Công nghệ quân sự Trung Quốc và Đại Việt (kỳ 1)

Nếu phương Tây đã có nhiều bộ sử công phu về lịch sử khoa học quân sự, sự chuyển giao và tác động của công nghệ quân sự đối với tiến trình lịch sử phương Tây thì lĩnh vực này ở Đông Nam Á vẫn chưa được khảo sát đầy đủ.

Trong số ra tháng Mười 2003, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (Journal of Southeast Asian Studies) của Đại học quốc gia Singapore giới thiệu chuyên đề về sự chuyển giao quân sự từ bên ngoài vào Đông Nam Á.

Chùm ba bài tiểu luận đặt trong chủ đề chung “Foreign military transfers in mainland Southeast Asian wars: adaptations, rejections and change.”

Trong phần giới thiệu, giáo sư Christopher E. Goscha, đại học Lyon II, viết:

“Như tại châu Âu, việc chuyển giao, thích ứng và sử dụng kiến thức và kỹ thuật quân sự nước ngoài đã đóng góp nhiều vào sự phát triển của các nhà nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ để viết về những sự chuyển giao quân sự đó tại Đông Nam Á. Sau nhiều thập niên dưới chế độ thuộc địa phương Tây, chưa kể các cuộc chiến giải phóng dân tộc ở Đông Dương và Indonesia, các kiến trúc sư quá khứ, mang quan điểm dân tộc chủ nghĩa, muốn chọn cách nhấn mạnh yếu tố ‘bản địa’ và ‘chân thật’ thay vì ngoại lai.”

“Việc đưa các đóng góp ‘phương Tây’ và ‘Hoa kiều’ vào bức tranh chung có thể gây vấn đề cho các sử gia dân tộc chủ nghĩa, những người muốn nhấn mạnh vai trò của dân tộc họ trong việc xây dựng quốc gia và quá khứ của nó.”

“Mặc dù ba bài viết ở đây lưu ý các quan tâm ‘quốc gia’ và ‘khu vực’, nhưng chúng cũng dựa trên niềm tin rằng không quốc gia hay khu vực nào là một hòn đảo – cũng như quá khứ của quốc gia đó. Bản chất tương liên của Đông Nam Á, vị trí của nó ở giao lộ các tuyến thủy-bộ chính và sự đa dạng trong văn hóa-xã hội khiến các quan niệm về sự tự chủ quốc gia và khu vực khó đứng vững. Điều này đặc biệt đúng khi ta tìm hiểu dòng lưu chuyển kiến thức và kỹ thuật quân sự nước ngoài vào Đông Nam Á lục địa.”

Trong ba bài tiểu luận, một bài của Sun Laichen xem xét sự du nhập công nghệ từ nhà Minh vào Đông Nam Á lục địa thời kì từ 1390 đến 1527. Nhìn từ phía nam, Frédéric Mantienne tập trung vào chuyển giao quân sự của Pháp vào Việt Nam trong thế kỷ 18 và đầu 19. Bài của Christopher E. Goscha tìm hiểu dòng chảy vũ khí vào Việt Nam qua các ngả đường châu Á từ 1905 đến 1954.

Bài viết của Sun Laichen, giáo sư đại học bang California, Fullerton, bao quát cả khu vực Đông Nam Á, tuy vậy trong một bài tiểu luận khác (sẽ xuất bản trong tập Vietnam: Borderless Histories, Nhung Tuyết Trần & Anthony Reid biên tập, University of Wisconsin Press, 2004), ông tập trung hẳn cho chủ đề Đại Việt. Bài viết có tựa đề “Chinese Military Technology and Dai Viet: c. 1390-1497.” Nội dung nghiên cứu này sẽ mở đầu cho loạt bài về du nhập công nghệ quân sự giới thiệu lần này.

Xin lưu ý các bài viết trình bày ở đây chỉ mang tính giới thiệu, tóm tắt nội dung chính, chứ không phải là bản dịch lại trọn vẹn văn bản gốc. Người đọc quan tâm có thể tìm đọc nguyên bản trong Journal of Southeast Asian Studies (Đại học quốc gia Singapore, tháng Mười 2003) hoặc download ở đây.

Đại Việt thời Hậu Trần – Hồ

Thế kỷ 15 chứng kiến Việt Nam (Đại Việt – quốc hiệu có từ thời nhà Lý) mở rộng cương vực rộng lớn chưa từng có. Sự bành trướng này bao gồm sự kiện nổi tiếng năm 1471 khi kinh đô Vijaya của Chămpa thất thủ trước quân Lê Thánh Tông, và cuộc “trường chinh” ít người biết của Đại Việt đến sông Irawaddy của Miến Điện khoảng giữa 1479 và 1484. Trong chủ đề bài viết của Sun Laichen, câu hỏi chính đặt ra là vì sao, sau hàng trăm năm đối đầu với Chămpa, Đại Việt lại có thể đánh quỵ Chămpa vào thời điểm này?

