Lý Ngao

Nhận định về văn học Trung Quốc

Năm nay 70 tuổi, Lý Ngao là một nhà văn, nhà bình luận chính trị nổi tiếng ở Đài Loan. Hài hước hay đùa cợt, giận dữ hay mỉa mai... tất cả những sắc thái đó đều được thể hiện xuất sắc dưới ngòi bút của ông. Dưới đây là cách nhìn của Lý về văn học và cuộc sống nói chung tại Trung Quốc.

Theo Lý Ngao, nền văn học Trung Quốc ngày nay rất thiếu vắng những nhân vật kiệt xuất, danh tiếng. Đại cách mạng văn hóa đã làm mọc lên cái gọi là "nền văn học chấn thương" trong thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước. Bám riết lấy những đau thương tột cùng, các nhà văn thuộc dòng văn học này trở thành lớp người vô tích sự, chỉ biết than khóc cho quá khứ.

Ông nói thêm, Trung Quốc ngày nay có một vài nhà văn ăn khách, kiếm tiền giỏi, nhưng trang viết của họ hoàn toàn xa rời hiện thực. Lấy Dư Thu Vũ - một nhà văn khá nổi - làm ví dụ, ông nói: "Tất cả những gì anh ra làm là rong chơi. Và anh ta viết vài cuốn để làm trò tiêu khiển cho chính mình".

Thế hệ "sau Đại cách mạng" có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Tuy nhiên, xã hội lúc này đã bước vào quá trình thể chế hóa, khiến họ có ít không gian hơn để phô diễn tài năng và cái tôi cá nhân của mình.

"Được quyền chọn lựa là một điều rất cần thiết, đặc biệt là đối với những người nhạy cảm với lối mòn. Nhưng xã hội hiện đại lại có phần thu hẹp quyền lợi này của con người, ngay cả đối với một việc đơn giản là hưởng thụ đời sống riêng tư, cá nhân của mình", ông nói.

"Vì thế, các nhà văn Đại lục hiện nay, nhìn đại thể, là không đáng bàn đến", ông khẳng định.

Quý Tiện Lâm, 95 tuổi, giáo sư, học giả nổi tiếng ở Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh gần đây đã khước từ những danh hiệu mà người ta dùng để gọi mình như "Bậc thầy văn hóa Trung Quốc", "Nhà học giả hàng đầu", "Báu vật quốc gia".

"Như tục ngữ đã nói: "Ở vương quốc của người mù, kẻ chột làm vua". Khi tất cả những bậc thầy khác đều đã khuất núi, giáo sư Quý trở thành học giả uyên thâm nhất nhưng ông ấy không phải là bậc thầy", ông Lý nhận định.

Trở lại với cơn sốt Quốc học [1] dấy lên mới đây tại Đại lục, Lý coi đó là một phương tiện hữu hiệu để trốn khỏi hiện thực. "Thời nhà Thanh, Hoàng đế Càn Long ra lệnh biên soạn bộ Tứ khố toàn thư. Công trình kéo dài cả thập kỷ này đã lôi kéo sự tham gia của hàng trăm trí thức cả nước bởi nó hấp dẫn và không dính dáng đến các vấn đề chính trị. Tôi sẽ không phủ nhận rằng, phong trào Quốc học đã bồi đắp lòng tự tôn và tinh thần cố kết dân tộc tại Trung Quốc", nhà văn bình luận.

Cách đây không lâu, một số nghiên cứu sinh Trung Quốc đã thảo một bức thư ngỏ, kêu gọi mọi người tẩy chay khái niệm Giáng sinh, bởi đó là một từ du nhập từ phương Tây.

"Giới trí thức Trung Quốc cần hiểu và đánh giá đúng sự tồn tại xứng đáng của văn hóa phương Tây và tiến tới làm một sự so sánh văn hóa giữa phương Đông và phương Tây", nhà văn nói.

Lý nổi tiếng với những bình luận nhận xét độc đáo, khác người và không hề e ngại bất cứ trở lực nào. Nhiều người cho rằng, phong cách của ông gần với Lỗ Tấn - nhà văn từng du học tại Nhật thời trẻ và về sau được gọi là "quốc hồn" của dân tộc. Nhưng Lý Ngao không đánh giá cao Lỗ Tấn.

"Bạn đã bao giờ nghe Lỗ chửi rủa Nhật Bản chưa? Thú vị hơn, cho đến hơi thở cuối cùng, Lỗ vẫn nhận tài trợ của Quốc Dân Đảng và sách của ông ta không bao giờ bị cấm. Tôi đúng hơn, là một môn đệ của Hồ Thích (1891-1962), người đã nhiệt tình ủng hộ dân chủ và khoa học trong Phong trào Ngũ Tứ (phong trào văn hóa và chính trị diễn ra năm 1919 chống lại chủ nghĩa phong kiến và đế quốc)", Lý Ngao giải thích.

Lý không gọi mình là một học giả nhưng "tôi là kẻ độc nhất vô nhị ở cách phân loại và ứng dụng một cách sáng tạo những gì mà tôi đọc được", ông nói.

Năm ngoái, trong một lần phát biểu tại Đại học Bắc Kinh, Lý cho biết, ông muốn được nghỉ ngơi an dưỡng những năm tháng cuối đời tại đảo Hải Nam.

"Tô Đông Pha (1037-1101), một nhà văn nổi tiếng từng sống ở đây 3 năm trong thời gian bị lưu đày. Nổi tiếng là người hay chữ, nhưng quãng thời gian đó, ông nghèo đói và rách rưới đến độ không mua nổi một cây bút mà viết. Bên cạnh đó, hòn đảo này là một phần của đại lục, không quá gần cũng không quá xa. Sống ở đây, bạn sẽ cảm thấy mình không hoàn toàn cô độc. Tôi thích cái cảm giác đặc biệt đó".

(H.T. dịch, VE)