Không thể đi mãi đường mòn

Hà Văn Thuỳ

Có một nghịch lý mà đã mấy ai ngờ: cho tới nay người Tàu cũng chẳng biết đích xác tổ tiên họ là ai, vậy mà chúng ta cứ làm cái việc ngớ ngẩn là truy tìm tổ tiên Việt từ sách của những người muôn năm cũ như Tư Mã Thiên?

Chân thành cảm ơn ông Nguyễn Kết đã đọc bài “Viết lại lịch sử hình thành Kinh Dịch” và cho những lời phản biện thú vị. Trong bài thưa lại này, tôi xin không vâng lời ông để “làm khác hơn” vì lẽ mỗi người viết đều có “dấu ấn” (style) như một bản lai diện mục của mình. Tôi cũng không thể “giải thích dễ dàng với các giả thuyết và kiến thức quen thuộc” bởi lẽ những đường mòn thường chỉ dẫn về chốn cũ mà tôi lại đang khai mở con đường chưa từng có tiền lệ. Quả thực tôi cũng không để ý xem cộng đồng khoa học có chấp nhận không, bởi tôi có kinh nghiệm của riêng mình. Đầu năm 2005, khi viết xong tiểu luận “Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hoá” tôi rất mừng và gửi cho bạn bè. Giáo sư Cao Xuân Hạo trả lời: “Tôi không có được tri thức lịch sử như anh nhưng tôi tin rằng anh đúng.” Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Em không đủ hiểu biết để góp ý với bác nhưng em cho là bác có lý.” Ở ngoài lề một hội nghị văn hoá tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Vũ Hạnh giới thiệu bài viết của tôi với bạn bè và ông cười: “Nếu đúng vậy thì ta có thêm mấy gờ-ram tự hào!”. “Tự hào hay tự hão?” —Một vị giáo sư lên tiếng. “Hà Văn Thuỳ hoang tưởng!” Tôi gửi cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Với vai trò Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, anh phải nắm được điều này.” Ông không trả lời tôi. Chắc đó không phải nội dung công tác của Ban! Nhà thơ Nguyễn Duy mừng thực sự, bảo: “Bác đừng cho đăng ở nước ngoài vội. Để tôi đưa cho ông Thỉnh, tổng biên tập báo tôi.” Tôi phải in một tập tài liệu kèm theo một đĩa mềm đưa cho anh. Gần tháng sau anh trả lời: “Ai đọc cũng thích nhưng chẳng cha nào dám đăng!” Hai anh em tôi bàn nhau gửi cho talawas. Tôi cũng biết qua vài cuốn sử về Á Đông của mấy trường đại học danh tiếng nước Mỹ, hầu như chả có gì mới hơn việc nhại lại sách Tàu cùng sử gia Pháp thời thuộc địa! Những phát hiện này khiến tôi phải kêu lên: “Người ta đã xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam bằng tiếng Tàu, tiếng Tây và bây giờ là tiếng Mỹ!” Từ thực tế ấy, tôi không mong cộng đồng khoa học dễ dàng chấp nhận. Đã quá lâu rồi, dân An Nam Giao Chỉ chúng ta chỉ là chú học trò nhỏ cúc cung vâng theo những lời vàng ngọc của thầy Tàu, thầy Tây. Có một nghịch lý mà đã mấy ai ngờ: cho tới nay người Tàu cũng chẳng biết đích xác tổ tiên họ là ai, vậy mà chúng ta cứ làm cái việc ngớ ngẩn là truy tìm tổ tiên Việt từ sách của những người muôn năm cũ như Tư Mã Thiên? Thời buổi bây giờ đã khác, khi nắm được thông tin, đầu óc chúng ta không thua kém bất cứ trí tuệ sáng láng nào của nhân loại. Hơn nữa, trên bình diện lịch sử văn hoá phương Đông, chúng ta còn làm tốt hơn họ do sự mách bảo của tâm linh.

