Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Việt Nam – nơi có cuộc sống vui vẻ nhất châu Á?

Việt Nam – nơi có cuộc sống vui vẻ nhất châu Á?

Thứ Ba 20, Tháng Mười Một 2007

Ngày 12/7/2006, Quỹ Kinh tế Mới (NEF, tức New Economy Foundation, trụ sở tại London) công bố bảng xếp hạng 178 nước và vùng xét theo “Chỉ số trái đất vui vẻ”; trong đó Việt Nam (xếp hạng thứ 12) là nước sống vui vẻ nhất châu Á; còn đảo quốc tí hon Vanuatu (ở châu Đại dương, xếp đầu bảng) là nơi vui vẻ nhất thế giới.

Đáng chú ý là các quốc gia công nghiệp phát triển cao đều không có tên trong 50 nước đầu bảng: Mỹ xếp hạng thứ 150, Nga – 172, Pháp – 129, Canada – 111, Anh – 108, Nhật – 95, Đức – 81, Ý – 66, Singapore – 131.

“Chỉ số trái đất vui vẻ (Happy Planet Index, HPI)” là khái niệm do NEF đưa ra nhằm đánh giá yếu tố môi trường trong việc phát triển kinh tế, với mong muốn từ một góc độ mới đánh giá sự giàu có của một quốc gia. HPI khảo sát bản chất của phát triển kinh tế, tức mối quan hệ tỷ lệ giữa nguồn tài nguyên đầu tư vào phát triển với các sản phẩm cần dùng cho cuộc sống và niềm vui của người dân. Bảng xếp hạng nói trên nhằm để cảnh báo mọi người biết: tiêu dùng quá mức tài nguyên thiên nhiên không có nghĩa là tạo ra được cuộc sống vui vẻ hạnh phúc.

Người ta sử dụng 3 chỉ số sau để tính toán HPI: - Tuổi thọ dự kiến (Life expectancy), - Mức độ hài lòng về cuộc sống (Life satisfaction), - Vết chân sinh thái (Ecological Footprint).

Các nước đều có thống kê chỉ số tuổi thọ: trẻ sinh ra ở Nhật có thể sống tới 82 tuổi, còn trẻ em Swaziland lại chỉ hy vọng sống được 32 tuổi. Chỉ số hài lòng được đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 10 (1 là không hài lòng; 10 là rất hài lòng) và tiến hành điều tra trong dân chúng. Tại Zimbabwe, 29,4% dân được hỏi nói là họ cho điểm 1, chỉ có 5,7% cho 10 điểm. 28,4% dân Đan Mạch đánh giá điểm của họ là 10, chỉ có dưới 1% cho điểm 1.

“Vết chân sinh thái” được định nghĩa là “Diện tích mặt đất và mặt nước (thường dùng đơn vị tỷ hécta - giga hectare - Gha) mà một quần thể người dùng vào việc sản xuất các của cải vật chất cần thiết để nuôi chính họ và vào việc hấp thu các phế thải sinh ra bởi công nghệ của họ”. Thuật ngữ có tính ẩn dụ này do nhà sinh thái học William Rees (người Canada) nêu ra năm 1992. Dùng khái niệm đó có thể dự kiến được tính chất bền vững trong phát triển môi trường, xác định định lượng nhu cầu của nhân loại đối với tài nguyên thiên nhiên trên toàn cầu, có thể đánh giá mức độ phá hoại của loài người đối với môi trường.

“Chỉ số trái đất vui vẻ” HPI được tính theo công thức:

HPI = (LS × LE) : EF

trong đó LS là mức độ hài lòng về cuộc sống; LE là tuổi thọ dự kiến của người dân; EF – chỉ số vết chân sinh thái.

