Trang nhà > Xã hội > Nước Mỹ > Vài tư liệu về ngày 11-9
Vài tư liệu về ngày 11-9
Thứ Ba 11, Tháng Chín 2007
Cảnh tượng như chỉ xảy ra trên phim viễn tưởng đã diễn ra sáng ngày 11/9/2001 tại nước Mỹ. Hai toà tháp cao nhất New York từ từ sụp đổ sau khi bị hai chiếc Boeing chở đầy khách lần lượt đâm vào. Lầu Năm Góc tại Washington D.C bị cháy mất một góc. Không như ở Hiroshima 56 năm trước, lần này bi kịch diễn ra gần như từ đầu đến cuối trước mắt rất nhiều dân thường, khách vãng lai và phóng viên báo, đài.
Khoảng 3000 người đã bị giết thảm khốc trong ngày này. Gần 10 tiếng sau khi tai họa xảy ra tại New York và Washington D.C, Chủ tịch Trần Ðức Lương đã gửi điện chia buồn sâu sắc đến Tổng thống Bush và nhân dân Mỹ.
Các hãng hàng không Mỹ sáng hôm sau đã quyết định thắt chặt kiểm soát, cấm hành khách mang bất cứ loại dao nào dù là nhựa lên máy bay, loại bỏ những con dao bằng thép cùn khỏi khay ăn; khách không mang hành lý sẽ bị truy vấn; xe cộ đậu gần sân bay sẽ bị kiểm tra. Quy định trên nay đã lan khắp thế giới, thậm chí có nơi còn cấm khách mang nước uống.
Cũng ngay hôm sau, việc CNN phát sóng cảnh những người dân Ả Rập ăn mừng khi thấy Mỹ bị khủng bố với điệu kèn môi quen thuộc của họ đã khiến nhiều người bị sốc. CNN nói rằng đó là cảnh diễn ra ở Bờ Tây sông Jordan, thuộc vùng đất tự trị của người Palestin. Sau đó, theo nguồn tin từ báo Resumen, một giáo sư từ Ðại học Estatal de Campinas của Brazil, ông Marsio Carvalo, đã phát hiện đoạn băng trên do chính ông quay, nhưng là từ 10 năm trước! Trong băng hình của ông, người Ả Rập vui mừng trước cuộc tấn công của Iraq vào Kuwait. Ông Marsio Carvalo khẳng định CNN đã sử dụng đoạn băng ấy của ông để phát sóng trong ngày 12/9/2001.
Ngày 15/9/2001, thời tiết xấu tại New York lại là dấu hiệu tốt cho những nỗ lực dọn dẹp và cứu hộ, khi cơn mưa đã làm bớt nóng đống đổ nát của WTC vẫn còn bốc khói nghi ngút và khét lẹt. Liệu có ai còn sống sót?
Sáng 17/9/2001, CNN đưa tin một nhân viên bơm gas gốc Ấn Ðộ đã bị giết chết. Phóng viên cho là vì anh ấy quá giống người Ả Rập. Những sự trả thù không đúng đích như thế thật là điên rồ và ngu xuẩn.
- Lầu Năm góc
Sáu năm sau sự kiện 11/9/2001 làm cả thế giới kinh hoàng, Bin Laden lại xuất hiện qua một cuốn băng hình, vào đúng lúc tướng D. Petraeus và Đại sứ Ryan Crocker sẽ phải trình bày bản báo cáo về tiến bộ an ninh ở Iraq trước Nghị viện và lượt của Nhà Trắng sẽ diễn ra vài ngày sau.
Cuốn băng cuối cùng của Bin Laden đã được công bố cách đây ba năm, ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004. Nhiều người cho rằng Bin Laden xuất hiện trở lại vào thời điểm đó đã góp phần mang lại thắng lợi cuối cùng cho ông Bush trước ứng cử viên đảng Dân chủ J. Kerry bởi nước Mỹ vẫn cần có Bush để đối phó với một Bin Laden đang đe dọa cho dù không ai biết Bin Laden có lợi gì khi ông Bush tiếp tục ở lại Nhà trắng thêm 4 năm.
Với nhiều người Mỹ, cho dù là người dân thường hay là những chủ nhân của Nhà Trắng và Lầu Năm góc, cái tên Bin Laden giờ đã trở thành nỗi ám ảnh, hắc ám và thậm chí là một điều sỉ nhục. Trong suốt 6 năm qua, Mỹ vẫn bất lực trong cuộc săn đuổi trùm mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qeada. Sau những thất bại của các toan tính khủng bố ở Anh hồi tháng 7-2007, các âm mưu khủng bố lần lượt bị phát giác và ngăn chặn ở Đan Mạch, Đức. Nhưng những cuộc tấn công tàn ác vào Madrid (11/2/2004), London (7/7//2005) và mới đây nhất nhằm vào các mục tiêu ở Algeria là những bằng chứng cho sự tôn sùng mù quáng hoặc chí ít là những lý tưởng cực đoan mà Bin Laden đang rao giảng.