Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Hai Đức Chúa Ông
Trần Chiến
Hai Đức Chúa Ông
Chủ Nhật 10, Tháng Mười 2021, bởi
Ông cả Ngộ biết rằng mình phải đến nhà trưởng Thìn hôm nay, ngay sáng nay. Mai kia ra thì cứt trâu đã hoá bùn rồi. Nhưng cái việc phải giáp mặt này nó bắt nhớ quá nhiều điều ông muốn quên. Lâu nay, ông hằng tính nát nước đến sự liên minh này. Hôm qua, thao thức cả đêm, để rồi sáng nay phải châm ấm chè, xem nên nói điều gì, nên bỏ câu gì. Đúng là ông phải chủ động sang bên ấy, vì trưởng Thìn có lý do để hận ông hơn.
Họ Chu, do cả Ngộ đứng đầu, năm mươi năm nay hiềm khích với họ Nguyễn của trưởng Thìn. Thời đế quốc họ Nguyễn phát đùng đùng, thay nhau làm hào lý, việc làng toàn ngồi mâm tiên chỉ. Tráng đinh họ Nguyễn nhiều người được học hành, nói tiếng Tây làu làu, lang bạt sang làm ăn tận Pháp, Mỹ. Trưởng Thìn hồi chín năm làm lý trưởng. Đứng ở cửa đình, lão thẳng tay nện trống thúc sưu, cứ ngũ liên cả buổi như hộ đê, cả làng mặt xanh như đít nhái. Đến khi Thìn cùng trương tuần tay thước vào nhà ai – cố nhiên, kể cả họ Nguyễn – thì nhà ấy tha hồ chắp tay “con cắn rơm cắn cỏ…”. Được cái là lão cũng nương tay, chẳng bắt ai ra giữa đình khảo hèo.
Đến năm năm ba, mọi bề đổi hẳn. Địa phương quân về đánh bốt Vân Ổ, dẹp hết hội tề. Đội bắt rễ ở nhà cố Lương, định tỷ lệ địa chủ trong làng là năm phần trăm, dĩ nhiên họ Nguyễn đa tiên chỉ lĩnh nhiều suất nhất. Con cái đang đi học trường kháng chiến bị đuổi về. Trưởng Thìn phải mặt bôi gio trát trấu, quỳ giữa đình cho bần cố nông kể hết chuyện cho vay đòi trả lãi đến đoạn “con gà nhà tao lạc sang vườn nhà mày không thấy về”.
Lệ là thế. Vít cành tre thì nó quật trả vào mặt. Con trai cố Lương là Chu Văn Ngộ vào thanh niên, nông hội, dần dần tham chính trong làng. Qua mấy lớp học về xâu chuỗi, bắt rễ, qua bình dân học vụ i tờ ít, anh đứng trong đội ngũ, trở thành chủ chốt ở xã. Lại hô hào dân công đắp đê, làm nghĩa vụ lương thực cho nhà nước tích luỹ vốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nay mai máy cày sẽ chạy trên đồng thẳng cánh cò bay như nông trang bên Liên Xô. Lại kêu gọi thanh niên đi bê đánh Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam. Rồi chống mê tín, bỏ tượng trôi sông Lồ Ồ. Rồi cưa hoành phi câu đối đem về thưng vách chuồng trâu, bụt ngồi trên đình chùa cứ nhấp nhổm như lửa cháy dưới đít. Những ngày hoạt động sôi nổi ấy, thanh niên họ Chu có điều kiện thoát ly, ra công trường xưởng máy làm, hoặc về thủ đô học nên bác sĩ, kỹ sư. Đám con cái họ Nguyễn, ngược lại, nem nép một bề, học hết lớp bảy đừng hòng tính chuyện lên cấp ba. Em ruột trưởng Thìn phải gửi sang huyện bên học, nức tiếng cả tỉnh vì được đi thi toàn quốc. Có giấy ở trung ương tư về cho đi đại học Bách khoa ở Hà Nội, chính quyền xã ỉm đi, mấy tháng sau mới đưa ra thì đã quá kỳ chiêu sinh. Nhưng mà quyết vượt vũ môn, cả họ Nguyễn góp tiền đem cậu ta lên trường tỉnh học lại, thi lại, đón lõng giấy gọi đại học từ trung ương về. Từ đấy, con cái hai họ gặp nhau chan chát ở Hà Nội, cộng tác làm việc với nhau, chẳng biết có nhớ đến hiềm thù nội tộc…
Sang những năm tám mươi, cả Ngộ về hưu, sang làm chủ tịch mặt trận Tổ quốc. Sinh hoạt ở tổ phụ lão với trưởng Thìn, ông giáp mặt hàng ngày, song tuyệt nhiên nhạt nhẽo, giao đãi gọi là. Hai họ bây giờ phương trưởng bằng nhau, cùng có giáo sư, tiến sĩ làm việc ở thủ đô, lũ thanh niên nam nữ ve nhau, lập gia đình tán loạn. Chiến tranh rồi hoà bình. Lại chiến tranh, lại hoà bình, bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi, còn sống mấy nỗi mà làm mặt lành mặt giận mãi. Vẫn biết thế, mà hai lão trưởng tộc không thể đến với nhau.
