Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Dâm thần

Trần Chiến

Dâm thần

Chủ Nhật 17, Tháng Mười 2021, bởi Trần Chiến

Mụa buông thanh chạm, lùi ra sau à ồ. Tảng đá kết xù xì dưới tay chàng đã thành người con gái, hình thù gần hoàn chỉnh. Chân gập ra sau, hở một tý dưới nếp váy sồi, nàng đưa hai tay vén tóc óng, khuôn ngực sau lần yếm chắc rất tròn. Mắt nhìn xuống, mồm mím lại như đang tủm tỉm, đoan trang mà lẳng lơ hết nhẽ. Mụa thở ra nhẹ nhõm, cầm búa đục lên.

Trống trưng binh ngoài điếm thúc quá cháy nhà. Em chàng xô cửa, mặt tái ngắt: “Đi! Tù mọt gông giờ!”.
- Nhưng mắt trái còn chưa có mí.
- Thầy cai trói u bỏ mái đê rồi.

Chạm khắc ở đình Tây Đằng. Photo ©NCCong 2016

Mụa phủ tấm lụa đào lên bức tượng, nhào ra. Mé sông Củi i oai tiếng khóc, những người trai khoác tay nải buồn rượi. Chàng thụp xuống lạy phầm phập. “Có thế chứ. Gan bằng trời sao cưỡng việc quân”, thày cai vê râu mép, bảo đám chức việc cởi chão cho bà lão. Mụa cầm miếng gừng đánh cảm gió u đưa, chạy gằn theo hàng quân. Mái đê đằng sau u ngằn ngặt như điên dại, trụi cả cỏ.

Đêm hối hả dưới trăng mờ. Ngày mê mệt bên bờ tre gốc duối, trong giấc ngủ có tiếng giun dế nỉ non. Những trai quê vai khoác nải, tay cầm giáo ngày càng phong sương. Mụa làm việc quân gương mẫu nhưng rất ít nói, đến một lúc viên cai sắt đá phải chạnh lòng. “Ta có lời xin lỗi. Nhưng bổ thuế không thể thiếu một đinh, lính trưng tập sót là chết, lúc ấy ra tay có hơi nặng. Ta cũng thày u chứ, nhưng giặc đến, nước mất thì mái làng còn không…”.
- Thầy khỏi lấn cấn. Em lắm nỗi quá.
- Chắc mới cưới vợ? – Giọng thầy cai đã ra thân mật.
- Mới sắp.
- Đẹp lắm hở?
- Da sần, tủm tỉm. Giá thử thày hoãn cho nửa buổi thì cân cái mí lệch bên trái.
- Thế nhớ làm đ. gì. Đất nước luôn năm chiến tranh, đàn bà thiếu giống.
- Nhưng em không quên được.
- Giống chó cái nó chả chờ đâu.
- Em chết nó vẫn.
- Mớ đời, chú mày…

Đám cháy đằng xa làm ửng một vùng đêm. Tiếng tre nổ lốp bốp, tàn lá bay ràn rạt. Thày cai phắt dậy đi củ soát, lệnh người này mài mã tấu mẻ, người kia thắt chặt nải kẻo lúc giáp địch ngoẻo vì nắm cơm ống nước, chả bõ. Ải Bắc đến nơi rồi.

Trận Mằng Lăng, Mụa chém xả vai tướng địch, giết bảy tám tên quân, được thăng trông coi mười lính, người vốn hàng xóm, người là đối thủ trong hội vật tranh dải khố điều. Binh cứ vợi đi. Trận Cốc Là chàng chỉ huy trăm người, nhưng tuyền mặt lạ, giọng nói lạ, gom lại từ những cơ đội chả còn tên. Trong lòng chỉ còn tiếng mã tấu vút vụt, tiếng giáo thọc vào giữa hai dẻ xương. Làng Vân Ổ có mái đê trụi cỏ đã rất xa. Nhưng giữa hai trận chém giết, đôi mắt mí lệch hiện về tủm tỉm.

Trước mặt đã sông Cái. Phấn Oai tướng quân, tức chàng Mụa, chỉ huy ba nghìn lính cầm chân ngót vạn quân địch tràn sang trên hằng hà sa số bè mảng. Phải cầm chân chúng cho thuyền vua chạy ra mé biển, nơi sông lạch dày đặc nú náu dễ. Kíp khi quân cứu viện đến thì người chàng đã chi chít tên, nhổ ra hết thì chả còn hột máu nào. Xác chàng táng bên con sông biên địa, mối đùn to mãi lên, sau này đám người tham lam bên kia hễ trông thấy là mật gan tùng phèo lên cả. Bờ cõi nhờ thế mà yên hàn, tiếng canh cửi lại cành cạch sau mái tre.

