Công nghệ quân sự Trung Quốc và Đại Việt (kỳ 2)
Tuy vậy, cần nói rằng Đại Việt không chỉ du nhập công nghệ quân sự mà cũng "xuất khẩu" một số kỹ thuật ưu việt sang Trung Quốc. Sau khi nhà Minh chiếm Đại Việt năm 1407, họ thu lấy một loại mũi tên của người Việt (shen qiang), có thể dịch ra là “thần tiễn”. Kỹ thuật này sau đó được Trung Quốc thu nhận cho loại súng ngắn vào năm 1415.
Đóng góp của người Việt
Ngoài ra, thiết bị gảy cò súng ngắn, làm ít nhất từ năm 1410 trở đi, được cải tiến ở chỗ, thay vì một lỗ nhỏ nơi chêm kíp nổ vào, thì bây giờ là một khe hình chữ nhật có nắp thêm vào phần đằng sau của nòng súng ngắn. Nhờ thế thuận tiện hơn khi kích hoạt thuốc súng trong khe và chiếc nắp thì che cho khỏi ướt thuốc súng trong những ngày mưa. Người ta đoán rằng thiết bị này có thể được người Việt sáng chế vì mô hình đầu tiên được làm năm 1410 sau khi nhà Minh xâm lược Đại Việt, và còn vì khí hậu nhiệt đới ở Đại Việt có lẽ đã khuyến khích tạo nên sáng chế này.
Theo lệnh của vua Minh, những tù binh Việt Nam giỏi làm súng được đưa về thủ đô Nam Kinh cùng với các thợ thủ công khác. Khoảng 17.000 người Việt được đưa về Trung Quốc, trong đó có Hồ Nguyên Trừng (tên tiếng Hoa là Li Cheng). Nguyên Trừng, con trưởng Hồ Quý Ly, là người phụ trách quân cơ dưới triều Hồ. Nhờ giỏi làm vũ khí, ông thoát cảnh tù tội, được vua Minh phong đến chức Công bộ Thị Lang. Khi Nguyên Trừng qua đời ở tuổi 73, con trai ông lại tiếp tục chế tạo vũ khí cho nhà Minh cho đến khi về hưu năm 1470. Cho mãi đến năm 1489, con cháu của những người này vẫn còn đang phục vụ trong triều Minh.
Trong bộ Minh Sử, hoàn thành năm 1739, có một đoạn văn nổi tiếng: “Đến thời Minh Thành Tổ, Giao Chỉ được bình định, kỹ thuật làm súng được học, một tiểu đoàn hỏa khí được đặc biệt thành lập để rèn luyện vũ khí.” Đoạn văn đã khiến nhiều người sau này tin rằng người Trung Quốc, sau khi xâm lăng Đại Việt năm 1406, đã học công nghệ hỏa khí từ người Việt. Theo tác giả Sun Laichen, vấn đề thực sự là Trung Quốc đã học thêm một số kỹ thuật mới, chứ không phải công nghệ thuốc súng, từ Đại Việt. Bộ Minh Sử có vẻ lấy thông tin từ quyển sách của Shen Defu. Theo Shen: “Triều đại chúng ta sử dụng hỏa khí để đánh rợ phương bắc, và hỏa khí này là vũ khí tốt nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, những kỹ thuật bản địa chỉ thu được khi Minh Thành Tổ bình định Giao Chỉ. Triều ta đã dùng viên tướng quốc Nguyên Trừng làm việc tại Công Bộ, phụ trách việc sản xuất các vũ khí của người Việt, và mọi kỹ thuật đều đã được nắm bắt.”
Đại Việt mở rộng về miền Tây, Nam
Dưới triều Lê Thánh Tông (1460-97), Đại Việt bước vào giai đoạn củng cố nội địa và bành trướng lãnh thổ nhanh chóng. Tháng Ba 1471, kinh đô Chà Bàn (Vijaya) của người Chàm thất thủ. Theo sử Việt Nam, hơn 30.000 người Chàm bị bắt, trong đó có vua Trà Toàn, trong lúc 40.000 người Chàm chết. Về phía người Chàm, không có bằng chứng cho thấy họ từng sử dụng hỏa khí. Một phái viên Trung Quốc đến Chămpa năm 1441 kể lại những người lính Chàm gác nơi tường thành chỉ mang theo giáo bằng tre. Một quyển từ điển Hoa-Chàm thế kỷ 15, trong phần từ vựng về vũ khí, chỉ cho người ta thấy các loại thông dụng như giáo mác. Cho mãi đến thập niên 1590, một quan sát của người Bồ Đào Nha còn viết là tuy người Chàm đã có súng, nhưng họ lại phải thuê nô lệ nước ngoài để sử dụng.
