Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > BỨC ĐIỆN
Konstantin Paustovsky
BỨC ĐIỆN
Chủ Nhật 11, Tháng Sáu 2023, bởi
Hiếm có tháng 10 nào mưa lạnh đến thế. Mái nhà lợp gỗ đen thẫm lại.
Cỏ rối trong vườn nằm rạp xuống. Chỉ mỗi một bông hướng dương nhỏ xíu cạnh bờ rào là kịp nở mà cũng không thể nở hết đã vội vàng rụng mất.
Những đám mây đẫm hơi nước mang theo từ mặt sông sà xuống đồng cỏ trĩu nặng trên rặng liễu. Và rồi làm mưa. Thật khó chịu.
Đường sá chẳng thể nào đi lại được nữa: chẳng những đi bộ không được mà đi xe lại càng không nốt. Đám mục đồng đã ngừng lùa gia súc ra bãi chăn. Tiếng tù và sẽ phải im lặng mãi cho đến tận mùa Xuân.
Đối với Katerina Petrovna mỗi buổi sáng thức dậy càng ngày càng trở nên nặng nề hơn, và cũng khó phân biệt được rõ ràng mọi thứ: căn phòng, nơi vẫn lơ lửng mùi cay cay của những khúc củi chưa cháy hết; cuốn tạp chí “Tin tức châu Âu” đầy bụi bặm; những chiếc cốc ố vàng trên bàn; chiếc ấm xamovar từ lâu chưa rửa; và cả những bức tranh đang được treo trên tường. Có thể trong phòng hẵng còn tối lắm, còn trong mắt của Katerina Petrovna thì lại đầy ậng nước, hoặc, cũng có thể, những bức tranh đã mục nát theo thời gian nên không còn có thể nhìn ra cái gì nữa.
Katerina Petrovna chỉ dựa vào trí nhớ để phân biệt được: đây là bức chân dung của cha bà, còn bức nhỏ xíu trong chiếc khung được mạ vàng kia -quà tặng của Kramskoi* - là bản phác thảo của chính bức tranh “Người đàn bà xa lạ”. Katerina Petrovna đã sống cả đời mình trong ngôi nhà cũ kỹ do chính cha bà, một hoạ sỹ rất nổi tiếng, xây dựng. Tuổi già đến, hoạ sỹ đã từ Peterburg trở về ngôi làng quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình, để sống và làm vườn một cách lặng lẽ. Ông không thể vẽ được nữa: mắt mờ, tay run...
Ngôi nhà, như Katerina Petrovna nói, là một “đài tưởng niệm”. Nó nằm dưới sự bảo trợ của bảo tàng tỉnh. Nhưng điều gì sẽ đến với ngôi nhà sau khi người sở hữu sau cùng -là bà,
Katerina Petrovna - chết đi, thì bà không biết. Ở cái làng được gọi là Zaborie này chẳng có ai để có thể nói chuyện được về các bức tranh, về cuộc sống ở Peterburg, về mùa hè, khi Katerina Petrovna sống cùng cha tại Paris và tham dự đám tang của Victor Hugo.
Cũng chả kể được về điều đó cho Manhiushka - cô con gái ông thợ giày của nông trang bên nhà hàng xóm, cô bé vẫn thường chạy qua chạy lại hàng ngày để xách nước giếng, quét nhà hay nấu dùm ấm nước.
Để trả công, Katerina Petrovna tặng cho Manhiushka những đôi găng tay đã sờn, đôi ba chiếc lông đà điểu, chiếc mũ thuỷ tinh màu đen.
Những của này cho cháu làm gì? - Manhiushka vừa khụt khịt mũi vừa khào khào hỏi. - Chả nhẽ cháu là đồng nát sao?
Cháu bán đi cũng được mà, cô bé,- Katerina Petrovna thì thầm. Cả năm nay, từ khi yếu đi, bà không còn nói to được nữa. - Cháu cứ đem bán đi.
Cháu sẽ để vào chỗ gom đồ cũ, - Manhiushka quyết định thu lại tất cả rồi bỏ đi.
Thỉnh thoảng lão Tikhon nhỏ thó tóc hung, người bảo vệ ở phòng chữa cháy, cũng ghé qua chỗ bà. Lão vẫn nhớ đến người cha già của Katerina Petrovna đã về từ Peterburg như thế nào; xây dựng ngôi nhà, làm hàng rào bao quanh ra sao.
Tikhon lúc đó hẵng còn là một cậu bé con, nhưng đã mang theo cả cuộc đời sự kính cẩn đối với người hoạ sỹ già. Ngó lên những bức tranh của ông, lão thở dài một cách ồn ào:
Thật sống động!
