chùa thành “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Đến nay, ở tòa thượng điện chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc từ thời nhà Trần và nhà Lê. Ngày 28 tháng 4 năm 1962 chùa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, đến năm 2013 tôn lên di tích quốc gia đặc biệt.
Kiến trúc
Tam quan chùa Dâu nhìn về hướng tây, thông lối ra nhà Bưu điện Dâu ven đường Lạc Long Quân, phía sau là một sân rất dài dẫn đến chùa. Toà nhà trước rộng 7 gian 2 chái nối với dãy giải vũ hai bên kéo dọc xuống chùa chính. Giữa sân trong là một toà tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ gần hoá sành. Tháp đã bị mất đi sáu tầng trên, nay chỉ còn ba tầng dưới nhưng vẫn cao khoảng 17 m. Mặt trước tầng hai gắn bảng đá khắc chữ "Hòa Phong tháp". Chân tháp hình vuông, mỗi cạnh dài gần 7m. Tầng dưới có 4 cửa vòm.
- Tháp Hoà Phong, chùa Dâu. Photo NCCong ©2017
Trong tháp Hòa Phong treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đồng đúc năm 1817. Bốn pho tượng Thiên Vương cao 1,6m được đặt ở bốn góc tháp, được cho là mỗi vị cai quản một phương. Trước tháp, bên phải dựng tấm bia vuông khắc năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m (đối xứng với con cừu đá ở lăng Sĩ Nhiếp). Tượng này là dấu vết cổ duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán.
Sau tháp là toà tiền đường, nơi đặt các tượng Hộ pháp, Bát bộ Kim Cương và hai ban Đức Ông, Thánh Hiền, đa số được tạo tác vào thế kỷ XVIII. Hai bên đầu hồi nhà là hai hành lang dài nối tiền đường với hậu đường, tạo thành hình chữ nhật bao lấy nhà thiêu hương, thượng điện và các kiến trúc khác ở giữa theo kiến trúc kiểu "nội Công ngoại Quốc".
- Tượng Mạc Đĩnh Chi, chùa Dâu. Photo NCCong ©2017
Gian thiêu hương của chùa nằm ở chính giữa với bàn thờ đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng Thập điện Diêm Vương, Tam Châu Thái Tử và Mạc Đĩnh Chi ở tư thế ngồi trên bệ gạch. Hậu đường nguyên gốc xưa bây giờ không còn nữa, nhưng du khách vẫn có thể tham quan bốn mươi gian nhà oản ở hai bên hành lang tả hữu là nơi thờ Thập bát La Hán - 18 đệ tử truyền đăng của Phật đã tu đến cảnh giới La Hán.
Tại vườn tháp sau chùa chính hiện có 8 ngôi tháp gạch là nơi yên nghỉ của các vị sư từng trụ trì tại chùa, có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn, khoảng từ thế kỷ XIV đến TK XIX. Ngoài ra ở phía bên chùa trước còn có cả sân, giếng, lò thiêu mã, nhà khách, nhà tăng, ao chùa và các công trình phụ.
- Tượng Pháp Vân và Ngọc Nữ, chùa Dâu. Photo NCCong ©2017
Cổ vật
Tại chùa Dâu hiện còn lưu khá nhiều bia cổ và khoảng 100 pho tượng thờ các loại. Toà tiền đường có bày tượng Hộ pháp, Bát bộ Kim Cương, Đức Ông, Thánh Hiền đa số đều được tạo tác vào thế kỷ XVIII. Tại thượng điện đặt tượng Bà Dâu tức nữ thần Pháp Vân, màu đồng hun, cao gần 2m, phủ trang phục, gương mặt từ bi trầm mặc với nốt son tô đậm giữa trán như thường thấy ở phụ nữ Ấn Độ. Hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ rất đẹp và sống động. Phía trước đặt hộp đựng Thạch Quang Phật, tương truyền là viên đá nằm trong thân cây dung thụ tạc nên tượng Tứ Pháp, đáng tiếc đã bị mất.
Hồi kháng chiến chống Pháp, chùa Đậu (Bắc Ninh, khác chùa Đậu Thường Tín) bị phá hủy, nên pho tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) được đưa về thờ chung ở chùa Dâu. Thạch Quang Phật được thờ ở Chùa Tổ sau đó chuyển về thờ ở Chùa Dâu. Những pho tượng Tứ Pháp đều mang niên đại thế kỷ XVIII. Phía trái thượng điện có tượng thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đặt trên một bệ gỗ tạc hình sư tử đội tòa sen, có thể được tạo tác từ thế kỷ XIV.
- Tượng Pháp Vũ, chùa Dâu. Photo NCCong ©2017
Lễ hội
Du khách từ trung tâm Hà Nội có thể ra bến Công viên Thống Nhất lên xe bus số 52a rồi xuống bến cuối (Lệ Chi) và đi tiếp về phía đông 4km thì đến chùa. Hội chùa Dâu được tổ chức rất long trọng vào dịp Phật Đản ngày mùng 8 tháng Tư âm lịch hàng năm. Dân ba làng Đậu, Tướng, Dàn rước tượng Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện về chùa Dâu gặp Pháp Vân rồi rước tượng bốn chị em về chùa Tổ thăm Mẹ.
Có câu thơ lưu truyền dân gian:
Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
- Sân chùa Dâu. Photo NCCong ©2017
Di tích lân cận
- Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh): thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
- Chùa Hương Hải Thiền: thôn Chi Đông, xã Lệ Chi.
- Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự): thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, ven QL17.
- Chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự): thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành.
- Đình Giao Tự: thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, ven QL17.
- Đình Gia Lâm: thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi.
0721 Chùa Dâu ©NCCong 2015-2017
[1] Tên chữ: Pháp Vân 法 雲 (thần Mây) đặt ở chùa Dâu, Pháp Vũ 法 雨 (thần Mưa) trước kia đặt ở chùa Đậu, Pháp Điện 法 報 (thần Chớp) ở chùa Dàn, Pháp Lôi 法 雷 (thần Sấm) ở chùa Tướng.
Xem online : Lăng Sĩ Nhiếp