Từ các biện pháp tuyển sinh đại học ở Mỹ

Nhiều người thường hay ca ngợi biện pháp tuyển sinh kiểu đa nguyên áp dụng trong các trường đại học Mỹ và chủ trương chúng ta nên học tập họ. Năm 2006, nhân dịp được cử đi Mỹ làm việc một năm, tôi đã tìm hiểu tình hình tuyển sinh đại học ở nước này và có một số suy nghĩ về vấn đề trên, nay xin trao đổi với các bạn.

Chế độ tuyển sinh của các trường đại học Mỹ có đặc điểm nổi bật nhất là linh hoạt, đa nguyên; chỉ tiêu đánh giá người dự tuyển gồm có thành tích học tập ở trường trung học, điểm thi tiêu chuẩn, hoạt động ngoại khóa, tài nghệ và năng lực, phẩm chất cá tính … Trong đó thành tích học trung học chiếm vị trí quan trọng nhất. Có điều, khi xem xét chỉ tiêu này các trường đại học không phiến diện yêu cầu điểm số cao mà chỉ dùng nó để đánh giá tổng hợp, có cân nhắc tới điều kiện giảng dạy của trường trung học hoặc bối cảnh gia đình thí sinh đó. Ngoài ra còn chú trọng tinh thần cầu tiến, dám thách thức của thí sinh, khuyến khích họ chọn học nhiều môn cao, khó hoặc chọn môn học chuẩn bị; việc vượt qua kỷ sát hạch thống nhất các môn học khó ấy có thể tăng thêm đáng kể thành công của thí sinh khi xin vào đại học.

Số điểm đạt được trong các kỳ thi tiêu chuẩn hóa (gồm thi SAT và ACT) là chỉ tiêu quan trọng thứ hai sau thành tích học trung học, cũng là một trong các yếu tố có ảnh hưởng tới việc xếp hạng khi nhận thí sinh vào trường. Mấy năm nay, một số trường bắt đầu coi chỉ tiêu này chỉ là điều kiện có thể lựa chọn, hoặc dứt khoát hủy bỏ hẳn yêu cầu về điểm thi tiêu chuẩn. Tuy vậy các trường đại học công hệ 4 năm và đại học tư của các tổ chức không kiếm lời nói chung rất ít bỏ yêu cầu đó.

Hoạt động ngoại khóa cũng được một số trường, nhất là các trường danh tiếng, coi là nội dung quan trọng khi xét tuyển sinh. Nó không những giúp nhà trường hiểu rõ hơn mức độ thí sinh tham gia các hoạt động phi học thuật hoặc hoạt động ở địa phương mình ở, các nghĩa vụ thí sinh từng gánh vác, cống hiến đã có, mà còn qua đó có thể thấy được tài năng đặc biệt hoặc thành tích của thí sinh. Vì thế, các giấy giới thiệu thí sinh có một giá trị nhất định khi xét thành tích của họ. Nói chung ban tuyển sinh thường đòi hỏi thí sinh nộp giấy giới thiệu do giáo viên phụ trách các môn học chủ yếu ở bậc trung học viết; có trường cũng hoan nghênh giấy giới thiệu khác của chủ thuê (từng thuê thí sinh làm việc), huấn luyện viên (đội thể thao thí sinh từng tham gia), người lãnh đạo tôn giáo, bạn bè, người nhà. Do muốn chọn được người phát triển toàn diện, một số trường đại học còn khuyến khích thí sinh cung cấp các giấy tờ chứng minh tài năng của họ về nghệ thuật, thể thao hoặc các mặt khác. Ban tuyển sinh cũng chú ý tới phẩm chất cá tính của thí sinh, chủ yếu dựa vào giấy giới thiệu, báo cáo của trường trung học và các bài viết ngắn hoặc tự thuật cá nhân của thí sinh. Những tài liệu đó giúp nhà trường hiểu thêm về tư tưởng, quan niệm, thái độ, thị hiếu, sự từng trải của thí sinh xét về mặt “con người”, một mặt sống động khác hẳn mặt số điểm thi khô khan.

Ngoài ra, biểu hiện của thí sinh khi thi vấn đáp cũng được một số trường coi là một trong các nội dung xét tuyển. Dĩ nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện tổ chức thi vấn đáp, ngay cả khi có điều kiện cũng chưa chắc họ đã coi đó là chỉ tiêu cần thiết. Thí sinh không có dịp dự thi vấn đáp (đơn dự tuyển nộp càng sớm thì càng có dịp được vào thi vấn đáp) không bị thiệt thòi gì hết. Tuy thế, nói chung các trường đều vẫn khuyến khích thí sinh tận dụng cơ hội thi vấn đáp để nhà trường và thí sinh có dịp hiểu nhau. Thi vấn đáp không tổ chức tại trường, người tuyển sinh cũng không tiến hành vấn đáp, mà là do những người tình nguyện giúp trường thực hiện ở khắp nơi trong toàn quốc (thậm chí toàn thế giới). Cho nên, nếu nói thi vấn đáp là một điều kiện tuyển sinh thì không bằng nói đó là cây cầu nối thí sinh với nhà trường, hoặc một kênh để nhà trường tự giới thiệu mình với thí sinh.