Tikhon thường vô cớ làm phiền, nhưng cũng hay đến đỡ giúp chút việc nhà vì thương cảm: chặt hết những cây chết khô trong vườn, cưa gọn rồi bổ thành củi. Rồi mỗi lần ra về lại dừng chân trên bậu cửa hỏi nhỏ:
Không biết..Nastia có viết gì về không, Katerina Petrovna? Katerina Petrovna nhỏ bé lặng im ngồi gập trên divan, tay lần giở những giấy tờ gì đó trong chiếc túi xách nhỏ màu hung hung bằng da đã cũ. Tikhon chớp chớp mắt và dẫm chân nơi bậu cửa rất lâu.
Thì thôi vậy, -lão nói mà không chờ câu trả lời. -Tôi đi đây, Katerina Petrovna.
Đi đi, Tisha, - Katerina Petrovna thì thầm. -Lạy Chúa lòng lành, hãy đi đi!
Bước ra khỏi, lão cẩn thận khép cửa lại. Còn Katerina Petrovna bắt đầu lặng lẽ khóc. Ngoài cửa sổ gió rít lên trên những cành cây trơ trụi và giật đi nốt những chiếc lá cuối cùng. Chiếc đèn ngủ đốt bằng nến run rẩy trên mặt bàn. Nó dường như là vật sống duy nhất còn sót lại trong ngôi nhà bị bỏ rơi này. Thiếu đi ngọn lửa yếu ớt đó, Katerina Petrovna không biết được bằng cách nào để có thể sống tới ngày mai.
Những đêm mất ngủ thật dài và nặng nề. Bình minh đến càng ngày càng chậm chạp, như không muốn chạm tới khung cửa sổ đã lâu chưa được lau rửa, nơi mà trên bậu cửa còn đọng lại lớp lá từ mùa thu năm ngoái. Khi đó chúng hãy còn vàng tươi, còn bây giờ đã đen quắt lại rồi.
Nastia, con gái của Katerina Petrovna, là người thân ruột thịt duy nhất lại sống rất xa, tận Leningrad. Lần cuối cô về thăm đã là 3 năm trước.
Katerina Petrovna biết rằng, hiện tại Nastia không thể đến đây, đến với bà già này được. Bọn họ, những người trẻ tuổi, còn có công việc, hạnh phúc và những thú vui không thể hiểu nổi của mình. Tốt hơn hết là không nên quấy rầy. Vì thế mà Katerina Petrovna rất ít khi viết thư cho Nastia, nhưng ngày lại ngày cứ lặng im ngồi nhớ cô trên mép chiếc đivan sờn cũ. Lặng lẽ đến nỗi chú chuột nhắt bị đánh lừa tưởng không có ai bèn chui ra khỏi đống củi, đứng lên bằng 2 chân sau, hếch hếch mũi ngửi ngửi mùi không khí tĩnh lặng.
Nastia cũng chả thấy viết thư từ gì. Chỉ thỉnh thoảng, khoảng 2-3 tháng một lần gì đó, cậu bưu tá trẻ tuổi vui vẻ tên là Vasili lại mang đến cho Katerina Petrovna 200 rúp. Cậu cẩn thận cầm tay Katerina Petrovna khi bà kí nhận để bà không kí nhầm nơi.
Vasili đi rồi, Katerina Petrovna lạc thần ngồi yên với số tiền nắm trong tay. Sau đó bà đeo kính vào rồi chậm chạp đánh vần từng chữ cái ít ỏi trên bức điện báo chuyển tiền. Lần nào cũng như lần nào chỉ ngần ấy chữ: rất bận việc; không có thời gian về; thậm chí là không đủ để viết một bức thư tử tế.
Katerina Petrovna cẩn thận sắp xếp lại những tờ tiền đã phồng ẩm. Tuổi già đã làm cho bà quên đi rằng, những tờ tiền giấy này không phải là những tờ mà Nastia đã từng cầm đi gửi, nên bà tưởng chừng như vẫn ngửi thấy mùi nước hoa mà Nastia vẫn thường dùng.
Rồi một đêm, đâu như cuối tháng 10, ai đó đã gõ rất lâu vào cánh cổng ọp ẹp của khu vườn.
Katerina Petrovna lo lắng, chậm chạp quàng chiếc khăn ấm lên đầu, mặc chiếc áo choàng cũ kỹ, và lần đầu tiên trong năm, bước ra khỏi nhà. Bà lần mò chậm rãi từng bước. Lạnh đến nỗi đau hết cả đầu. Những ngôi sao bị lãng quên nhấp nháy ngó xuống trái đất. Đám lá rụng đầy quấn lấy bước chân.
Dừng lại sau cánh cổng, Katerina Petrovna hỏi nhỏ:
Ai gõ cửa đấy ạ?
Nhưng bên ngoài hàng rào chả có ai trả lời.
Có lẽ là đi nhầm. -Katerina Petrovna nói rồi trở bước. Bà thở dài rồi dừng chân bên một gốc cây già, đưa tay sờ vào cành lá ẩm ướt lạnh lẽo và nhận ra đó chính là cây phong. Bà đã trồng nó từ rất lâu rồi, từ khi hãy còn là một cô con gái cười nói suốt ngày. Bây giờ nó, chả trốn đi đâu được, đứng trân mình chịu lạnh giữa đêm khuya đầy gió thế này.
