Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Phùng Khắc Khoan (1528-1613)
Trạng Bùng
Phùng Khắc Khoan (1528-1613)
Thứ Tư 31, Tháng Giêng 2007
Phùng Khắc Khoan hiệu là Nghị Trai, tự Hoằng Phu, biệt hiệu Mai Nham Tử, quê ở làng Phùng Xá (làng Bùng), tổng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Tây).
Ông nổi tiếng thơ văn, tính khí khảng khái hào hùng, lúc nhỏ thọ giáo với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tương truyền ông chính là em cùng mẹ khác cha với Nguyễn Bỉnh Khiêm và là người có công phò tá triều Lê Trung Hưng dẹp nội loạn. Năm 1580, ông thi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ, tước Mai Lĩnh Hầu, sau gia phong Mai Quận Công.
Ông được vua Lê nhiều lần cử đi sứ sang Trung Quốc, lại có tài đối đáp tôn vinh quốc thể khiến vua tôi nhà Minh càng kính nể và đã có châu phê: "Nhân tài ở đâu cũng có, xem thơ Khắc Khoan, thấy rõ là người học rộng, lại đầy lòng trung nghĩa thực là đáng khen".
Ngoài chuyện chính sự, ông là người tích cực xây dựng quê hương làng xóm. Tương truyền ông là người dạy cho dân làng Bùng biết khai mương dẫn thủy, biết trồng giống ngô mới, đồng thời cũng là người đem nghề dệt lụa về cho dân làng Bùng.
Năm 1613, ông mất, thọ 86 tuổi. Nhân dân làng Bùng lập đền thờ truy tôn ông làm Phúc thần. Vì cảm mến tài năng đức độ và công lao xây dựng quê hương nên nhân dân tôn xưng ông là Trạng, thường gọi Trạng Bùng.
Ông để lại các tác phẩm chính: Nghị Trai thi tập, Ngôn chí thi tập, Phùng Công thi tập, Nông sự tiện lãm, Ngư phủ nhập đào nguyên (chữ Nôm), Sứ Hoa bút thủ trạch thi, Mai Lĩnh sứ Hoa tùng Vịnh.