Mái đê sông Củi mọc lên mái lá, bà bán quán điên dở thi thoảng ra đám cỏ trụi lăn lộn, bọt mép xùi ngằn ngặt. Khi Ngài Ngự khải hoàn, ban thưởng cho làng cỗ đình, được thờ thành hoàng là Phấn Oai tướng quân thì căn quán lẫn người bán chả còn vệt tích gì sất.
*
* *
Vân Ổ có ngôi đình để hương chức bàn việc làng, thằng mõ dao thớt trong đám hội, đấy là đại hỷ, nhưng cũng là việc phải có, như làng nọ tổng kia đã có. Thành hoàng Đức Ngài là vị anh hùng, khiến người phương Bắc phải kinh hồn táng đởm không dám kéo sang, dân cư rất đỗi tự hào, cũng là niềm vui bình dị trong đất nước luôn có xâm lăng. Thế nên ngày hóa chàng Mụa thật là dộn dịp, cả một vùng đua nhau vào lễ, mặt người đã dăm ba chén gặp gió sông Củi thổi vào ửng lên ánh điều.

Sự lạ, là bức tượng đá kết cứ ba chục ngày lại ươn ướt chỗ đôi chân gập lại, các già bèn cắt nhau tắm tượng. Vào dịp hội, đêm trước lễ trọng, thể nào bên mắt một mí cũng giỏ những giọt bầm bầm như máu, không thành tâm thắp hương khấn thì chả lau đi được. Bèn làm cho nàng căn miếu, sơ sài thôi nhưng đủ bát nhang mâm bồng, bài vị chả biết ghi gì nên để trống. Hội làng không nói, ngày rằm ngày một, các già khấn bên đình xong thể nào cũng đáo sang thắp hương bên này. Cho mát mẻ, an lành. Hòn đá nhớ người đã nhập hồn cho mình là có tình rồi, nải chuối nắm bỏng dâng nàng là phải quá đi chứ. Phải thế mới phải. Tự đấy Vân Ổ phong đăng hòa cốc hẳn, rượu thơm nức tiếng một vùng, con gái đẹp quá đi qua phải ngoảnh lại. Lại thêm nghề chằm nón, thuyền trên ngược chở lá về đậu san sát bên thuyền cất nón xuôi, bến chợ đông vui không thể tả.

Nhưng mà lại sinh chuyện dở cười dở khóc. Số là Vân Ổ tách ra từ làng Điền Thượng, đi bộ cách nửa ngày. Mé ấy đông dân, ra đồng người cựa vào nhau chan chát, quan bèn cắt dăm chục hộ ra sông Củi khai canh. Vân Ổ trù mật, đình mới nguy nga thờ hẳn Tướng quân nhưng cứ là đàn em, dịp hội làng gốc phải rước bài vị Thành hoàng cùng mâm xôi thủ lợn về Điền Thượng làm lễ.

Đám rất dài, tám ông đi đầu phèng la ầm ĩ, đến cỗ kiệu dựng bài vị, đoạn hậu là chức việc súng sính áo mũ. Qua miếu Bà Mý lệch, thốt nhiên thày lý phải ngộ, rớt rãi xùi ra, phải khiêng vào đánh gió. Lại có kẻ phát hiện bài vị trước tượng đá ngã oạch tự lúc nào, dựng dậy lại ngả ra, bèn thắp hương cầu có gì xin cứ dạy ạ. Chốc nhát, thày lý tỉnh ra, hối đưa cả bài vị Tướng Bà lên cùng cỗ kiệu với quan Tướng quân, mé dưới. Có thế mới phèng la ầm ĩ tiếp được. Cả ngày trời tiến hai lùi một trên đường, đến Điền Thượng làm lễ rất chi nhiêu khê, lúc quay trở về chả ai nhọc mệt gì.

Bèn cho đấy là điều phải, luôn năm thành lệ, Ông Tướng Bà Tướng dềnh dang, thêm lễ thêm việc, nhưng chả ai lấy làm phiền nhiễu.

Đáo xuân Kỷ Sửu năm Khánh Thụy thứ tám, vua Hiến Tôn ra đạo dụ uốn nắn hội hè, tránh những điều xằng bậy. Tuần sát vùng sông Củi là quan huấn học Chi Đạo. Trẻ tuổi tài cao, xuất thân chân Nho, ngài thậm ghét những nôm na mách qué, chuyện thần bí nhố nhăng. Những nơi thờ thằng ăn mày đứa gắp phân, kẻ trộm, giống dâm thần đê tiện thần phải cho tiệt nọc. Đến Vân Ổ, nghe chuyện “chàng nàng” sánh đôi trên kiệu, ngài cho là bịa tạc, nhưng muốn cùng vi hành.