Katerina Petrovna khẽ vuốt ve lớp vỏ xù xì mà thương cảm cho nó, rồi bà lần vào nhà và ngay đêm đó viết thư cho Nastia.
“Con gái yêu dấu của mẹ, - Katerina Petrovna viết, - mẹ có thể sẽ không qua khỏi mùa đông này. Hãy ghé về dù chỉ một ngày thôi cũng được con nhé. Cho mẹ được ngắm nhìn, được nắm níu lấy bàn tay con. Mẹ giờ đã già yếu đến nỗi, đừng nói chuyện đi lại, thậm chí đến ngồi và nằm cũng đã cảm thấy vô cùng nặng nề, mà thần Chết lại hình như quên mất con đường dẫn đến chỗ mẹ rồi. Khu vườn đã khô héo, hoàn toàn chả còn như ngày xưa, và mẹ thậm chí cũng không còn trông thấy được nó nữa. Mùa Thu năm nay thật tồi tệ. Ôi, thật nặng nề; cả cuộc đời, có lẽ, cũng chẳng dài bằng một mùa thu này...”
Manhiushka lại nhăn nhăn mũi mang bức thư đến bưu điện. Từng chút từng chút đút nó vào thùng thư, rồi nhòm nhòm vào trong xem xem thử có thứ gì trong đó không. Nhưng chả thấy gì ngoài một thùng sắt rỗng.
Nastia là thư ký của Hội Hoạ sỹ. Bận rất nhiều việc. Tổ chức các buổi triển lãm, các cuộc thi.. - tất cả những việc đó đều qua tay cô.
Nastia nhận được thư của Katerina Petrovna ở nơi làm việc. Cô cất nó vào túi, quyết định làm việc xong mới đọc. Những bức thư của Katerina Petrovna bao giờ cũng làm cho Nastia thở dài nhẹ nhõm: mẹ viết được thư - có nghĩa là vẫn còn sống. Thế nhưng, cùng với nó, lại bắt đầu một nỗi bất an âm ỷ, dường như mỗi bức thư là một lời trách móc lặng thầm.
Hết giờ làm việc, Nastia phải đến xưởng của nhà điêu khắc trẻ Timofeev xem thử anh ta sống thế nào để còn báo cáo cho ban quản lý của Hội. Timofeev than phiền rằng xưởng vẽ quá lạnh; rằng, nói chung, người ta chèn ép và không để cho anh động cựa.
Trong một góc nhỏ, Nastia tìm thấy chiếc gương con, cô phủi bụi rồi cười khẽ - bây giờ cô cảm thấy thú vị với chính bản thân. Các hoạ sĩ thường hay gọi cô là Solveig** vì màu tóc màu nâu nhạt và đôi mắt to có phần lạnh lẽo.
Timofeev nhỏ bé cương quyết giận dữ tự mình mở cửa. Anh mặc áo bành tô, cổ quấn một chiếc khăn to tướng, và Nastia nhận thấy anh ta đi một đôi ủng bằng nỉ của phụ nữ.
Đừng cởi áo khoác, -Timofeev lúng búng, - kẻo không lại lạnh cóng mất. Xin chị đấy.
Rồi anh đưa Nastia đi dọc theo hành lang tối mò, leo lên mấy bậc cầu thang và mở cánh cửa hẹp vào phòng xưởng.
Căn xưởng trông như đồ trẻ con. Một cây nến đang cháy bên cạnh thùng đất sét ướt ngay trên sàn nhà. Trên các dãy kệ là những bức phù điêu được phủ khăn ướt. Bên ngoài khung cửa sổ rộng tuyết đang léo xéo rơi, mang theo cả dòng Neva bằng mù sương, rồi tan biến vào tầng nước tối tăm của nó. Gió như rít qua khung cửa và thổi loạt soạt những tờ bào cũ trên sàn nhà.
Lạy Chúa tôi, thật là lạnh quá thế! - Nastia nói. Và cô có cảm giác trong xưởng như bị lạnh hơn bởi những bức phù điêu bằng sứ trắng được treo lộn xộn trên tường.
Đấy, chị cứ thưởng thức đi! -Timopheev vừa nói vừa kéo cho Nastia chiếc ghế bành trét đầy đất sét. - Không hiểu làm sao mà tôi còn chưa đột tử trong cái hang này. Còn nhà xưởng của Pershin thì lò sưởi quạt hơi nóng cứ như từ Sahara ấy.
Anh không thích Pershin à? - Nastia thận trọng hỏi.
