Thành tích và thách thức của ngành Thông tin và Truyền thông
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa diễn ra vào ngày 18/7.
Theo báo cáo từ Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ số của ngành TT&TT đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, tổng doanh thu 1.833.162 tỷ đồng (tăng 17%), lợi nhuận đạt 137.276 tỷ đồng (tăng 13%) và nộp ngân sách 62.957 tỷ đồng (tăng 3%). Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đã đạt mốc hơn 59.000 với tổng số lao động là hơn 1,5 triệu người.
Trong đó, lĩnh vực viễn thông đóng góp 156.556 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ 2021, nộp ngân sách nhà nước 23.786 tỷ đồng, tăng 8,9%. Hiện cứ 100 người dân thì có 83 người sử dụng thuê bao băng rộng và cứ 100 người sử dụng điện thoại thì có 75 người sử dụng smartphone.
Cũng tính từ đầu năm, các nhà mạng đã tiến hành chặn 113.416 thuê bao di động do phát tán cuộc gọi và tin nhắn rác, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó đã ghi nhận được hơn 74 triệu tin nhắn và cuộc gọi rác. Đáng chú ý, số thuê bao điện thoại di động sử dụng Mobile Money đã vượt mốc 1,7 triệu người sử dụng.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đẩy mạnh việc yêu cầu các doanh nghiệp chặn dịch vụ của SIM có dấu hiệu được sử dụng, tham gia tuyên truyền cho các hành vi vi phạm pháp luật như game bài, cờ bạc, mua bán vật liệu nổ, văn bằng giả… theo đề nghị của Bộ Công an (Cục A05) và các doanh nghiệp đã chặn 1.043 SIM trong tổng số 1.465 (còn 430 SIM đã hủy/chuyển quyền/tái đấu nối/chuyển sang mạng khác).
Đồng thời Bộ TT&TT cũng đã tổ chức cuộc họp với Cục A05 và các doanh nghiệp viễn thông di động (VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile) về xử lý các số điện thoại quảng cáo cho các hành vi vi phạm pháp luật và quy trình xử lý các thuê bao có khiếu nại.
Đối với mạng 5G, đến tháng 6/2022, Bộ TTTT đã cấp phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương gồm Viettel (930 vị trí), VNPT (457 vị trí) và đang xem xét cấp phép cho Mobifone thử nghiệm với 80 vị trí. Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phù hợp với kế hoạch phát triển 5G của mỗi doanh nghiệp.
Về lĩnh vực báo chí, Bộ TT&TT đã có nhiều biện pháp nhằm xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hoá” báo chí. Tính đến hết tháng 5/2022, các cơ quan của Bộ đã làm việc với 09 cơ quan báo chí, ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 546 triệu đồng. Trong đó vi phạm chủ yếu là “rửa nguồn”, “cấy nguồn” hoặc vi phạm tôn chỉ mục đích.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ TT&TT sẽ tập trung hoàn thiện và xin ý kiến các dự thảo Luật quan trọng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông (sửa đổi) hay Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Bên cạnh đó là xây dựng Quyết định của Thủ tướng về băng tần đấu giá nhằm tạo điều kiện phát triển cho lĩnh vực viễn thông.
Ngoài ra Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí. Cũng như ban hành tiêu chí nhận diện của tình trạng này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, 6 tháng vừa qua là quãng thời gian cực kỳ quan trọng với ngành TT&TT. Bởi đã có tới 3 chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành dành cho ngành, đó là chiến lược về bưu chính, về chính phủ số và về kinh tế số.
Trong đó, chiến lược về bưu chính đặt ra mục tiêu 5 năm nữa sẽ có sự tăng trưởng nhanh như viễn thông. Chiến lược về chính phủ số là kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử với 100% dịch vụ công đủ điều kiện thì đưa lên trực tuyến, qua đó bắt đầu của giai đoạn chuyển đổi số chính phủ. Chiến lược kinh tế số là đặt mục tiêu chuyển đổi từ 80% kinh tế số dựa trên ICT thành 80% là dựa trên kinh tế số ngành.
Cũng theo Bộ trưởng, trong 6 tháng đầu 2022, ngành TT&TT đã bắt đầu sửa khá nhiều luật liên quan đến lĩnh vực số. Đó là các luật về Giao dịch điện tử, Công nghiệp công nghệ số, Tần số, Viễn thông. Đây đều là các lĩnh vực nền tảng cho chuyển đổi số, cho sự phát triển số. Các đơn vị trong Ngành phải coi đây là việc của mình để nghiên cứu góp ý, tránh việc luật ra rồi, mang ra áp dụng thì mới phát hiện ra bất cập, khi ấy thì đã muộn, muốn sửa là mất nhiều năm.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc quản lý đang tạo ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Việc thiếu thể chế quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, còn gọi là sự bảo hộ ngược, giữa các nền tảng số trong nước và nước ngoài. Với việc đã và sắp ra các nghị định mới nhằm quảng lý các nền tảng này sẽ giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền số quốc gia.
Ngồi ở cơ quan quản lý nhà nước là dẫn dắt quốc gia, là quyết định sự phát triển của đất nước, thì phải đặt ra mục tiêu cao cho mình, cũng tức là mục tiêu cao cho đất nước, phải tìm cách tiếp cận mới cho việc khó dễ đi mà làm, không được dùng mãi câu cửa miệng là làm nhà nước thì khó lắm. Nếu nói vậy là đã đóng lại mọi cánh cửa rồi. Phải mở cánh cửa ra, mọi cái đều có thể làm được, mọi giấc mơ đều có thể hiện thực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời kêu gọi cho toàn ngành TT&TT.
KTĐT 19/7/2022