Buổi ấy sương kết long lanh trên lá dứa dại, lúa mới cấy dưới ruộng xanh nõn nà, điềm báo đẹp trời. Đám rước qua miếu Bà Mý Lệch dừng lại, lý trưởng sắp sửa vào thắp hương thỉnh bài vị, quan huấn học ngăn lại. “Không thế được. Chỉ là hòn đá, công tích gì đâu mà rước”.
- Nhưng Phấn Oai Tướng quân sinh thời yêu tượng như người thật, lý trưởng bẩm.
- Nhảm. Anh hùng chỉ lấy đại nghiệp làm trọng, nữ nhi thường tình kể làm gì.
- E rằng Bà Tướng sẽ phạt, mà Ông Tướng chả vui lòng cho.

“Đáo để thế á”, quan huấn nói sõng, nhặt mảnh giấy dưới mương viết chữ “dâm uế” dán lên tượng đá. Lại quay ra bẻ cành dâu đặt ngang kiệu Phấn Oai tướng quân. Lễ phép mà rắn rỏi, ngài thưa: “Ngài là bậc anh hùng dũng liệt, nhưng tôi phụng mệnh vua, lại là người học đạo Thánh Hiền. Người quân tử coi rẻ chữ “ái tình”, ham hố chi nhục dục thấp hèn. Người nữ chỉ là nơi truyền giống, huống hồ hòn đá vô tri giác”. Đoạn quay ra “Khởi kiệu!”, tiếng hô rất dõng dạc.

Cỗ kiệu như nặng thêm ngàn cân, phèng la hô ủng chẳng được ngay ngắn, chiều về cờ quạt ủ rũ, chân cẳng thất thểu. Dầu sao mệnh vua được thực hành, những chỗ quan huấn học tuần sát tiệt hẳn thói thờ phụng nhảm nhí, những thần gốc đa thần chết trôi tiệt nọc cả.

Sang năm cũng thế. Rước xách long trọng, lễ nghi đúng sách triều đình định ra, nhưng tắt hẳn tiếng trẻ reo vui, người già quên bệnh tật ra ngóng Ông Tướng Bà Tướng. Vả, vui thế nào khi sông Củi đổi dòng, bên Vân Ổ thành bờ lở mất toi đám thượng đẳng điền bờ xôi ruộng mật, thuyền buôn lá cất nón chạy sang bến khác cả.

Làng xóm thất thểu, mặt người vêu vao tuy chưa đến nỗi chết đói. “ ́y là tại…”. “Phỉ phui! Phạt chết giờ!”. Bờ tre gốc chuối lao xao tiếng oán thán nửa chừng. Nỗi sợ phép vua còn lớn gấp mấy những bé mọn nhân gian.
*
* *
Chi Đạo đã được thăng đốc học, một lòng đem đạo Thánh Hiền thực thi cho địa hạt trị nhậm thật phẳng lặng. Phải như đám cỏ gà thấp tè kia mới được, gió máy thế nào chỉ hướng về một chỗ thôi. Được vua tin dùng, đôi khi bộ Lễ nhờ tu chỉnh những bản văn chưa ngay ngắn, bậc chân Nho ngày càng cậy vào sở học, đức tin của mình. Ngài bắt dân gian thưa gửi vào khuôn phép, nói năng sàm sỡ là ăn vả, đâm trẻ con tựa đồ non cả mà người lớn cứ nghiêm như tượng. Cứng rắn, khắc bạc vậy, nên quan lộ thênh thang mãi ra, vài năm ngài đã lên phó trấn, mà quan tổng trấn đã già mõ đít. Phép vua, đạo Thánh Hiền, cứ một mực vào đấy, ắt ngài sẽ tới chỗ quỳ dưới mươi người mà ngả ngốn ỉa đái xuống ức triệu đứa được.

Có điều, có một cái điều, là trong lòng như có chỗ thủng. Đồng liêu ít thân mật, chỉ trao đổi trong chức phận khi cần. Những câu cợt nhả, hỉ nộ ái ố chẳng thấy đâu. Văn chương viết ra nhận lại lời khen rỗng tuếch, chén rượu uống mỗi mình nhạt không thể tưởng. Tệ nhất là võng lọng về quê, thấy con trẻ chẳng thi lễ, ngài quở hương lý một trận. Đêm ấy, người vợ hằng nồng nàn lạnh như khúc lim, gạn mãi mới ra lời rằng đứa trẻ bị phạt ấy là đằng nhà. Cho là chuyện vặt, những đêm sau ngài sang bà ba bà tư, độc thấy một lối tuân phục chứ chẳng hứng tình gì sất. Cái giống thậm ngu, sao mà không thể vừa khiếp đảm lại vẫn biết trân trọng, yêu quý ta cơ chứ.