Sau khi Đại Việt đánh hạ Chămpa, nhiều láng giềng phía Tây bắt đầu gửi cống phẩm. Thế rồi năm 1479, Đại Việt tấn công thêm Ai Lao, Muong Phuan, Lan Sang. Năm 1480, quân nhà Lê lấn chiếm Nan, khu vực khi đó thuộc Lan Na. Cuối cùng, quân Đại Việt tiến xa lên đến sông Irrawaddy ở vương quốc Ava (thuộc Miến Điện ngày nay). Năm 1485, Đại Việt đưa thêm Melaka vào danh sách các nước nộp triều cống, cùng Chămpa, Lang Sang, Ayudhya và Java. Sự lớn mạnh của Đại Việt trong nửa đầu thế kỷ 15 có thể có một nguyên nhân quan trọng: đó là công nghệ vũ khí mà họ học được.
Sau triều vua Lê Thánh Tông, người Việt tiếp tục sử dụng hỏa khí với cường độ cao, tuy là kể từ đầu thế kỷ 16, các loại súng chủ yếu được sử dụng trong các cuộc tranh giành nội bộ, thay vì chống lại bên ngoài. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, các loại súng được dùng thường xuyên bởi cả hai lực lượng Mạc và Trịnh trong các năm 1530, 1555, 1557, 1578, 1589, 1591, 1592, 1593.
Từ nửa đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19, trong phân tranh Trịnh-Nguyễn, trận Tây Sơn đánh Thanh, phân tranh Nguyễn-Tây Sơn, mặc dù người Việt vẫn sử dụng các thuật ngữ gốc tiếng Hoa để chỉ các loại hỏa khí, nhưng các loại súng kiểu Trung Quốc dần dần nhường chỗ cho kỹ thuật Tây phương. Tuy vậy, chúng vẫn không biến mất hoàn toàn. Cần nói là kỹ thuật quân sự Tây phương sau này du nhập vào Việt Nam không phải trong một khoảng chân không, mà nó được hình thành từ lớp nền Hoa-Việt từ trước đó. Cũng đáng lưu ý là người Việt, khác với nhiều nước Đông Nam Á khác như Miến Điện, có khuynh hướng không dựa vào quân đánh thuê mà vào quân bản địa. Kỹ năng hỏa khí thuần thục của người Việt có lẽ đã khiến cho việc thuê mướn thành không cần thiết.
Kết luận
Hỏa khí Trung Quốc như vậy đã vào Đại Việt khoảng năm 1390, hơn 120 năm trước khi Melaka rơi vào tay người phương Tây (Bồ Đào Nha) năm 1511. Việc chuyển giao công nghệ lại được thúc đẩy với việc chiếm đóng của quân Minh thời kì 1406-1427. Quân Minh, nhờ một phần vào ưu thế hỏa khí, đã chinh phục Đại Việt – một thành tích mà sau này không còn triều đại Trung Quốc nào lặp lại được. Tuy vậy, ưu thế hỏa khí này sau đó đã bị người Việt học hỏi và góp phần vào cuộc đánh đuổi người Minh ra khỏi Đại Việt.
Trao đổi văn hóa diễn ra hai chiều và điều này cũng áp dụng cho sự lan truyền công nghệ quân sự giữa Trung Quốc và Đại Việt. Mặc dù Đại Việt ban đầu học công nghệ thuốc súng từ Trung Quốc, người Việt cũng xuất khẩu một số kỹ thuật sang vùng đất Bắc.
Các nhà nước và dân tộc phát triển và suy thoái vì nhiều lý do. Sự sụp đổ của Chămpa có nhiều nguyên nhân, và công nghệ thuốc súng có thể là một trong nhiều yếu tố đó. Nửa cuối thế kỷ 15 là thời đại vàng son của Đại Việt, đặc biệt về mặt bành trướng ra nước ngoài. Về phía nam, Đại Việt đè bẹp Chămpa sau mấy trăm năm đối đầu để rồi từ đó trở đi Chămpa không còn sức mạnh, khiến tính chất địa chính trị của khu vực Đông Nam Á lục địa thay đổi nhiều. Về hướng tây, Đại Việt không chỉ bình ổn vùng biên giới với các dân tộc Thái, mà còn tiến lên cả sông Irrawaddy ở Miến Điện cuối thập niên 1470. Kết quả là các vương quốc ở mạn bắc của Đông Nam Á lục địa gồm Lan Sang, Chiang Mai, Sipsong Panna và Miến Điện lo ngại, đến cả nhà Minh cũng thấy cần báo động.
Có thể cho là Đại Việt đã mượn, lĩnh hội và nội hóa công nghệ quân sự Trung Quốc và dùng nó cho mục đích của mình, trong lúc Chămpa, vì những lý do chưa rõ ràng, lại không học công nghệ này và hứng chịu hậu quả. Các vương quốc khác tại Đông Nam Á, mặc dù cũng thu lấy công nghệ thuốc súng, nhưng áp dụng nó không hiệu quả như Đại Việt thế kỷ 15.
(Source: BBCV)