Sách, thú chơi của người Hà Nội

Nguyễn Văn Yên

Trong số những người chơi sách ở Việt Nam thì nổi tiếng nhất có lẽ là cụ Vương Hồng Sển, người đã viết hẳn một cuốn sách nhan đề "Thú chơi sách". Hà Thành là đất ngàn năm văn hiến nên theo lẽ tự nhiên cũng có không ít người có cái thú chơi được coi là đệ nhất phong lưu này.

Vài năm trước, một “đại hội quần hùng” của những cao thủ chơi sách đã diễn ra ở Sài Thành dưới tên gọi cuộc thi "Những quyển sách vàng" lần thứ nhất. Không ai ngờ là sau khi tỉ thí, giải nhất cuộc thi lại thuộc về một cao thủ còn trẻ trong giới chơi sách của... Hà Nội! Đó là hai cuốn tự điển Annamiticum Latinum Dictionarium và Latinum Annamiticum Dictionarium, thường được giới chơi sách lưu truyền dưới tên gọi “tự điển Taberd”, do Đức cha Bá Đa Lộc biên soạn và truyền lại cho Đức cha Taberd in năm 1838 tại Ấn Độ. Ông Nguyễn Quảng Tuân, Chủ tịch hội đồng giám khảo khi nhìn thấy hai cuốn tự điển này đã nói gần như khóc:"Đời tôi không dám mơ có ngày lại được tận tay sờ vào hai cuốn sách này. Đây đúng là một điều không tưởng!".

Trải qua bao nhiêu dâu bể thời gian, những người đã chót vướng phải thú chơi sách ở Hà thành cũng đã có không ít đổi thay. Nhưng ở họ có một điểm chung không hề thay đổi: niềm đam mê tột cùng với sách.

Đa dạng về sở thích

Cái đặc trưng sĩ phu Bắc Hà đã nhiễm vào những người chơi sách Hà Nội nên cái chất “chơi” vẫn là chính yếu. Bởi vậy, có người chuyên sưu tầm những cuốn sách vô cùng quý hiếm (như các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của...), nhưng cũng có những người chỉ chơi những sách mà họ ưa thích chứ chưa hẳn là đã có giá trị mua bán trên thị trường.

Có người chỉ chuyên chơi sách của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, người mà sinh thời là tác giả của vài chục quyển sách và viết cho trên chục tờ báo!

Người khác chỉ sưu tập những cuốn sách quốc ngữ in từ đầu thế kỷ, những bản in đầu tiên giai đoạn những năm 40-50 của thế kỷ trước, các tác phẩm của những nhà văn sau này lừng danh như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Vũ Bằng...

Hay có người, như ông Bổng, nhà trên phố Hàng Buồm, chơi sách qua những trang...bản thảo. Ông có bản thảo của những tác giả từ Hoàng Trung Thông, Tào Mạt, Phùng Quán cho tới Vũ Cao, Phạm Tiến Duật. Đặc biệt ông có những trang bản thảo cực quý của Nguyễn Tuân, từ Chùa Đàn, Cốm in trên giấy bản từ năm 1946, đến những bút ký sống động thời chống Mỹ của cụ Nguyễn như Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi... Trong sưu tập của ông Bổng có phần độc nhất vô nhị là những bản thảo của nhà văn tài danh Nguyễn Huy Thiệp, từ Tướng về hưu cho tới Con gái thuỷ thần...

Anh Tín, con trai ông Bổng, nói: "Bằng việc sưu tầm những bản thảo quý hiếm này, gia đình tôi muốn lưu giữ lại những dấu vết của một thời kỳ văn học Việt Nam, cái sẽ dần mai một đi một khi việc sáng tác chủ yếu sẽ được các nhà văn thực hiện trên máy tính!"

Bộ sưu tập sách lạ

Trong số dân chơi sách Hà Nội, cũng có người lựa chọn cho bộ sưu tập của mình những cuốn sách quý hiếm, lạ về hình thức, như sách lá, sách tí hon...