Trấn lị có xóm Yên Hoa, nổi tiếng nhất là ca nương Mão. Hồi còn đèn sách, Chi Đạo hay ra đây tom chát, ai cũng bảo chàng cầm chầu chuẩn, đi với giọng thị Mão rất quyện. Mão mắt lá răm, rỗ hoa, có lần cười cợt với chàng giám sinh “Em kết chàng lắm, có điều hơn những năm tuổi”. “Nếu đỗ đạt, ta đón nàng về làm thiếp”, Chi Đạo nói thành thật nhiều hơn bỡn cợt. Chiều nay ở quê ra, bực mình với mấy con vợ lạnh lẽo, ngài chả thể công kia việc nọ. Chén rượu nào cũng chua loét, bèn cho gọi thị Mão cùng đám sênh ca đến. Tình cũ, trông đợi là cái chắc.

Thế mà tiếng hát sõng sượt, song loan gõ tựa băm bèo, mắt đuôi dài cùm cụp chẳng nét cười. Hỏi gì đáp nấy, thưa gửi đúng phép bề tôi, gạn làm sao thì em chả làm sao, chả hiểu sao trong lòng cứ như cơm nguội. Chi Đạo lấy làm bực, nhưng được chén rượu dâm dương hoắc cổ vũ, muốn kéo vào trong màn. Mão thưa em đang bẩn mình.
- Nàng chả được lả lơi như xưa. Hay có chỗ nào?
- Thưa, không.
- Sao xa cách thế?
- Đàn bà chỉ là chỗ truyền giống, huống chi lũ xướng ca vô loài ô uế cả.
- Nàng nói thế nào. Tình ta vẫn ăm ắp.

“Tình chàng là cái chi chi, tình quan tình cách còn gì nói không”, rồi dợm đứng lên. Chi Đạo cố níu lại: “Gượm. Bao giờ thì sạch?”, nhưng nàng chỉ lưu lại hương thừa. Quan phó trấn giận nhưng vẫn ham muốn lắm, đợi dăm hôm đến Yên Hoa thì Mão đã chuyển phường hát khác. Chỗ mới tồi tàn, giường chiếu hôi ẩm, nhưng nàng không chịu dời về cái nơi sang trọng quan sắm cho, nài ép nọ kia thì dứt khoát đương ươn mình.

“Giống mèo mả gà đồng. Phường con hát đâu được kiêu bạc thế”. Chi Đạo không còn chịu được, cho đốt nhà trò ấy, đói thì đầu gối phải bò đến ta chứ còn gì! Nghĩ vậy rồi bận lối học trò ra đám thợ cấy hò câu huê tình, thì bao lời óng ả xưa đã vón cứng, đêm về hậm hực đến chong chong.

Quan lộ khúc khuỷu chẳng biết đằng nào mà lần. Bỗng nhiên Chi Đạo phải điều thị phi, bị triệu về kinh hạch hỏi. Quá một tháng, ngài ra vô tội, nhưng ghế tổng trấn kẻ khác đã ngồi. Lỗ thủng thế là thành đám cháy rồi. Chi Đạo buồn bực, muốn đến xóm Yên Hoa mượn vui, nghĩ thị Mão sẽ dâng hiến ra sao, mình mắng mỏ câu gì, rồi ban cho mưa móc... có ửng lên một chút.

Chỗ căn quán cháy đã mọc lên ngôi miếu, ban thờ không lộ thiên mà kín mít. Chi Đạo phải khom lưng mới qua được cánh cửa bé tẹo. Dưới ánh nến lom dom, bức tượng đàn bà ngồi gập chân, hai tay sửa tóc quyến rũ như đang sống, soi kỹ ra chỗ chân mày bên trái chỉ một mý. Ông từ bảo miếu mới lập nhưng thiêng lắm, được phù trợ nhiều nhất là đàn bà, những giống phải bán trôn nuôi miệng. Khi phường hát bị đốt, thị Mão không chạy ra, xác cháy đen thui, hôm sau đất đùn lên thành mả, hôm sau nữa mả hóa tượng đá, dời đi không được. Rồi ca công các nơi gom tiền dựng thành miếu.

“Ơ, thế ra… Hay là? Chẳng nhẽ…”. Quan phó trấn ngài đã ra ngơ ngẩn, thỏm vào cái tình nhăng nhố nơi thôn ổ.

T.C.
12/2012