Góp phần “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”

Võ Công Nghiệp

Tạp chí Địa chất số 294 (5–6/2006) có đăng trong chuyên mục "Trao đổi ý kiến" bài viết của GS Vũ Khúc "Gắng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Bài báo nêu lên những sai sót về từ ngữ, văn phạm, cú pháp trong nhiều bài gửi đăng Tạp chí với mục đích trao đổi ý kiến nhằm tiến tới sự thống nhất thuật ngữ, chính tả và cách trình bày bài viết sao cho trong sáng, chuẩn xác. Là người đã có thời gian tham gia Ban Biên tập Tạp chí Địa chất, từng gặp không ít trường hợp tương tự những điều anh Khúc đã nêu, chúng tôi rất tâm đắc với các ý kiến của tác giả nên tuy không phải là người am hiểu nhiều về ngôn ngữ học, cũng xin mạnh dạn đóng góp một vài ý kiến. Trước tiên cần nói rằng những sai sót thường gặp trong các bài viết là muôn hình vạn trạng nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin bám sát những điều mà anh Khúc đã nêu để bàn luận.

1. Về cách viết hoa "Trái đất" hay "Trái Đất"? Theo anh Khúc, "từ khi còn ngồi ghế nhà trường chúng ta đã được dạy là chỉ có tên người và địa danh phải viết hoa toàn bộ, còn các loại tên khác chỉ viết hoa từ thứ nhất" nên viết Trái Đất là sai mà phải viết là Trái đất. Về vấn đề này xin được trao đổi 2 ý:

- Thứ nhất, hãy xem từ "địa danh" trong lời dạy dỗ của thầy cô chỉ cái gì? Anh Khúc không đồng ý viết hoa cả 2 chữ Trái và Đất có nghĩa là anh không xem từ Trái đất là một địa danh. Điều này hơi lạ, vì chỉ cái tên Trái Đất đã nói lên nó là một vật thể có tên tuổi riêng, có vị trí xác định trong hệ Mặt Trời, phân biệt rõ ràng với các thiên thể khác. Vậy thì tại sao nó không phải là một địa danh? Theo chúng tôi phải khẳng định Trái Đất là địa danh và đương nhiên nó phải được viết hoa toàn bộ.

- Hai là, về mặt ngôn ngữ "Trái Đất" là danh từ riêng gồm 2 từ, trong đó theo cấu trúc tiếng Việt thì từ đứng sau có chức năng thể hiện nội hàm chính của danh từ: Đất. Còn từ đứng trước là danh từ chỉ loại thể hay còn gọi là phó danh từ - noun adjunct, chỉ đóng vai trò xác định thể loại của đối tượng mà danh từ nói đến (ở đây là từ Trái hay Quả). Thế thì tại sao từ phụ được viết hoa mà từ chính lại không? Từ cách phân tích như vậy chúng tôi thấy phải viết Trái Đất mới đúng (các từ điển tiếng Việt có uy tín của Hoàng Phê, Nguyễn Như Ý và Từ điển Bách khoa đều viết hoa cả). Mà một khi Trái Đất được viết hoa thì cả "họ hàng" trong hệ thống như Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Hoả,... đương nhiên cũng phải được viết hoa toàn bộ.

2. Về cách viết hoa Đệ Tam, Đệ Tứ. Anh Khúc cho rằng phải viết Đệ tam, Đệ tứ mới đúng. Theo chúng tôi "Tam, Tứ" ở đây không phải là số từ (numeral) mà đã trở thành danh từ riêng chỉ tên những phân vị địa tầng nhất định và nội hàm của những từ này nằm ở các chữ Tam, Tứ đó, chứ không phải ở chữ Đệ. Và với các lập luận như điểm 1, chúng tôi thấy phải viết Đệ Tam, Đệ Tứ mới chuẩn xác.