Cho đến những việc mới đây xẩy ra ở đền Úc Phụ, bà Lành được tụi lãnh đạo nhiệm kỳ mới của xã o bế định làm những việc quá thể đáng, thì hai họ đều không chịu nổi. Mẹ nó chứ, cái con mụ họ Ngô ấy tưởng được ô dù che đỡ thì giẫm đít bụt à? Nhưng mình mình – dù là chủ tịch mặt trận Tổ quốc – đứng ra cản nó thì cũng khó. Phải tìm. Cái khó là chẳng biết trông cậy vào ai ngoài lão đầu họ Nguyễn.
Ấm chè mộc đã nhạt thếch, nắng ngoài ngọn tre dạt vào góc sân, ông cả Ngộ vẫn ngồi im phắc, mặt như táo bón. Anh con trưởng đi thăm đồng về, gặng:
— “Sao bảo bố sang ông trưởng Thìn cơ mà?”.
— Thế lúc nẫy anh bảo tao sang có việc, lão ấy bảo sao?
— Ông ấy bảo mời ông sang. Thôi, ông sang đi. Việc trọng, các cụ phải ngồi với nhau chứ.
— Lão ấy cũng bảo việc trọng à?
— Không bảo. Nhưng con biết. Việc các cụ quan tâm giống nhau cả.
*
— Chào ông!
Ông cả Ngộ bước vào sân, đủng đỉnh chào, vừa đủ nhỏ để trong nhà nghe tiếng mà không ra chiều vồ vập quá. Ông trưởng Thìn đang xỉa răng chanh chách trên sập cũng chậm rãi bước xuống. “Mời ông vào”, lời nói nghe đủ lịch sự mà cũng rõ là khách khí lắm. Nhưng ông cả Ngộ còn nán lại ngoài sân, ngắm nghía căn nhà. Đây là chỗ nhà ngang trưởng Thìn được giữ lại sau kỳ cải cách, trước kia nó cũng rách rưới lắm, giờ đã thay bằng nhà hai tầng đúc bê tông, chỗ nào chỗ nấy sáng choang. Đặc biệt là quanh giếng chi chít những chậu cảnh, dễ cũng tinh xảo, có giá bằng của nhà ông.
Trưởng Thìn thấy khách còn vơ vẩn ngoài sân thì quay vào, lại xếp bằng trên sập, nhưng cũng quát đứa cháu tắt ngay cái đài đang đít cô đít cậu choang choác. “Lão không ra đón ta ngoài sân. A, lão cũng đánh ấm chén sẵn sàng rồi đấy chứ”, cả Ngộ nghĩ, cứ đủng đỉnh, khủng khỉnh cho đến khi trưởng Thìn lên tiếng “Mời ông vào”.
— Chè ngon đấy, ông nhỉ.
— Thằng em tôi mới đi nghỉ Bắc Thái, gửi về một cân, Tân Cương chính hiệu.
— Thảo nào, cứ mộc thế này uống mới hay.
— Tôi tính rồi, ướp sen ướp nhài chỉ được hương chứ vị thì vứt.
Ấm chè, sang tuần thứ hai, cứu cho đoạn vào chuyện khỏi nhạt nhẽo. Hai lão già chuyển sang mùa màng, năm nay dông bão lắm quá, thuỷ lợi phí ngày một tăng. Rồi cũng hết. Bèn vào việc: “Tôi sang đây định bàn việc đền Úc Phụ. Làng ta có bà Lành định làm thế, ông tính sao?”. Ông Thìn nghiêm ngay sắc mặt, lừ lừ đứng dậy thay ấm chè khác. Rồi đuổi chó xua gà mãi, mới ngồi xuống. “Thì có người đem thả bụt trôi sông trước đây, nay họ mới có cớ làm thế chứ”. Giọng ông buông sõng, ra điều muốn tới đâu thì muốn, đây vô can, không nhúng tay.
Ông cả Ngộ bèn giải thích:
— Hồi ấy, tôi làm chủ tịch xã thật, nhưng đang đi học trên trường đảng tỉnh, không biết việc ấy. Ông Kháng là phó chủ tịch nội chính chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, đem Phật bỏ trôi sông Lồ Ồ. Rồi ông ấy bị kỷ luật, sau lại chết tức tưởi chứ còn đâu.
— Bao nhiêu là việc nữa, ông Thìn bùng ra. Tam quan đền làng đẹp nhất miền Bắc tính đem giật đổ, may mới mất con sấu trên cột. Chuông đồng bị dỡ, đem ghè ra bán cân. Ông còn để cho những đứa vô thần báng bổ đem hoành phi câu đối trên đình về thưng chuồng trâu. Thượng điện thì để thuốc sâu, hậu cung tam bảo thành kho chứa phân đạm ráo.
— Đấy là do tồn tại lịch sử, chứ có phải do chính quyền xã chủ trương đâu. – Cả Ngộ đã nóng mặt lắm, nhưng kinh nghiệm công tác bao nhiêu năm bảo ông phải dằn lại.
