Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Làng Tàm Xá
Làng Tàm Xá
-
Thứ Tư 17, Tháng Mười 2007, bởi
Tàm Xá (hay Tầm Xá) là tên chữ của làng Vải, nằm ở ven bờ bắc phía bên kia sông Hồng, đối diện với các phường Nhật Tân, Phú Thượng của Hà Nội. Đây là một vùng đất bãi rộng lớn và màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Tên Nôm và tên chữ của làng đều nói lên những ý đó (Tàm Xá nghĩa là nơi có nghề tằm). Thời thuộc Pháp, Tàm Xá có số dân đông vừa phải (thống kê năm 1928: 1371 nhân khẩu).
Trước khi có đập Hòa Bình, sông Hồng thường gây lũ lụt; làm lở đất và thay đổi vị trí của làng Tàm Xá. Đặc biệt năm 1971 lụt rất to, chính quyền cấp trên buộc làng phải rời khỏi vùng bãi để chuyển vào khu vực hiện nay. Tàm Xá lại tiếp giáp với nhiều xã như: Vĩnh Ngọc, Xuân Canh (huyện Đông Anh, thuộc huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc cũ), Hải Bối (huyện Yên Lãng, vốn thuộc trấn Sơn Tây), Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên (huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây cũ). Những huyện này có sự thay đổi địa giới, vì vậy mà Tàm Xá cũng từng nhiều lần bị chuyển dịch đơn vị hành chính.
Thời Lê, làng thuộc huyện Đông Ngàn (trấn Kinh Bắc), đầu thời Nguyễn lại là một xã thuộc tổng Hải Bối, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Sơn Tây). Năm 1876 đặt tổng Hải Bối thuộc huyện Đông Anh (mới thành lập), phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1892 Tàm Xá cắt về tổng Phúc Lâm, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội (năm 1899 Phúc Lâm thuộc Khu vực ngoại thành Hà Nội; năm 1915 thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông; đầu năm 1943 thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội). Sau 1954, Tàm Xá thuộc quận 5 ngoại thành Hà Nội, năm 1961 lại quay về huyện Đông Anh đến bây giờ.
Trai đinh làng xưa kia sinh hoạt trong 8 giáp: Đông Thượng, Đông Hạ, Tây Thượng, Tây Hạ, Nam Thượng, Nam Hạ, Bắc Thượng, Bắc Hạ. Hội làng tuy vậy vẫn là của chung và diễn ra hàng năm từ 12 đến 14 tháng Ba âm lịch, có trò bơi trải trên sông Hồng. Ngoài ra cứ 3 năm dân làng còn tổ chức một lần đại hội vào ngày 5 tháng Tư.
Tàm Xá có ngôi đình cổ và chùa Linh Ứng Tự đã được xếp hạng năm 1992 là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Thần hoàng làng trước tiên gồm 3 vị sơn thần: Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh (anh em con chú con bác với nhau). Hai vị thần còn lại là Long Linh (chưa rõ sự tích) và Cẩm phu nhân. Tục truyền phu nhân là một cô gái xinh đẹp nết na trong làng, được tuyển vào cung dưới thời vua Lê - chúa Trịnh.
Bấy giờ trong làng có một người làm Thái giám, bố ông này cậy thế con đã ức hiếp một số dân làng nên bị họ lập mưu giết chết. Viên Thái giám tâu vua cho giết hết tất cả gia đình những người phạm tội, song Cẩm phu nhân xin chỉ trị tội vài người chủ mưu và được vua y thuận. Nhớ công ơn ấy, dân làng Tàm Xá tôn bà làm thành hoàng và lập miếu thờ. Hiện còn đạo sắc phong bà ghi niên hiệu Quang Trung thứ năm (1792).
Cách ly bởi sông Hồng nên Tàm Xá từng bị coi như một "vùng xa" của Hà Nội. Năm 2014, khi thông cầu Nhật Tân, làng bỗng trở thành “láng giềng” của các phường Nhật Tân, Phú Thượng nổi tiếng với các vườn đào, quất. Hàng trăm héc-ta đất bãi vốn trồng ngô, khoai, đậu... đã chuyển đổi mục đích. Trong số 220 ha đất canh tác thì có 1/3 diện tích của gần 300 hộ đang chuyên canh cây quất cảnh, thu nhập mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng/sào.
Ngày nay, làng Tàm Xá cũng như nhiều vùng ngoại thành Hà Nội đang dần dần công nghiệp hóa và đô thị hóa, dân số tăng lên và đất canh tác giảm xuống, kèm theo hiểm hoạ ô nhiễm môi sinh. Đời sống nhân dân nâng cao đáng kể nhưng truyền thống đoàn kết cộng đồng vẫn bảo tồn và phát huy mạnh mẽ. Tàm Xá là xã ngoại thành đầu tiên của Thủ đô được đánh số nhà, số ngõ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và giúp người dân tiếp cận với nếp sống văn minh.
Đông Tỉnh