Việc tuyển sinh của mấy nghìn trường đại học Mỹ đều được thực hiện tùy theo từng trường. Thông thường có 3 hình thức (dự án): tuyển sinh trước, tuyển sinh bình thường và tuyển sinh “lăn”. Trong đó, dự án “tuyển sinh trước” lại chia làm “quyết định trước” và “hành động trước”; khác nhau ở chỗ dự án “quyết định trước” có tính chất ràng buộc. Thí sinh tham gia dự án này phải cam kết điều gì đó với nhà trường, khi đã được tuyển thì có nghĩa vụ phải vào học trường đó và phải nộp một khoản tiền thế chấp nhập học, đồng thời hủy bỏ các đơn xin vào trường khác, nếu không sẽ là vi phạm quy định. Dự án “hành động trước” không ràng buộc điều gì; thí sinh có quyền chọn học trường nào mình thích, dù đã được trường này tuyển nhưng họ vẫn có thể chờ cho tới khi các trường khác công bố kết quả tuyển sinh rồi mới chọn trường.

Dự án “tuyển sinh trước” nói chung yêu cầu thí sinh phải nộp đơn dự tuyển trước ngày 1/11 hàng năm; đến trung tuần tháng 12 thì có kết quả tuyển. Hiện mới có vài trăm trường đại học Mỹ áp dụng biện pháp này.
Phần lớn các trường khác đều áp dụng cách tuyển sinh bình thường (các trường áp dụng cách tuyển sinh trước cũng vẫn có thể đồng thời áp dụng cách tuyển sinh bình thường). Theo dự án này, thời hạn nộp đơn cuối cùng nói chung thường là ngày 1/1; nhà trường công bố kết quả tuyển sinh vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Thí sinh nào được tuyển phải trả lời nhà trường trước ngày 1/5 về việc mình có vào học trường đó hay không, và phải nộp tiền đặt cọc (tiền bảo đảm).

Những trường đại học không được nhiều thí sinh lựa chọn (tính cạnh tranh chưa mạnh) thường áp dụng biện pháp “tuyển sinh lăn”, tức sớm nộp đơn xin học và sớm thông báo kết quả tuyển sinh, nhằm kích thích thí sinh hăng hái xin học. Theo biện pháp này, nói chung 6-9 tháng trước ngày khai giảng, nhà trường đã bắt đầu thụ lý hồ sơ dự tuyển. Biện pháp này rất thu hút thí sinh, vì họ có thể sớm được biết kết quả tuyển sinh.
Ngoài ra, gần đây một số trường còn thực hành cách “tuyển sinh tại chỗ”: thí sinh mang theo đơn xin dự tuyển tới trường, sau khi cán bộ tuyển sinh thẩm duyệt xong bèn thông báo ngay tại chỗ kết quả xét tuyển.

**************

Chế độ tuyển sinh, hình thức và cách tổ chức thực hiện chế độ ấy của mỗi nước đều có liên quan chặt chẽ với các nhân tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị và giáo dục của nước đó. Trong việc tiến hành cải cách đa dạng hóa chế độ thi đại học nếu Trung Quốc cần tham khảo cách làm của Mỹ thì nhất thiết chớ nên quên bài học hậu quả có thể đi ngược lại mục đích ban đầu, chữa lợn lành thành lợn què. Tác giả cho rằng từ quy chế tuyển sinh của Mỹ, chúng ta có thể tham khảo 4 gợi ý sau đây:

Thứ nhất, chú trọng sự công bằng về cơ hội vào đại học. Mỹ là đất nước của dân di cư khắp thế giới, con em các tộc người ở đây được hưởng những điều kiện giáo dục rất khác nhau, cho nên cơ hội lên đại học của họ khác nhau xa. Bởi vậy, công bằng về cơ hội vào đại học trở nên một vấn đề quan trọng và là hướng cố gắng đạt được trong công tác tuyển sinh ở Mỹ. Ở TQ cũng có sự khác biệt rất lớn giữa các dân tộc, giữa thành thị với nông thôn, giữa các miền; sự không đồng đều về điều kiện giáo dục dẫn đến sự không công bằng về cơ hội học lên đại học; điểm này trên mức độ nào đó là tương tự như Mỹ, nhất là sự khác biệt thành thị-nông thôn, khác biệt giữa các vùng có lẽ còn hơn Mỹ. Trong quá trình cải cách đa dạng hóa chế độ thi đại học, chúng ta phải luôn luôn chú trọng bảo đảm công bằng, nhất là phải ngăn chặn việc do giảm tiêu chuẩn khách quan mà dẫn đến tệ nạn dùng quyền thế, tiền bạc can thiệp, từ đó làm cho các quần thể yếu thế (nông dân, dân nghèo) bị mất cơ hội công bằng vào đại học.