Trẻ trâu chơi trội!- Timofeev giận dữ nói. - Tiểu thợ hồ! Tượng của anh ta vai chả ra vai mà chỉ là mắc treo áo khoác. Người phụ nữ nông dân lại là một bà già làm bằng đá quàng khăn. Hình tượng công nhân của anh ta như thể người tiền sử. Đúng là nặn tượng bằng gậy gỗ. Thế nhưng lại thật ranh ma, bạn yêu quý của tôi ạ, ranh ma như giáo chủ ấy!
Cho tôi xem Gogol của anh chút nào, -Nastia đề nghị để thay đổi đề tài câu chuyện.
Bước lên trước một chút! - nhà điêu khắc ủ rũ chỉ bảo. - Không, không phải phía ấy. Góc kia cơ mà. Đúng rồi!
Anh nhấc mấy tấm giẻ ướt ra khỏi một bức tượng, tỉ mẩn xem xét từ mọi góc độ, rồi ngồi lên bệ cửa sổ gần lò sưởi hơ tay cho ấm rồi nói:
Ông ấy đây, Nhicolai Vasilievich! Bây giờ thì xin mời!
Nastia thoáng rùng mình. Một người đàn ông mũi nhọn dáng lom khom đang nhìn một cách chế nhạo như thể biết rõ cô vậy. Nastia nhìn thấy, dường như trên thái dương ông, mạch máu mỏng manh đang đập khẽ.
“Lá thư trong túi còn chưa bóc đúng không, - có vẻ như đôi mắt lấp lánh của Gogol đang nói. - Cô thật là, chính thị quạ đen!”
-Thế nào?- Timofeev gặng hỏi. - Ông chú nghiêm túc đấy chứ, hả?
Tuyệt vời! -Nastia trả lời với vẻ khó khăn. -Đây đúng là trên cả tuyệt vời.
Timofeev cười đau khổ.
Trên cả tuyệt vời, -anh nhắc lại. -Tất cả đều nói: trên cả tuyệt vời. Cả Pershin, cả Matiash, và tất cả các chuyên gia của mọi thể loại hội đồng đều phát biểu như thế. Và rồi thì sao? Ở đây thì trên cả tuyệt vời, còn ở nơi mà số phận của tôi được quyết định như một nhà điêu khắc, thì bản thân ngài Pershin kia cũng chỉ khụt khịt một cách không xác định -và thế là xong đời. Pershin khụt khịt -có nghĩa là chấm hết!...Đêm đêm cũng đừng có mà ngủ nhé! -Timofeev dẫm dẫm đôi bốt chạy quanh xưởng vẽ hét lên. -Hai tay bại liệt vì bùn nhão. Ba năm liền đọc từng chữ một về Gogol. Đêm về toàn nằm mơ thấy mõm heo!
Timofeev xách từ bàn lên một chồng sách, vung vẩy trong không khí rồi quẳng mạnh chúng trở lại làm đám bụi thạch cao bốc mù lên.
Đây là toàn bộ về Gogol đấy! -Anh nói, rồi bỗng nhiên trấn tĩnh lại. - Sao thế? Có lẽ là tôi đã làm chị hoảng rồi, đúng không? Thứ lỗi cho tôi, bạn thân mến, nhưng thực sự là tôi sẵn sàng đánh lộn đấy.
Thôi được rồi, chúng ta sẽ cùng nhau đánh lộn một trận, - Nastia nói rồi đứng lên.
Timofeev nắm chặt bàn tay cô, và cô rời đi với một quyết tâm cứng rắn rằng sẽ bằng mọi cách nào đấy phải đưa con người tài năng còn vô danh này đến với công chúng.
Nastia quay lại Hội Hoạ sỹ, đến gặp ngay ông chủ tịch hội và nói chuyện cùng ông ta rất lâu, nóng nảy chứng minh rằng cần phải tổ chức ngay một cuộc triển lãm cho các tác phẩm của Timofeev. Chủ tịch gõ gõ đầu bút chì xuống bàn, ngẫm nghĩ rất lâu rồi cuối cùng cũng đồng ý.
Nastia quay về nhà, về căn phòng cũ kỹ mà trần được dát vàng trên phố Moika, và đến tận lúc đó mới lấy thư của Katerina Petrovna ra đọc.
Đi đâu đến đấy được bây giờ! -cô nói rồi đứng dậy, -Chẳng lẽ có thể bứt khỏi đây mà đi được à!
Cô nghĩ đến những chuyến tàu đầy ắp người chật chội; đến việc phải chuyển chuyến sang tuyến đường sắt nhỏ; đến những toa tàu lắc lư, đến khu vườn đã xác xơ khô héo; đến những giọt nước mắt không thể tránh khỏi của mẹ; đến những ngày nơi thôn quê ảm đạm dài lê thê mà không bằng cách nào có thể làm chúng khởi sắc lên nổi - rồi đặt lá thư vào ngăn kéo bàn viết.
Hai tuần liền Nastia bận rộn vào việc tổ chức triển lãm cho Timofeev.
