Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Học giả Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941)
Học giả Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941)
Chủ Nhật 1, Tháng Bảy 2007
Nguyễn Hữu Tiến, hiệu Đông Châu, là một nhà nghiên cứu cộng tác đắc lực với tạp chí Nam Phong. Quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), xuất thân từ Nho học.
Ông từng làm phiên dịch cho Nhà xuất bản Đông Kinh ấn quán. Năm 1917, ở trong Ban biên tập tạp chí "Nam phong", khảo cứu, biên soạn, dịch thuật về văn hoá, văn học Việt Nam và Trung Quốc, suốt 17 năm. Nguyễn Hữu Tiến là một trong những người đầu tiên sưu tầm, chọn lọc thơ văn cổ Việt Nam, đăng báo. Có chương giảng về luật làm thơ, đủ các thể, kèm theo 100 bài mẫu, hợp thành cuốn "Cổ xuý nguyên âm" (1917). Ông còn giữ mục "Nam âm thi văn khảo biện", "Tồn cổ lục", "Việt Nam tổ quốc tuý ngôn", bước đầu nghiên cứu các tác gia Việt Nam: Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê ("Nam Phong", 1929). Phần lớn công trình nghiên cứu của ông đều công bố trên tạp chí Nam Phong trước khi in thành sách.
Ông mất năm 1941 tại Hà Nội, thọ 66 tuổi.
Tác phẩm
Các công trình của ông là những chuyên luận về lịch sử, địa lý, phong tục, luân lý, tôn giáo và văn chương Việt Nam và Trung Quốc. Ông có công rất lớn và rất sớm trong việc giúp người Việt Nam am hiểu các học thuyết, văn chương, triết lý, Trung Quốc học.
Soạn vở tuồng "Đông A song phụng" (1916), đề cao Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão qua cuộc tình duyên giữa Nguyên quận chúa và vị anh hùng chống ngoại xâm xuất thân dân dã.
Giai nhân di mặc: Sự tích và thơ từ Xuân Hương (NXB Đông Kinh ấn quán, Hà Nội 1917)
Bản dịch từ Hán văn "Lĩnh Nam dật sử" (Nam Phong tạp chí 1921). Đây là cuốn tiểu thuyết ở thế kỉ 13. Tác giả là người Mán vùng Đà Giang, viết từ thế kỉ 11. Trần Nhật Duật dịch từ tiếng Mán ra Hán văn.
Cổ xúy nguyên âm: Lối văn thơ nôm (NXB Đông Kinh ấn quán, Hà Nội)
Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa" (1925) cùng soạn với Lê Thành Ý là tác phẩm đầu tiên về loại hợp tuyển
Bản dịch Vũ trung tùy bút đăng trên Nam Phong tạp chí 1927-1928
Mạnh Tử quốc văn giải thích" (1924-31)
Luận ngữ quốc văn giải thích, cùng soạn với Nguyễn Đôn Phục (NXB Trung Bắc tân văn, Hà Nội 1931-33)