— Lại còn lấy đá trên gò đem trải đường, xe kìn kìn đi lại mấy tháng, vơi cả núi Đụn. Chả, dân không kêu thì bây giờ tan cả đình chùa, lấy đâu chỗ thờ cúng nữa. Suýt nữa thì mất cả giếng Tiên, dấu chân ngựa trời. Ông không nhớ hồi bé chăn trâu, thằng trẻ con nào đã uống nước giếng Tiên mãi, hở?
— Ông biết một mà không biết mười – Cả Ngộ sẵng giọng –. Nói cho ông biết, ngày kháng chiến, hội tề các ông ngồi đánh chén trong đình, tôi là du kích nấp trên cửa võng. Định thả lựư đạn xuống nhưng tiếc cái đền quá. Những tảng đá xanh chân cột trạm đài sen, rồi hương án, cỗ kiệu, điện thờ, cả nước chẳng nơi nào có vật đẹp hơn thế. Nên lại thôi. Tôi chỉ vê hòn cứt dơi thả vào bát canh lòng gà bí xanh ở mâm ông thôi. Ông ác lắm, làm lý trưởng gây bao nhiêu tội, chết là đáng. Nhưng tôi tha ông vì cái đền làng ta.
Trưởng Thìn mặt xám lại, nhìn trừng trừng vào cả Ngộ, rồi lại giãn ra, bần thần: “Ờ ờ, tôi ngỡ con dơi ỉa vào bát canh thật”. Rồi lại cất giọng lạnh tanh:
— Ông cũng ác như con rắn độc. Sao ông quy họ Nguyễn nhiều địa chủ thế? Sao ông giữ giấy gọi đại học của thằng Trực nhà tôi? Cả xã này có ai nhiều liệt sĩ chống Mỹ như họ tôi không, mà hôm họp trong diện ấy các ông làm khó dễ? Động cái dân công động cái đắp đê, là thế nào?
— À, thế thì để tôi cắt nghĩa. Đội cải cách quy định xã ta bẩy phần trăm địa chủ, tôi xin mãi mới xuống được năm phần trăm. Họ ông nhiều lý dịch lắm ruộng, quy thế là đúng, ai cãi được. Nhưng tôi thấy ông nắm quyền hương xã, làm gì là bị Tây thúc, đối xử với bà con không đến nỗi nào, nên còn nương nhẹ đấy. Còn việc giấy gọi đại học là lý do khác, do chủ trương không cho con em địa chủ lọt vào hàng ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa nên phải giam lại.
— “Kể ra, cái việc họ ông trong diện liệt sĩ bị ngăn cản thì tôi làm sai thật. Việc ấy tại tôi”.
Ông Ngộ chùng giọng xuống, rồi điềm nhiên đứng dậy. “Tôi sang bàn việc bà Lành định thay tượng Đức Chúa Ông ngoài đền. Nhưng thấy khó nói chuyện quá. Chào ông, tôi về”.
Ông Thìn ngồi bó gối ôm điếu cày, mặt còn đỏ gay, không đứng dậy tiễn. “Không dám, chào ông”, giọng còn đầy thù hận. Hai ông trưởng chia tay như thể sắp về huy động trai tráng trong họ đến phá nhà thờ Tổ của nhau không bằng.
Ngang qua gốc sy giếng làng cũ, cả Ngộ gặp thằng cháu làm thư ký uỷ ban, nó báo: “Chủ tịch bảo nay mai thay tượng ông ạ”. Ông sẵng giọng: “Mày sang mà bảo cái lão trưởng Thìn, tao không biết!”.
*
Thế mà quá Ngọ sang Mùi được tẹo, cả Ngộ thấy trưởng Thìn sang nhà mình. Đi như xộc vào, chẳng để ý đến bộ điệu khủng khỉnh của chủ nhân, “Này ông, rằm tháng sáu họ định thay tượng Đức Chúa Ông thật đấy”, ông ta nói luôn.
— À, thế ra ông cũng muốn bàn chuyện ấy với tôi kia đấy.
Cả Ngộ làm cao. Trưởng Thìn đấu dịu ngay. “Tình hình khẩn trương lắm rồi. Tôi với ông không ngồi với nhau là có tội đấy”.
