Trang nhà > Hot > Kết nối > Lãng phí tài nguyên số
Lãng phí tài nguyên số
Thứ Tư 31, Tháng Tám 2022, bởi
Được ví như là "trái tim của chính phủ số", tuy nhiên, đến ngày 31.7.2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới triển khai kết nối chính thức đối với cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Như vậy, nguồn tài nguyên này chưa phát huy được lợi ích tối đa.
Thực tế cho thấy, người dân phải tiếp tục chịu phiền toái và tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc trước sự chậm trễ kết nối liên thông để khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của các bộ, ngành. Điều đáng nói, việc chuyển đổi thông tin của người dân (với tư cách là công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính), khách hàng (với tư cách là người được cung cấp dịch vụ) dường như vẫn là trách nhiệm của người dân, thay vì được cập nhật tự động trên hệ thống.
Chẳng hạn, khách hàng phải đến ngân hàng để cập nhật các thông tin khi có thẻ căn cước công dân, khi đến phải có tờ khai, photo căn cước công dân và chứng minh thư. Như vậy, vừa mất thời gian công sức của công dân, vừa gia tăng chi phí in ấn, thực hiện thủ tục của nhân viên ngân hàng. Thậm chí, một số ngân hàng đã áp dụng công nghệ số thì chỉ cần quét mã QR tên thẻ căn cước công dân gắn chip là có thể xác thực, nhưng số lượng ngân hàng này không nhiều, nên công dân phải có giấy của cơ quan công an xác định 2 số chứng minh Nhân dân cũ và mới là của một người.
Hay là hiện nay rất nhiều người dân khi có căn cước công dân, muốn điều chỉnh biến động đăng ký đất đai (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhà ở), tuy nhiên thay vì cập nhật tự động thì người dân phải đến Phòng Đăng ký đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để thực hiện thủ tục. Và để làm được thủ tục này, theo quy định người dân phải: có Đơn đăng ký biến động theo mẫu; Bản gốc sổ đỏ đã cấp; Bản sao thẻ căn cước công dân mới và Giấy xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc thay đổi chứng minh Nhân dân; Bản sao chứng thực Sổ hộ khẩu (nếu chưa thay đổi thông tin số chứng minh Nhân dân trong sổ hộ khẩu thì phải thực hiện trước khi xác nhận thay đổi số chứng minh Nhân dân trên Giấy chứng nhận). Tất cả dữ liệu này, cơ quan nhà nước đều có, nhưng người dân phải kê khai một lần nữa.
Có thể thấy được sự lãng phí khổng lồ khi chưa các cơ sở dữ liệu chưa liên thông, còn cát cứ. Và cứ như vậy, lộ trình “chỉ kê khai một lần” bị kéo dài thêm. Gần đây trên cơ sở rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06), một số văn bản đã được ban hành. Trong đó, Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Thông tư số 08/2022/TTBCA quy định danh mục sản phẩm khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Như vậy, cơ sở pháp lý đã đầy đủ, vấn đề còn lại là triển khai các phần việc cập nhật, liên thông và chia sẻ.
ĐBND 29/8/2022