Trương Tửu - nhà phê bình khoa học ở Việt Nam
“Lối viết của ông khác với lối viết thông thường, phổ biến. Trong Phê bình văn học, ông đi sâu hơn vào nghiên cứu khoa học. Kiểu phân tích khoa học, ứng dụng khoa học vào phê bình đó giúp tôi công cụ, phương pháp, cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm” (dịch giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên)
“Người thầy với phương pháp tư duy khoa học”
Cách đây 94 năm (ngày 18-11-1913), cậu bé Trương Tửu đã chào đời tại Hà Nội trong một gia đình dân nghèo thành thị. Năm 1927, chàng trai trẻ tham gia bãi khoá ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả tác giả (Phạm Tất Đắc) bài thơ Chiêu hồn nước, rồi bị bắt và bị đuổi học. Bài báo đầu tiên của ông có nhan đề “Triết lý Truyện Kiều” đăng trên Đông Tây tuần báo tháng 11 năm 1931. Khi bút danh Trương Tửu bị cấm, ông đã phải lấy bút danh Nguyễn Bách Khoa để viết sách. Không chỉ viết báo, sách, ông còn là một nhà giáo, giáo sư, thầy thuốc châm cứu. Dù ở bất cứ cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của mình, được bạn bè, đồng nghiệp và các học trò yêu quý.
“Tôi học thầy Trương Tửu niên khoá 1954-1957. Với tôi, thầy Tửu là người mà cả lớp đều phải kính phục về tính thông minh. Tôi chưa thấy ai giảng hay như thầy, kể cả đọc cũng rất hấp dẫn. Tôi còn nhớ, khi nghe thầy đọc bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, đến nửa lớp chúng tôi đứng dậy để nghe. Điểm đặc biệt nữa ở thầy là luôn tạo cho học sinh phương pháp tư duy. Tôi rất kỳ lạ bởi thầy học môn xã hội mà lại có phương pháp tư duy khoa học như thế. Thầy còn rất quý học sinh, giữa chúng tôi và thầy không hề có khoảng cách. Thầy coi chúng tôi như con và chúng tôi cũng coi thầy như cha”, bác Đoàn Minh Tân, một cựu học trò của cố giáo sư Trương Tửu, tâm sự trong buổi Gặp mặt tưởng nhớ Nhà văn- Giáo sư Trương Tửu nhân kỷ niệm 94 năm ngày sinh của ông (1913-2007) vừa được tổ chức ngày 2-11 tại Thư viện-Café Đông Tây, Hà Nội.
Nhận thấy trong tay người học trò tóc đã điểm nhiều sợi bạc này một cuốn sách nhỏ in hình giáo sư Trương Tửu nhân sự kiện giáo sư thượng thọ 80 tuổi, tôi ngạc nhiên hỏi: “Bác vẫn còn giữ cuốn đó đến ngày nay?”, bác trả lời: “Tôi và vài người bạn ở TP Hồ Chí Minh ra đợt này quyết định in mấy trăm cuốn về bài khảo cứu chúng tôi sưu tầm được này để tặng những người bạn cùng lớp họp mặt vào hôm tới. Chúng tôi cũng đã cho in một cuốn sách trong đó có bài viết về Từ Hải của Giáo sư Trương Tửu. Cụ viết tài tình lắm!”.
Nhiều người trong buổi gặp mặt cũng đồng quan điểm với người học trò này.
“Nhà phê bình khoa học”
Đọc Trương Tửu hơi muộn, do hoàn cảnh lịch sử của một thời mà công trình của giáo sư ít được công khai, nhưng nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại bắt gặp và phát hiện trong phê bình văn học, Trương Tửu đi sâu vào nghiên cứu khoa học. Như vậy, so với lối phê bình theo kiểu trực giác, duy cảm một thời (hiện nay vẫn đang tồn tại-PV), lối phê bình khoa học của Trương Tửu gây sự khác lạ, chú ý. “Sau này, do hoàn cảnh làm việc của tôi, càng đọc, tôi càng cảm phục ông. Ông cũng như các nhà phê bình khác, cũng có trực giác. Những bài ông bình về thơ và phân tích thơ Tản Đà rất hay và vẫn còn có ý nghĩa đến thời nay. Ông có khác hơn là bởi kiểu phân tích khoa học trong văn học. Hơn nữa, khi mà lối phê bình hiện nay đang chuyển dịch từ cảm tính sang lý tính, thì việc học hỏi ông là điều cần thiết, và sự xuất bản cuốn “Trương Tửu-Tuyển tập nghiên cứu phê bình” (NXB Lao động và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây phát hành quý 4/2007) là rất đúng lúc”- Ông Phạm Xuân Nguyên quả quyết.