Thứ hai, hợp lý áp dụng chỉ tiêu tuyển sinh đa nguyên. Trong việc tuyển sinh viên mới, các trường đại học Mỹ không có hệ thống chỉ tiêu lượng hóa mà áp dụng cách đánh giá tổng hợp: vừa xét yêu cầu về mặt trí lực lại vừa xét đến các nhân tố phi trí lực; vừa chú trọng thành tích kỳ thi chung vừa coi trọng thành tích học tập thường ngày (ở bậc trung học); vừa coi trọng việc đánh giá thí sinh qua các chỉ tiêu cứng như điểm thi hoặc thứ hạng trong lớp, lại vừa dựa vào các giấy giới thiệu hoặc bản tự thuật của thí sinh (là các tài liệu chứa đầy cá tính và tình người) để hiểu rõ thí sinh. Cách đánh giá đa nguyên đó thể hiện việc chú ý sự phát triển toàn diện “đức dục, trí dục, thể dục” của thí sinh, lại không bỏ sót mất những người có tài chuyên môn, người có tài về một mặt nào đó. Cách đánh giá tổng hợp ấy chính là mục tiêu của công cuộc cải cách đa dạng hóa thi đại học ở TQ. Trong hoàn cảnh nền giáo dục đại học ở TQ còn thiếu người, cơ chế chế ước lòng tin chưa kiện toàn, công cuộc cải cách đa dạng hóa thi đại học vẫn nên lấy việc tổ chức thi đại học chung toàn quốc là chính. Nhưng với nguyên tắc xuất phát từ thực tế, tuần tự tiệm tiến, ta có thể đưa một cách hợp lý, từ từ và thiết thực các nhân tố khác (ngoài thành tích thi) vào hệ thống chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời xây dựng, kiện toàn các cơ chế giám sát, kiểm tra tương ứng.

Thứ ba, mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học. Các trường đại học Mỹ được hưởng quyền tự chủ cao trong công tác tuyển sinh; tiêu chuẩn tuyển sinh, quy mô và thực hiện tuyển sinh hoàn toàn do Ban Tuyển sinh của nhà trường tự chủ quyết định, chính quyền liên bang và tiểu bang không được can thiệp. Công cuộc cải cách thi đại học ở TQ tuy luôn luôn cố gắng theo đuổi mục tiêu đó, nhưng quyền tự chủ mà các trường đại học thực sự được hưởng thì vẫn còn rất hạn chế. Nên khuyến khích các trường thí điểm tiến hành tự chủ tuyển sinh tăng dần mức độ cải cách một cách vững chắc. Khi nào thời cơ chín muồi, có thể tách rời việc thi đại học thống nhất với việc tuyển sinh, để nhà trường tự chủ quyết định tỷ lệ sử dụng kết quả thi, hoặc biến thi đại học thống nhất toàn quốc thành một kỳ sát hạch trình độ thí sinh, để nhà trường được hưởng quyền tự chủ tối đa trên “chuẩn” sát hạch trình độ.

Thứ tư, xây dựng hệ thống thi chia tầng, phân loại. Hiện nay TQ chưa có nhiều khả năng áp dụng cơ chế tuyển sinh hoàn toàn cá tính và tự chủ, nhưng việc tiến hành thi chia tầng, phân loại thì lại có tính khả thi: các trường ít thí sinh hoàn toàn có thể thực thi quy chế tuyển sinh mở, sao cho việc tuyển sinh dưới tiền đề kiên trì kỳ thi thống nhất, xây dựng một kiểu “cầu thi cử giao cắt lập thể” có nhiều kênh, nhiều tầng nấc, nhằm thích ứng với nhu cầu đa dạng hóa giáo dục cao đẳng và yêu cầu lập thể hóa cơ cấu nhu cầu nhân tài./.

Tác giả: Trịnh Nhược Linh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục cao đẳng trường đại học Hạ Môn.

Nguyên Hải lược dịch từ Quang Minh nhật báo 5/2007