Trang nhà > Văn chương > Thi ca > Thế Lữ (1907-1989)
Thế Lữ (1907-1989)
Thứ Năm 1, Tháng Hai 2007, bởi
Thi sĩ tiên phong của phong trào thơ Mới, sau trở thành đạo diễn kịch nói nổi tiếng. Tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, các bút danh: Lê Ta, Thế Lữ
TIỂU SỬ
Ông sinh năm 1907 (Đinh Mùi), quê quán ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Trong quyển Thi nhân Việt Nam có ghi: "nơi sinh Thế Lữ lấy làm lạ, người nhà nói là Thái Hà, ấp Hà Nội, còn thi sĩ thì cứ tưởng là Lạng Sơn, nơi đã ở từ khi còn bé đến năm 11 tuổi thì xuống Hải Phòng".
Từ năm 1925 đến năm 1928 Thế Lữ học ở trường trung học Bonnal Hải Phòng, là bạn thân thiết với Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh). Ông học đến năm thứ ba ban Thành Chung thì thôi học, lên Hà Nội học trường Mỹ Thuật, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, lại bỏ để đi theo sở thích riêng là văn nghệ.
Từ những năm 1930 ông viết báo, làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết đăng trên báo Phong Hoá, Ngày Nay, Tiểu thuyết Thứ bảy. Ông là một trong những nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ Mới. Từ năm 1931, hoạt động trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, thường công kích những điều mê tín dị đoan. Từ năm 1937 bắt đầu hoạt động kịch nghệ, làm diễn viên, đạo diễn các đoàn kịch, lưu diễn ở nhiều nơi. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông lên chiến khu Việt Bắc hoạt động trong ngành văn học nghệ thuật, chủ yếu ở lĩnh vực sân khấu. Trở về Thủ đô Hà Nội, ông vừa viết văn, làm thơ, soạn kịch, đạo diễn sân khấu. Ông có công lớn trong sự nghiệp văn học nghệ thuật cách mạng, đặc biệt là ngành Sân khấu Việt Nam.
Thế Lữ mất năm 1989 (Kỷ Tỵ). Sau được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 2000.
Tác phẩm
- Mấy vần thơ (1935)
- Vàng và máu (1934)
- Nhà vật của thời đại
- Bên đường thiên lôi (1936)
- Lê Phong phóng viên (1937)
- Mai Hương và Lê Phong (1937)
- Đòn hẹn (1939)
- Gói thuốc lá (1940)
- Gió trăng ngàn (1941)
- Trại Bồ Tùng Linh (1941)
- Thế giới muôn màu
- Thoa (1942)
- Chuyện tình của anh Mai (1953)
- Tay đại bợm (1953).
- Dương Quý Phi
- và nhiều kịch bản.
Nhớ rừng
(Tặng Nhất Linh)
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật-
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi
Hoa chăm, cỏ xén, lối thẳng, cây trồng
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi-
Hỡi cảnh núi rừng ghê gớm của ta ơi!!!
1936
ÁC MỘNG
(Tặng Nguyễn-Trọng-Phấn)
Tôi mơ thấy đang nằm trên vũng máu,
Chống tay lên nghe tiếng những hồn kêu.
Khắp bốn phương lòe loẹt lửa trời chiều,
Muôn vật đắm trong một màu đỏ khé.
Tôi chợt hiểu: hình ảnh đời là thế;
Có phải còn vui đẹp lắm đây chăng ?
Tôi muốn quên đi trong thú mơ màng,
Và gượng cất tiếng cười che tiếng khóc.
Nhưng Số Mệnh vẫn chưa vừa lòng độc,
Nhất định dùng quyền lực hại tôi chơi,
Bắt tôi hết đau khổ lại ngược xuôi,
Trên hòn đất, than ôi! Thân kiến muỗi.
Thắt lại rồi buông, tha ra mà đuổi,
Không sớm cho tan nát hẳn thân hèn.
Tôi muốn lịm đi một giấc cầu yên,
Thì kéo dậy, lay hồn cho mở mắt!
Trên vực thẳm, một ngón tay khe khắt.
Khiến tôi nhìn ra khắp cõi mênh mông,
Là chốn nhân gian đang uống máu nồng,
Nuốt một nửa, còn phun nhau một nửa.
1937