Suốt thời gian đó một vài lần cô hết cãi vã rồi làm lành với nhà điêu khắc hay gây gổ kia. Timofeev chuyển các tác phẩm của mình đến cuộc triển lãm như thể quẳng chúng đi vậy.
Rồi thì cũng chẳng ra cái quái gì đâu, bạn yêu quý của tôi ạ, - anh ta nói với Nastia với vẻ cay độc, cứ như kiểu cô đang tổ chức triển lãm cho chính cô chứ không phải cho anh ta. -Tôi chỉ đang lãng phí thời gian một cách vô ích thôi, thật đấy.
Lúc đầu Nastia cũng cảm thấy vô cùng ảo não và tức giận cho đến khi hiểu rằng tất cả những điều làm mình làm mẩy ấy đều đến từ lòng tự hào bị thương tổn, rằng chúng như một cách làm dáng, và trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn Timofeev rất vui về cuộc triển lãm sắp tới của mình.
Triển lãm được mở cửa vào buổi chiều. Timofeev giận dữ nói rằng không nên ngắm tượng trong ánh đèn điện.
Đó là cái thứ ánh sáng chết! -Anh ta vò đầu bứt tai.- Sự buồn chán giết người! Dùng nến còn tốt hơn.
Vậy anh cần loại ánh sáng nào nữa hả, cái thể loại không thể nào chịu đựng nổi kia?! -Nastia cũng nổi khùng lên.
Cần nến! Nến ấy! -Timofeev hét lên một cách khốn khổ. -Làm sao có thể đặt Gogol dưới bóng đèn điện cho được. Thật phi lý!
Đến buổi khai mạc gồm các nhà điêu khắc, các hoạ sỹ. Ai không đến mà chỉ nghe các cuộc đối thoại của những nhà điêu khắc thì không bao giờ có thể đoán được họ đang khen các tác phẩm của Timofeev hay là đang chê bai chúng. Nhưng bản thân Timofeev hiểu rằng cuộc triển lãm đã thành công.
Một hoạ sĩ già nồng nhiệt bước đến cạnh Nastia vỗ khẽ lên cánh tay cô.
Cảm ơn cô. Tôi có nghe rằng chính cô đã trình diễn Timofeev ra thế giới thần thánh. Cô làm tuyệt lắm! Cô cũng biết đấy, trong số chúng ta có quá nhiều những kẻ ba hoa chích choè về việc thấu hiểu, chú trọng và quan tâm đến các hoạ sĩ, nhưng vừa nhắc đến công việc là lại đánh bài chuồn. Một lần nữa xin được cảm ơn cô!
Rồi bắt đầu bàn tán. Người ta nói rất nhiều, nồng nhiệt khen ngợi; và cả ý nghĩ của người hoạ sĩ già đưa ra về việc quan tâm đến con người, đến nhà điêu khắc trẻ tuổi không đáng bị quên lãng, cũng được lặp đi lặp lại trong từng lời nói.
Timofeev xù lông ngồi nhìn xuống sàn nhà, nhưng vẫn liếc xéo lên những người đang phát biểu, không biết có thể tin được họ chưa hay là vẫn hãy còn quá sớm.
Trên cửa bỗng xuất hiện Dasha -cô thư kí hồn hậu và hơi ngốc nghếch của Hội. Cô ta ra hiệu gì đó cho Nastia. Nastia bước đến. Dasha cười khẽ rồi đưa bức điện tín cho cô.
Nastia quay lại chỗ ngồi của mình, cẩn trọng mở bức điện tín, rồi đọc mà chẳng hiểu gì cả:
“Katia đang hấp hối. Tikhon”*
“Katia nào nhỉ? -Nastia hồn xiêu phách lạc nghĩ thầm. -Lại còn Tikhon nào nữa chứ? Có thể đây không phải là điện tín của mình”.
Cô nhìn lại địa chỉ: không, bức điện là cho cô. Chỉ lúc đó cô mới nhận thấy những chữ cái mảnh mai in trên trang giấy “Zaborie”
Nastia gấp bức điện lại và cau mày. Pershin đang phát biểu: -Trong thời đại của chúng ta, -ông vừa nói vừa lắc lư và giữ lấy gọng kính, - sự quan tâm đến con người trở thành một thực tiễn tốt đẹp đã giúp cho chúng ta phát triển và làm việc. Tôi thật hạnh phúc khi nhận thấy giữa chúng ta, trong giới văn nghệ sỹ đã xuất hiện sự quan tâm này. Tôi đang nói về cuộc triển lãm các tác phẩm của đồng chí Timofeev. Với cuộc triển lãm này, chúng ta đã ràng buộc lại thành một khối - cũng không thể có bất cứ lời trách cứ nào đến lãnh đạo của chúng ta- cũng như đến một trong những người đồng nghiệp mẫn cán của Hội, cô Nastasia Semenovna yêu quý của chúng ta.
Pershin cúi đầu về phía Nastia rồi tất cả đều vỗ tay vang dội. Và rất lâu. Nastia rơm rớm nước mắt.
