Lời kể của Lý Quang Diệu:

Đặng Tiểu Bình nghĩ gì khi quyết định tiến hành “cuộc chiến tự vệ phản kích Việt Nam” (1)

Bài đăng trên mạng Nhân dân (Trung Quốc) ngày 7/6/2011

Trung Hoa

Chuyến thăm Singgapore

Cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình là một trải nghiệm khó quên đối với tôi. Tháng 11 năm 1978, vị trưởng lão 74 tuổi ấy bước xuống từ chiếc máy bay Boeing 707 tại sân bay Paya Lebar. Ông có dáng dấp lanh lợi rắn rỏi, vóc người thấp nhỏ, cao chưa đầy 5 feet [1,52 m], mặc bộ đồ vải len màu vàng nhạt, bước đi thoăn thoắt. Duyệt đội danh dự xong, ông ngồi xe cùng tôi về toà biệt thự dùng làm nhà khách trong Phủ Tổng thống Singapore. Chiều hôm đó, chúng tôi có cuộc hội đàm chính thức tại phòng họp Chính phủ.


Trước đây, trong một lần tới Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, tôi từng nhìn thấy cái ống nhổ ở đấy. Vì vậy hôm nay tôi đã cho đặt một ống nhổ bằng sứ màu xanh và trắng bên cạnh chỗ ngồi của Đặng Tiểu Bình. Qua đọc báo, tôi biết ông có thói quen dùng ống nhổ. Mặc dù Phủ Tổng thống Singapore quy định không được hút thuốc trong phòng máy lạnh nhưng tôi vẫn đặc cách đặt chiếc gạt tàn thuốc lá cho ông ở chỗ dễ thấy. Tất cả những điều đó đều là sự chuẩn bị đón một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Tôi cũng biết chắc là quạt thông gió trong phòng họp đã được bật.

Năm 1976, khi tôi đến thăm Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình không thể gặp tôi. Hồi ấy ông đang bị chèn ép gạt bỏ và phải “đứng ra bên ngoài”. Mới đầu ông bị Lũ Bốn Tên đánh bại, nhưng cuối cùng ngược lại, bọn họ bị lật đổ.

Ông bỏ ra hai tiếng rưỡi đồng hồ để nói về mối đe dọa mà Liên Xô gây ra cho thế giới. Ông nói tất cả các quốc gia và các dân tộc phản đối chiến tranh phải tổ chức một mặt trận liên hợp để đồng thanh chống lại bọn con buôn chiến tranh. Ông dẫn lời Mao Trạch Đông nói rằng chúng ta phải đoàn kết để đối phó với "đồ khốn kiếp" ấy (nghĩa đen là "trứng rùa", phiên dịch viên của ông dịch là "S.O.B", nghĩa là "đồ súc sinh") [tiếng Trung Quốc là “wang ba dan”. S.O.B viết tắt từ tiếng Anh “Son Of a Bitch”, tức “Đồ chó đẻ”].

Ông phân tích toàn diện các chiến lược hành động của Liên Xô ở Châu u, Trung Đông, Châu Phi, Nam Á và Đông Dương. Liên Xô chiếm thế thượng phong lớn tại Việt Nam. Có những người không hiểu vì sao mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam lại tồi tệ như thế, và do đâu Trung Quốc phải có hành động cắt viện trợ cho Việt Nam, chẳng những không tranh thủ Việt Nam mà lại đẩy [Việt Nam] sang phía Liên Xô. Nhưng vấn đề then chốt là ở chỗ làm sao Việt Nam, trong tình hình không chút nào phù hợp với lợi ích của mình, lại vẫn cứ ngả hẳn về phía Liên Xô. Đó là vì Việt Nam “từ nhiều năm nay ôm giấc mộng thành lập Liên bang Đông Dương”. Ngay cả Hồ Chí Minh cũng có ý tưởng này. Trung Quốc xưa nay đều không đồng ý. Việt Nam coi Trung Quốc là trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện Liên bang Đông Dương. Kết luận của Trung Quốc là Việt Nam chẳng những không thay đổi lập trường mà còn ngày càng thậm tệ chống Trung Quốc, việc trục xuất một số lượng lớn người Hoa ở Việt Nam là bằng chứng tốt nhất. Trung Quốc sau khi cân nhắc thận trọng mới quyết định ngừng viện trợ cho Việt Nam.

