Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Một góc Bangkok

Một góc Bangkok

Thứ Ba 9, Tháng Mười 2007

Cách đây 5 năm, khi về nước gặp lại một vài người bạn và trong một cuộc “bình luận thời cuộc” ở quán trà, tôi được nghe kể: “Lúc đầu, khi mới gia nhập ASEAN, dân mình ai cũng thấy mấy nước đó tiến xa hơn hẳn Việt Nam, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mới thấy họ cũng chẳng khá hơn gì mình nhiều. Nhìn chung, tình hình mấy nước đó cũng giống như ở Việt Nam, chỉ khá hơn một “chút” mà thôi!” Tôi mang suy nghĩ đó trong chuyến du ngoạn sang Bangkok vào những ngày đầu tháng 3 năm nay.

Chuyện thú vị đầu tiên trên đường thám hiểm không phải ở Bangkok mà là ở Hà Nội. Tôi gặp một vài vị khách Việt kiều từ Mỹ về Sài Gòn và ra chơi Hà Nội. Tất nhiên họ đi thăm Hạ Long và hết lời khen những gì đã thấy, đã gặp, đã nghe ở Bắc Kỳ. Hạ Long đẹp, Hà Nội dễ thương và không xô bồ như Sài Gòn... thì tôi đã nghe nhiều người nói và kể. Nhưng nhận xét bất ngờ nhất của hai anh chị đến từ Mision Vejio, California, “...Chỉ khoảng 5 năm nữa là Việt Nam sẽ ngang bằng các nước châu Á xung quanh...” làm tôi bất ngờ. Nó không khác gì suy nghĩ của người ở Việt Nam về các nước láng giềng mà tôi đang mang theo sang thám hiểm Bangkok. Tôi sẽ quay lại với nhận xét đó với quý vị trong dịp khác. Còn bây giờ chúng ta hãy quay lại với Bangkok.

Tiếng Anh và quấy nhiễu du khách: Giống Việt Nam!

Ðược chuẩn bị đầy đủ thông tin về các chuyện đi lại, đổi tiền... vì thế khi đến Bangkok tôi không mấy gặp khó khăn khi ra khỏi sân bay và tìm đến khách sạn. Nhưng đã rất nhanh chóng tôi nhận ra vài điểm rất giống ở Việt Nam mà nhiều người đã nhắc nhở trước đó.

Trước khi đi, tôi được cảnh báo là tiếng Anh sẽ là vấn đề giao tiếp ở Bangkok. Tôi không tin vì hai lý do: Tôi không giỏi tiếng Anh nhưng vẫn giao tiếp được nên nghĩ chắc ở Bangkok cũng sẽ có nhiều người như vậy, lý do tiếp theo là những người nói với tôi về chuyện đó là những người rất thông thạo tiếng Anh và có thể giao tiếp bình thường nên họ nghĩ như vậy và sẽ không phù hợp với trường hợp của tôi. Nhưng tôi đã lầm, chắc chắn rất nhiều người Thái Lan giỏi tiếng Anh, nhưng bình thường quý vị rất khó khắn khi giao tiếp với taxi hay hỏi bất kỳ trên đường phố. Số người nói tiếng Anh ở mức có thể chỉ đường hay giải thích cho quý vị không nhiều. Phần lớn họ chỉ nói bồi một số câu nhất định và khi quý vị muốn hỏi thêm gì thì chịu. Nhưng, phiền toái nhất là một trong các câu quen thuộc là: “Taxi... taxi cheap....” hay “Sex show.... ladies... good... ladies room...”

Wat Arun trên sông Chao Phraya

Ở Việt Nam du khách đã quen thuộc và than phiền rất nhiều về hiện tượng luôn bị các trẻ em, người bán rong các đồ lưu niệm, bưu ảnh... bám theo liên tục và làm phiền đòi mua, năn nỉ mua. Ðến Bangkok quý vị cung sẽ gặp tình huống tương tự, tuy có ít hơn chút ít, quý vị sẽ được chào mời liên tục để đi các “Sex show” hay các dịch vụ “Thái Massage”... Thật sự là mệt mỏi khi đi một đoạn đường ngắn và được quan tâm liên tục, thậm chí nếu không tỏ thái đó dứt khoát hay khó chịu, quý vị sẽ được một người bám theo và quan tâm giải thích liên tục.