Từ phía sau ai đó khẽ chạm vào tay cô. Đó chính là người hoạ sĩ già nồng hậu.
Có chuyện gì sao? -ông hỏi thầm và đưa mắt nhìn tờ điện tín được gấp lại trong tay Nastia. -Có chuyện gì không hay à? -Không ạ, -Đó chỉ là.. của một người quen thôi ..
Thế à.- ông lão khẽ lẩm bẩm rồi lại bắt đầu lắng nghe Pershin.
Tất cả đều nhìn lên Pershin, nhưng Nastia luôn cảm thấy có một ánh mắt nào đó như xuyên thấu và thật nặng nề rọi vào cô. Cô hoảng sợ ngẩng đầu : “Có thể là ai được nhỉ? -cô thầm nghĩ. -Chả nhẽ người nào đó đoán ra? Thật ngu ngốc. Thần kinh mất thôi”.
Cô gắng gượng ngước mắt và ngay lập tức bắt được: Gogol đang nhếch mép cười khẩy nhìn cô. Trên thái dương ông dường như mạch máu mỏng manh đang gồ lên đập nặng nề. Nastia cảm thấy Gogol đang nói khẽ như rít qua kẽ răng: -“Cô thật là!”
Nastia nhanh chóng đứng lên rời đi, vội vàng xuống dưới khoác áo và chạy ra đường.
Tuyết ướt sũng rơi rơi. Một tầng sương giá nặng nề bao phủ trên mái nhà thờ Isaakievski. Bầu trời ảm đạm như sà xuống thấp lên thành phố, lên Nastia và lên cả dòng sông Neva.
“Mẹ yêu quý của con, - Nastia nhớ lại bức thư nhận được cách đây không lâu. -Ôi, mẹ ơi!”
Nastia ngôi lên chiếc ghế dài trong vườn hoa cạnh Bộ Hải quân cay đắng khóc. Tuyết hoà lẫn với nước mắt tan trên mặt cô. Nastia rùng mình vì lạnh rồi bỗng nhiên hiểu rằng, không người nào có thể yêu cô bằng bà già héo úa bị bỏ rơi nơi ngôi làng Zaborie buồn bã kia.
“Muộn mất rồi! Mình không còn được trông thấy mẹ nữa”, - cô tự nhủ thầm rồi chợt nhớ ra đây là lần đầu tiên trong năm cuối cùng này cô gọi tiếng “Mẹ” đầy lưu luyến của tuổi ấu thơ.
Cô bật dậy, nhanh chóng lao đi, tuyết ngược chiều như quất vào mặt cô.
“Sao thế, sao thế, mẹ ơi? Làm sao thế này?” - cô mù mịt nghĩ. -Mẹ ơi! Làm sao điều đó có thể xảy ra được cơ chứ? Mình chẳng còn ai trên đời này nữa cả. Không và sẽ không còn ai ruột thịt hơn nữa. Miễn sao còn kịp, miễn sao cho mẹ còn được trông thấy mình, miễn sao còn được mẹ tha thứ”.
Nastia băng qua đại lộ Nevski, chạy đến ga tàu hoả.
Cô đã bị muộn. Không còn một chiếc vé nào nữa.
Nastia đứng cạnh quầy bán vé, môi run rẩy không thể cất nên lời, cảm thấy rằng chỉ cần thốt ra một từ thôi là cô sẽ bật khóc.
Người bán vé đứng tuổi đeo kính thò cổ ra khỏi ô cửa.
Có chuyện gì với cô thế, cô gái? - bà tỏ ra khó chịu hỏi. -Không có gì, -Nastia trả lời. -Mẹ tôi... Nastia nhanh chóng quay người lại và đi ra cửa.
Cô đi đâu?- Bà bán vé kêu lớn. - Phải nói ngay luôn chứ. Đợi chút nào.
Ngay chiều hôm đó Nastia đi luôn. Suốt dọc đường, cô cảm giác như đoàn tàu “Mũi tên đỏ”* rề rà không chạy nổi trong khi nó đi như lao qua những cánh rừng đêm, phả hơi nước xuống chúng và trầm trầm những lời như tâm tình cảnh báo.
...Tikhon ra đến bưu điện, thì thầm với cậu bưu tá Vasili, lấy ở chỗ cậu ấy một tờ mẫu điện tín, lật qua lật lại nó thật lâu trong khi lấy tay áo chùi chùi bộ ria mép, rồi viết gì đó bằng nét chữ gà bới. Sau đó lão thận trọng gấp lại rồi chuồi nó vào mũ và nhanh chóng chạy đến chỗ Katerina Petrovna.
Đã ngày thứ 10 rồi Katerina Petrovna không dậy nổi. Không đau đớn gì nhưng sự yếu ớt cứ trĩu nặng đè lên ngực, lên đầu, lên đôi chân, thậm chí hít thở cũng cảm thấy thật khó khăn.
