Trang nhà > Công nghệ > Kết nối > Ngăn Facebook theo dõi điện thoại và tin nhắn
Ngăn Facebook theo dõi điện thoại và tin nhắn
Thứ Bảy 13, Tháng Bảy 2019, bởi
Bạn nên biết rằng hai ứng dụng "Facebook" và "Messenger" đòi hỏi cả quyền truy cập dữ liệu lịch sử cuộc đàm thoại lẫn tin nhắn. Những việc này thường không gây chú ý nhưng thực ra lại có thể làm lộ bí mật riêng tư của bạn
Khác với phiên bản chạy trên hệ điều hành iOS trong các điện thoại iPhone của Apple, phiên bản chạy trên hệ điều hành Android của Facebook và Messenger lại muốn có nhiều quyền truy cập thông tin hơn. Cụ thể, dữ liệu cuộc gọi lẫn tin nhắn của điện thoại cũng bị đòi hỏi ngay khi bạn đang cài đặt ứng dụng.
Trên các điện thoại chạy hệ điều hành Android 5.0 hoặc cũ hơn, bạn chỉ có cách chọn đồng ý hoặc từ chối toàn bộ quyền truy cập của ứng dụng Facebook. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này dễ dàng lấy dữ liệu của bạn thông qua giao diện lập trình ứng dụng đời trước của Android hay còn gọi là qua API cũ. Để ngăn chặn việc Facebook lấy dữ liệu trên các máy đời cũ này, bạn chỉ còn cách không sử dụng Facebook.
Trên các điện thoại chạy hệ điều hành Android phiên bản 6.0 tức "Marshmallow" hoặc mới hơn như Android 7.0 (tức Nougat), các lựa chọn quyền truy cập được hỏi lần lượt nhưng hầu hết người dùng đều để mặc định "đồng ý" vì cho rằng Facebook và Messenger là những ứng dụng nổi tiếng và có thể tin tưởng. Tuy nhiên, hai phần mềm này lại đòi hỏi toàn bộ quyền truy cập dữ liệu trong máy, bao gồm cả sử dụng điện thoại và tin nhắn.
Trong thực tiễn, việc đòi hỏi các quyền này không đồng nghĩa với việc Facebook có thể nghe lén điện thoại hay đọc trộm tin nhắn. Máy sẽ cung cấp cho Facebook và Messenger các dữ liệu về lịch sử cuộc gọi cũng như đã nhắn tin với ai, vào giờ nào. Ví dụ, mạng xã hội này có thể nắm được thói quen bạn thường gọi điện cho ai đó vào mỗi chiều thứ 7 và nhắn tin đến dịch vụ tra cứu thông tin vào mỗi thứ 6. Đây cũng được cho là các dữ liệu nguy hiểm bởi nó tiết lộ nhiều thói quen và hành vi của bạn.
Facebook mới bị phạt 5 tỷ USD sau khi vướng vào một vụ bê bối với hơn 50 triệu thông tin người dùng bị đem bán. Vì vậy bạn nên chọn cách tự bảo mật thông tin cho mình khi chạy ứng dụng này. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng Facebook, bạn cần đảm bảo để các thông tin quan trọng của mình không bị theo dõi.
Bạn có thể tắt quyền truy cập dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn trên điện thoại có cài Android phiên bản 6.0 trở lên. Trong từng ứng dụng, bạn hãy vào phần "quyền truy cập" để xem ứng dụng đó đang sử dụng các quyền nào. Vd. với Facebook, phần mềm này đòi hỏi hầu hết các quyền và bạn phải tắt đi các mục quan trọng như tin nhắn SMS, điện thoại, lịch. Các mục còn lại có thể tắt/mở tùy theo độ bảo mật cá nhân. Tuy nhiên, khi bạn tắt các quyền truy cập như bộ nhớ, micro, máy ảnh, vị trí thì có thể sẽ ảnh hưởng đến một số tính năng.
Ứng dụng Messenger dù chỉ để nhắn tin và gọi qua mạng nhưng vẫn dùng rất nhiều quyền truy cập. Phần mềm này cũng đòi hỏi quyền truy cập cả vào dữ liệu Điện thoại và Tin nhắn SMS, vì vậy mà bạn cần xem xét kỹ và có thể tắt đi cho an toàn.
Ngoài ra các ứng dụng như Instagram, YouTube, Netflix và nhiều ứng dụng nữa cũng có thể làm rò rỉ dữ liệu riêng tư mà bạn không biết. Bạn nên xem thêm bài viết khác về cách thay đổi các cài đặt liên quan để tiết kiệm tiền cước phí sử dụng dữ liệu di động.
(Cập nhật: NCCong)
Xem online : Ngăn các ứng dụng Android sử dụng dữ liệu di động