— “Thế này ông ạ…”, giọng trưởng Thìn ôn hoà, những lời chắc đã được ngẫm rất kỹ. “Tôi với ông, họ tôi với họ ông đều có chỗ không phải với nhau. Thời thế nó bắt thế, cờ đến tay ai phải phất. Nhưng bây giờ có kẻ định phạm vào cái chỗ linh thiêng nhất của làng. Báng bổ quá lắm. Trong xã chỉ có họ Chu với họ Nguyễn là đương đầu nổi với chúng. Tách nhau ra là chết. Không phải chỉ có đợt thay tượng này, mà được đà, bọn quan lại cường hào mới sẽ được thể đè ta nhiều chuyện khác. Ai chứ ông với tôi đều đã làm lý dịch, còn lạ gì…”
— “Còn lạ gì… Hừ, sao lại so thời lão làm lý trưởng với thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, ta làm chủ tịch xã”, cả Ngộ mỉa mai nghĩ. Nhưng ông cũng phải công nhận rằng truởng Thìn nghĩ phải trong tình thế này. Làng Vân Ổ còn dăm bảy họ khác, nhưng rặt lũ tép riu. Xưa nay quyền bính những chỉ nằm trong tay hai họ Chu và Nguyễn. Ngày bé, thằng Ngộ con mõ Lương và thằng Thìn con chánh Xuân cũng hay tha thủi bên gò Úc Phụ chơi, đứa chăn trâu, đứa đánh khăng. Đền có nhiều bàn thờ, ở giữa là Đức Huyền Thiên Trấn Vũ có công giúp Thục An Dương Vương trừ lợn lang gà trắng xây nên thành Ốc. Hai bên là những thổ địa, Mẫu Thượng Ngàn, ông Khổng Tử, bà Thị Kính. Ngộ và Thìn ban thờ Đức Chúa Ông cai quản mười tám vị sơn thần trông nom dương gian. Khoái, vì cụ từ hay gọi vào cho phẩm oản, nải chuối, quả na tạ từ ban, cũng vì tượng Đức Chúa Ông thật đẹp, ngắm mãi không chán. Ngài mặc phẩm phục màu nâu đỏ, cầm thanh đao nhỏ, một chân dận hia, chân kia để trần, trông mộc mạc mà lại thoát tục. Đặc biệt là đôi mắt nghiêm nghị, lúc hiền từ, nhìn kỹ lại rất dữ. Các cụ trong làng bảo người thợ nào tô đôi mắt ấy là chín chắn lắm.
Đền Úc Phụ, Ngộ có một trận để đời không thể quên được. Ngày mười lăm tuổi, chơi trốn tìm, chả biết kiêng cữ gì cả, cậu cùng cái Na rúc vào vòm cuốn tò vò dưới ban thờ Đức Chúa Ông. Chỗ ấy chật lắm, phải ép sát vào nhau mới khỏi lộ. Trong cõi ẩm mốc, nhớp nháp, mùi bồ kết, mùi mồ hôi từ cô bé đánh thức trong Ngộ một cái gì cậu chả bao giờ biết đến. Cậu mân mê mái tóc Na, úp mặt vào ngửi hít. Bỗng cô bé cầm tay Ngộ úp lên ngực mình, chỗ nhu nhú. Lâu lâu, Na đẩy tay Ngộ ra, bảo “Tay đằng ấy người lớn rồi nhưng mắt đằng ấy còn trẻ con lắm”.
Rồi Na lớn lên, lấy chồng, Ngộ thấy như mình mất cái gì. Mãi sau này, đận cháu chắt rồi, mỗi lần đến trước Đức Chúa Ông, cả Ngộ thấy thực khó ngăn mình khỏi chui vào cái lỗ tò vò ẩm mốc dưới ban thờ. Đít Ngài, đối với ông, mãi mãi là nơi bí ẩn, vừa thiêng vừa tục nhất đời.
Vào những ngày hai họ Chu, Nguyễn tranh nhau trị vì hương xã và thẳng tay trị nhau, cô bé Lành của họ Ngô lớn lên, theo ông chú ra Hà Nội làm ăn. Cô buôn hàng sắt, vốn lớn lắm, phát đạt ầm ầm, thỉnh thoảng thấy về làng đầu u xi răng trắng, kể chuyện đi bơi, giao du với người này người nọ. Cô có ba đời chồng và một đống con, khi lên bà thì đốc chứng đồng bóng, đền phủ nào cũng đi, càng xa xôi sức càng khỏe. Bạn bè cô ở hội Chân Tâm tín ngưỡng, cũng cùng hội buôn, tháng nào cũng hành hương cúng lễ, chẳng ngày sóc vọng nào không đèn nhang; chừng như các bà buôn đều cúng lễ khoẻ, Tiên Phật độ trì họ chẳng ít.
Khi cả Ngộ còn đương chức chủ tịch, bà Lành đánh xe về, bàn: “Làng ta là đất văn vật, đền Úc Phụ xưa có tiếng là thiêng, đề nghị uỷ ban, mặt trận tổ quốc cho lập hồ sơ để xin bằng công nhận di tích lịch sử của bộ Văn hoá, tốn kém đâu tôi xin cung tiến”. Lời nói phải quá, uỷ ban bèn cử cụ thống Đào nhiều chữ nhất làng đi lục lại những văn tự, gia phả, viết lại sự tích đền. Lại lôi tấm bia đá kê dưới ao làm chỗ rửa chân lên dựng lại nhà bia ở chỗ cũ. Những tam bảo, quán Tiên, đều Mẫu, bao nhiêu bộ hoảnh phi câu đối, cái bị Tây đốt, cái tự phá hồi tiêu thổ kháng chiến, cái bị mai một hồi báng thần bổ thánh dần dần được khôi phục lại, mới đầu còn dấm dúi sau ra công khai. Đền Úc Phụ được công nhận di tích lịch sử văn hoá, đón bằng của trên rầm rộ, thu hút thập phương đến ùn ùn.
