Năm 1945

Việt Nam giành độc lập

Thế Chiến 2 chấm dứt và thời cơ của Việt Nam
Đầu năm 1945, Thế chiến thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ở mặt trận Thái Bình Dương, Nhật gặp nhiều khó khăn khi quân Đồng Minh đánh lùi Nhật ở Miến Điện và đổ bộ lên Philippines. Đường biển đến các căn cứ Đông Nam Á của Nhật bị cắt đứt.
Sau khi nước Pháp được hoàn toàn giải phóng, chính quyền tay sai của thống tướng Pétain tại Vichy bị hạ bệ, nước Pháp nghiễm nhiên đứng trong hàng ngũ Ðồng Minh và trở thành thù địch với Phe Trục Ðức-Nhật, chính quyền thực dân tại Ðông Dương ngầm lấy lại lập trường thần phục Paris.
Ngày 9/3/45, quân đội Nhật tại Ðông Dương đã bất thần đảo chính, đánh úp tất cả các đồn bót của Pháp và bắt giam tất cả người Pháp. Ngày 10/3/45, đại sứ Nhật Yokohama đã yết kiến vua Bảo Ðại tại Ðiện Kiến Trung, tuyên bố trao trả độc lập (giả hiệu). Ngày 11/3/45, Bảo Ðại tuyên bố hủy bỏ mọi Hiệp Ước, Hòa Ước công nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bảo Ðại đã mời GS sử học Trần Trọng Kim vào triều yết ngày 7/4/45 và yêu cầu thành lập chính phủ trong khối Ðại Ðông Á do Nhật thống lãnh. Ngày 17/4/45 thủ tướng Trần Trọng Kim công bố thành phần chính phủ với Bộ trưởng Ngoại giao LS. Trần Văn Chương; BT Thanh niên LS Phan Anh; BT Tài chánh LS Vũ Văn Hiền; BT Nội vụ YS Trần Ðình Nam; BT Y tế-Cứu tế BS. Vũ Ngọc Anh; BT Tư pháp LS Trịnh Ðình Thảo; BT Kinh tế BS. Hồ Tá Khanh; BT Giáo dục-Mỹ nghệ Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn; BT Công chánh KS. Lưu Văn Lang; BT Tiếp tế YS. Nguyễn Hữu Thi. Không có Bộ Quốc phòng vì việc quân sự hoàn toàn do người Nhật đảm trách.
Cũng vào thời điểm này, tại miền Bắc đã xảy ra nạn đói năm Ất Dậu khủng khiếp khiến cho trên dưới hai triệu người bị chết thảm. Quân đội Nhật thu vét lúa gạo và bắt trồng cây công nghiệp để phục vụ cho kỹ nghệ chiến tranh, các tỉnh đồng bằng miền Bắc đã không còn lương thực, và miền Nam không thể tiếp tế ra Bắc được.
Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước (thay đổi hình thức tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với thời kì tiền khởi nghĩa, tập dượt quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền).
Ngày 30/4/1945, Hồng quân Liên Xô đã chiếm được tòa nhà Quốc Hội Ðức Quốc Xã. Berlin thất thủ. Adolphe Hitler tự sát. Tướng Pháp Leclerc và Sư Ðoàn 2 Kỵ Binh Thiết Giáp tiến chiếm sào huyệt bỏ trống của Hitler tại Berchestesgasen vào ngày 5/5/1945, nhưng thực sự, quân đội Ðồng Minh đã toàn thắng 5 ngày trước đó trên chiến trường Châu Âu của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Trong khi chiến trận còn đang tiếp diễn trên Thái Bình Dương và nhiều nước Châu Á thì vào ngày 20/7/1945, tại lâu đài Postdam, vùng Brandenburg, gần Berlin, những nhà lãnh đạo thượng đỉnh của Ðồng Minh là tổng thống Mỹ Harry Truman, thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh tụ Liên Xô là Staline đã hội họp nhau để bàn việc chia cắt Châu Âu và Châu Á. Pháp bị gạt ra ngoài, không được mời và cũng không hề được tham khảo. Theo sự chia cắt này thì nguyên soái Staline đã thuyết phục được Anh-Mỹ để Liên Xô hoàn toàn kiểm soát các nước Ðông và Trung Âu. Tại Châu Á và đặc biệt là tại Ðông Dương, đã có sự tranh cãi giữa Anh và Mỹ. Theo tướng Mountbatten của Anh thì quyền chỉ huy chiến trường Ðông Dương phải thuộc nước Anh. Trong lúc đó, tướng Wedemeyer của Mỹ thì đòi quyền này thuộc liên quân Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc. Theo các sử gia thì thâm ý của Mỹ là muốn hất Pháp vĩnh viễn ra khỏi thuộc địa Ðông Dương. Cuộc tranh cãi gay gắt đã được chấm dứt bởi tướng Mỹ George Marshall, tư lệnh tối cao liên quân Anh-Mỹ bằng quyết định của ông đưa ra là chia cắt lãnh thổ Ðông Dương làm hai, lấy vĩ tuyến 16 (Nam Ðà Nẵng) làm ranh giới. Phía Bắc là địa phận của Trung Hoa và phía Nam của Anh. Cũng trong cuộc hội họp thượng đỉnh này, tổng thống Truman đã bật mí với Staline là Mỹ đã thí nghiệm thành công vũ khí nguyên tử vào ngày 16/7/1945 gần Los Alamos, bang New Mexico.