Hoạ sỹ Thành Đàm, nhà trên phố Lý Thường Kiệt, là một người chơi như vậy.

Cuốn Lịch sử nước ta là cuốn diễn ca do Bác Hồ viết và xuất bản tháng 2 năm 1942 là một trong những cuốn sách độc nhất vô nhị trong làng chơi sách. Cuốn sách có khổ 9x13cm, in thạch bản, ngoài bìa đề Lịch sử nước ta (Hồ Chí Minh quyển 5)- VM tuyền truyền bộ xuất bản. Toàn bộ cuốn sách dày 16 trang, vừa đủ cho một tay sách, trong có những hình minh hoạ do Bác Hồ tự vẽ các nhân vật lịch sử như Đề Thám, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản...

Anh Thành Đàm còn có những cuốn sách "độc" khác như sách đèn lồng, khi mở ra treo lên giống như cái đèn, trẻ con có thể xem xung quanh, sách hình quả trứng, sách có cửa lùa, khi đọc trình diễn giống như một vở kịch trên sân khấu, cuốn Tuyên ngôn đảng cộng sản in bằng tiếng Đức tại NXB Dietz Verlag ở Berlin năm 1978 khổ 3,5x5 cm, cuốn Tia lửa của Lenin cũng in bằng tiếng Đức năm 1981 tại Lepzig, khổ 6x9 cm, dày 380 trang, người thiết kế đã chụp nguyên trang báo Tia lửa, thu nhỏ lại làm "áo", giống như cái hộp để bọc cuốn sách, bộ 3 cuốn sách in trên giấy dó dược xuất bản trong dịp đặc biệt, ghi lại 3 bản "tuyên ngôn" của Việt Nam là Hịch tướng sỹ, Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập để anh hùng Phạm Tuân mang theo vào vũ trụ...

Trong một chuyến đi công tác tại Lào, anh Đàm cũng tình cờ mua được ngoài chợ một cuốn sách được biết đến nhiều nhưng hiện nay vẫn còn khá bí ẩn: sách lá. Chữ viết trên sách lá bằng cách dùng kim nhọn rạch vào lá khi tươi rồi bôi mực tàu trộn với mật cá sông.

Trong khi đó thì sách lá của người Khmer làm trên lá thốt nốt thì dùng lá thốt nốt tươi, cắt vuông vức rồi cũng thích chữ vào bằng kim nhọn; được đến đâu ép lại, cho vào nồi đồ chín vàng rồi đem ra phơi khô! Sau đó dùng màu hoàng thổ hoặc mực tàu quét lên cho rõ chữ và cuối cùng thì quét một loại dầu chống ẩm và mối mọt.

Anh Thành Đàm tâm sự: "Tôi không phải là người chơi sách chuyên nghiệp. Những cuốn sách lạ tôi sưu tầm chủ yếu là do đam mê của riêng tôi mà thôi".

Để có thể vang danh trong giới chơi sách không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều người đã phải kỳ công mới có thể tìm được những cuốn sách độc đáo.

H.M, một anh chàng đất Bắc đã phiêu dạt vào Nam sinh sống, cách đây một thời gian phải lên tận Đà Lạt mua được của một tay chơi sách hai cuốn sách “hiểm”. Đó là hai tác phẩm của giáo sỹ Alexandre de Rhode, người có công lớn trong thời kỳ đầu chữ Quốc ngữ hình thành và phát triển ở Việt Nam, là cuốn Lịch sử Đàng Ngoài (Tunchinensis Historiae Libri Duo, Lyon-1652) và cuốn Hành trình truyền giáo (Divers voyages et missions, Paris-1653). Đây là hai cuốn sách có tuổi trên 350 năm, được các nhà nghiên cứu công nhận là những tài liệu gốc vô cùng quý giá, còn các nhà sưu tầm sách và các hãng đấu giá quốc tế luôn liệt vào hạng "cực hiếm".

NVY (Báo Quân đội nhân dân)