7632

Ngăn chặn tấn công từ xa vào điện thoại của bạn

security

Hãy nhớ rằng không chỉ điện thoại của bạn có thể bị hack mà các tài khoản mạng xã hội, máy tính, email, danh bạ và hầu hết mọi thứ khác đều có nguy cơ. Rủi ro hiện nay là rất cao. Do không có câu trả lời cụ thể cho một trường hợp cụ thể của ai đó nên tốt nhất là bạn cần trang bị kiến thức để tự bảo vệ và tốt hơn nữa là cố gắng chia sẻ truyền lại những hiểu biết sau đây.

Nguy cơ đến từ đâu?

Nếu bạn cho rằng tất cả dữ liệu trong điện thoại của mình đang được an toàn thì hãy nghĩ lại đi. Sự thực là có nhiều cách để điện thoại của bạn có thể bị tấn công từ xa. Tìm kiếm trên Google theo từ khoá "cách hack điện thoại" chưa chắc đã ra đủ thông tin liên quan bởi vì việc hack là hoàn toàn bất hợp pháp nên đa số tin tặc sừng sỏ không dại gì mà khoe khoang.

Bên cạnh đó, đôi khi bạn cũng có thể lỡ mắc sai lầm và tự trở thành mồi ngon cho lũ tội phạm trên mạng. Hằng ngày bạn sử dụng điện thoại của mình cho hầu hết mọi thứ—từ thanh toán hóa đơn đến gửi email, ghi âm, và chụp ảnh. Những dữ liệu đó chứa thông tin nhạy cảm về cuộc sống riêng tư và nếu rơi vào tay kẻ xấu thì có thể dẫn đến hậu quả tai hại ít nhiều cho bạn.


Tin tặc không cần phải có điện thoại của bạn trong tay để đánh cắp thông tin ở đó. Thực tế là họ có thể dễ dàng nhắm mục tiêu điện thoại của bạn từ xa. Mật khẩu, số điện thoại, thẻ căn cước, tài khoản ngân hàng, tin nhắn văn bản, ảnh chụp và hầu hết mọi thứ đều có thể lọt vào tay kẻ xấu nếu bạn không đủ cẩn thận.

Nhưng làm thế nào mà chiếc điện thoại có thể bị hack từ xa? Tội phạm mạng đã phát triển những cách độc đáo để truy cập vào điện thoại thông minh của mọi người và theo dõi hoạt động. Thông thường, chúng tìm kiếm một số lỗ hổng trong hệ điều hành của điện thoại để chui vào hoặc lừa mọi người tự tải phần mềm độc hại xuống thiết bị của họ.

Có thể kiểm soát điện thoại của bạn mà không cần truy cập vật lý vào đó hay không? Không may, câu trả lời là có. Bên cạnh các phương pháp chung, một số cách khác mà tin tặc sử dụng để hack điện thoại của ai đó từ xa bao gồm:

  • Đột nhập qua Bluetooth: một kênh truyền không dây mà tin tặc có thể sử dụng. Bluetooth yêu cầu sự gần gũi về mặt vật lý với mục tiêu, tức là có thể được thực hiện ở những không gian khá chật hẹp.
  • Thông qua các mạng Wi-Fi công cộng: Tội phạm tạo các mạng Wi-Fi giả và khi bạn kết nối với chúng bằng điện thoại của mình thì chúng sẽ chuyển hướng bạn đến các trang web độc hại.
  • Hoán đổi SIM: Tin tặc chuyển số điện thoại của bạn sang thiết bị của chúng và giành quyền truy cập vào tài khoản của bạn.
  • Email hoặc tin nhắn lừa đảo: Tin tặc gửi email cho bạn với một liên kết độc hại và cố lừa bạn nhấp vào liên kết đó. Những email hoặc văn bản như vậy có thể trông rất thật và đôi khi thật khó để phân biệt giữa trang web độc hại và trang web hợp pháp.
  • Lừa đảo bằng “kỹ thuật xã hội”. Điện thoại thông minh có chế độ bảo mật chặt chẽ hơn so với PC hoặc máy chủ, hạn chế ứng dụng leo thang đặc quyền và chiếm đoạt điều khiển. Khi đó người dùng cần xác nhận để ứng dụng có quyền truy cập vào các khu vực được bảo vệ, dẫn đến việc vô số thông báo bật lên mà nếu không biết cách điều chỉnh có thể mở cửa cho tin tặc.

Các cách phòng ngừa

Có một số hành động mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ điện thoại thông minh của mình và mọi thông tin cá nhân được lưu trữ trên đó:

  1. Khóa điện thoại thông minh của bạn khi không sử dụng. Tạo một mật khẩu mạnh để khóa màn hình thiết bị của bạn. Nếu điện thoại của bạn cũng có các tính năng như Touch ID hoặc Face ID, thì hãy thiết lập cả các tính năng đó.
  2. Không bật kết nối dữ liệu di động hoặc Wi-Fi trừ khi bạn cần sử dụng chúng. Điều này có thể ngăn phần mềm độc hại sử dụng dữ liệu của bạn.
  3. Tắt điểm phát sóng của bạn ở những nơi đông người. Nó giúp tin tặc truy cập thiết bị của bạn dễ dàng hơn khi thiết bị được bật. Và nếu bạn đang sử dụng tính năng này, thì hãy đảm bảo rằng bạn đã đặt một mật khẩu mạnh.
  4. Thỉnh thoảng nhớ kiểm tra danh sách các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh của bạn. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ ứng dụng đáng ngờ nào, hãy gỡ cài đặt chúng ngay lập tức.
  5. Không bao giờ bấm vào các liên kết đáng ngờ. Nếu bạn nhận được một tin nhắn văn bản lạ từ một người bạn yêu cầu bạn nhấp vào một liên kết để mở một số trang web ngẫu nhiên, hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm như vậy. Có thể có phần mềm độc hại ngụy trang nấp ở trong đó.
  6. Đảm bảo rằng thiết bị của bạn và các ứng dụng được cài đặt trên đó đều được cập nhật.
  7. Đừng bẻ khóa điện thoại của bạn. Điều này có thể làm tăng khả năng điện thoại thông minh của bạn bị hack sau này.
  8. Sử dụng xác thực hai yếu tố. Một lớp bảo mật bổ sung cho các ứng dụng của bạn sẽ đảm bảo rằng bạn là người duy nhất có thể truy cập chúng.
  9. Dĩ nhiên cài đặt ứng dụng chống vi-rút luôn là một lựa chọn tốt.

7632 NCCong 10/12/2022