Đặng Tiểu Bình nói, tổng cộng Trung Quốc đã cung cấp hơn 10 tỷ đô la Mỹ viện trợ kinh tế cho Việt Nam, theo thời giá hiện nay là 20 tỷ đô la Mỹ. Một khi Trung Quốc rút viện trợ kinh tế cho Việt Nam thì Liên Xô phải một mình gánh lấy gánh nặng này, nhưng họ không thể đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam, đành phải để Việt Nam tham gia Hội đồng Tương trợ Kinh tế [tức Khối SEV, Sovyet Ekonomičeskoy Vzaimopomošč; tiếng Anh: COMECON] (tương đương với Cộng đồng Kinh tế Nhóm các nước Cộng sản Đông Âu thuộc Cộng đồng Kinh tế Châu Âu), đẩy gánh nặng cho các nước Đông Âu. Đặng nói rằng trong mười năm tới, Trung Quốc sẽ xem xét việc kéo Việt Nam ra khỏi vòng tay Liên Xô. Tôi thầm nghĩ, Đặng Tiểu Bình là người xem xét vấn đề từ góc độ lâu dài, điều này hoàn toàn khác với cách tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ.

Ông nói, vấn đề thực sự cấp bách là Việt Nam có thể mở cuộc tấn công lớn vào Campuchia. Vậy Trung Quốc nên làm gì? Ông hỏi ngược lại. Tiếp đó, ông tự trả lời: Trung Quốc phải làm gì ư, điều đó thì phải xem Việt Nam đi xa đến đâu trong việc thực hiện bước đi ấy. Ông nhắc đi nhắc lại điểm này mà không trực tiếp nói rõ rằng [Trung Quốc] sẽ tiến hành phản kích Việt Nam. Ông nói một khi Việt Nam thành công trong việc kiểm soát toàn bộ Bán đảo Đông Dương thì nhiều nước châu Á sẽ mất chỗ dựa bảo đảm [nguyên văn: ẩn nấp]. Liên bang Đông Dương sẽ từng bước mở rộng ảnh hưởng và trở thành một nước cờ trong chiến lược toàn cầu của Liên Xô nhằm nam tiến xuống Ấn Độ Dương.

Khi Đặng Tiểu Bình nói xong thì trời đã xế chiều. Tôi hỏi liệu ông có muốn tôi phát biểu ý kiến ngay bây giờ, hay là hãy nghỉ họp, ngày mai họp tiếp, nhằm để ông có thời gian thay quần áo và ăn tối, cũng để bản thân tôi có dịp suy nghĩ về những điều ông vừa nói. Đặng Tiểu Bình tỏ ý chớ nên để thức ăn bị nguội.

Trong bữa chiêu đãi tối, ông tỏ ra rất gần gũi thân tình nhưng tâm trạng ông thì vẫn chưa nguôi ngoai, đầu óc vẫn luôn nghĩ về chuyện Việt Nam xâm lược Campuchia. Tôi bèn hỏi ông: Bây giờ Thủ tướng Thái Lan, Tướng Kriangsak Chomanan đã tuyên bố Thái Lan sẽ đứng về phía Trung Quốc, đã nồng nhiệt tiếp đón ông tại Bangkok và cam kết bằng những hành động thiết thực, vậy sau đây Trung Quốc sẽ làm gì? Ông Đặng lại lẩm bẩm, điều đó còn phải xem xem hành động của Việt Nam nghiêm trọng tới đâu. Tôi có ấn tượng là nếu các hoạt động của Việt Nam dừng lại ở sông Mekong thì có lẽ tình hình không đến nỗi nguy hiểm như vậy. Ngược lại, một khi cuộc tấn công vượt qua sông Mekong thì Trung Quốc không thể án binh bất động.

Đặng Tiểu Bình mời tôi thăm lại Trung Quốc. Tôi đáp, bao giờ Trung Quốc phục hồi sau Cách mạng Văn hóa thì tôi sẽ đi. Ông nói, thế thì sẽ cần thời gian rất lâu đấy. Tôi không đồng ý. Tôi cho rằng họ [Trung Quốc] thực sự muốn đuổi kịp và thậm chí sẽ làm tốt hơn Singapore, căn bản sẽ không có vấn đề gì cả. Nói gì thì nói, chúng tôi [người Singapore] chẳng qua cũng chỉ là hậu duệ của những nông dân mù chữ và không có ruộng đất ở Phúc Kiến và Quảng Đông mà thôi. Ngược lại, họ có những người là hậu duệ của các quan chức cấp cao quyền thế hiển hách và văn nhân học giả ở vùng Trung nguyên. Nghe xong, Đặng Tiểu Bình im lặng không nói gì.

(Còn nữa)
Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú trong ngoặc [ ]
Nguồn:
李 光 耀:邓 小 平 决 策 对 越 自 卫 反 击 战 内 情 2011年06月07日 人 民 网 https://news.qq.com/a/20110607/000573.htm