Lúc đầu, nếu đến Bangkok, du khách sẽ cảm thấy dễ chịu và thấy vui vẻ vì có người mời chào những chuyện đó. Có thể coi là chuyện vui, hài hay thú vị. Nhưng ngày thứ hai, thứ ba... thì chuyện đó sẽ thành khó chịu, nhất là trong thời tiết nóng bức và ẩm khó chịu ở Bangkok.

Thế ra, nhiều người ở có nhận xét rất đúng, ở Bangkok và Việt Nam ít nhất có những chuyện không hay cho du khách giống nhau về bản chất, dù hình thức khác nhau.

Người tình tại chỗ

Anh bạn tôi đã ở Bangkok trước đó cho biết, đây gần khu “Tây ba lô” nên buổi tối ra đường thấy và biết liền. Tôi tò mò về chuyện “biết liền” đó là gì. Anh bạn giải thích: “tối, ra ngoài đường thấy mỗi anh tây ôm một em Thái như tình nhân đầy đường!”

“Bọn nó lấy đâu ra các cô gái đó vậy?” Tôi ngạc nhiên.

“Các cô tự tìm đến, tối cứ ra đường sẽ có cô đến ôm ông liền,” câu trả lời rõ ràng.

Tôi tò mò, nhưng rất nghi ngờ vì tôi không giống “tây” và cũng chẳng có “ba lô”.

Buổi tối, tôi ra đường khám phá và xem các cô như thế nào sẽ đến “ôm ấp” tôi như anh bạn tuyên bố. Rất tiếc, chuyện đó không xảy ra, nhưng khi vào các quán ăn, quả là mỗi bàn một cô đang “âu yếm” một anh Tây da trắng thật. Tôi không biết họ đã quen nhau bao lâu, nhưng quả thật thái độ của họ rất âu yếm và đúng như của thái độ của những cặp tình nhân thứ thiệt. Nhiều cặp đút cho nhau ăn, âu yếm tay cầm tay, chân tay hòa quyện vào nhau hay có những cái nhìn... ưu ái và đắm đuối như trong... phim.

Qua anh bạn hiểu biết, được mệnh danh “cái gì cũng biết” và tìm hiểu thêm, tôi được biết mỗi anh khi du lịch qua đây nếu biết cách và hên sẽ được một cô gái Thái đến “chăm sóc”. Các cô đưa các anh đi chơi, đi ăn cùng, đi uống và tất nhiên các anh mua quà, chăm sóc ngược lại các cô. Họ “yêu nhau” như là các cặp đã quen thân lâu ngày. Tóm lại, như một tuần hay vài ngày “trăng mật” đầy đủ. Và rồi, sau đó anh về, em ở lại và tiếp tục tìm chăm sóc anh khác. Một đẳng cấp cao hơn của nghệ thuật “yêu chuyên nghiệp”. Còn gì muốn hơn, khi ngay các anh trẻ tuổi, các ông trung niên và cả các ông già được các cô gái Thái trẻ trung chăm sóc quan tâm, đem lại cho họ những giây phút cảm giác dễ chịu mà họ khó có thể có được ở đất nước họ. Rất nhiều người hiểu bản chất của sự việc nhưng họ vẫn không chịu công nhận đó là một “nghề” có kỹ năng cao.

Chắc chắn nhiều quý vị sẽ tò mò: Vậy kiếm các cô gái Thái đó ở đâu? Các cô sẽ tự tìm đến, nhưng quý vị phải bỏ thời gian ra ngồi, chơi ở các nơi cần thiết như nhà hàng, quán Bar và các cô sẽ tìm đến. Vấn đề còn lại là do quý vị tự quyết định.

Xe ôm Thái an toàn hơn xe ôm Việt Nam ?

