Trang nhà > Xã hội > Pháp luật > Liệu quyết định của ITC trong vụ Apple đánh cắp bằng sáng chế có bị TT Biden phủ (...)
7669
Liệu quyết định của ITC trong vụ Apple đánh cắp bằng sáng chế có bị TT Biden phủ quyết?
Chủ Nhật 19, Tháng Hai 2023, bởi
Tổng thống Joe Biden sắp ra quyết định liệu ông có phủ quyết lệnh cấm nhập khẩu đồng hồ y tế Apple Watch vào tuần tới hay không. Giới doanh nghiệp và giới chính trị đang chờ đợi quyết định của TT Biden, người trước đó đã từng đưa ra những lời hứa mạnh mẽ về việc kiểm soát các tổ chức công nghệ độc quyền cản trở sự đổi mới và ngăn chặn các công ty khởi nghiệp đi tiên phong.
Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) đã ra lệnh cấm nhập khẩu Apple Watch vào Mỹ sau khi phát hiện gã khổng lồ công nghệ Apple có vi phạm bằng sáng chế thuộc sở hữu của công ty thiết bị y tế Mỹ AliveCor. Tuy nhiên Ủy ban ITC cũng đã cho phép Apple kháng cáo quyết định này và tạm thời chưa bị dừng nhập khẩu Apple Watch.
TT Biden phải quyết định trước ngày thứ Hai 20/2/2023 xem liệu mình có nên sử dụng quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ để cho phán quyết của ITC bị vô hiệu hoá hay không. Nếu ông ấy làm như vậy, Apple sẽ có một chiến thắng trực tiếp trước công ty khởi nghiệp nhỏ AliveCor và có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường. Còn nếu Biden quyết định không sử dụng quyền phủ quyết thì các cuộc chiến pháp lý khác nhau giữa Apple và AliveCor sẽ tiếp tục.
- Apple Watch
Vụ này thực chất là gì?
AliveCor, một công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế có trụ sở tại California, cho biết họ đã chia sẻ với Apple vào năm 2015 công nghệ cảm biến điện tâm đồ (ECG) có thể đeo tay được. Giai đoạn đầu hợp tác trôi qua rất thân thiện và AliveCor đã bán cho Apple một phụ kiện ECG cho dự án Đồng hồ, đó là một dự án rất có uy tín đối với Apple.
Tuy nhiên, AliveCor cho biết họ đã bị Apple giáng một đòn nặng nề khi ra mắt Đồng hồ có cảm biến ECG tích hợp vào năm 2018 và khiến phần mềm theo dõi nhịp tim của bên thứ ba không tương thích với sản phẩm. Điều này đã buộc họ phải hủy bỏ việc bán sản phẩm của chính mình, AliveCor nói.
"Chúng tôi nghĩ ra các công nghệ mới, thay vì hệ sinh thái cho phép chúng tôi phát triển và tiếp tục xây dựng dựa trên những đổi mới mà chúng tôi đã có, Apple lại loại bỏ chúng tôi, đánh cắp công nghệ của chúng tôi, sử dụng sức mạnh nền tảng của họ để mở rộng quy mô. Rồi bây giờ về cơ bản Apple nói rằng nó đã quá lớn nên không thể cắt bỏ được", Giám đốc điều hành AliveCor là ông Priya Abani nói cho tờ báo The Hill biết.
Phán quyết của ITC
Vào tháng 12-2022, Ủy ban Thương mại Quốc tế ITC đã cấm Apple nhập khẩu tất cả các loại đồng hồ với lý do vi phạm bằng sáng chế đối với công nghệ theo dõi nhịp tim. Tuy nhiên, ITC đã đình chỉ lệnh cấm, cho phép Apple nộp đơn kháng cáo lệnh cấm.
- AliveCor KardiaMobile
Apple cũng đã làm phức tạp thêm quy trình pháp lý bằng cách đệ đơn kiện AliveCor vi phạm bằng sáng chế. Apple cho biết họ muốn làm rõ "ai là người đi tiên phong thực sự". Họ tuyên bố rằng AliveCor đang phản ứng với những thất bại của chính mình trên thị trường ’thông qua các khẳng định cơ hội về bằng sáng chế của mình chống lại Apple’, tờ báo Stat News đưa tin.
AliveCor là ai?
AliveCor được đồng sáng lập bởi David Albert, một cựu trưởng nhóm khoa học lâm sàng về tim mạch tại công ty General Electric vào năm 2011. Sản phẩm chính của họ là AliveCor KardiaMobile, một thiết bị điện tâm đồ ECG di động. AliveCor cho biết thiết bị KardiaMobile là giải pháp ECG cá nhân được kiểm chứng lâm sàng tốt nhất trên thế giới.
"AliveCor được thành lập dựa trên sức mạnh từ các công nghệ độc quyền của chúng tôi: các cảm biến ECG được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ máy học cung cấp dữ liệu tim ở cấp độ y tế mọi lúc, mọi nơi. Các công cụ kỹ thuật số của chúng tôi giúp bệnh nhân truy cập, quản lý và chia sẻ dữ liệu của họ cũng như kết nối với các bác sĩ tim mạch để hiểu rõ hơn và quản lý sức khỏe tim mạch của họ", công ty cho biết.
7669 NCCong 19/02/2023