Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Lương cao, việc nhiều: bất hạnh?

Lương cao, việc nhiều: bất hạnh?

Thứ Hai 17, Tháng Chín 2007

Làm việc quá sức là khi thời gian làm việc ít nhất 60 tiếng/tuần nhưng thực tế, hiện có rất nhiều công việc đòi hỏi phải làm tới 100 giờ, thậm chí nhiều hơn thế. Trong khi đó, một người lao động bình thường chỉ nên làm việc 37 giờ/tuần. Một điều tra năm 2006 ước tính 45% những người có thu nhập cao, làm việc tại các tập đoàn toàn cầu luôn phải “làm việc quá sức” mặc dù họ có một sức khỏe dẻo dai và khả năng chịu đựng tốt.

Những nghề nghiệp mang lại nhiều cơ hội và tham vọng (công việc trong ngành kinh tế, giải trí, truyền thông, y tế, luật, kế toán và cố vấn) đang bắt con người phải hy sinh cuộc sống riêng tư và không quan tâm tới con cái do hội chứng “làm việc quá sức”.

Bài nghiên cứu đăng tải trên Harvard Business Review đã phân tích loại công việc với thời gian làm việc lên tới 10 tiếng mỗi ngày này sẽ “hủy hoại cuộc sống riêng với những thiệt hại khôn lường cho sức khỏe và hạnh phúc”, nghiên cứu cảnh báo.

Những kỳ nghỉ luôn vô cùng hiếm hoi. Gần một nửa những người lao động chỉ nghỉ khoảng 10 ngày lễ tết/năm và thường xuyên đi làm trở lại giữa chừng do yêu cầu công việc bắt buộc.

Thực tế, quan niệm "được làm việc" được chú trọng đến mức gây sốc cho bạn đời của họ.

Một tổ chức xã hội cảnh báo: “Hậu quả của việc làm việc tới 12 tiếng/ngày, thậm chí nhiều hơn thế là 45% lý do đề nghị ly hôn của chồng/vợ những người làm việc trong các tập đoàn toàn cầu là do quá mệt mỏi với người bạn đời của mình.

Bắt đầu là việc từ chối những chuyến du lịch thường niên, một buổi tối vui vẻ và kết thúc là việc từ chối đáp ứng nhu cầu tình dục”.

Một người vợ của ông chồng “tham công tiếc việc” cho biết: “Năm đầu tiên cưới nhau, chúng tôi đã phải hoãn ngày cử hành tang lễ bà ngoại của tôi vì chồng tôi không thể bỏ một cuộc họp”.

Nguy hiểm hơn là mối quan hệ của họ với con cái. Tất cả các bậc cha mẹ có thời gian làm việc kéo dài đều thừa nhận rằng con cái họ xem ti vi nhiều hơn, ăn thực phẩm ăn liền nhiều hơn và cũng bất trị hơn.

Tuy nhiên, mặc dù thừa nhận những hậu quả do bệnh “tham công tiếc việc” gây ra nhưng không người nào nói rằng ghét công việc đang làm mà họ còn khẳng định là “rất thích công việc đó”.

Họ không cảm thấy bị lợi dụng mà cảm thấy tự hào vì nó. Công việc đó làm họ năng động hơn, hứng khởi hơn bởi nhiều điều thú vị, vận may và thách thức luôn chờ đón họ (đây cũng là 3 lý do phổ biến nhất thúc đẩy những người này “quên mình” để làm việc, làm việc và làm việc).

Ngoài ra, gần một nửa nam giới và nữ giới, những người tham gia vào 1 dự án nghiên cứu quốc tế, nói rằng công việc của họ “luôn bị cản trở bởi vợ (hoặc chồng)”.

T.P (theo Daily Mail)