Trang nhà > Bạn đọc > Ý kiến > Rừng đá Thần Gôô bị xẻ thịt
Rừng đá Thần Gôô bị xẻ thịt
Thứ Bảy 8, Tháng Chín 2007
Sáng ngày 6.9.2007, trao đổi với một số phóng viên báo chí về chuyến điền dã kéo dài gần 3 tháng ở Đắc Lắc, GS-TS Gabor Vargyas thuộc Viện Hàn lâm khoa học Hungary rất buồn khi ông nói về núi đá ở buôn Sa Lúc, xã Krông Nô, huyện Lắc (nơi người M’Nông bản địa gọi là rừng đá Thần Gôô) đang bị người ta xẻ thịt để làm vật liệu xây dựng.
- Suối rừng Tây Nguyên. Ảnh: Cư Mgar
Theo ông, đây là nơi thiêng liêng, gắn với các sinh hoạt văn hoá của người bản địa: Ngày xưa, khi hạn hán, lụt lội, người dân lại đến đây làm lễ cúng rừng đá Thần Gôô để mong mưa thuận gió hoà.
Cách đây 60 năm, nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas từng sống chung với đồng bào M’Nông ba năm liền để nghiên cứu về họ và sau đó viết cuốn sách nổi tiếng trong giới nghiên cứu về dân tộc học "Chúng ta đã ăn rừng". Theo ông, đây là một di tích văn hoá cần phải gìn giữ...
Nhà nghiên cứu Trương Bi, Phó GĐ Sở VHTT Đắc Lắc bổ sung thêm một câu chuyện khác: Tại Yang Ré, huyện Lắc (bên cạnh QL27 Buôn Ma Thuột - Đà Lạt) có hòn đá lớn hình dáng như con voi quỳ trên mặt đất (dân địa phương gọi là đá voi phục). Hòn đá này không chỉ có hình thù đẹp mà còn gắn liền với truyền thuyết nổi tiếng của người M’Nông: Dũng sĩ Lắc Liêng - người đã tạo ra hồ Lắc. Hòn đá này vốn là con voi trắng của dũng sĩ Lắc Liêng. Khi Lắc Liêng chết, con voi trắng cũng nằm phủ phục chết theo và hoá thành hòn đá này. Thế nhưng ở đây người ta cũng đang cho khai thác đá...
Thông điệp mà 2 nhà nghiên cứu đưa ra là: Lãnh đạo chính quyền các cấp cần phải có một cái nhìn sâu sắc hơn về văn hoá và bảo tồn văn hoá, đừng vì nguồn lợi kinh tế trước mắt mà phá hỏng những gì thiên nhiên và tổ tiên đã để lại cho chúng ta.
Đặng Bá Tiến (LĐ)