Xe 3 bánh tuk-tuk

Mới đến sân bay Bangkok, chúng ta có cảm giác là khác hoàn toàn ở Việt Nam. Sân bay to lớn và hiện đại hơn rất nhiều. Ra đường xa lộ, sự khác biệt đó lại càng rõ nét. Hệ thống đường sá hiện đại và ngăn nắp hơn rất nhiều và cả khác biệt ở điểm: dân Thái đi bên trái như ở Anh Quốc. Nhưng vào đến thành phố, gặp các tài xế Taxi, được mời chào liên tục các show, thấy các cảnh bán hàng, ăn uống của người dân thường ngày chúng ta lại nhanh chóng có cảm giác như đang về lại Việt Nam. Có khác chăng là họ không nói tiếng Việt và chữ Thái Lan cũng không thể đọc được. Nhưng tìm hiểu kỹ hơn, sẽ không phải thế tuy giống ở bên ngoài. Trước hết nói chuyện xe ôm, xe lam mà ở Thái Lan người ta hay gọi là “Tuk-tuk”.

Ở Thái Lan, ít nhất ở Bangkok có xe ôm, đó là điều rất giống ở Việt Nam. Nhưng về bản chất hoàn toàn khác. Trước hết, xe ôm ở Bangkok có “luật” rõ ràng và phần nào được quản lý. Các tay chạy xe ôm đều mặc áo vàng da cam và đánh số sau lưng. Nói như vậy nghĩa là họ được sự bảo đảm nhất định tránh chuyện ai cũng có thể chạy xe ôm. và khách hàng cũng sẽ chỉ gọi những người mặc áo vàng có số để đi cho “yên tâm”. Ngoài ra, các xe ôm vẫn đỗ tập trung ở một số điểm nhất định chứ không bất kỳ tại đâu như ở Việt Nam. Ðiều này có thể một phần do đặc thù đường phố của Bangkok rõ ràng hơn và dành cho xe hơi nên khó có thể đỗ tùy tiện. Ngoài ra, khách hàng cũng có vẻ được bảo vệ “an toàn” hơn. Khi lên xe ôm ai cũng được đưa cho một chiếc mũ bảo hiểm để đội và xe ôm nào cũng có sẵn mũ cho khách. Như vậy, quý khách có thể nhận biết ai là lái xe ôm và gọi hay cũng có cảm giác yên tâm hơn, khác với ở Việt Nam bất kỳ ai cũng có thể làm xe ôm và kiếm tiền.

Chợ đường sắt

Nhưng trông vậy, không phải vậy. Xe ôm Thái không hẳn đã an toàn hơn ở Việt Nam. Bù lại cho những chi tiết “an toàn” trên, xe ôm Thái chạy rất “nguy hiểm” vì họ chạy rất nhanh do đặc thù đường xe của Thái Lan và thường xuyên “lách” giữa các xe ôtô hay đi trên phần đường ngược chiều. Tôi đã trực tiếp hưởng cảm giác mạnh xe ôm hai lần và khuyên những ai không có khả năng giữ thăng bằng hay chịu được cảm giác tốc độ thì đừng đi xe ôm.

Anh tài xế chở tôi, tôi không thể hỏi tên được vì anh không biết viết tên anh ta bằng tiếng Anh, phóng xe như đua với các xe ôm khác, thắng gấp khá thường xuyên và nếu tôi không giữ tay sau hay thăng bằng chắc hẳn đã bị xô ra trước hay văng ra ngoài vài lần. Có vẻ như thấy khách giữ được thăng bằng nên anh tay càng phóng nhanh hơn. Mỗi khi phải dừng gấp vì đèn đỏ hay ai đó chạy quẹt ngang bất cẩn anh ta làu bàu bằng tiếng Thái một tràng dài.

Anh bạn “cái gì cũng biết” giải thích là anh ta muốn nói chuyện với tôi bằng tiếng Thái, nhưng tôi hoàn toàn nghi ngờ nhận xét này. Chưa hết, đi xe ôm nhanh hơn taxi hay xe Tuk-tuk rất nhiều vì xe gắn máy có thể lách và đi liên tục ở giải ranh giới giữa hai luồng xe ngược chiều (giải phân đôi vạch riêng). Nếu phía đường ngược chiều không có xe thì rất nhiều tài xế phóng đại vào cho nhanh.

