Long mạch và văn hóa Việt Nam ở thời toàn cầu hóa

GS Bùi Trọng Liễu

Theo một cuốn từ điển,“long mạch” là “mảnh đất tốt, quyết định vận mệnh con người, theo thuyết phong thủy”.

Tôi là kẻ không may, vì không có được lòng tin, cả đời đã cố tin mà không được, chẳng tin thần thánh thì làm sao mà tin được thuyết phong thủy. Tôi chỉ biết đơn giản tôn trọng nhân cách, dù không lý giải được tại sao tự mình lại “phải” buộc mình tôn trọng nhân cách. Cho nên sống đã khó, mà chết cũng sẽ khó. Vì thế mà tôi hoang mang, nên muốn luận bàn chút ít, may ra tìm được trả lời cho vài câu hỏi.

Nghe đâu như thuở xưa, người ta tìm nơi có long mạch để táng cha mẹ, hay chính mình, để mong con cháu được “phát”. Nếu tham vọng cao hơn, người ta cũng tìm long mạch để xây cất, mong nghiệp đế vương được lâu dài.

Nhưng trong lịch sử, thiếu gì chuyện sinh “con thánh” mà chẳng cần long mạch. Chuyện ta cũng có, chuyện nước ngoài cũng có. Này nhé:

- Tục truyền rằng Lý Công Uẩn (sau lên ngôi vua tức là vua Lý Thái tổ) không có cha, bà mẹ đi chơi chùa Tiêu Sơn, nằm mộng thấy mình ngủ với thần rồi về có thai, mà đẻ ra ông (theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim; còn Đại Việt sử ký thì không viết là “nằm mộng” mà chỉ viết là cùng với “người thần” giao cấu rồi có chửa; tôi không biết là nên nhấn mạnh đến chữ “thần” hay đến chữ “người”). Dù sao, vậy cũng là “không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian thường tình”, quả là con đẻ ra là chân mệnh đế vương. Chính vị Lý Thái tổ này chọn đất Thăng Long để đóng đô.

- Theo Hoàng Lê nhất thống chí, mẹ chúa Trịnh Khải là Ngọc Hoan, được tuyển vào làm cung nữ của chúa Trịnh Sâm (vì chị bà trước là cung nữ được yêu của chúa Trịnh Doanh, bố Trịnh Sâm). Nhưng được tuyển vào cung, mà không được chúa Trịnh Sâm ngó tới, nên ngày đêm nàng vẫn cô quạnh. Bỗng một đêm, nàng “mơ” thấy một vị thần đem cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Nàng “không hiểu” đó là điềm gì, mới đem chuyện này hỏi viên hoạn quan Khê Trung hầu. Viên này biết là điềm sinh con “thánh”. Đêm sau, nhân dịp chúa sai gọi cung tần Ngọc Khoan vào “hầu”, Khê Trung hầu cố ý giả nghe lầm tên, đưa Ngọc Hoan vào. Chúa không thích, nhưng đã trót gọi đến, không nỡ đuổi ra. Nàng chỉ trải qua “một trận mưa móc”, liền có thai ngay. Sau đó, sinh ra Trịnh Khải. Chúa Trịnh Sâm nghĩ đầu rồng tuy có khí tượng làm vua, nhưng chỉ là rồng vẽ không phải rồng thật, mà lại chỉ có đầu không có đuôi, chưa hẳn đã là điềm tốt cả. Như vậy là cái ông thần trong mộng này cũng oái ăm: nhờ ông mà bà Ngọc Hoan, với sự đồng lõa của Khê Trung hầu, mới được hưởng “một trận mưa móc”, để sau đó lòi ra được cái ông chúa Đoan Nam vương Trịnh Khải; nhưng ông thần chỉ cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng, có thể vì vậy mà làm cho chúa Trịnh Sâm không ưa con cả, mà yêu con thứ Trịnh Cán do bà chúa Chè Đặng Thị Huệ đẻ ra, để cho cơ nghiệp chúa Trịnh đến nỗi: “Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ; truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ”…

- Hoặc như chuyện Tần Thủy hoàng bên Tàu. Cuối thời Chiến quốc (từ 479 trước Công nguyên đến 220 trước Công nguyên), Lã Bất Vi là nhà buôn lớn nước Triệu, lập kế đem vợ lẽ của mình là Triệu Cơ, đã có mang với mình nhưng giữ kín, dâng cho Tử Sở (con trai thái tử nước Tần) đang bị làm “con tin” ở nước Triệu. Đúng là “quí nhân” nên mười mấy tháng mới sinh ra, vì vậy Tử Sở không nghi ngờ, cứ tin là con mình, đặt tên là Chính; lúc sinh ra đã có răng(!), mắt có hai tròng. Rồi Lã Bất Vi bày mưu lập kế, đưa được Tử Sở về nước Tần. Khi vua Tần chết, thái tử lên làm vua, cũng vì Lã Bất Vi mà Tử Sở được làm thái tử rồi làm vua, tức là vua Trang Tương vương. Tương truyền, Trang Tương vương làm vua được ba năm, bị bệnh ; Lã Bất Vi dâng thuốc, vua chết. Thái tử Chính lên làm vua, tức Tần Thủy hoàng sau này. Những chuyện này có kể trong Sử ký của Tư Mã Thiên và sách Đông Chu Liệt Quốc. Ai muốn tin thì cứ tin.