3. Về từ "lãnh thổ". Anh Khúc phê phán cách dùng từ "lãnh thổ" trong "lãnh thổ Nam Trung Bộ", cho rằng viết như vậy là "sái" vì theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) thì "lãnh thổ" chỉ có nghĩa là "đất đai thuộc chủ quyền của một nước". Nhưng đồng thời anh cũng trích dẫn định nghĩa từ lãnh thổ (territory) của từ điển Anh - Việt (Viện Ngôn ngữ học) là: 1) đất đai, địa hạt, lãnh thổ; 2) khu vực, vùng, miền". Như vậy rõ ràng là từ "lãnh thổ" đâu chỉ có một nghĩa duy nhất như Từ điển tiếng Việt mà còn có các nghĩa khác và gọi Nam Trung Bộ là lãnh thổ theo nghĩa 2 của từ điển Anh - Việt thì có gì là sai? Đến đây xin nói thêm, chính người viết bài này cũng đã từng dùng từ "lãnh thổ" để chỉ phần đất Nam Trung Bộ. Nguyên do là hiện nay trong tiếng Việt vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về các phân bậc địa lí. Cùng một dải đất Nam Trung Bộ nhưng có người gọi là miền Nam Trung Bộ, có người gọi là khu vực Nam Trung Bộ hay vùng Nam Trung Bộ (cũng giống trường hợp toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương được người ta gọi là "khu vực", trong khi chỉ một đoạn vỉa hè nhỏ trước cổng một cơ quan nào đó cũng thấy biển đề "khu vực cấm bán hàng rong" hay "khu vực cấm đổ rác"!,...). Do vậy khi cần gọi Nam Trung Bộ theo một phân bậc địa lí nào đó chúng tôi rất lúng túng, không biết nên gọi nó là miền, khu vực hay vùng? Và cách giải thoát thượng sách được chọn là dùng một từ phiếm định "lãnh thổ", nghĩ rằng nó vừa không sai gì về ngữ nghĩa, vừa tránh được sự tranh cãi không cần thiết. Như vậy, ý kiến của anh Khúc đối với từ "lãnh thổ" chỉ dựa vào một định nghĩa duy nhất của Hoàng Phê là có phần phiến diện.

4. Về cách viết địa danh. Đây là vấn đề liên quan đến cả cộng đồng, đòi hỏi phải giải quyết ở tầm cỡ quốc gia chứ riêng một ngành, hơn nữa là một Tạp chí, không thể làm nổi. Nhưng vì trong bài báo anh Khúc có đề cập tới nên chúng tôi cũng xin tham gia một ý kiến nhỏ. Theo anh Khúc thì "các địa danh trên lãnh thổ Việt phải viết theo luật của chữ quốc ngữ". Chúng tôi thấy đối với những địa danh tiếng Việt và tiếng các dân tộc miền núi phía Bắc thì việc áp dụng nguyên tắc do anh Khúc đề xuất có lẽ không gặp phải vướng mắc gì lắm (do sự tương đối gần gũi về hệ ngôn ngữ và sự giao lưu cộng đồng khá chặt chẽ trong quá trình lịch sử). Nhưng đối với những địa danh trong các vùng dân tộc phía thì chắc chắn là sẽ rất phức tạp do sự khác biệt khá xa về ngôn ngữ giữa các dân tộc (Êđê - Xê đăng - Bahnar, Mnông ở Tây Nguyên, Chăm ở Nam Trung Bộ, Khmer ở Nam Bộ,...). Trong ngôn ngữ của các dân tộc này có những âm, vần không thể viết chính xác bằng chữ quốc ngữ được. Vì vậy trên bản đồ các nhà địa lí, địa chất Pháp trước đây cũng như người Việt Nam về sau buộc phải dùng cách phiên âm, tuy rằng có thể không chuẩn xác hoàn toàn nhưng cũng "na ná", khi đọc lên không gây nhầm lẫn nơi này với nơi nọ. Nay ta áp đặt cách viết theo luật chữ quốc ngữ (ví dụ Pleiku đổi lại là Bờ - Lây - Cu, vì trong chữ quốc ngữ không có các âm pl, ei) thì có khi đọc người ta không biết nó ở đâu và rắc rối hơn là buộc phải sửa lại các địa danh trên bản đồ, báo cáo và các ấn phẩm khác nên ắt không tránh khỏi một cuộc "đại náo" địa danh. Thành thử ta muốn chấn chỉnh lại sự "lung tung" (từ của anh Khúc) này nhưng lại gây ra sự "lung tung" khác, càng "lung tung" hơn. Vậy xin hãy kiên nhẫn chờ đợi công trình nghiên cứu của ngành Địa chính và quyết định cuối cùng của cơ quan có trách nhiệm (có lẽ phải lên đến cấp Chính phủ hoặc Quốc hội).

Trên đây là một số ý kiến có thể còn nông cạn nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Biên tập và với lòng nhiệt thành, chúng tôi xin mạnh dạn nêu ra, mong được các nhà ngôn ngữ học uyên thâm chỉ giáo thêm. Còn những vấn đề khác "mà những vấn đề đó được nêu ra bởi GS Vũ Khúc" thì chúng tôi hoặc là đồng ý hoàn toàn (như cách viết đuôi ui - uy, việc chấn chỉnh cách diễn đạt theo văn "tây",...) hoặc còn phải suy nghĩ thêm (như việc vay mượn và Việt hoá thuật ngữ tiếng nước ngoài,...) nên xin hẹn dịp khác.

Võ Công Nghiệp