Trang nhà > Khoa học > Không gian > Giấc mơ không gian của Malaysia
The First Astronaut of Malaysia
Giấc mơ không gian của Malaysia
Thứ Bảy 13, Tháng Mười 2007, bởi
Ngày 10.10.2007, Sheikh Muszaphar Shukor (ảnh: Reuters), phi hành gia đầu tiên của Malaysia đã bay lên vũ trụ. Sự kiện này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế giữa lúc cuộc chạy đua không gian ở châu Á đang nóng lên. Shukor đã rời bệ phóng Baikonur ở Kazakhstan trên tàu Soyuz TMA-11 cùng với phi hành gia người Nga Yuri Malenchenko và bà chỉ huy mới của trạm vũ trụ quốc tế (ISS) - nhà hóa sinh người Mỹ Peggy Whitson. Sau 9 ngày làm việc ở ISS, Shukor sẽ trở về trái đất trên tàu Soyuz TMA-10 với 2 đồng nghiệp người Nga Fyodor Yurchikhin và Oleg Kotov.
Trọng trách
Shukor được chọn ra từ 11.000 ứng cử viên ở Malaysia để bay lên trạm vũ trụ quốc tế. Chuyến bay này là một phần trong thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD giữa 2 chính phủ Malaysia và Nga từ năm 2003 về việc Malaysia mua các máy bay chiến đấu của Nga. Đầu năm 2006, Shukor và 3 người khác được chọn vào chương trình Angkasawan (tiếng Malaysia có nghĩa là phi hành gia). Sau khi hoàn thành đợt huấn luyện tại thành phố Ngôi Sao của Nga, Shukor đã được chọn làm phi hành gia đầu tiên của Malaysia bay vào không gian. Phi hành gia dự bị được chọn là Faiz Khaleed. Khi biết con trai mình được chọn, người cha 70 tuổi của Shukor cho rằng đây là một sứ mệnh nguy hiểm nhưng ông đã cho phép con trai thực hiện vì đó là niềm đam mê của Shukor.
Trong lúc Malaysia chưa phóng được tàu vũ trụ của riêng mình, bản thân Shukor khi thực hiện sứ mệnh không gian này đã mang một trọng trách mà theo giới chức Malaysia là giúp tăng cường vị thế của nước này trên trường quốc tế, nhất là khi châu Á đang nóng lên với cuộc chạy đua vào không gian giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Hôm 5.10, tàu thăm dò của Nhật Bản đã bay vào quỹ đạo mặt trăng. Trong khi đó, Trung Quốc dự định phóng tàu thăm dò mặt trăng của mình vào cuối năm nay, còn Ấn Độ đang lên kế hoạch thăm chị Hằng vào năm sau. Malaysia tin rằng sự kiện phi hành gia của họ bay vào không gian là một tin vui và giúp tìm lại thời hoàng kim của những phát minh và nghiên cứu khoa học trong cộng đồng Hồi giáo. Đây cũng là dịp Malaysia kỷ niệm quốc khánh lần thứ 50 của mình.
Sau Phạm Tuân của Việt Nam, Shukor là người thứ 2 ở một quốc gia Đông Nam Á bay vào không gian. Anh cũng là người Hồi giáo thứ 3 được tận hưởng trạng thái lơ lửng ngoài vũ trụ sau chuyến bay của Hoàng tử Ả Rập Xê Út Salman al-Saud năm 1985 và nữ doanh nhân gốc Iran Anousheh Ansari năm 2006. Malaysia cũng chưa muốn dừng lại với chuyến bay của Shukor. Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Malaysia Jamaludin Jarjis cho hay ông sẽ gợi ý với nội các về khả năng tiếp tục đưa phi hành gia dự bị Faiz Khaleed lên ISS trong năm 2008 hoặc 2009. Theo Báo News Strait Times, phía Nga tỏ ra hài lòng với năng lực của phi hành gia dự bị này và đã đề xuất cho Khaleed tiếp tục được huấn luyện tại Cơ quan Không gian Nga.
Phi hành gia kiêm người mẫu
Sinh năm 1972 tại Kuala Lumpur, Shukor có bằng cử nhân về y khoa và giải phẫu thuộc trường Cao đẳng Y Kasturba ở Manipal (Ấn Độ). Ngoài công việc của một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, anh còn là giảng viên y khoa thuộc trường Đại học Kebangsaan của Malaysia. Cũng không quá ngạc nhiên khi phi hành gia điển trai này còn là một người mẫu làm việc bán thời gian. Anh cũng là người Hồi giáo đầu tiên thực hành bộ nguyên tắc do Hội đồng Hồi giáo Fatwa của Malaysia đưa ra nhằm chỉ dẫn các phi hành gia theo đạo Hồi cầu nguyện trong không gian. Theo Reuters, bộ nguyên tắc này sẽ được dịch ra cả tiếng Anh, Nga và Ả Rập để phục vụ các phi hành gia Hồi giáo trong tương lai. Thêm vào đó, Shukor sẽ gặp nhiều thử thách hơn khi anh là người Hồi giáo đầu tiên thực hiện sứ mệnh không gian vào đúng tháng chay Ramadan. Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Jarjis cho hay Shukor chỉ cần cầu nguyện 3 lần/ngày trong không gian chứ không phải 5 lần như lệ thường. Shukor cũng không bị ép phải ăn chay trong thời gian ở trên ISS. "Theo đạo Hồi, nếu anh có những nhiệm vụ kiểu như thế này, anh có thể thực hiện việc chay tịnh sau", Bộ trưởng Jarjis cho biết.
Ngoài ra, theo bộ nguyên tắc dành cho phi hành gia Hồi giáo vừa được ban hành, trong lúc cầu nguyện, nếu không thể đứng thẳng, phi hành gia có thể gập người. Nếu không đứng được thì ngồi cũng không sao và nếu không ngồi được thì có thể nằm xuống. Hồi năm 1985, Hoàng tử Salman al-Saud sau khi trở về từ không gian cho hay dù cố gắng tìm cách cầu nguyện trong tình trạng không trọng lực nhưng ông đã rất khó khăn khi hướng mặt về thánh địa Mecca và không thể quỳ hoàn toàn. Trong khi ISS bay quanh trái đất 16 lần mỗi ngày, thời gian cầu nguyện của Shukor sẽ được căn cứ theo múi giờ ở Baikonur, nhanh hơn Moscow 2 giờ và chậm hơn Kuala Lumpur 2 giờ.
Việt Phương, TNO (VP Bangkok)