Rồi bà Lành về hẳn làng, ủng hộ nhà trẻ dăm chục bộ quần áo mới cho đàn cháu và các cô, xây gian phụ sản ở trạm xá, có cả dụng cụ y tế. Chính điện đền Úc Phụ sáng choang khi bà cho bóc lớp gạch, tương truyền có từ đời Trần, thay bằng cả nghìn viên gạch hoa Đà Nẵng. Nước trên đền thiếu lắm, phải xuống tận giếng đất khiêng, bà cho xây đôi bể chứa cả nghìn gánh nước mưa, tha hồ việc làng, cúng lễ. Lại trình bày với uỷ ban xã và các cụ (bấy giờ ông Ngộ đã sang làm mặt trận tổ quốc): “Tôi nay đã già, hồi tâm làm việc thiện, xin các cụ các bác cho về ở đền hàng ngày bao sái đèn hương. Cũng như nhời Tiên Phật dạy, kẻ có căn đi đâu về đâu rồi cũng phải về núp dưới bóng đền bóng chùa thôi mà”.
Vẫn là lời nói quá phải, chẳng đụng đến quyền lợi của ai, nên chẳng bị chối từ. Huống hồ bà Lành ăn chay tuần ba ngày, và lôi về đền bao nhiêu bạn buôn, công đức nặng tay lắm.
Đền Úc Phụ mở hội lại, ba năm nay mời liền liền đội nữ quan ở Hà Nội về làm lễ. Thập phương kéo đến cả vạn người xem rước vua Thục giả, thần Rùa Vàng giả kín cả cánh đồng, riêng tiền giữ xe đem về cho xã vài chục triệu. Công đức thì vô kể, sẻ lại cho ban di tích xong, xã thu cũng gấp vài lần thuế công thương của mấy chục công ty tư nhân. Rồi mượn người hay chữ soạn tờ gấp in sự tích ngôi đền bán cả vạn tờ. Hàng quán rạp riệc dựng lên bán bánh dày, trứng luộc cùng khánh, xuyến, xà tích, bao người được nhờ trong mấy ngày lễ. Úc Phụ khuyếch trương được thanh thế, hội đền nức tiếng một vùng khiến quan viên các làng lân cận sốt tiết, cũng chạy đi lập hồ sơ xin bằng công nhận di tích cho mấy cái miếu bé con con của họ. Bỗng chốc thu bộn tiền thật đàng hoàng, hình như chẳng có gì dễ bằng tổ chức lễ hội thật to, dân tình nơi nơi đến mở hầu bao ra chóng vánh quá.
Có dịp ông Hoạt già, trưởng ban quản lý di tích, trẩm đi đâu mất chục triệu tiền công đức, xã bèn củng cố lại, đưa bà Lành lên phó ban, tất nhiên trưởng phải là chủ tịch mặt trận tổ quốc. Tiếng là đầu đàn, nhưng nhiều việc cả Ngộ thấy mình chân chất quá, cứ phải hỏi ý kiến bà Lành quảng giao, bạt thiệp. Dần dà bà ta tự động quán xuyến, chỉ hỏi ý kiến các cụ gọi là. Phương chi, cậu Đoàn đương kim chủ tịch xã là người họ Ngô, gọi bà Lành là cô, luôn luôn quyết đoán việc đền theo ý bà. Cũng ấm ách! Chẳng hạn như khi bà tự thuê người biết tiếng Tây viết lên hòm công đức mấy chữ Contribution nghĩa là “Đóng góp” gì đó, các cụ kêu, bà bảo để thế thì tây đầm đến đền ta phải tòi tiền ra. Chẳng thuận lắm, nhưng cho là việc nhỏ, các cụ cho qua không bàn lại. Vả lại, Chu với Nguyễn hai họ lớn nhất có bao giờ bằng mặt với nhau đâu mà ỷ dốc phản đối.
Nhưng đến cái sự thay tượng thì thật quá thể. Cách đây nửa tháng bà Lành đề nghị họp ban di tích, có chủ tịch xã dự. “Là tôi muốn xin ý kiến các cụ”, bà trình bày. “Mấy năm nay, đền làng được sang sửa nhiều, như may lại xiêm áo cho Tam Toà Thánh Mẫu, tô tượng, viết lại các bức hoành. Chỉ còn tượng Đức Chúa Ông trên ban bên phải đã cũ quá rồi. Phẩm phục màu nâu, trông Ngài tối xì xì, sứt miếng ngay cổ. Tôi bàn là ta nên thay tượng mới đẹp đẽ hơn. Thế ạ…”
Các cụ ớ người ra. Quá bất ngờ. Ai mà có thể ngờ được. Cả Ngộ phản ứng đầu tiên: “Thay thế nào được! Ngài đã có bao nhiêu năm rồi, linh thiêng là ở bản thân bây giờ chứ”.
— Thì ta hô thần nhập tượng. Đức Ngài lại dời sang “nhà” mới ngay. – bà Lành điềm nhiên.
— Thế tượng cũ bà định bỏ đi đâu? – Trưởng Thìn nóng nảy lên tiếng.