Ngày 6/8/1945, lúc 8 giờ 17 phút, quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ đã được ném xuống thành phố Hiroshima, giết hại 157.071 người Nhật và san bằng thành phố này. Ba ngày sau, 9/8/1945, quả bom thứ nhì của Mỹ được thả xuống thành phố Nagazaki, tiêu diệt 75.000 người. Ðúng ngọ ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng Hiro-Hito lên tiếng trước quốc dân và tuyên bố đầu hàng Ðồng Minh vô điều kiện.
Hai quả bom nguyên tử đó nếu có tác dụng thì chỉ là thúc đẩy sự đầu hàng của Nhật nhanh thêm một chút, chứ ý định đầu hàng đã có trong tư tưởng của những nhà lãnh đạo chính trị cũng như quân sự Nhật Bản, nhất là của Nhật Hoàng Hiro-Hito từ cả năm trước đó. Với sự bao vây của hải quân Hoa Kỳ, nước Nhật đang lâm vào cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu trầm trọng. Cho đến tháng 8/1945, Liên Xô vẫn là nước trung lập trong cuộc chiến tranh giữa Nhật và Ðồng Minh. Liên Xô chỉ tuyên chiến từ ngày 8/8/45, tức là 2 ngày sau khi nổ quả bom nguyên tử đầu tiên và 1 tuần trước khi Nhật đầu hàng. Vận động hòa bình, kể cả đầu hàng với điều kiện là Nhật Hoàng vẫn tại vị đã được Nhật Bản chính thức tiến hành với nước "trung lập" Liên Xô qua đại sứ Nhật tại Mạc Tư Khoa. Nhưng Staline đã từ chối và cũng không thông báo gì với Ðồng Minh Anh-Mỹ, dù rằng Staline đã gặp thủ lãnh các quốc gia này tại Hội Nghị Yalta (4/11/1944 - 11/2/1945) và Hội Nghị Postdam (20/7/1945).
Cách mạng tháng Tám
Dân ta vào năm 1945 có khoảng 25 triệu người với trên 90% là nông dân, với cũng khoảng 90% là mù chữ. Những người được đi học thì phần lớn chỉ học đến hết cấp tiểu học. Cứ mỗi 30.000 dân mới có một người học cao đẳng hay đại học. Tuy vậy tổ chức Việt Minh với nòng cốt là Đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động được lòng yêu nước của đồng bào để tiến hành cách mạng.
Ngày 13.8.1945, Uỷ ban Khởi nghĩa được thành lập, do Tổng bí thư Trường Chinh phụ trách. Từ 13 đến 15.8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Quốc dân đại hội họp trong hai ngày 16 và 17.8.1945 ở Tân Trào đã nhất trí với chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Quốc dân đại hội bầu ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.
Hà Nội và các tỉnh lân cận ở miền Bắc bắt đầu cướp chính quyền vào ngày 19/8/1945 và chỉ 1 tuần sau đó khởi nghĩa đã thành công hoàn toàn trong cả nước. Ngày 22 tháng 8, Việt Minh gửi công điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Bảo Đại chấp nhận từ bỏ ngai vàng. Ngày 25 tháng 8, hàng mấy vạn người tụ tập trước Ngọ Môn Lâu xem nhà vua tuyên bố: "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ". Sau đó công dân Vĩnh Thụy trao ấn, kiếm cho đại diện Việt Minh Trần Huy Liệu và được gắn huy chương.
Ngày 2/9/45, trong lúc Nhật ký văn bản đầu hàng chính thức trên chiến hạm Mỹ Missouri thì cũng là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập bất hủ tại Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và giới thiệu chính phủ lâm thời đoàn kết dân tộc.