Trang nhà > Khoa học > Sinh-Hoá > Những phát hiện về loài kiến
Những phát hiện về loài kiến
Chủ Nhật 7, Tháng Mười 2007
Nếu bôi một chất tiết ra từ những côn trùng chết lên con kiến khoẻ mạnh thì con kiến này lập tức bị loại khỏi tổ, bởi vì tạo hoá đã đặt trong những cái đầu nhỏ bé đó một chương trình rất chặt chẽ: phải đưa xác chết ra khỏi tổ. Và chúng không hề ngần ngại việc “xác chết” sẽ chống đối...
Theo bà Raisa Matveena, lãnh đạo nhóm nghiên cứu của Viện sinh học Tomsk (Nga), hiện tượng này là bằng chứng cho thấy cộng đồng sinh học của loài kiến mang tính khốc liệt và không nên lý tưởng hoá nó.
Trong một thí nghiệm khác, nhà khoa học Novosimbirsk, đồng nghiệp của các nhà nghiên cứu Tomsk, đã chứng minh được rằng một con kiến có thể nhớ và truyền cho con khác cùng họ đến 8 byte thông tin. Nếu xem tổ kiến như một siêu cơ thể từ hàng trăm nghìn đơn vị cơ sở thì chúng ta sẽ nhận được một cái gì đó giống như chiếc máy tính với bộ nhớ khoảng 1-2 nghìn kilobyte.
Một lần, với mục đích khoa học, các nhà nghiên cứu đã thử tìm cách dạy kiến ra khỏi tổ đúng vào 12 giờ. Để thực hiện điều này, hằng ngày, vào giờ đó họ đặt trước tổ bông có tẩm mật ong, nhưng kiến rất ranh mãnh, thay vì cố gắng đoán đúng thời gian này, chúng cử 2 con kiến trực tại nơi đặt “miếng mồi”. Khi các nhà nghiên cứu đưa thức ăn vào, những con kiến trực vội vã đi "báo cáo" với đồng loại. Và chỉ khi đó, tất cả đàn mới vội vã đi ăn. Sau đó các nhà nghiên cứu bắt giữ những con kiến trực. Nhưng cả bầy không hề nao núng: chúng bắt đầu thay phiên trực 15 phút một lần. Nhóm nghiên cứu vừa kịp “nhốt” những con kiến trực vào trong lọ thì hai con kiến khác xuất hiện. Khi hai con kiến này đi báo có thức ăn, mồi lập tức được cất đi. Đàn kiến kéo ra và không có gì cho chúng cả. Chúng đã tỏ rõ thái độ: lúc đầu tất cả ra “biểu tình” và sau đó, 3 ngày liền không xuất hiện. Chỉ khi thức ăn được đặt ngay tại lối vào, chúng mới có mặt. Có cảm giác là không phải các nhà nghiên cứu làm thí nghiệm với kiến, mà là chính chúng đang thử nghiệm với họ.
Còn một thử nghiệm “không thành công” nữa là ý định chuyển tổ kiến đến nơi tiện lợi hơn cho nghiên cứu. Các nhà khoa học đã lựa chọn một địa điểm lý tưởng theo quan điểm của họ. Tổ kiến được chuyển đến đó cùng với vật liệu xây dựng. Đàn kiến đã tổ chức một cuộc họp chung. Có vẻ như một số con kiến đòi phải chuyển đi, còn những con khác lại cho rằng cần ở lại. Đến sáng sớm, những con theo chiều hướng chuyển đi đã thu xếp nhộng và ấu trùng để rời tổ. Cuối cùng, cả đàn đều đi theo chúng.
Một điều kỳ lạ nữa là trong tổ kiến có đến triệu con cùng sống mà không có con nào bị đói rét. Trong điều kiện bình thường (tức là không có lũ lụt, cháy hoặc các thảm họa khác), cả tổ sẽ không bao giờ biết đến xung đột hay chấn động nào. Có vẻ như những con vật bé nhỏ đó còn tổ chức xã hội tốt hơn con người.
Sau cùng, các chuyên gia ở Tomsk đã giải đáp được câu hỏi kiến định hướng trong đêm như thế nào? Mặc dù cả ở Đức và Phần Lan người ta cũng có những cuộc nghiên cứu tương tự, nhưng chính ở Tomsk lần đầu tiên người ta đã chứng minh được rằng kiến không hề có “thiết bị nhìn đêm bí mật" đặc biệt nào, mà chúng định hướng hoàn toàn theo các bụi cây ở quanh chúng.