Những vấn đề ông Nguyễn Kết đặt ra với bài báo nhỏ của tôi nếu giải đáp thấu đáo sẽ là cả một cuốn sách. Ở đây tôi chỉ xin hầu chuyện ông và độc giả một cách vắn tắt.

1. Ba bà Eve

Từ thế kỷ trước, ngành nhân chủng học đã chia loài người thành 3 đại chủng là da vàng, da đen, da trắng. Nhưng khi đi sâu thêm, thấy trong mỗi đại chủng lại có những nhóm di truyền gần gũi nhau hơn, vì vậy nảy sinh ra đơn vị phân loại thấp hơn là nhóm loại hình. Khi đi sâu thêm nữa, lại thấy trong mỗi nhóm loại hình những quần thể người gần gũi nhau hơn, và đơn vị phân loại mới ra đời: chủng. Đó là những tri thức tối thiểu giúp cho ta phân biệt rằng người Việt Nam, Nhật, Hàn là chủng Mongoloid phương Nam, thuộc nhóm loại hình Đông Nam Á. Trong khi đó người ở phía Bắc Trung Quốc thuộc chủng Mogoloid phương Bắc. Nếu không có sự phân loại theo chiều sâu như vậy, chắc chúng ta sẽ rối trong mớ bòng bong. Tuy bây giờ không có người thuần chủng nhưng cũng không có người từ khe đá chui ra hay những người không có cội nguồn.

Với công nghệ gene, con người ngày nay dò tìm được tới cùng dòng lưu truyền của máu huyết thiêng liêng. Khi truy tìm những yếu tố di truyền nữ đặc trưng nhất cho chủng loại, bằng toán thống kê, người ta thấy, tất cả đàn bà da trắng được bắt đầu bằng người đàn bà duy nhất. Đàn bà da đen, da vàng cũng vậy. Nhưng khi so sánh bộ gien của 3 người đàn bà tổ ấy, người ta phát hiện sự khác biệt giữa họ. Kết luận tất yếu rút ra: thoạt kỳ thuỷ có 3 người đàn bà tổ. Nhân loại có những 3 bà Eve!

Một cách tương tự, người ta truy tìm ra người đàn ông tổ cho mỗi đại chủng. Khi so sánh mã di truyền của ba ông, thấy trùng khớp nhau: ta với mình tuy ba mà một! Phát hiện này đạt tới sự chính xác toán học, nhưng theo sự thận trọng mới học được từ cộng đồng khoa học, tôi chỉ nói: có thể!

Có thể, trong bước đường thiên di của mình, có những nhóm người thuần Mongoloid và Australoid đã tới Sundaland rồi di cốt của họ bị chìm lấp. Người ta chỉ tìm được một vài sọ tiền (proto) Mongoloid tại Hetao trên cao nguyên Mông Cổ là dấu vết của cuộc độc hành định mệnh lên vùng Tây Bắc Trung Hoa, dự trữ nguồn gene Mongoloid phương Bắc cho nhân loại. Trên đất Đông Nam Á không hề phát hiện được sọ Australoid hay Mongoloid thuần chủng, mà chỉ dựa vào những sọ người lai Indonesien, Melanesien, khoa học biết được sự có mặt của họ. Phải chăng do sống chung đụng tại châu Phi và Trung Đông, hoà huyết với các chủng khác mà yếu tố Mongoloid tại đây bị chìm (lặn), trong khi đó lại trội ở châu Á?

2. Tìm về cội nguồn văn hoá nhân loại

Khoa học xác nhận rằng, đợt di cư đầu tiên của người hiện đại ra khỏi Trung Đông tới Việt Nam vào khoảng 70.000 năm trước.

30.000 năm sau, do băng hà tan, mở ra đợt di cư thứ hai từ Trung Đông lên châu Âu.

Cũng thời gian này, người Đông Nam Á đi lên khai phá đất Trung Hoa.

Cùng khởi hành một lúc nhưng hành trang không giống nhau. Trong môi trường nhiệt đới ấm áp, thức ăn dồi dào, người Đông Nam Á sinh sản mạnh và bước nhanh vào văn hoá đá mới, sáng tạo công cụ đá mài mà tiêu biểu là chiếc Việt, loại búa lưỡi cong, một công cụ ưu việt nhất của nhân loại đương thời.