Các quan điểm giải thích chính trước nay có thể tóm tắt như sau:

Đầu tiên, luận điểm về nông nghiệp và dân số: quan điểm này cho rằng sự tăng dân số của Đại Việt vừa tạo động lực lại vừa đem lại lợi thế cho tiến trình Nam tiến của người Việt. Chiến thắng của người Việt, tóm gọn lại, là chiến thắng của biển người.

Thứ hai, luận điểm về sự chuyển hóa Khổng giáo cho rằng cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1406-1407 dẫn tới việc người Việt áp dụng mô hình Trung Hoa kiểu nhà Minh, đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497), khiến nhà nước Việt Nam được chuyển hóa. Cụ thể, Đại Việt bám lấy hệ tư tưởng của Trung Hoa “văn minh đối nghịch dị chủng” và áp dụng nó trong quan hệ với Chămpa. Như lời của John K. Whitmore, một trong những chuyên gia nổi tiếng về triều Lê: “Giờ đây câu hỏi về đạo đức chiếm vai trò trung tâm và đánh dấu sự khác biệt giữa người “văn minh” và người “man di”. Sự tương đối văn hóa không còn ngự trị , và các cuộc tấn công cũng thôi không còn là các cuộc cướp phá để sau đó một hoàng tử địa phương khác được đặt lên ngôi. Giờ đây mục tiêu là đem ‘văn minh’ cho các địch quốc dị chủng.” Nói cách khác, người Việt phải chiếm vĩnh viễn Chămpa để khai hóa cho dân tộc đó.

Thứ ba, luận điểm về định chế. Nếu lý thuyết về Khổng giáo giải thích sức mạnh thể chế của Đại Việt, sự diễn giải định chế giải thích yếu kém của Chămpa. Theo Kenneth R. Hall, Chămpa là “một hệ thống nhà nước được thể chế hóa yếu ớt phụ thuộc vào các mạng lưới liên minh cá nhân để liên kết một dân số tản mác.” Kết quả là sự yếu kém thể chế cố hữu của nhà nước Chăm cuối cùng đóng dấu số phận của nó.

Thế bài của Sun Laichen có gì khác? Nghiên cứu của ông tiếp cận vấn đề từ góc độ kỹ thuật bằng cách xem xét khía cạnh công nghệ quân sự. Nó cho rằng hỏa khí lấy từ gốc Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tiến về miền Tây, Nam của Đại Việt trong cuối thế kỷ 15.

Vũ khí Đại Việt thời kỳ đầu

Việc chuyển giao công nghệ quân sự từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có từ lâu, nhưng một diễn biến quan trọng xảy ra đầu thời Minh. Năm 1390, vua Chế Bồng Nga của Chămpa bị giết khi trúng đạn của quân nhà Trần. Loại súng được dùng để bắn vào thuyền vị vua họ Chế trước nay thường được hiểu là thần công, nhưng có lẽ nên hiểu đó là súng cầm tay. Như Momoki Shiro - đại học Osaka, Nhật Bản - chỉ ra, đó là loại vũ khí mới.

Để hiểu tầm quan trọng của chiến thắng năm 1390 của Đại Việt, cần nhớ trong suốt nhiều năm trước đó, sức mạnh của vua Chế Bồng Nga là nỗi kinh hoàng cho nhà Trần. Trong ba thập niên (1361-1390), Chế Bồng Nga thực hiện khoảng mười cuộc xâm lăng vào Đại Việt, và thủ đô Thăng Long rơi vào tay quân Chàm ba lần. Khi tướng Trần Khát Chân được cử đi chống quân Chămpa, vua tôi nhà Trần cùng khóc giữa lúc quân tiến lên đường. Giữa lúc khủng hoảng đó, thì một đầy tớ của họ Chế vì bị tội, trốn sang quân Trần chỉ cho biết thuyền của vua Chế. Tướng Trần Khát Chân cho tập trung hỏa lực bắn vào thuyền Chế Bồng Nga, Chiêm vương trúng đạn chết, quân tướng bỏ chạy. Trong tác phẩm về lịch sử Chămpa, học giả Pháp Maspero cho rằng sự phản bội của người đầy tớ Chàm đã ngừng bước tiến của quân Chàm và cứu Đại Việt khỏi sụp đổ. Tuy vậy, nếu không có kỹ thuật thuốc súng mới thu lượm, chiến thắng thủy chiến của Đại Việt, cũng như số phận vương quốc, sẽ không chắc chắn. Vì thế, năm 1390 được nhiều người xem là đánh dấu sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa Đại Việt và Chămpa. Có vẻ như hiệu quả của công nghệ quân sự mới của Đại Việt đóng một vai trò trong thay đổi này.