Ði xe ôm ở Việt Nam có thể an toàn hơn. Lý do vì đường Việt Nam gần như không có luật nên ai cũng thận trọng vì bất kỳ chuyện gì có thể xảy ra. Ai cũng phải đi chậm và luôn luôn chuẩn bị dừng xe bất kỳ lúc nào. Nếu xảy ra tai nạn thì cũng không thể nghiêm trọng nếu đi trong thành phố với tốc độ thấp. Còn ở Bangkok, nếu chiếc xe chở tôi gặp nạn thị tôi có thể cam đoan, không mũ bảo hiểm nào cứu được tôi vì với tốc độ từ 60-80 tới 100km/giờ sẽ không có cơ may an toàn. Chưa kể nếu lúc đó đang đi ở vạch đôi ngăn cách hai hướng đường đối diện thì khó đoán được điều gì xảy ra.

Phải biết mặc cả: Bực, vui, bực... ân hận

Thói quen giống nhau tiếp theo ở Bangkok và Việt Nam là quý vị mua bất kỳ gì phải mặc cả và biết mặc cả. Ở Việt Nam mỗi khi mua xong bất kỳ gì, ra khỏi chỗ đó quý vị luôn có cảm giác (ít nhất là bản thân tôi) như vừa bị lừa, ở Bangkok tôi cũng có cảm giác như vậy.

Chỉ chuyện nhỏ nhất là đi taxi. Ðó là phương tiện an toàn và tiện nghi nhất ở Bangkok. Nhưng rất nhiều lái xe không bật tachometer và hét lên một giá nào đó, hoặc nếu không đi xong rồi họ mới nói giá. Nhưng như thế rất nhiều khả năng quý vị sẽ trả nhiều hơn mức đúng giá của tuyến đường đó. Một vài buổi tối, khi chúng tôi đi xe taxi luôn gặp hoàn cảnh: Bực, vui rồi lại bực. Thật đơn giản, lần đi thứ nhất bực vì không nói chuyện được với tài xế, phải trả giá cao. Lần về, tưởng đã thông minh hơn, được giá hời hay đúng giá. Nhưng cảm giác vui vẻ chỉ một chút thôi vì trên đường về, ngay trong xe nhiều người đã phát hiện ra là khoảng cách không xa như mình tưởng và vẫn bị “thiệt”.

Chợ nổi

Còn đi mua hàng hoàn toàn giống vậy. Quý vị đừng bao giờ tin và mua ngay giá ban đầu mà người bán nói ra. Quý vị có thể thương lượng và mua được với giá trong nhiều trường hợp cụ thể chỉ bằng 30% giá rao bán ban đầu. Tôi đã từng mặc cả mua một chiếc ly bằng bạc từ giá 1800 bath xuống tới chỉ còn 500 bath. Ðó cũng là lý do khiến tôi đã một lần gây khó chịu cho một cô bán hàng. Tối đó, tôi chỉ hỏi mua chiếc áo thun Thái và đã biết giá chỉ vào khoảng 150 bath. Cô bán hàng không hiểu nghĩ tôi là người nước nào nhưng xướng ngay giá 1800 bath. Sửng sốt vì sự chênh lệch quá mức, tôi lắc đầu quay đi. Cô ta liền xuống giá liên tục: 1.100 bạt, rồi 500 bạt, 300 bạt... Nhưng tôi đã nhất quyết quay đi. Tức quá, cô bán hàng yêu cầu tôi đừng ra ngoài mặt quầy hàng của cô để cô còn bán hàng.

Bangkok vẫn là thành phố mang đặc thù Á Châu, đó không phải chỉ là cảm giác riêng của tôi. Bà Margaret Spink đến từ Sydney, Úc Châu, người chúng tôi gặp trong một chuyến đi chung, cho biết: “Tôi đã quay lại Bangkok sau 25 năm. Nhưng quả thật, trừ một số khu nhà cao tầng mới, một số khu trung tâm thương mại văn phòng mới thì Bangkok vẫn rất giống như ngày xưa, khi lần đầu tôi đến đây. Bangkok vẫn là một thành phố Á Châu với nhiều đặc tính của nó. Trong khi đó Singapore thì lại thay đổi theo hướng khác.”

(Ảnh: www.2goglobal.com, www.thaistudents.com

Mai Thượng - Người Việt trẻ)