Suốt 6 ngày nay Manhiushka không rời bước khỏi Katerina Petrovna. Ban đêm cô bé mặc nguyên quần áo nằm ngủ trên chiếc divan cũ mèm. Đôi khi Manhiushka cứ cảm tưởng như Katerina Petrovna đã không còn thở nữa. Những lúc ây cô bé bắt đầu hoảng hốt rên rỉ rồi gọi: -Bà còn sống đấy chứ? Katerina Petrovna khẽ động cựa bàn tay dưới chăn, và Manhiushka trấn tĩnh lại.
Trong phòng, từ sáng sớm tinh mơ, trong từng góc đã ngự trị bóng tối của tháng 11, nhưng vẫn rất ấm. Manhiushka đốt lò sưởi. Khi ngọn lửa vui vẻ chiếu sáng lên bức tường loang lổ, Katerina Petrovna cẩn trọng hít một hơi thật sâu - nhờ có ngọn lửa căn phòng thành ra thật ấm cúng, sống động, như nó đã từng như thế ngày xưa kia, khi Nastia hãy còn ở đây. Katerina Petrovna nhắm nghiền mắt lại. Và từ đôi mắt ấy, một giọt nước mắt duy nhất lăn dài xuống dọc bên thái dương vàng vọt rồi lẫn vào mái tóc bạc trắng.
Tikhon đi tới. Lão húng hắng ho, khẽ cau mày và thấy rõ là rất hồi hộp.
Gì thế, Tisha? -Katerina Petrovna yếu ớt hỏi.
Trời đãlạnh dần rồi, Katerina Petrovna! - Tikhon nói một cách quấy quá, rồi bứt rứt nhìn vào chiếc mũ của mình. Tuyết sắp rơi. Và mọi thứ sẽ tốt lên thôi. Đường sá sẽ đông cứng lại - có nghĩa là cô ấy sẽ có khả năng về hơn.
Ai cơ?- Katerina Petrovna khẽ mở mắt và bàn tay khô khỏng sẽ sàng ve vuốt tấm chăn.
Còn ai vào đây nữa nếu không phải là Nastasia Semenovna, - Tikhon trả lời. Lão khẽ hắng giọng, rồi lôi từ trong mũ ra bức điện tín. - Còn ai nữa, nếu không phải là cô ấy!
Katerina Petrovna rất muốn nhỏm dậy nhưng không thể, một lần nữa lại ngã xuống gối.
Đây này, - Tikhon nói, thận trọng mở bức điện tín rồi đưa nó cho Katerina Petrovna.
Nhưng Katrina Petrovna không cầm lấy mà vẫn cố nhìn lên Tikhon với ánh mắt van lơn.
Lão đọc đi, -Manhiushka nói với giọng khàn khàn. -Bà đã không đọc được nữa. Mắt bà mù dở rồi còn đâu.
Tikhon hoảng hốt nhìn quanh, sửa lại cổ áo, vuốt vuốt mấy sợi tóc ít ỏi xơ xác rồi đọc bằng cái giọng không lấy gì làm tự tin cho lắm:
“Cố đợi nhé, con đã xuất phát rồi. Mãi là con gái yêu quý của mẹ. Nastia”.
Thôi nào, Tisha! -Katerina Petrovna khẽ nói.- Chả cần đâu, bạn yêu quý. Chúa sẽ luôn phù hộ cho anh. Cảm ơn anh đã nói những lời từ ái, cảm ơn cho sự dịu dàng này.
Katerina Petrovna khó nhọc quay mặt vào tường, rồi sau đó dường như ngủ thiếp đi.
Tikhon cúi thấp đầu lặng ngồi hút thuốc trên chiếc ghế dài trong tiền sảnh lạnh lẽo. Lão thở dài và khẽ khọt khẹt trong cổ họng, chờ cho đến khi Manhiushka bước ra và nháy mắt ra hiệu về phía phòng ngủ của Katerina Petrovna.
Tikhon bước vào cửa, bàn tay 5 ngón xoa mạnh lên mặt. Katerina Petrovna bé nhỏ nhợt nhạt nằm đó như vừa thanh thản chợp mắt.
Không chờ nổi, -Tikhon khẽ lầm bầm. -Ôi, bất hạnh của bà ấy mới cay đắng làm sao, nỗi thống khổ chả thể nào tả nổi. Xem chừng đấy, đồ ngốc kia, - lão giận dữ nói với Manhiushka. - Hãy trả giá cho lòng tốt bằng sự thiện căn, chứ đừng như loài quạ kia, nghe không.. Hãy cứ ngồi đây còn lão sẽ chạy ra xã lo liệu ..
Lão rời đi, còn Manhiushka ngồi trên chiếc ghế con, 2 tay ôm chặt lấy đầu gối, run rẩy nhìn chằm chằm vào Katerina Petrovna.
