Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > Bảo tàng CNTT > Từ Núi Cung đến Đồi Thông

7617

Từ Núi Cung đến Đồi Thông

Thứ Ba 22, Tháng Mười Một 2022, bởi Cong_Chi_Nguyen

Hiện nay các ảnh dưới đây đang được lưu trữ tại Bảo tàng CNTT, 89 ngõ 41 Đông Tác, P. Kim Liên, Q. Đống Đa, TP Hà Nội. Bản quyền thuộc về Nguyễn Chí Công.

Nghe nói trên đất làng Liễu Giai vào thời Lý từng có một cung điện nên sinh ra tên Núi Cung. Sau khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội có vẽ bản đồ, cho thấy núi này chỉ còn là một gò đất cao hơn 10m. Từ năm 1966, Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã cho đào hầm trong lòng Núi Cung để chuẩn bị đặt máy tính. Bên ngoài lại có một doanh trại của đại đội cao xạ C5, thuộc trung đoàn E220, sư đoàn F361 bộ đội Phòng không Hà Nội.

Tôi được về Núi Cung làm việc trong Phòng Máy tính thuộc Uỷ ban KH&KTNN từ năm 1973 đến cuối năm 1976 thì chuyển sang Phòng Kỹ thuật số, khi đó Ban Điều khiển học sáp nhập với Phòng Máy tính thành Viện khoa học Tính toán và Điều khiển. Thật may mắn vì Trưởng phòng Máy tính trở thành Viện trưởng là cố GS Phan Đình Diệu (1936-2018), một người có tầm nhìn phi thường và niềm tin ở những thanh niên theo đuổi sự nghiệp tin học Việt Nam vào buổi ban đầu.

Ruộng hoa Liễu Giai và các ụ pháo. Photo ©Archive NCCong 1977

Ảnh 1 được chụp vào tháng 1 năm 1977. Cận cảnh là những luống hoa Tết, xa hơn là 4 ụ pháo cao xạ ở tây bắc Núi Cung nhằm bảo vệ các cơ quan đầu não thuộc khu vực Ba Đình. Khi Phòng Máy tính bắt đầu đóng trụ sở tại đây, mặc dù các cây phi lao trồng ở xung quanh và trên đỉnh Núi Cung chưa lớn và không phải là thông nhưng có lẽ vì dân làm tin học vốn lãng mạn nên đã sáng tạo ra cái tên “Đồi Thông”.

Khá nhanh chóng, Đồi Thông được đa số người từ xa đến làm việc coi là một địa danh chính thức. Thậm chí năm 1981 nó còn xuất hiện trong tên ngôn ngữ “Basic Đồi Thông” do Phòng Lập trình xây dựng để viết phần mềm ứng dụng cho loạt máy vi tính thứ hai. Có ngờ đâu đôi khi nó lại gây ra nhầm lẫn vì không ít người khác vẫn gọi là Núi Cung như dân bản địa và không có dịp biết đến cái tên mới này.

Viện KH Tính toán & Điều khiển nhìn từ đỉnh Đồi Thông. Photo ©Archive NCCong 1977

Ảnh 2 được chụp vào tháng 1 năm 1977. Cận cảnh là nóc hầm máy tính ODRA-1304, phía sau là đỉnh Núi Cung. Trụ sở Viện khoa học Tính toán và Điều khiển nhìn từ đỉnh Đồi Thông có hình chữ E nằm úp với 5 ngôi nhà gạch cấp 4, từ trái sang phải đánh số 1-2-3-4-5. Viện Cơ học khi ấy còn ở nhà số 4 và một nửa nhà số 5, về sau nhường lại hết cho Viện KHTT&ĐK để chuyển đến gần KS Liễu Giai. Nửa còn lại của nhà số 5 gồm 4 căn buồng của Phòng Kỹ thuật số, nơi sắp ra đời chiếc máy vi tính đầu tiên là VT80.