Trong khi đó, do sống trong vùng đất chật hẹp, khí hậu khắc nghiệt, người Trung Đông chỉ có sự tiến bộ chậm chạp nên mới bước sang văn hoá đá mới. Châu Âu vừa tan băng cũng không trù phú gì. Người châu Âu vẫn sống bằng săn bắt hái lượm, mãi sau mới chuyển sang du mục.

Trong khi đó, người Đông Nam Á đã thuần hoá được gà, chó và phát minh hạt giống lúa từ 15.000 năm trước. (Thời Darwin đã biết mọi giống gà của thế giới đều do con gà rừng duy nhất được thuần hoá từ Đông Nam Á 15.000 năm trước. Chó cũng vậy. Lợn cũng được nuôi sớm nhất ở đây). Đến thiên niên kỷ thứ IV TCN, Đông Á có nền văn hoá vật thể và phi vật thể tiến bộ nhất của nhân loại.

Khoảng 7.500 năm trước, do đại hồng thuỷ, những nhà thông thái phương Đông đã cưỡi những con thuyền Noah mang hạt giống cùng vật nuôi đến Ai Cập, Lưỡng Hà khai sáng văn minh phương Tây. Không bỗng dưng loài người gọi sự trồng cấy culture là văn hoá.

Cũng như hiện nay phần lớn nhân loại sống trong văn minh, thì cũng còn những tộc người ăn lông ổ lỗ. Vì vậy, việc phương Đông đi trước phần còn lại của nhân loại 10.000 năm là chuyện đương nhiên!

3. Thời điểm của nông nghiệp

Những thông tin về hang thần, về hạt lúa 9.000 năm trước bên sông Dương Tử… đều có trong computer những nhà nghiên cứu văn hoá Đông Nam Á. Nhưng đấy không phải là tất cả, nhiều lắm cũng chỉ là phần nổi của tảng băng. Cái phần khuất lấp còn lớn hơn, đó là đồng bằng Nanhailand và Sundaland với diện tích bằng lục địa Ấn Độ bị chìm. Mà đấy chính là nơi con người đặt chân lên trước tiên, để 40.000 năm sau mới leo lên Sơn Vi, làm nên văn hoá Hoà Bình. Chiều hướng phát triển của văn hoá là từ biển vào. Việc giống gà, giống chó được thuần hoá ở đây 15.000 năm trước nói lên dấu vết của nông nghiệp. Việc tìm thấy gốm 20.000 năm tuổi ở Nhật không đáng để suy nghĩ sao, khi ta biết, người ở Nhật đã từ Đông Nam Á tới. Tìm ra cổ vật và định tuổi chính xác là công việc của nhà khảo cổ. Nhưng nhà nghiên cứu văn hoá lịch sử còn có quyền ước đoán, miễn là những ước đoán đó phù hợp với logic nội tại của vấn đề. Tước mất của nhà nghiên cứu quyền ước đoán giả định, cuộc sống sẽ nghèo đi biết bao nhiêu!

Bằng dự cảm trong tiềm thức, tôi tin những gì Giáo sư Wilhelm G. Solheim II nói và cũng tin Stephen Oppenheimer qua những dòng trích sau đây của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Quốc gia Úc, một nhà di truyền học nghiêm túc qua công trình về tác nhân màu cam và những bài viết phổ biến trên mạng:

“Ông trình bày dữ kiện liên quan đến trồng trọt khoai lang (khoai mỡ, yam) và khoai nước (taro) được tìm thấy ở Nam Dương, mà tuổi cỡ 15.000 đến 10.000 trước Dương lịch; kỹ thuật trồng lúa có xấp xỉ tuổi cũng được tìm thấy ở Mã Lai Á.