Mặc dù nguồn gốc của loại súng cầm tay của Đại Việt không được nhắc rõ, có thể suy đoán nó được học hoặc từ các thương nhân hoặc từ những binh lính đào ngũ nhà Minh trước năm 1390. Dường như việc áp dụng súng tại Đại Việt đã tăng nhu cầu về thuốc súng, giống như vào năm 1396, nhà Hậu Trần dưới sự kiểm soát của Hồ Quý Ly phát hành tiền giấy và yêu cầu nhân dân đổi lại tiền đồng, có thể một phần với mục đích thu thêm đồng để sản xuất súng.

Sự xâm lăng và chiếm đóng của nhà Minh tại Đại Việt từ 1406 đến 1427 thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ quân sự từ Trung Quốc. Nhà Minh đã huy động các vị tướng và binh lính thiện chiến nhất cho chiến dịch tấn công Đại Việt. Để đối phó với hỏa khí của Đại Việt, vua Minh Thành Tổ ra lệnh sản xuất các khiên lớn và dày. Ông ra lệnh không được để lộ kỹ thuật làm súng cho đối phương, phải bảo đảm là khi rút quân, súng “phải được đếm theo số hiệu và không để một khẩu súng nào thất lạc.” Trong số 215.000 quân Minh tham gia chiến dịch viễn chinh, khoảng 21.000 lính thuộc khẩu đội được vũ trang bằng súng.

Ngày 19 tháng 11-1406, quân Minh do Trương Phụ dẫn đầu tiến vào từ Quảng Tây, còn đội quân của Mộc Thạnh tấn công từ Vân Nam. Sau các thắng lợi ban đầu, quân Minh tổ chức đánh thành Đa Bang, thuộc Sơn Tây, là tiền tuyến của quân Hồ. Việc chiếm thành Đa Bang bộc lộ vai trò quan trọng của súng ống của quân Minh. Đa Bang là vị trí chiến lược quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống phòng thủ khi ấy của Đại Việt, và nhà Hồ tập trung quân tướng và vũ khí tốt nhất để phòng thủ nơi này. Trận tấn công bắt đầu ngày 19 tháng Giêng, 1407. Khi quân Minh dùng thang ập vào thành mà leo lên, những người lính Việt chỉ có thể bắn vài mũi tên và đạn. Sau khi vào thành, quân Minh đối diện với các đoàn voi trận. Quân Minh vẽ hình sư tử trùm lên ngựa để làm voi sợ, và đặc biệt, nhóm quân súng thần cơ đóng vai trò quyết định cho thắng lợi của quân Minh. Các đoàn voi trận Đông Nam Á vốn vẫn là đối thủ đáng gờm trước quân Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, nhưng trước hỏa lực mạnh của đối phương, voi đành bỏ chạy. Khi Đa Bang vỡ, quân nhà Hồ không còn ngăn được đà tiến về miền đông và nam của quân Minh. Ngày 20 tháng Giêng, Đông Đô (Thăng Long) sụp đổ, và sáu ngày sau, Tây Đô (vùng Thanh Hóa) cũng rơi vào tay quân viễn chinh.

Trong các trận chiến sau đó, súng của quân Minh cũng chứng tỏ hiệu quả. Ngày 21 tháng Hai, trên Lục giang, quân Minh huy động thủy – lục quân với nhiều loại súng, tấn công 500 chiến thuyền của Hồ Nguyên Trừng, giết chết hơn 10.000 lính Việt. Một nguồn sử Trung Hoa mô tả trận chiến là “súng bắn ra như sao rơi, sét đánh.” Đầu tháng Năm 1407, một trận lớn diễn ra ở bến Hàm Tử, Hưng Yên. Nhà Hồ huy động lực lượng đáng kể (70.000 quân) và nhiều chiến thuyền kéo dài trên sông đến năm cây số. Mặc dù quân Hồ cũng sử dụng súng chống trả, nhưng hỏa lực quân Minh vẫn đủ sức tạo chiến thắng, với 10.000 lính Việt tử trận. Ngày 16-17 tháng Sáu 1407, quân Minh kết thúc chiến dịch với việc bắt sống Hồ Quý Ly và các con. Chiến thắng nhanh chóng khiến tướng Hoàng Phúc bình luận: “Thành công nhanh chóng thế này chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ.”

Đại Việt dưới thời Hồ Quý Ly đã chuẩn bị cho khả năng bị xâm lăng từ sớm, và huy động một lực lượng quân đội lớn chưa từng thấy. Tuy vậy, chế độ nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng. Lý do, bên cạnh các yếu tố khác như bất mãn của tầng lớp quý tộc và dân chúng trong nước, sai lầm chiến lược, còn là ưu thế quân sự, bao gồm súng đạn, của nhà Minh.