— Dạ, tôi hỏi thầy đã kỹ. Để Ngài nghỉ dưới giếng mắt rồng, vẫn có linh khí ngàn xưa tụ lại, mà còn mát nữa.
Giọng trả lời vẫn ngọt ngào, tự tin lắm. Nhưng các cụ đâu có chịu, rằng chưa ai làm thế bao giờ, đẻ chuyện gây tốn kém, rằng… Bà Lành không đáp lời. Thì ông chủ tịch xã lên tiếng, không phải phân trần nữa mà là quyết định:
— Thưa các cụ, đảng uỷ, hội đồng và uỷ ban nhân dân chúng tôi đã họp bàn xong. Ngày rằm tháng sáu này sẽ rước Đức Chúa Ông mới và thay bức hiện nay. Việc này hoàn toàn do bà Lành cung tiến, không ai phải bỏ tiền ra cả. Đây, các cụ xem quyết định của uỷ ban. Đã có hiệu lực rồi.
Cả Ngộ ớ ra. Chức trưởng ban di tích của ông té ra chẳng là cái đinh mục với bà phó. Đêm ấy ông càng phải tủi phận, nhận ra thời binh quyền của họ Chu đã qua.
*
Trước rằm tháng sáu, ông cả Ngộ triệu tập hội nghị bất thường các đảng viên họ Chu. Tiếng cả thế, nhưng cánh họ Chu trong xã chỉ còn giữ những chức èng èng như thu tín dụng, khuyến nông, thuỷ lợi, còn bao nhiêu vai vế quan trọng khác họ Ngô đã chia nhau cả rồi, sớt lại gọi là cho các họ khác. Bởi vậy, hội nghị mở rộng ra cả các bô lão trong họ.
Mở đầu, cả Ngộ mời mọi người uống chè Thái của trưởng họ Nguyễn biếu. “Hai họ phải kết hoà hiếu để chống lại đứa quỷ trá cậy của”. Rồi ông nói cụ thể hơn chuyện Đức Chúa Ông, bà Lành được uỷ ban xã ủng hộ. Mọi người đều nhất trí thế là giẫm đít bụt, làm hỏng những truyền thống đã có tự nghìn năm.
Bên họ Nguyễn, trưởng Thìn cũng quán triệt cho mọi người nguy cơ mất hết cổ vật của tổ tiên và cũng đạt được nhất trí cao. Hai họ Chu, Nguyễn thảo một giác thư lên văn hoá huyện văn hoá tỉnh, cậy người thân quen quà cáp để chuyện gở đừng xảy ra. Nhưng có vẻ như đã quá muộn. Hai họ lại định rằng đến ngày ấy nhất định phải tụ họp lên đền tranh đấu, kẻo rồi ảnh hưởng đến cả long mạch. Táo gan thật. Dám làm chuyện tày trời.
Rằm tháng sáu nhằm đúng chủ nhật. Từ sáng sớm, ban di tích đã đủ đầy trên sân đền, cả thảy sáu cụ, trừ bà Lành đi thỉnh tượng bên Hà Bắc. Ngoài ra còn có các bô lão trong xã, nhất nhất đều muốn giữ lại Đức Chúa Ông đương vị. Đám thanh niên đến cũng nhiều, phần vì hiếu sự, nhưng hai ông trưởng họ điểm mặt thấy yên lòng, khối đứa họ Nguyễn họ Chu.
Hút thuốc lào vặt, uống rượu vã mãi, rồi ô tô chở tượng mới cũng về đến nơi. Có mươi bà buôn ở Hà Nội hay đóng nữ quan trong các đám rước. Đồ nghề trên xe khuân xuống mãi mới hết. Bà Lành dõng dạc chỉ huy mấy thanh niên khiêng Ngài lên nhà tiền tế. Bên này, cả Ngộ và trưởng Thìn trố mắt nhìn, chỉ thấy lụa điều phủ kín, có vẻ to hơn Đức Chúa trong kia. Không hiểu bên trong thế nào.
Trước sự chứng kiến của Ngô chủ tịch xã, hai bên chủ khách chào hỏi nhau trịnh trọng, lịch sự, nhưng bên trong như bài binh bố trận thế nào. Ông cả Ngộ thay mặt ban di tích và các cụ trong làng cảm ơn các bà bên Hà Nội đã không quản xa xôi mà lui tới ngôi đền nhỏ bé của chúng tôi. Bà hội trưởng Chân Tâm tín ngưỡng đáp rằng đây là chốn thần tiên, đến được là có cơ duyên lắm, xin phép các cụ vào thắp hương. Tuần trầu nước đã qua. Kính thưa, cảm tạ mãi, bà hội trưởng có lời:
— Chúng tôi ăn chay nằm mộng, chọn ngày lành tháng tốt, hôm nay rằm tháng sáu dọn mình sạch sẽ sang đây. Trên có uỷ ban, dưới là các cụ ở ban di tích, xin cung tiến quý đền một đôi lọng, mười mâm nhôm to, một trống đại, hai đỉnh đồng cùng bộ bát bửu.
— “À vâng!”. Món cung tiến quá to khiến cả Ngộ ngỡ ngàng, chỉ đáp lại được vậy.