Theo Oppenheimer, Atlantis của Đông Nam Á, tạm gọi là "Sundaland", bởi vì vùng này là một thềm lục địa Sunda, nơi từng là trung tâm hàng đầu về cuộc cách mạng thời đại đồ đá mới (Neolithic Revolution), bắt đầu phát triển kỹ thuật trồng trọt, dùng đá để nghiền hạt lúa, vào khoảng 24.000 ngàn năm trước đây, tức là trước cả Ai Cập và Palestine khoảng 10.000 năm.”

(Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam)

4. Chữ viết 12.000 năm

Đúng như ông Nguyễn Kết nói, tài liệu về văn bản Bán Pha 2 quá ít. Nhưng thực có di chỉ Bán Pha 2 với 12.000 năm tuổi không? Rõ ràng là có. Việc lộn hiện vật giữa Bán Pha 1 với Bán Pha 2 cách nhau 3,5 mét đất sâu là điều khó xảy ra với một đoàn khảo cổ quốc tế! Sau khi Jeff Schonberg công bố phát hiện quan trọng của mình, chưa có ai chứng minh đó là giả mạo. Sự im lặng thì không đáng lạ! Ý kiến của ông Trương Cư Trung nói với nhà nghiên cứu Trương Thái Du có đủ sức tin cậy không? khi chúng ta đã có kinh nghiệm với Sansingdui và nhiều nơi khác.

Thiết nghĩ, J. Schonberg không thể bịa ra chiếc bình với những hàng “chữ” cổ đó. Việc ông căn cứ vào chữ viết thời Thương để giải mã văn bản đó là có lý. Một văn bản mang đậm sắc thái văn hoá phương Đông như vậy không thể bịa ra được. Chẳng những thế, vết tích câu chuyện còn lưu giữ trong ký ức của dân chúng vùng Tây An là một đảm bảo khá vững chắc.

Ông Nguyễn Kết có nhắc tới chữ thắt nút của người Inca. Nhưng xin hỏi, người Inca là ai? Đó là những người từ Đông Nam Á, mang văn hoá thắt nút của tổ tiên Bách Việt sang Mỹ 30.000 năm trước. Trong môi trường mới, không thể sáng tạo thêm, nhánh người Việt này đã hoàn thiện kỹ thuật thắt nút tới mức như ông Nguyễn Kết trưng dẫn. Trong khi đó, cộng đồng Việt ở lại đã tiến sang chữ Khoa đẩu rồi Hoả tự.

Trong sự phát triển như vậy về vật chất cùng tinh thần thì việc có chữ - những ký hiệu, ký tự sắp xếp theo quy luật, chuyển tải được tư tưởng con người - ở 12000 năm trước là điều có thể hiểu được.

Ông Nguyễn Kết phát biểu một luận điểm đúng: “Một sự kiện liên quan đến sự phát sinh chữ viết trong thời tiền sử là, nó không thấy có nơi nhiều cộng đồng cư dân đa tạp về ngôn ngữ mặc dù nền văn hoá, văn minh liên hệ có thể rất cao.”

Nhưng ông đã sai khi cho rằng: “Có lẽ ngay cả người “Việt” cổ từ thời Phùng Nguyên trở đi cũng là một trường hợp. Lí do có thể là, chữ viết bị đóng khung trong trong một ngôn ngữ nhất định, không thích hợp cho sự truyền đạt, do đó không có điều kiện để phát triển một khi người ta hài lòng với việc có thể hiểu nhau thông qua các kí hiệu thuần tuý Phùng Nguyên cũng giống như người Inca.”

Trong khi Inca tách khỏi Đông Á thì người Phùng Nguyên giữ vai trò lãnh đạo cộng đồng khối dân cư này về ngôn ngữ và xã hội. Theo một tính toán tôi đã dẫn trong “Tìm lại cội nguồn…” thì vào thiên niên kỷ IV TCN, người Đông Á chiếm tới 2/3 nhân số loài người, trong đó tộc Lạc Việt (Phùng Nguyên, chủng Indonesien) chiếm tới 40%. Ngôn ngữ của họ là Mon-Khmer, một ngôn ngữ lớn của toàn khối Đông Á. Trong môi trường ấy, người Lạc Việt rất cần chữ viết và có chữ viết từ rất sớm: chữ thắt nút rồi chữ Khoa đẩu. Đó là tiền thân của văn tự Trung Hoa.

