Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Bạn đọc > Nhà báo > Đại dịch nào có thể xảy ra tiếp theo Covid-19?

Đại dịch nào có thể xảy ra tiếp theo Covid-19?

Chủ Nhật 13, Tháng Tám 2023, bởi Cong_Chi_Nguyen

Vương quốc Anh đang chuẩn bị đối phó mối đe dọa bí ẩn có thể xảy ra tiếp theo Covid-19. Hơn 200 nhà khoa học tham gia vào nhiều nhiệm vụ khác nhau tại một tổ hợp phòng thí nghiệm được chính phủ xếp hạng đặc biệt và theo dõi chặt chẽ ở thành phố Porton Down.

Xin bạn đọc tạm gác thuyết âm mưu sang bên. Theo nhật báo Daily Mail, các chuyên gia trên có nhiệm vụ phát triển vắc-xin để đề phòng một đại dịch tiềm ẩn do một thực thể khó nắm bắt được gọi là ’Bệnh X’ gây ra.


Khái niệm này thực ra không quá mới. Nó xuất hiện khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vạch ra 9 loại dịch bệnh được xem là có nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng:

  1. COVID-19
  2. Sốt xuất huyết Crimean-Congo
  3. Bệnh do vi-rút Ebola và bệnh do vi-rút Marbury
  4. Sốt Lassa
  5. Hội chứng hô hấp coronavirus (MERS-CoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS)
  6. Nipah và bệnh henipaviral
  7. Bệnh sốt Thung lũng Rift
  8. Bệnh do vi-rút Zika
  9. Bệnh X.

Thực tế là chỉ riêng trong 2 thập niên vừa qua, loài người đã tránh được 5 đại dịch toàn cầu bao gồm: SARS, MERS, Ebola, cúm gia cầm H5N1 và cúm lợn. Mặc dù thu được nhiều kiến thức từ những dịch bệnh nêu trên nhưng nhìn chung thế giới vẫn rơi vào thế bị động khi Covid-19 bùng phát.

Thuật ngữ "Bệnh X" biểu thị sự không chắc chắn xung quanh danh tính và nguồn gốc của mầm bệnh tiềm ẩn có thể gây ra đại dịch tiếp theo. Trước thực tế các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về loại vi rút động vật cụ thể có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn tiếp theo đe doạ sức khỏe cộng đồng.

Nói một cách đơn giản hơn, "Bệnh X" có thể được hình dung như một căn bệnh lý thuyết bắt nguồn từ một loại vi rút có khả năng vượt qua các rào cản của mọi loài động vật và lây nhiễm cho con người. Việc truyền "Bệnh X" sang người có thể bắt nguồn từ bất kỳ nguồn động vật nào, kể cả khỉ và chó.

Vào tháng 5 năm 2023, Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) đã nhấn mạnh rằng khả năng "Bệnh X" lây nhiễm và lây lan nhanh chóng trong cộng đồng loài người là đáng kể hơn bao giờ hết. Các chuyên gia cũng cho rằng căn bệnh này có thể gây chết người và lây truyền giữa người với người tương tự như Ebola, HIV/AIDS và Covid-19.

200 nhà nghiên cứu tập trung tại một tổ hợp phòng thí nghiệm được bảo vệ nghiêm mật của nước Anh đang hướng nỗ lực của họ tới việc lựa chọn các loại vi-rút động vật có khả năng lây nhiễm sang người và có thể gây ra một trận dịch bùng phát toàn cầu.

Họ đang triển khai tới hơn 100 dự án riêng biệt, bao gồm các sáng kiến về giám sát và khả năng tạo ra vắc-xin. Các dự án có một mục tiêu chung là giải quyết các bệnh khác nhau, với trọng tâm là các bệnh truyền nhiễm đễ lây nhanh như bệnh lao và bệnh thủy đậu.

Tốc độ lây lan của virus trong đại dịch cho thấy độ mong manh của một thế giới "toàn cầu hóa". Giới chuyên gia của WHO cảnh báo vào năm ngoái rằng dù tỏ ra "rất nghiêm trọng" nhưng Covid-19 chưa chắc đã là đại dịch lớn thực sự.

Cuộc sống hiện đại tiềm ẩn nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh. Nhiều năm trước, dịch bệnh có thể khởi phát ở một khu vực nào đó và kết thúc khi chưa kịp lây lan sang những nơi khác. Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa với hoạt động giao thương và di chuyển quốc tế nhộn nhịp, dịch bệnh có thể lan truyền từ người này sang người khác rất nhanh.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của các dịch bệnh mới đây là sự tương tác gia tăng của con người và động vật. Sự biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Theo ABC News, giới nghiên cứu ước tính có hơn 60% bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện là do lây lan từ động vật. Đó là lý do họ đặc biệt chú ý đến hoạt động tương tác giữa con người và động vật hoang dã.

Giới chuyên gia đã xác định được hơn 250 loại virus gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Với những virus chưa xác định được, họ khẳng định chúng có thể gây ra mối đe dọa tương tự hoặc thậm chí là nguy hiểm hơn so với nhóm virus trên.


(NCC tổng hợp ngày 13/8/2023)