Katerina Petrovna được chôn cất vào ngày hôm sau. Trời giá buốt. Tuyết mong manh rơi. Ngày nhạt đi, bầu trời khô ráo sáng xám như được chăng trên đầu bởi một tấm vải đông giá. Phía xa bên sông kia như mờ mịt khói sương tĩnh lặng. Từ đó toả ra mùi hương gây gây vui vẻ của tuyết được nhuốm từ vỏ liễu bởi băng giá đầu mùa.
Đến dự đám tang toàn người già và trẻ con. Tikhon, Vasili và 2 anh em nhà Maliavin, những người đã lớn lên già đi như cây cỏ an lành, cùng khiêng quan tài ra nghĩa trang. Manhiushka và anh trai Volodka cùng khiêng tấm ván nắp quan tài, không chớp mắt nhìn về phía trước.
Nghĩa trang nằm phía đằng sau ngôi làng, cạnh bờ sông. Trong nghĩa trang trồng toàn những hàng liễu cao lênh khênh và bị địa y nhuốm vàng.
Dọc đường đoàn người gặp cô giáo vừa mới chuyển đến từ thành phố trên tỉnh và chưa hề biết ai ở Zaborie này cả.
Cô giáo, cô giáo đến kìa! - Mấy cậu nhóc thầm thì.
Cô giáo có cặp mắt màu xám hãy còn trẻ măng và hay thẹn thùng như một cô bé con. Cô nhìn thấy đám tang và khựng bước, sợ hãi nhìn vào bà già bé nhỏ trong quan tài. Những bông tuyết sắc lạnh rơi lên khuôn mặt bà rồi đọng lại mà không hề tan đi.
Cô có một người mẹ già -cũng nhỏ bé tóc bạc trắng và muôn đời lo lắng cho con gái như thế này, - còn ở lại trên thành phố. Cô giáo dừng chân rồi chậm rãi bước theo sau quan tài. Mấy bà già quay sang nhìn cô rồi thì thầm, rằng, thấy chưa, một cô gái lặng lẽ như thế này thì thời gian đầu sẽ khó khăn biết bao nhiêu với lũ trẻ vô cùng tự lập và hiếu động ở Zaborie này.
Cô giáo cuối cùng cũng quyết định hỏi một trong số các bà già, bà Matrena:
Bà ấy chắc hẳn là người cô đơn, phải không ạ?
Kh..ô..ông, -Matrena lập tức ngân nga. -Nhưng cũng xem như hoàn toàn cô đơn. Bà ấy đã từng rất ấm áp, nhân hậu. Lúc nào cũng chỉ ngồi lại ngồi một mình trên chiếc divan nhỏ, chả nói lời nào với ai. Thật đáng thương làm sao! Bà ấy có một cô con gái sống ở Leningrad, ừ, có vẻ như đã bay rất cao. Thế rồi chết mà chả có lấy một ai, chả có người thân thuộc nào.
Đến nghĩa trang, quan tài được đặt xuống cạnh huyệt mộ mới đào. Các bà già cúi gập trước quan tài, chạm những bàn tay thẫm lại xuống tận đất.
Cô giáo bước lại gần quan tài, kính cẩn cúi đầu rồi hôn lên bàn tay khô khỏng vàng vọt của Katerina Petrovna. Sau đó cô đứng thẳng dậy và quay người đi về phía hàng rào bằng gạch đã bị sập.
Phía ngoài hàng rào, đất mẹ thân yêu vương chút buồn bã được phủ bởi lớp tuyết nhẹ nhõm như sương.
Cô giáo nhìn thật lâu và lắng nghe tiếng nói chuyện của các bà già phía sau lưng, tiếng đất rơi trên nắp quan tài, và thật xa từ phía trong làng lũ gà trống cất lên tiếng gáy với các âm điệu khác nhau báo hiệu những ngày tạnh ráo, giá lạnh nhẹ nhàng, và sự tĩnh lặng của mùa đông.
Hai ngày sau khi chôn cất, Nastia mới về đến Zaborie.
Còn lại cho cô chỉ là một gò mả mới ngoài nghĩa trang, -mà đất trên đó đã chết cóng lại thành từng cục - và căn phòng của Katerina Petrovna: tối tăm, lạnh lẽo và dường như cuộc sống đã bỏ đi tự đời nào.
Nastia đã khóc suốt cả một đêm ròng trong căn phòng ấy, cho đến tận khi ngoài cửa sổ ánh bình minh nặng nề ảm đạm chưa kịp sáng lên.
Nastia vụng trộm rời khỏi Zaborie, cố gắng sao cho không một ai nhìn thấy và thăm hỏi. Cô cảm thấy không một người nào, ngoài Katerina Petrovna, có thể tha thứ cho lỗi lầm không thể sửa chữa được của cô, và đỡ cho cô gánh nặng nặng trĩu không thể chịu đựng nổi thế này...🥲🥲🥲🥲
Konstantin Paustovsky
Thanh Hoai Nguyen chuyển ngữ
10/6/2023