Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Ẩm thực > Rau quả > Tác dụng của chuối

Tác dụng của chuối

Thứ Ba 13, Tháng Mười Một 2007

Chuối được dùng làm thuốc trong cả Đông y và Tây y. Ở các nước phương Tây, bệnh nhân bị tiêu chảy thường được bác sĩ khuyên ăn chuối. Chất pectin trong chuối làm nhẹ bớt chứng tiêu chảy và giảm nguy cơ ung thư ruột. Loại quả này còn giúp thức ăn dễ tiêu, kích thích tái tạo niêm mạc dạ dày, tăng tiết chất nhầy và làm lành các vết loét ở bộ phận này.

Chuối chín chứa nhiều protein, glucid, các loại vitamin (nhất là vitamin C và B6), các chất khoáng, đặc biệt là kali. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, chuối chín có tác dụng giảm buồn nôn, giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt, chống xơ vữa động mạch.

Giáo sư Sany (Đại học Tokyo, Nhật Bản) đã so sánh hoạt tính miễn dịch của rất nhiều loại quả và đi đến kết luận: Quả chuối tiêu có khả năng lớn nhất trong việc tăng cường hệ miễn dịch, tăng bạch cầu và sinh ra chất INF để tiêu diệt các tế bào khác thường. Các nhà khoa học Nhật Bản đang nghiên cứu để tìm ra hoạt chất chống ung thư trong quả chuối.

Do có hàm lượng kali cao, chuối có khả năng phòng và chữa bệnh cao huyết áp. Theo một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), để chữa trị bệnh này, bệnh nhân cần ăn 5 quả chuối mỗi ngày (được khoảng 2,3g kali). Còn các nhà nghiên cứu Â’n Độ lại cho rằng, chỉ cần ăn mỗi ngày 2 quả chuối là đủ để huyết áp giảm xuống sau một thời gian ngắn. Một số người tình nguyện ở Đại học Manipal đã ăn chuối với liều lượng này và chỉ sau một tuần, huyết áp của họ giảm 10%. Các nhà khoa học Ấn Độ giải thích, cơn cao huyết áp xuất hiện do tác động của chất gây co mạch máu; và một hợp chất trong chuối (nhất là chuối chín) có tác dụng ức chế enzyme tạo ra chất này. Họ khuyên rằng, những bệnh nhân đang dùng thuốc hạ áp không nên ăn chuối để tránh sự cộng hưởng tác dụng.

Trong quả chuối chín cũng có một chất đặc biệt giúp não sản sinh ra chất hydroxylamin, làm giảm nhẹ tâm trạng lo lắng, buồn phiền. Do đó, những người bị stress, xúc động mạnh hoặc buồn bực quá mức nên ăn 2-3 quả chuối/ngày.

Ngoài ra, chuối còn được nghiên cứu trong lĩnh vực da liễu. Vỏ quả chuối tiêu chứa một hoạt chất có tác dụng ức chế sự sinh sản, phát triển của vi khuẩn và nấm, giúp chữa trị các bệnh mẩn ngứa. Từ dược liệu này, các nhà khoa học Anh đã sản xuất một loại thuốc chữa vẩy nến (tên thương phẩm là Exorex).

Trong y học cổ truyền, chuối cũng được sử dụng như một vị thuốc quý. Loại quả này vị ngọt, tính bình, có khả năng bổ tỳ vị, nhuận tràng, lợi tiểu, chữa bệnh ngoài da. Theo sách "Bản thảo cầu nguyên", chuối có tác dụng chỉ khát, nhuận phế, giải say rượu, thanh tỳ, hoạt trường...

Sau đây là một số bài thuốc cụ thể:

- Chữa trĩ: Lấy 1-2 quả chuối tiêu bỏ vỏ, thái từng miếng, cho thêm chút đường phèn vào hấp cách thủy cho chín, mỗi ngày ăn 1-2 lần, ăn liên tục vài ngày.
- Trị lang ben, hắc lào: Bổ dọc quả chuối tiêu xanh, xát mạnh mặt cắt lên vùng bệnh. Làm nhiều lần.
- Trị mụn nhọt: Chuối tiêu xanh bỏ vỏ, nghiền nát, đắp vào chỗ bị tổn thương, ngày 2 lần.
- Bồi bổ cho người già, người suy nhược: Chuối tiêu chín 15 quả bóc bỏ vỏ, ngâm với 1 lít rượu gạo trong 15 ngày. Mỗi ngày dùng 30-35 ml.
- Chữa táo bón cho trẻ em: Lấy 1-2 quả chuối tiêu chín nướng trên bếp than cho đến khi vỏ quả ngả màu đen, chín nhũn. Để gần nguội thì cho trẻ ăn.