Chỉ số HPI đánh giá hiệu quả của môi trường đối với tuổi thọ và mức độ hạnh phúc hài lòng về cuộc sống. Chỉ số này làm cho dư luận ngạc nhiên, thậm chí sốc. Khái niệm sống sung sướng (well-being) không đồng nghĩa với tiêu dùng cao. Chẳng hạn Estonia tiêu dùng cao nhưng người Estonia lại sống không sướng, không vui bằng người Dominic tiêu dùng thấp hơn. Na Uy được gọi là thiên đường trên trái đất, lẽ ra phải được xếp cao nhất, nhưng lại xếp cuối bảng (115).

Nhìn chung, các nước ở Trung Mỹ có “chỉ số vui vẻ trái đất” bình quân tương đối cao, tuổi thọ đều trên 70, chỉ số vết chân sinh thái thấp dưới mức trung bình toàn cầu. Vùng này trước đây loạn lạc liên miên, 15 năm nay được yên ổn, người dân cảm thấy sống như hiện nay là rất hài lòng.

Các đảo quốc đều xếp hạng cao vì họ hài lòng với cuộc sống yên bình, tuổi thọ cao có lẽ vì khí hậu biển tốt, và có chỉ số “vết chân sinh thái” rất thấp.

10 nước đầu bảng là: Vanuatu, Colombia, Costa Rica, Dominica, Panama, Cuba, Honduras, Guatemala, El Salvador, St. Vincend và the Grenadines. 10 nước cuối bảng là (từ trên xuống dưới): Chad, Turkmenistan, Guinea xích đạo, Lesotho, Nga, Estonia, Ukrraine, CHDC Congo, Burundi, Swaziland và Zimbabwe.

Từ chỉ số HPI, có thể đánh giá được hiệu suất sử dụng tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia trong việc tạo ra phúc lợi cho dân chúng. Hiệu suất này càng cao thì nhân dân nước đó càng được hưởng niềm vui thật sự trong cuộc sống. Nó nói lên một cách sống: không những đời sống cao mà còn cần giảm phá hoại môi sinh.

Các nước công nghiệp phát triển có chỉ số vui vẻ thấp là do họ có chỉ số vết chân sinh thái quá cao. Các nước xếp ở đầu bảng đều có mức độ phá hoại môi trường thấp.

Chỉ số HPI của một số nước

Nước / vùng LS LE EF (Gha) HPI Xếp hạng
Vanuatu 7.4 68,6 1,1 68,2 1
Việt Nam 6,1 70,5 0,8 61,2 12
Trung Quốc 6,3 71,6 1,5 56 31
Nhật Bản 6,2 82,0 4,3 41,7 95
Lào 5,4 54,7 1,0 40,3 109
Na Uy 7,4 79,4 6,2 39,2 115
Mỹ 7,4 77,4 9,5 28,8 150
Zimbabwe 3,3 36,9 1,0 16,6 178

Nước cộng hòa Vanuatu có 212 nghìn dân, mật độ dân 37 người/dặm2 (so Việt Nam: 648). GDP bình quân đầu người thấp (2900 USD). Tài nguyên thiên nhiên chỉ có quặng mangan, gỗ và cá. Công nghiệp chỉ có các nhà máy đông lạnh hải sản, chế biến gỗ, đóng hộp thịt. Gần một nửa số dân mù chữ. Mức độ tiêu dùng thấp: bình quân 1000 dân có 12 ti-vi, 350 máy thu thanh; cả nước có 7100 máy điện thoại và 5500 người dùng Internet. Khi biết tin nước mình được xếp đầu bảng “chỉ số vui vẻ”, báo mạng “Vanuatu online” viết: “Quả thật dân chúng nước chúng tôi đều rất vui vẻ, vì họ rất dễ thỏa mãn. Vanuatu không phải là nước tiêu dùng, nhân dân chúng tôi chỉ quan tâm đến gia đình và cộng đồng, họ sống chẳng có nỗi lo âu gì.” Thực ra thì Vanuatu ngoài lo bão ra còn lo động đất nữa./.

Nguyên Hải