Xa xa bên trái là nhà máy bia Thụy Khê ven đường Hoàng Hoa Thám xây trên bức tường đất của toà thành cũ. Xa nữa là vườn Bách Thảo và làng hoa Ngọc Hà, ở giữa có xác một pháo đài bay B52 đâm đầu xuống hồ Hữu Tiệp sau khi bị Bộ đội Phòng không Việt Nam bắn trúng trong chiến dịch Linebacker của Không lực Mỹ nhằm huỷ diệt Hà Nội vào cuối năm 1972. Chiến tranh kết thúc nhưng mọi điều kiện sống đều thiếu thốn. Tại Đồi Thông, điện, nước hàng tuần vẫn bị cắt nhiều lần. Nhà nước cho bóc dỡ đất trên nóc hầm máy tính và che tạm bằng mái liếp (sau cũng bỏ)...

Alain Teissonnière và Phòng Kỹ thuật số. Photo ©Archive NCCong 1977

Ảnh 3 được chụp vào tháng 1 năm 1977 trước cửa Phòng Kỹ thuật số nơi chế tạo VT80 chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam với sự giúp đỡ tuyệt vời của chuyên gia Pháp Alain Teissonnière mà tôi vô cùng biết ơn tri ngộ. Nhóm VT80 gồm: Nguyễn Gia Hiểu, Nguyễn Chí Công, Huỳnh Thúc Cước, Nguyễn Trung Đồng, Đặng Văn Đức, Phí Mạnh Lợi, Nghiêm Mỹ, Phạm Quang Oai, Nguyễn Văn Tam, Phan Minh Tân, Đỗ Đình Phú, Trần Bá Thái, Lê Võ Bạch Thông, Nguyễn Chí Thức, Bùi Xuân Vinh (tên người có mặt trên ảnh in ngả).

Alain là người đặc biệt thẳng thắn, cởi mở, lại rất khiêm tốn và giản dị. Ông đã tìm chọn được nơi đào tạo thích hợp cho nhiều cán bộ Việt Nam sang thực tập tại Pháp, trong đó có tôi. Trên avatar là ảnh Alain và GS Phan Đình Diệu chụp năm 1979 trước cổng đền Quán Thánh. Từ năm 1982 Alain làm Tổng Thư ký của CCSTVN (Uỷ ban vì sự Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam) và cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp của Uỷ ban này cho đến tận hơi thở cuối cùng vào ngày 21 tháng 4 năm 2009. Tác phẩm “Viet Nam une coopération exemplaire” do ông cùng bà Nicole Simon-Cortes biên tập với lời đề tựa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Groupe L’Harmattan xuất bản năm 2004 tại Paris.

Máy VT81 với màn hình TV trắng-đen. Photo ©Archive NCCong 1979 Đồi Thông

Sau khi chiến tranh biên giới nổ ra, tôi vội vã từ Pháp trở về với các mạch in và linh kiện điện tử đủ để lắp một loạt máy vi tính VT81. Phần lớn chúng sẽ được sử dụng vào các dự án phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và điều khiển hệ thống công nghiệp. Chúng tôi hợp tác với các Phòng Tự động hoá, Phòng Lập trình... để biên soạn tài liệu, đi làm công tác giới thiệu, đào tạo về công nghệ vi xử lý và phát triển ứng dụng vào quản lý xí nghiệp.

Ảnh 4 được chụp vào mùa hè năm 1979 tại Đồi Thông. Cận cảnh là Nguyễn Chí Thức (lưng) và Nguyễn Chí Công đang thử nghiệm các mạch in với màn hình do Phí Mạnh Lợi và Huỳnh Thúc Cước chuyển đổi công năng từ một chiếc TV trắng đen kiểu Neptune. Tình hình biên giới căng thẳng. Viện KHTT&ĐK khi ấy đã có một số nhân viên tham gia lệnh tổng động viên quân lực. Chúng tôi vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu và chuẩn bị cho ra mắt những loạt máy vi tính hiện đại hơn. Nhưng việc đó sẽ được làm tại một cơ sở khang trang sẽ được xây sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn cán bộ Chính phủ đi thăm Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển ở Đồi Thông, Liễu Giai năm 1980.


NCCông - Hiện vật Bảo tàng CNTT