5. Về sách Dịch

“Sách” là thuật ngữ có nghĩa rộng: cuốn từ điển trên tay ta là sách. Vài mảnh da dê ghép lại thành sách. Sách cũng là những phiến đá khắc chữ cổ… Sách Dịch càng đơn giản, bởi đó chỉ là những chấm trắng chấm đen của Hà đồ, Lạc thư, những vạch đứt vạch liền của của quái. Kèm theo đó là những ký hiệu giải nghĩa. Có thể khắc mấy trang sách Dịch trên đá, trên những phiến đất sét rồi nung… Đó là xác của Dịch. Còn hồn Dịch ở trong tâm trí những quan Thái bốc, những người thuộc làu dịch lý và có nhiệm vụ dạy truyền cho người kế nghiệp. Khi 12.000 năm trước đã có “chữ” thì thời Phục Hy, Thần Nông 4.800 năm trước, sách Liên Sơn, Quy Tàng không có mới lạ!

Không bỗng dưng mà trong sách Thượng thư Khổng Tử lại nói tới Tam phần. Một thời gian người ta không hiểu là gì nhưng rồi sau đó phát hiện ra là những cuốn sách bói. Tôi nghĩ điều ấy thật hiển nhiên.

6. Gốc và ngọn

Tôi cứ mường tượng thế này: văn hoá Á Đông giống như một cái cây. Hoà Bình Việt Nam là gốc rễ mà cành nhánh sum suê toả ra toàn Đông Á. Gốc sâu rễ bền nhưng hoa trái lại ở trên cành. Phải chăng, khi lên Trung Nguyên, trong môi trường mới mẻ rộng rãi phóng khoáng, người Việt ở phương Bắc đi ngày đàng học sàng khôn đã phát huy cao độ những tri thức thu lượm từ đất Tổ, sáng tạo những điểu mới mẻ. Và chúng ta cũng thấy những người Lạc Việt cùng Lạc Long Quân trở về Nghệ Tĩnh là những người tài giỏi, được đồng bào tại chỗ đón nhận rồi sau đó tôn người giỏi nhất làm vua. Không có chuyện đánh nhau tranh đất, chỉ có thể là hiện tượng những người cùng máu huyết và tiếng nói trở về mái nhà xưa. Rất có thể những người này mang theo tư tưởng mới về Dịch vun đắp cho gốc rễ Dịch Phùng Nguyên. Cái gốc Văn Lang lúc này cũng đang sung sức sáng tạo: hiện vật đồng thau sớm nhất loài người xuất hiện tại đây. Và Văn Lang còn là nơi sản ra nhiều trống đồng loại đẹp nhất!

Tôi hiểu ý thiện trong lòng ông Nguyễn Kết. Ông rất sợ những điều nói nghịch nhĩ của tôi phá vỡ mối đồng thuận tinh thần của cộng đồng. Nhưng thưa ông, sự đồng thuận nào đây? Phải chăng là đồng thuận “Tổ tiên ta là người Gaulois”? Phải chăng là đồng thuận “Người Hán là tổ tiên của người Việt?” Thật khó đồng thuận khi một anh sinh viên đọc đâu đó trên mạng: “Người hiện đại tới Việt Nam đầu tiên sau đó lên khai phá Trung Hoa, khi bị quân Mông Cổ xâm lấn thì trở về dựng nước Văn Lang” với bài giảng của vị giáo sư danh tiếng: “Khi nước Sở diệt nước Việt, người Việt từ nam sông Dương Tử chạy xuống Việt Nam dựng nước Văn Lang.”

Đồng thuận là cần nhưng phải đồng thuận trên cơ sở hiểu biết chân xác lịch sử dân tộc, cội nguồn tổ tiên.

HVT, Tân Phú 7.5.2007, © 2007