Đinh Tiên Hoàng (925-979)

Đồng tiền "Thái Bình Hưng Bảo", mặt sau có chữ "Đinh". Thế kỷ 10

Miếu hiệu của vua đầu nhà Đinh, húy là Hoàn, còn Bộ Lĩnh là tước quan do Sứ quân Trần Lãm phong cho. Vua có công lớn trong việc thống nhất quốc gia, mở ra nền độc lập đầu tiên của nước ta.

Tượng Đinh Tiên Hoàng

Vua sinh năm 925 (Ất Dậu) quê ở làng Đại Hoàng, thuộc động Hoa Lư (nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), cha là Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Diên Nghệ. Khi cha mất sớm, ông cùng mẹ về quê ở Đàm Gia Trang, nương thân với người chú ruột là Đinh Dự. Hàng ngày, ông thường cưỡi trâu ra đồng chăn và nhóm họp bạn bè lấy cây lau làm cờ, tập đánh trận giả. Ông kết bạn thân với Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú.

Mấy năm sau ông bỏ nhà người chú, sang đầu quân và làm con rể Sứ quân Trần Lãm đóng ở Bố Hải Khẩu. Trần Lãm mất, ông đem quân về trấn giữ Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt, hùng cứ một phương chống lại nhà Tống và các sứ quân khác. Trong một năm (965) ông đã dẹp xong các sứ quân, thống nhất chỉ huy toàn cuộc. Năm 968 ông lên ngôi vua, đặt tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, lấy quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

Năm 970 ông đặt tôn hiệu mới là Thái Bình, sai đúc tiền đồng (là tiền tệ cổ nhất của nước ta) gọi là Thái Bình Hưng Bảo. Vua có công lớn trong việc thống nhất quốc gia, mở ra nền độc lập đầu tiên của nước ta. Năm 979 (Kỷ Mão), ông và con lớn là Đinh Liễn bị tên thái giám hầu cận Đỗ Thích giết chết trong một nghi án triều đình. Lăng mộ hiện nay vẫn còn ở núi Mã Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, đền thờ vua cũng gần đấy.