— “Hội Chân Tâm tín ngưỡng xin biếu uỷ ban xã Vân Ổ mười triệu đồng tiền mặt, vì đã góp phần ủng hộ phong trào uống nước nhớ nguồn, quay về với tổ tiên”.
Cả Ngộ và trưởng Thìn nhìn chủ tịch Ngô Tiến Đoàn tiến lên nhận tiền, cảm ơn, đưa mắt cho nhau. Ra họ gớm thật, cho cái thằng tham này há miệng mắc quai cái đã. Để rồi xem.
— “Bà Ngô Thị Lành có hỏi ý kiến chúng tôi về pho tượng Đức Chúa Ông hiện nay, đã cũ rồi và không được oai phong mấy. Nếu thay Ngài bằng một tượng mới to đẹp hơn thì thu hút được thập phương đến nhiều hơn, thanh thế đền Úc Phụ càng lớn. Chị em chúng tôi nghĩ thế cũng phải, vậy xin ý kiến quý uỷ ban và các cụ”.
— Việc này chúng tôi đã bàn và đồng ý rồi, Ngô chủ tịch xã lên tiếng. Tượng cũ cổ lắm, không còn thích hợp với thời đại mới nữa. Phải mở cửa ra mới được. Dân tình thập phương đều chỉ thích đến chỗ đền đài nguy nga, đồ thờ lộng lẫy. Ý định của các bác ở hội đây và bà Lành rất hợp với sở nguyện chính quyền và dân xã. Chúng tôi xin chấp nhận và cảm ơn tấm lòng vàng này.
Ông cả Ngộ há hốc mồm, uất quá không nói được. Đến khi ra lời thì chả thành bài bản gì. “Việc này chưa từng có bao giờ. Từ thuở còn chăn trâu, chúng tôi đã quen thân với Ngài, thọ lộc của Ngài, khi nải chuối khi phẩm oản. Bây giờ thay tượng là dứt khoát không thể được.
— Thì có phải đem Ngài trôi sông báng bổ như năm xưa cụ làm chủ tịch xã đâu. – Bà Lành nói kháy – Chúng tôi chỉ định đưa Ngài xuống giếng Mắt rồng cho mát mẻ thôi mà. Việc hô thần nhập tượng mới đã có chuẩn bị, khấn đúng bài các cụ tổ ta dùng khi xưa. Có gì đâu mà bác cả Ngộ gây khó khăn làm vậy.
— Không được. Dứt khoát là Đức Chúa Ông y như bây giờ. Bà đừng có mà cậy của đòi thay đổi tất cả. Bà quen đi xa về gần mấy chục năm nay rồi, có biết tình cảm làng quê với Đức Chúa Ông, với ngôi đền này như thế nào đâu.
— Bác cả Ngộ không được nóng nảy thế, giọng Ngô chủ tịch xã chắc nịch. Bà Lành đây có chân tâm mới cung tiến như vậy. Hơn nữa đền chùa cải tiến, đổi mới, thiên hạ đổ đến nhiều thì mới có tiền công đức mà thay đổi bộ mặt làng xã. Hay là ông muốn chúng ta cứ nghèo hèn quê kệch mãi, hả?
— Anh thì chỉ biết có tiền! – Ông cả Ngộ đốp trả – Thằng Phương con nhà Tròn trốn đi di tản năm xưa, các anh lên án bao nhiêu. Mà năm ngoái nó ở Mỹ về, mới thăm hỏi một tẹo đã tôn thành Việt kiều yêu nước. Đừng có lộng giả thành chân, giẫm đít bụt.
— A, này… – Chủ tịch xã lắp bắp – Ông đừng hỗn với chính quyền. Tháng chín tới hết nhiệm kỳ, đảng uỷ bầu lại sẽ cách ông khỏi chức chủ tịch mặt trận tổ quốc. Rồi cũng tong khỏi chân trưởng ban di tích, cho mà biết.
— Tôi còn ngồi đây thì đừng hòng bê Đức Chúa Ông vứt xuống giếng!
Cả Ngộ đỏ mặt tía tai, chân giẫm bành bạch. Ông đứng ngó quanh tức tối. Quái, lão trưởng Thìn bàn bạc quyết tâm làm vậy, mà bây giờ đ. thấy hé răng. Thì ông đương đầu cũng chẳng sao. Được cái bên kia, con mẹ Lành và các bà Chân Tâm tín ngưỡng cũng im phắc.
Đang căng thẳng, thốt nhiên một ông lão từ nhà thờ chạy ra. “Các ông các bà xem kìa, tượng Đức Chúa Ông trên ban mồ hôi cứ rịn ra”.
Ai nấy sợ cứng người lại, kể cả bà Lành. Chỉ riêng chủ tịch xã điềm nhiên: “Ngài mừng đấy, vì sắp được xuống Mắt rồng tắm mát". Đoạn quay lại bảo đám trai tráng: “Các cậu còn đợi gì nữa, vào thắp hương xin phép, rồi hạ Ngài xuống đi”.
