Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Quan niệm > Nhân văn > Lão Tử và Khổng Tử

Lão Tử và Khổng Tử

Thứ Năm 8, Tháng Hai 2007

Tư tưởng của hai nhân vật cổ đại này có ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến Việt Nam. Theo các học trò Khổng Tử chép lại thì Khổng Tử từng nhắc đến Bách Việt là chủng tộc biết trồng lúa nước, uống trà, v.v.

Lão Tử 老子

Rất ít điều được biết về cuộc đời Lão Tử. Sự hiện diện của ông trong lịch sử cũng như việc ông viết cuốn "Đạo Đức Kinh" đang bị tranh cãi rất nhiều. Nhưng Lão Tử đã trở thành một nhân vật văn hoá quan trọng đối với các thế hệ người Trung Quốc tiếp sau. Truyền thuyết cho rằng ông sinh ra ở huyện Khổ, nước Sở, hiện nay là Lộc Ấp thuộc tỉnh Hà Nam, trong những năm cuối Thời Xuân Thu. Một số truyền thuyết nói rằng khi sinh ra tóc ông đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ tám hay tám mươi năm, điều này giải thích cho cái tên của ông, có thể được dịch thành "bậc thầy già cả" hoặc "đứa trẻ già".

Theo truyền thuyết và Sử ký của Tư Mã Thiên, Lão Tử là người đương thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử và làm chân giữ sách trong thư viện triều đình nhà Chu. Khổng Tử đã tự tìm hay đã tình cờ gặp Lão Tử ở đất Chu, gần Lạc Dương, nơi Khổng Tử đến đọc sách trong thư viện đó. Trong nhiều tháng tiếp theo, Khổng Tử đã tranh luận với Lão Tử về tam cương ngũ thường, lễ nghi phép tắc, vốn là những nền tảng của Khổng giáo nhưng đều bị Lão Tử phản đối mạnh mẽ và cho là vô ích. Truyền thuyết kể rằng những cuộc tranh luận đó có ích cho Khổng Tử nhiều hơn so với những gì có trong thư viện.

Sau này, Lão Tử thôi việc, có lẽ bởi vì quyền lực của triều đình nhà Chu đã sụp đổ. Một số người cho rằng ông đã cưỡi trên lưng một con trâu đi về phía Tây qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn. Nghe nói một người lính gác ở một cửa ải phía tây Vạn lý trường thành đã thuyết phục Lão Tử viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Trước lúc ấy, Lão Tử mới chỉ nói ra các triết thuyết của mình mà thôi, giống như trường hợp của Jesus, Phật, và Khổng Tử (những cuốn Kinh của họ hầu như chỉ được hoàn thành bởi các đệ tử). Theo yêu cầu đó, Lão Tử đã viết để lại "Đạo Đức Kinh". Trong nhiều cuốn sách và tranh vẽ về Lão Tử, người ta thường thể hiện một ông già hói đầu với chòm râu rất dài và cưỡi trên lưng một con trâu.

Với tác phẩm "Nam hoa kinh", Trang Tử (莊子; ≈365–290 trước CN) là đại biểu ưu tú nhất trong việc phát triển tư tưởng của Lão Tử. Đến cuối đời Hán thì Đạo giáo ra đời cùng với các tu sĩ và các cuộc khởi nghĩa nông dân, càng về sau càng trở thành thần bí. Tuy nhiên tư tưởng Lão Trang đã ảnh hưởng không nhỏ đến giới triết gia và văn sĩ, nhất là những người chán ghét quan trường và bất công xã hội.

Khổng Tử 孔子

Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) trong một gia đình mà ông tổ ba đời vốn thuộc dòng quí tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ. Cha của Khổng Khâu là lực sĩ Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương) làm quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy cô gái trẻ Nhan thị mà sinh ra ông. Năm lên ba, Khâu mồ côi cha, lớn lên, phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học.

Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho. Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, hay gọn hơn là Khổng Tử, có nghĩa là "Thày Khổng". Khi dạy, ông luôn đòi hỏi học trò phải suy nghĩ.

Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng mình. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại tư khấu (coi việc hình pháp), kiêm quyền tể tướng. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi bị ly gián, dèm pha, ông bèn từ chức và lại ra đi một lần nữa. Khác với Lão Tử, ông chủ trương "nhập thế" giúp vua cai trị. Sau khi liên tiếp bị thất bại trong quan trường, năm 68 tuổi Khổng Tử trở về nước Lỗ tiếp tục dạy học, biên soạn và viết sách.

Khổng Tử mất tháng 4 năm 479 trước công nguyên, thọ 73 tuổi, được mai táng tại Khúc Phụ, quê hương ông. Khổng miếu, mộ Khổng Tử và khu nhà thờ của họ Khổng nay là một di sản thế giới do UNESCO công nhận.

Tác phẩm của Khổng Tử được các học trò hoàn chỉnh và 5 thế kỷ sau thì trở thành kinh sách Nho giáo, thống trị phần lớn tư tưởng chính thống ở Trung Quốc, Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản cho đến tận đầu thế kỷ 20.

Mạnh Tử (孟子; Meng Zi; 372–289 trước CN) là đại biểu ưu tú nhất trong việc phát triển tư tưởng của Khổng Tử.


Xem online : NHO GIÁO Ở VIỆT NAM