- Xa hơn là chuyện nữ hoàng Hatchepsout, vua bà nổi tiếng nhất trong 5 vua bà của lịch sử Ai-cập, trị vì hơn 20 năm vào khoảng 1500 năm trước Công nguyên (triều đại thứ 18 thuộc Đế chế Tân đại). Huyền thoại về bà này cũng ly kỳ, được kể qua những di tích trong đền của vua Aménophis III ở Louqsor: Amon-Rê, thần chúa tể của các thần và là “thượng đế” của các vua Ai-cập, quyến rũ hoàng hậu Ahmès, vợ vua Thoutmosis I. Một đêm, thần biến dạng thành hình dáng vua, vào phòng hoàng hậu Ahmès và mê mẩn vì sắc đẹp của bà trong giấc ngủ, lách vào trong chăn của bà. Bà tỉnh giấc, được thần tiết lộ cho biết mình là ai. Trải qua một cuộc mây mưa, thần báo cho biết là bà sẽ đẻ ra con thánh, và đặt tên sẵn cho đứa bé gái tương lai là Hatchepsout, và cho bà biết sau này đứa con gái này sẽ làm vua Ai-cập. Khi vua Thoutmosis I chết, theo tập tục trong hoàng gia, Hatchepsout lấy anh trai cùng cha khác mẹ là Thoutmosis II, một vua kém, nên bà tự nắm quyền và lên ngôi vua (pharaon) ở Karnak (chính bà làm vua, cũng mang râu giả, ăn mặc quần áo như vua “đực”, chứ bà không đóng vai hoàng hậu chấp chính)… Người xưa tuyên truyền giỏi thật: rõ ràng là mẹ bà này chính chuyên ngủ với chồng là vua, mà lại đẻ ra được con thần!

Gần đây, tôi đọc báo trong nước, thấy kể có nhiều “đại gia” giàu có – không biết họ làm cách nào mà giàu chóng vậy ? – chọn đất tốt để xây mồ xây mả hoành tráng; chắc là muốn được “phát” để con cháu lâu dài kế tiếp trọng trách phục vụ nhân dân. Nhưng đấy là chuyện cá nhân.

Câu tôi muốn hỏi là câu chuyện lớn hơn : đó là việc di tích khu vực hoàng thành và xây nhà Quốc hội. Tôi đọc báo thấy bao nhiêu loại người phát biểu ý kiến, can việc xây nhà Quốc hội ở khu này. Nào là bảo vệ di tích lịch sử từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn chưa khai quật hết. Nào là bảo vệ những di tích gần đây hơn, nhà Quốc hội hiện tại, nơi đã có những quyết định lớn, tổng hành dinh của quân đội, trong suốt thời gian chống Mỹ, đưa đến ngày Toàn thắng mùa Xuân thống nhất đất nước, v.v. Gần đây lại thấy mấy kiến trúc sư phát biểu ý kiến rằng nước Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu , cần có một khu vực trung tâm chính trị, hành chính bề thế tương xứng, mà khu hoàng thành này thì quá hẹp, nên xây nhà Quốc hội mới ở một khu khác rộng hơn, v.v. Nhưng tất cả những lý do chính đáng đó đưa ra, cũng chẳng lay chuyển nổi quyết định của những nhà đại điện nhân dân. Chắc không phải lỗi tại mấy doanh nhân, họ là những người lo xây cất kiếm lời, làm giàu, họ đâu có ảnh hưởng được đến đại sự vì dân vì nước! Vì vậy nên tôi thủ thỉ hỏi thăm, thì có người mách rằng: chắc tại “long mạch”. Không lẽ vậy ? Đã là “long” mà lại là “mạch” thì đâu có bất di bất dịch. Ngay cả các lục địa cũng còn “trôi dạt” nữa cơ mà! Vả lại nếu tin có “Trời” thì triều Lê đóng đô nơi đó cũng đã bị suy. Long mạch chắc đã dời đi nơi khác.

Vả lại thịnh hay suy là ở sự được lòng dân hay không, không lẽ ở cái “long mạch”?

Bùi Trọng Liễu