Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Nguyễn Bá Khoản (1917-1994)

Nguyễn Bá Khoản (1917-1994)

Nghệ sĩ nhiếp ảnh

Thứ Hai 3, Tháng Chín 2007

Nguyễn Bá Khoản quê ở làng Liễu Viên, huyện Thường Tín (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội). Ông sinh ngày 3-7-1917 trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cuối thế kỷ trước, ông nội và bác ruột của Nguyễn Bá Khoản đã có mặt trong phong trào Cần Vương, một người anh của ông tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn bị đày biệt xứ.

Nguyễn Bá Khoản được coi là “người chép sử bằng ảnh” với rất nhiều ảnh tư liệu quý hiếm, ông đã tặng 2000 phim cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam để sử dụng lâu dài.

Cái máy ảnh và cây bút đã tạo thành sự nghiệp của ông. Những năm 1936 - 1939, ông làm phóng viên cho các tờ báo của Đảng như: Tin tức, Bạn Dân... Năm 1939 được tòa soạn phân công đi điều tra nạn tham quan ô lại, ông đã một mình đạp xe đi vòng quanh Đông Dương, vừa đi vừa chụp ảnh. Tháng Tám năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội, rồi về lãnh đạo khởi nghĩa ở huyện Thường Tín, sau đó được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời huyện Phú Xuyên. Tháng 11-1945, ông được cử làm Trưởng phái đoàn thanh tra mặt trận Nam Bộ. Sau chín năm kháng chiến, trong đoàn từ Việt Bắc về tiếp quản thủ đô có nhà báo Nguyễn Bá Khoản. Sau đó ông có mặt trên cầu Long Biên chụp những lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội.

Nguyễn Bá Khoản là một nghệ sĩ có cái nhìn sắc sảo, ông đã nhanh nhạy ghi được những cảnh, những người vào thời khắc hiếm hoi nhất của lịch sử. Trong những ngày sôi sục khí thế cách mạng, ông chụp cảnh đồng bào Hà Nội mít-tinh ở trước Nhà hát lớn ngày 17-8-1945, cảnh cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ, lễ mừng đất nước độc lập tại Vườn hoa Ba Đình, một số ảnh nói về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu của Nhà nước công nông. Tháng 10-1945, khi đồng bào Nam Bộ vừa nổ súng đánh giặc, Nguyễn Bá Khoản đã có mặt ở ga Tuy Hòa ghi lại cảnh đoàn quân Nam tiến đang hành quân vào mặt trận... Như một con thoi, tung hoành khắp trong nam ngoài bắc, khi Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, không ngại hiểm nguy, ông có mặt cùng các chiến sĩ ở những nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất, chụp được hàng trăm tấm ảnh mô tả sinh động cuộc chiến đấu muôn hình muôn vẻ của quân và dân Hà Nội trong những ngày cuối năm 1946. Đó là cảnh hai chiến sĩ sao vuông ôm bom ba càng chờ xe tăng địch ở ngã tư Hàng Đậu, trận chiến đấu giáp lá cà ở phố Hoàng Mai ngày 15-1-1947, hình ảnh ba chú bé liên lạc của Trung đoàn Thủ đô đang xông pha trong lửa đạn. Và thắm thiết biết bao tình cảm của quân và dân được thể hiện qua cảnh các mẹ, các chị làm nhiệm vụ tiếp tế ở mặt trận Voi Phục, đến bữa cơm ăn vội của các chiến sĩ ở mặt trận Cầu Tiên...

Nguyễn Bá Khoản

Nguyễn Bá Khoản tính tình hồn hậu, phóng khoáng, suốt 25 năm làm những công việc hết sức bình dị ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội hay khi được biệt phái sang Uỷ ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ, ở đâu ông cũng say mê nghệ thuật, dùng chiếc máy ảnh ghi lại hình ảnh những con người đang chiến đấu và sản xuất ở Hà Nội.

Suốt đời gắn bó với cách mạng và tận tụy với nghề, sau gần 60 năm cầm máy, Nguyễn Bá Khoản đã để lại cho chúng ta một bộ ảnh hết sức phong phú. Khi xây dựng Bảo tàng cách mạng Việt Nam ông đã hiến bảo tàng 2.000 phim gốc và 700 ảnh. Từ 1991 đến 1993, ông đã gửi vào kho lưu trữ quốc gia 2.000 phim gốc kèm 2.000 ảnh có chú thích. Hiện nay, tại gia đình còn gần 5 vạn phim nữa đang được vợ ông là bà Cao Thị Tuyết bảo quản.

Đánh giá đúng mức công lao của nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản, tháng 8-1987, ông được Ban Tổ chức Trung ương ký quyết định công nhận là nhà lão thành cách mạng, được cùng 14 nhà lão thành cách mạng đi nghỉ an dưỡng ở CHDC Đức. Sau đó ông lại được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Năm 1991, ở tuổi 75, Nguyễn Bá Khoản tổ chức triển lãm ảnh đầu tiên của đời mình. Ba năm sau ông qua đời.

Ngày 10-9-1996, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho 5 tác phẩm ảnh của Nguyễn Bá Khoản chụp Bác Hồ và kháng chiến.

Trần Văn Mỹ
(ND 8/5/1997)