Phê bình khoa học, phương pháp mà theo Trương Tửu cần “gác bỏ hết những tình cảm riêng, những thành kiến và dư luận đã định giá thi nhân này, tác phẩm nọ” để “làm hết nghĩa vụ của một nhà phê bình tôn thờ khoa học” (Nguyễn Du và Truyện Kiều, 1942). Chữ “khoa học” được Trương Tửu dùng với hai nghĩa: thứ nhất, sự “khách quan” trong phân tích đánh giá sự kiện, hiện tượng; thứ hai, khả năng vận dụng các lý thuyết của những bộ môn khoa học như tâm lý học, di truyền học, xã hội học vào phê bình văn chương.
Trương Tửu đã “minh chứng” hiệu quả của lối phê bình khoa học bằng việc làm “cũ” nhất trong văn học chúng ta là bàn về “Truyện Kiều”. Ông cho rằng, phê bình văn học phải tìm hiểu cá tính nhà văn; cá tính là “thể cách riêng của một nhà văn. Nhờ có cá tính mà mỗi người chúng ta cảm xúc, suy nghĩ và hành động một cách khác, không giống ai”.
“Người biết đặt vấn đề”
PGS.TS Trần Ngọc Vương cho biết, cuốn sách “Tâm lý và Tư tưởng Nguyễn Công Trứ” của cố giáo sư Trương Tửu có giá trị đặt dấu mốc cho những nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ. Ngoài ra, ông còn nhận thấy: “Kinh thi Việt Nam” được Trương Tửu viết trong khoảng thời gian 1941-1946, đọc không thật hấp dẫn nhưng cách đặt vấn đề thì rất hay bởi “Kinh thi Việt Nam” là ý thức tạo tác ra chuẩn mực cổ điển. Trương Tửu đã hệ thống hoá giá trị của ca dao, dân ca Việt Nam để tìm ra cái giá trị nền tảng của văn hoá Việt Nam, đấy là cách đặt vấn đề rất thú vị”.
PGS.TS Trần Ngọc Vương thể hiện sự tiếc nuối bởi vì “nếu mà mình đọc sớm hơn cuốn viết về Nguyễn Công Trứ thì sẽ phát triển được một số ý tưởng ở đây và hoàn thiện hơn một số ý tưởng của cụ”. Nhưng ông cũng mừng vì trong lớp người đi trước, có người nói đúng ý mình và gần với mình.
Trương Tửu là người dường như không hề thờ ơ trước bất cứ kiến thức nào. Ông hiểu thông và vận dụng sáng tạo các thuyết và học thuyết. Có lẽ chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng, trước năm 1945, ông là một nhà mác-xít. Để lý giải ông có mác-xít hay không thì một cuộc gặp mặt không thể giải đáp hết được. Nhưng không thể phủ nhận năng lực nhạy cảm với cái mới của Trương Tửu. “Ông còn có trực giác tiền lý trí về vấn đề lịch sử văn hoá, văn học, những vấn đề tồn nghi (chưa ai giải thích)”, PGS. TS Vương nhấn mạnh.
Không chỉ là nhà phê bình văn học, Trương Tửu còn viết tiểu thuyết. Gia đình của ông cho biết, sau cuốn “Trương Tửu-Tuyển tập nghiên cứu phê bình”, sưu tầm, biên soạn bởi TS Trịnh Bá Đĩnh và PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, không dưới 10 cuốn tiểu thuyết là những sáng tác của ông sẽ đến tay bạn đọc.
Để hiểu và đánh giá về Trương Tửu, có lẽ phải cần sự nghiên cứu sâu hơn của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, phê bình văn học… Một hội thảo khoa học về ông đã được Khoa văn, Đại học Sư phạm Hà Nội lên ý tưởng và chắc chắn sẽ sớm thành hiện thực để ông được như các bạn của mình thoát khỏi cái bóng của vụ Nhân văn-Giai phẩm hồi nào.
Bài và ảnh: MAI HƯƠNG (QĐND)
"Trương Tửu-Tuyển tập nghiên cứu phê bình" gồm ba phần:
I- Nhập cuộc văn chương đương đại, gồm các tiểu luận nghiên cứu, phê bình, chân dung tác gia văn học hiện đại đã in báo (Một quan niệm về văn chương, Văn chương Việt Nam hiện đại, Văn học Việt Nam hiện đại, Những cái hay của thơ Tản Đà, Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam cận đại…).
II- Về nguồn văn học dân tộc, gồm các công trình nghiên cứu, tiểu luận chuyên sâu về văn học truyền thống dân tộc (Triết lý Truyện Kiều, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Kinh thi Việt Nam, Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam…).
III- Người trong cõi nhớ, gồm Phụ lục: các bài viết về Trương Tửu