Chẳng ai bảo sao. Ông cả Ngộ đần người ra, bất lực nhìn đám trai họ Ngô rục rịch chuẩn bị đòn khiêng. Thì trưởng Thìn lên tiếng, giọng điềm đạm và sang sảng, hệt ngày còn là lý dịch:
— Không hạ xuống được đâu. Làm thế vừa trái đạo trời, vừa sai phép nước. Thứ nhất, tượng Đức Chúa Ông có tự bao giờ không biết, chỉ thấy khi lớn lên đã có Ngài rồi. Ngài tuy nâu sồng mộc mạc thật nhưng lại hun đúc khí thiêng bao đời. Thứ nhì, khi xin bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá, trên đã kiểm kê bao nhiêu tượng, bao nhiêu hoành phi câu đối, đến từng bức cửa võng chạm con gì bông hoa gì cũng vào sổ cả rồi. Nay hạ Ngài xuống bỏ ra ao Mắt rồng, liệu có phải xâm phạm di tích lịch sử không? Các ông uỷ ban có chịu trách nhiệm được không?
Chủ tịch xã không dám hé môi. Lý sự của lão già làm quan một thời cứng cáp quá.
— Cổ vật mới là của quý! – Giọng trưởng Thìn lại càng sang hơn – Lọng vàng bát bửu mâm nhôm trống đại các bà cung tiến chúng tôi xin nhận và cảm tạ hết lòng. Nhưng đó là đồ mới, có tiền là mua được. Chứ như đây, bạc tỷ có làm được vầng đá mọc dưới đít tượng Đức Quán Thánh không, mỗi năm lại nhô lên mấy phân đấy. Ông chủ tịch nói không phải. Thập phương đến đây vì các pho chư Tiên chư Phật đã có từ lâu đời, đâu phải vì mấy bức hoành mới tô vàng choé. Tôi nói lại chuyện cũ, bà Lành cho bật những viên gạch chạm rồng có từ đời Trần ở trong điện để lát đá hoa vào cho sáng choang lên, cũng là dốt nát rồi – Ông đột ngột hỏi – Bà đặt làm tượng Đức Chúa Ông mới này hết bao nhiêu tiền?
— Da, mất hai mươi hai triệu, bà Lành lí nhí đáp.
— Thôi, thế này, tôi đề nghị… Bà Lành là người có tâm đức, tuy hơi hợm của một tỵ. Tượng đã thỉnh về đây, thì đưa cả lên ban, ta thờ cả hai Đức Chúa Ông một lúc. Ý kiến chúng tôi là vậy. Dứt khoát không bỏ Ngài xuống ao Mắt rồng được.
Trưởng Thìn đứng dậy, quay hẳn sang các bà Chân Tâm tín ngưỡng: “Nếu các bà không đồng ý thì mang cả bát bửu lọng vàng cùng các thứ đem đi đâu cho thì đi”.
*
Tượng Đức Chúa Ông trên ban được kê dịch sang trái, lấy chỗ cho Đức Chúa Ông mới. Thoạt nhìn đã thấy khác nhau lắm. Bên này thì nâu đỏ mộc mạc, một chân để trần, đôi mắt vừa dữ lại vừa hiền. Pho bên kia bằng gỗ mít tô đỏ rực, hai chân đều dận hia, đôi mắt xếch ngược, lông mày dựng đứng như tranh trong sách Tầu. Rồi ngai, ngù, rồi mũ cánh chuồn vàng choé. Vì đôi con ngươi là hai hòn bi bằng thuỷ tinh nên lúc nào trông Ngài cũng như lúc nào, vô hồn và ít sinh khí hơn Ông cũ. Nhưng Đức Chúa Ông mới ngồi trên ngai vàng, tầm vóc cao hơn, nên khi đặt lại tượng, các cụ trong làng nhất quyết đôn thêm cái bục dưới đít Đức Chúa Ông cũ. Phải cho bằng nhau, phải thế. Không thì lại nhất bên trọng nhất bên khinh.
Đêm đến, ông cả Ngộ ngồi xếp bằng dưới chân tượng cũ. Cái bát hương chỉ cắm một nén nhang đỏ đọc như mắt người. Lòng ông mang mang hỗn độn. Lạy chư Phật chư Tiên, bây giờ có hai Đức Chúa Ông thì ai cai quản mười tám vị sơn thần coi sóc dương gian? Cái lão trưởng Thìn lý sự ghê thật, không bên nào đồng ý nhưng bên nào cũng phải theo. Bây giờ họ ông phải đoàn kết với họ Nguyễn thôi. Hai họ mà mạnh thì làng mới mạnh, không để lũ quỷ trá hợm của làm càn mãi. Dầu thế nào các ông phải giấy rách giữ lấy lề, khôi phục lề thói làng xã, truyền thống dân tộc cho bọn trẻ còn có cái để quay về với Tổ Tiên chứ.
––“Lạy Đức Chúa Ông, Ngài ở với chúng con”.
Bên phải ông Ngộ, bà Lành ngồi trước Đức Chúa Ông của bà, bát hương còn mới tinh ngùn ngụt như đám cháy. Bà đang nghĩ gì? Bà ấy còn định làm gì với ngôi đền của chúng ta nữa đây?
T.C. 1995