Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Có cảng Domea ở Bắc Hà xưa ?
1072 Domea port in Tonkin
Có cảng Domea ở Bắc Hà xưa ?
Thứ Sáu 21, Tháng Chín 2007, bởi
Cho đến nay, sử cũ chỉ công nhận Thăng Long và Phố Hiến là hai đô thị duy nhất ở Đàng Ngoài (tức miền Bắc dưới thời Lê-Trịnh). Nhưng gần đây, một số nhà khảo cổ và sử học Việt Nam đang đặt giả thuyết về sự tồn tại của một đô thị thứ ba mà thuỷ thủ phương Tây ngày ấy gọi là Domea (Đò Mè ?).
Trong thời kỳ tu nghiệp tại Hà Lan đầu những năm 90, nhà nghiên cứu sử học, PGS -TS Nguyễn Quang Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điều kiện lui tới nhiều thư viện, nơi ông có dịp tìm hiểu thêm các bản đồ địa chính Việt Nam do người phương Tây vẽ từ các thế kỷ trước. Phần lớn các bản đồ Đàng Ngoài mà ông tìm được đều ghi chép khá tỉ mỉ về Thăng Long và Phố Hiến. Tuy nhiên, trên tấm bản đồ “Sông Đàng Ngoài từ Cacho (Kẻ Chợ, tức Hà Nội) ra đến biển”, thì ngoài hai đô thị kể trên, còn có thêm một địa danh khác mang tên Domea (có vẻ như nó nằm ở cửa sông Thái Bình - Hải Phòng ngày nay) cũng được đánh dấu rất nổi bật. Đây là bản đồ do Jacques Nicolas Bellin, nhà nghiên cứu bản đồ người Pháp vẽ năm 1755, dựa trên bản gốc của một nhà hàng hải người Anh. Như vậy, vào thế kỷ 17-18, phải chăng địa danh này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người phương Tây?
Phát hiện đầu tiên
Lần theo các thư tịch cổ từ Viện Lưu trữ Quốc gia Hà Lan, thư viện nước Anh…, PGS Nguyễn Quang Ngọc đã tìm ra những thông tin khá thú vị và bất ngờ. Trong cuốn Một chuyến du hành sang Đàng Ngoài năm 1688, William Dampier, một thương nhân người Anh, ghi lại: “Chính theo con sông Domea này mà hầu hết các tàu bên châu Âu đi vào, vì nó sâu… Thôn có tới trăm nóc nhà. Những tàu bè Hà Lan buôn bán tại đây bao giờ cũng đậu ở trên sông trước mặt thôn. Thủy thủ người Hà Lan, đi qua đây hằng năm trước khi từ Batavia (Indonesia) trở về, là những bằng hữu rất thân thiết của người dân trong xứ và ở đây, họ được tự do y như ở ngay trong nhà của họ… Người Hà Lan đã dạy cách làm vườn cho dân địa phương…”.
Theo cách gọi của William thì Domea có lúc là “thôn”, có lúc là “city” (thành phố), nhưng rõ ràng đây là nơi hạ neo rất thuận tiện và lâu dài của các thương thuyền ngoại quốc. Còn trên bản đồ “Sông Đàng Ngoài”, ngay cạnh chữ Domea có hình một mỏ neo (ký hiệu mực nước sâu 3 sải) và một “Pagoda” (đền hay chùa, được ghi chú như một điểm mốc định hướng cho tàu bè cập bến). Nếu liên hệ với những ghi chép của William thì Domea rất giống với một bến cảng. Phải chăng khi William dừng chân ở vùng cửa sông Thái Bình thì cái “thôn” mà ông ghé lại đang ở giai đoạn chuyển mình thành một “city” hay một thương cảng?
Trong một cuốn sách mang tên Lịch sử Đàng Ngoài xuất bản tại Paris năm 1788, PGS Nguyễn Quang Ngọc cũng tìm thấy khá nhiều trang đề cập đến Domea: “Cách cửa sông 5 hoặc 6 hải lý có một thành phố khác gọi là Domea, nhỏ hơn Phố Hiến nhưng lại rất nổi tiếng với người nước ngoài và nó ở trong một cái vụng được tạo bởi dòng sông đối diện với nó. Họ thả neo và chỉ ở nơi này họ mới được phép đặt căn cứ để tiến hành buôn bán…”
Ở đây, tác giả đã gọi Domea là thành phố. Sự khác biệt trong cách gọi về Domea của hai cuốn sách xuất bản cách nhau đúng một thế kỷ đã nói lên: từ chỗ mới ở dạng tiền “city” hay nửa thôn nửa “city”, qua 100 năm, Domea đã phát triển thành một đô thị hoàn chỉnh (ít nhất là trong nhận định của người nước ngoài). Tuy nhiên, các tác giả đều khẳng định, chỉ ở đây, người phương Tây mới được thật sự tự do sinh sống và buôn bán.
Lật lại lịch sử thì thế kỷ 17-18 chính là giai đoạn quan hệ ngoại thương của Việt Nam phát triển đến đỉnh cao, tuy vậy, cả vua Lê, chúa Trịnh vẫn giữ thái độ bảo thủ và khắt khe đối với người ngoại quốc, không muốn cho phép họ được vào sâu trong Thăng Long và Phố Hiến. Liệu có phải vì thế mà các thương thuyền phương Tây mới tìm một chỗ trú chân bên ngoài?
Theo các tài liệu khác thì vai trò của Domea không chỉ có thế. Một nhà hàng hải đã viết: “Ngày 13/2/1676, người Hà Lan xuống Domea để gửi đi thuyền hàng thứ hai của họ đến Batavia, chở đầy tơ sống, lụa… và những thứ khác đi Nhật Bản…”. Qua mô tả thì Domea không chỉ là nơi tạm trú của người ngoại quốc mà còn như một trạm trung chuyển và tập kết hàng hóa. Từ đây, các chuyến hàng mới đi Thăng Long và Phố Hiến, sang Batavia và Nhật Bản, trở lại Hà Lan và Anh…
Qua các tư liệu mà PGS Nguyễn Quang Ngọc thu thập được thì sự xuất hiện của Domea gắn liền với sư xuất hiện của một bến cảng mới nằm ở cửa sông Thái Bình, vốn có vị trí rất thuận lợi. Nguyên nhân của sự ra đời này có thể liên quan đến việc ngay trước thời kỳ “Domea”, cửa sông Đáy - nơi cập bến quan trọng nhất qua hai thế kỷ 15, 16 - sau nhiều biến đổi đã không còn thuận tiện cho tàu thuyền lớn ra vào nữa. Với tư cách là một đô thị và tiền cảng của Phố Hiến theo nhận định của thư tịch cổ phương Tây, phải chăng Domea chính là tiền thân của Hải Phòng ngày nay? Công cuộc khảo sát thực địa là cách tốt nhất để trả lời cho những bí ẩn về Domea.
Hương Lan (TN)
Xem online : Đi tìm cảng cũ Domea (Đò Mè?)