Đại Việt áp dụng kỹ thuật súng

Tuy nhiên, quân Minh dần dần đánh mất ưu thế công nghệ này vì đối phương của họ, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cướp ngày càng nhiều vũ khí của quân Minh trong các trận đánh năm 1418, 1420, 1421, 1424 và 1425. Ví dụ như trận Ninh Kiều cuối năm 1426. Trước đó, quân Minh ở Đông Quan (Thăng Long) đã sử dụng súng để chống đỡ đợt vây ráp của quân Lê Lợi. Người Việt rút lui, và quân Minh đuổi theo. Khoảng 100.000 quân Minh do Vương Thông và các tướng khác dẫn đầu bị phục kích và chịu thất bại thảm hại. Điều quan trọng cho chủ đề ta đang bàn ở đây là trong số quân Minh có 510 người lính thuộc đơn vị quân súng thần cơ. Vì thua trận, quân Minh mất gần hết vũ khí. Sau khi lui về Đông Quan, họ buộc phải tái sản xuất súng đạn, sử dụng chất liệu đồng từ việc phá hủy chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh (được gọi là hai trong số bốn tứ bảo của Việt Nam).

Chiến thắng Ninh Kiều có hai tầm quan trọng cho quân Lê Lợi. Thứ nhất, đây là lần họ thu được nhiều nhất súng ống của quân Minh, khiến trang bị được tăng cường. Thứ hai, trận đánh là điểm bước ngoặt trong phong trào chống Minh của Đại Việt. Đến tháng 12-1426, Lê Lợi đã đưa quân ra vây Đông Quan.

Ngoài ra, những tù binh và hàng tướng quân Minh cũng dạy lại cho người Việt các kỹ thuật quân sự. Trong số hàng binh, có lẽ viên sĩ quan có tên Cai Fu là nhân vật cao cấp nhất. Ông ta đã đóng vai trò lớn giúp quân Minh chiếm thành Đa Bang năm 1407, nhưng đến đầu năm 1427, ông đầu hàng và dạy cho quân của Bình Định Vương Lê Lợi các kỹ thuật đánh thành mà sau đó sẽ dùng để lấy Xương Giang và Đông Quan.

Các loại vũ khí, thu được hay chế tạo mới, đã giúp quân Đại Việt đánh đuổi quân Minh. Điều này đặc biệt thể hiện trong việc vây thành Xương Giang, có lẽ là cứ điểm quan trọng nhất của quân Minh đầu năm 1427. Quân Minh dựa vào đây để hỗ trợ Đông Quan trong lúc chờ viện binh từ Trung Quốc. Vì thế, quân Đại Việt quyết chiếm lấy Xương Giang trước khi viện binh Trung Quốc đến từ Vân Nam. Lê Lợi đã vây thành này hơn sáu tháng, nhưng vẫn chưa đánh được. Khoảng hai ngàn lính Minh đã dùng súng và máy bắn đá để bảo vệ thành phố. Cuối cùng, khoảng 80.000 chiến binh Đại Việt đã cướp được thành bằng cách dùng những kỹ thuật học từ người Trung Quốc. Đại Việt sử ký toàn thư chép quân Lê Lợi “mở đường đánh nhau với giặc, dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa, bốn mặt đánh vào, thành cuối cùng bị hạ.” Giống như việc quân Minh chiếm thành Đa Bang năm 1407 báo hiệu nhà Hồ sụp đổ, việc Xương Giang vỡ cũng báo hiệu ngày tàn của quân Minh. Nếu không có hỏa lực hạng nặng, gần như không thể có chiến thắng của quân Đại Việt. Hai mươi năm sau khi Đa Bang sụp đổ, quân Đại Việt giờ đây được vũ trang tốt hơn với các loại súng mà nhiều trong đó lấy của quân Minh.

Chiếm được Xương Giang, quân Đại Việt cướp thêm được nhiều vũ khí, và họ chiếm thêm được nhiều hơn nữa khi cuối năm 1427, quân Đại Việt đánh bại 150.000 viện binh nhà Minh. Đại Việt sử ký toàn thư chép là số vũ khí mà quân Lê Lợi lấy từ viện quân nhiều gấp đôi số lượng lấy được từ Xương Giang. Khi hơn 80.000 quân và thường dân nhà Minh cuối cùng rút khỏi Đại Việt tháng Giêng 1428, chắc chắn số binh lính Minh đã bị tước vũ khí. Số lượng vũ khí cũng như người Minh còn ở lại Đại Việt sau khi quân Minh rút lui đã gây lo ngại lớn cho triều đình phương Bắc. Nhà Minh liên tục đòi Đại Việt trao trả các quan binh, và vũ khí. Về vũ khí, mặc dù chính thức thì bảo đã trả hết, nhưng Đại Việt không trả lại món nào và cuối cùng triều Minh phải từ bỏ yêu sách.

(Source: BBCV)